Ngày đăng : 08/07/2015

Tản văn: dễ viết, khó hay


5 năm trở lại đây, tản văn là thể loại được nhiều nhà văn và độc giả chú ý, bởi nó thỏa mãn nhu cầu phản ánh cũng như tìm về sự thật. Ngắn gọn về câu chữ, tản văn được coi là “đồ ăn nhanh” của người đọc, nhưng với nhiều nhà văn, để có “món ăn” ngon, tác phẩm hay, hoàn toàn không dễ.

“Đồ ăn nhanh” của thời đại đọc nhanh

Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, tản văn có lịch sử vài trăm năm, nhưng đang nổi lên như một thể loại chính của văn học Việt Nam; những năm gần đây có sự bùng nổ cả về số lượng người viết, đầu sách được xuất bản và người đọc. Về phía người viết, tản văn hấp dẫn bởi nhiều lý do, trong đó có nhu cầu chia sẻ cảm nghĩ, hoài niệm, kinh nghiệm sống. Nhiều nhà văn có tiếng cũng thử sức với thể loại này. Còn về phía độc giả, trong cuộc sống gấp gáp hiện nay, tản văn được coi là “fast food” (đồ ăn nhanh), bởi số lượng chữ ít, chỉ một vài trang, độc giả không tốn quá nhiều thời gian để thưởng thức.

Nói tản văn là “đồ ăn nhanh” còn bởi thể loại này thường gắn với báo chí, nội dung đi vào những vấn đề nóng bỏng của xã hội. Những người chuyên về tản văn hầu như đều được đặt viết, giữ chuyên mục cho các tờ báo, nên nhà văn không thể viết chậm, buộc phải cho tác phẩm ra đời đúng thời điểm. Nhà văn Trương Quý (tác giả của các tập tản văn như Tự nhiên như người Hà Nội, Ăn phở rất khó thấy ngon, Xe máy tiếu ngạo, Dưới cột đèn rót một ấm trà...) nhận định: tản văn là thứ thời sự, đi cùng hơi thở cuộc sống mà nhà văn trải nghiệm. Ngoài những tác phẩm nói về những sự kiện của đời sống xã hội với ngòi bút sắc bén, lý luận chặt chẽ, còn có tản văn hướng nội, có thể là cảm xúc kỷ niệm về thời thơ ấu, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của nhà văn... Tuy vậy các tác phẩm này đòi hỏi độ lắng về chữ.

Về phía đơn vị phát hành, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ Nguyễn Minh Nhựt chia sẻ: khi phát triển dòng sách này, ngay trong nhà xuất bản cũng có ý kiến cho rằng tản văn ít độc giả, nhưng doanh số đã chứng minh cho nhu cầu đọc thể loại này. “Trong 3 năm trở lại đây, Nhà xuất bản Trẻ đã có 47 đầu sách (tản văn) được ấn hành, trong đó, tác giả ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm tỷ trọng lớn. Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, đã có 18 đầu sách với doanh số hơn 32.000 bản tại chi nhánh Hà Nội. Khoảng 2.000 bản cho một đầu sách văn học là không lớn, nhưng với kết quả ấy, chúng tôi tiếp tục thẩm định và cho xuất bản các tập tản văn”.

Thách thức người viết

Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam nhận định: tản văn là “fast food” theo nghĩa “chế biến” nhanh, “tiêu thụ” cũng nhanh. Tuy nhiên, đồ ăn nhanh có loại ngon, loại dở. Tản văn hay phải có giọng văn độc đáo, khiến độc giả nhớ mãi, dù nội dung thông tin có thể quên. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng cho rằng: khác với tiểu thuyết rất chặt chẽ về cấu trúc, tản văn có kết cấu tự do, được xây dựng bất chấp mọi quy tắc, logic, chỉ phụ thuộc vào liên tưởng, đề tài cụ thể, cách dẫn dắt đề tài đậm nét chủ quan... Chính vì vậy, nó thách thức người viết, dễ viết nhưng viết hay thì không dễ.

Thực tế, trong nhiều cây viết tản văn, chỉ một số nhà văn để lại dấu ấn như: Nguyễn Ngọc Tư khai thác kỹ lưỡng, sáng tỏ, thông hiểu đời sống văn hóa vùng Tây Nam bộ với chất giọng riêng, giúp cho người đọc hiểu hơn về vùng sông nước; hay sự sắc sảo, trí tuệ của Phan Thị Vàng Anh khía vào những vấn đề nhạy cảm của đời sống, nhiều vấn đề bàn tán sôi nổi không thể giải quyết được, thì chỉ một bài viết có thể giúp độc giả nghĩ ra nhiều thứ hay; Nguyễn Việt Hà chinh phục độc giả bởi sự đa dạng trong đề tài, giọng văn hóm hỉnh, những phát hiện tinh tế... Từ thành công của những cây bút này, nhà phê bình Mai Anh Tuấn khẳng định: “để có tản văn hay, người viết phải loại bớt ký ức, hoài niệm cá nhân, đạt đến mức độ có chất khảo cứu. Hiện tại, viết tản văn đang đến cao trào, được báo chí nuôi dưỡng, nhưng nếu lúc nào đó, người viết chỉ hướng về cá nhân, hoài niệm, tự sự riêng tư thì tản văn sẽ tự rút lui và không có độc giả nữa. Người viết cũng cần nhận thức được rằng, tản văn là thể loại đòi hỏi nỗ lực lao động tương xứng, không đơn giản”.

Tản văn từng được coi như “văn học loại 2”, nhưng dần dần người trong nghề đã có cách nhìn khác. Một số ý kiến cho rằng, đã đến lúc các giải thưởng văn học cần ghi nhận, vinh danh thể loại này.

“Tản văn có số chữ không nhiều, nhưng vô cùng tốn chữ. Viết càng ngắn càng tốn chữ, vì mỗi chữ phải cân nhắc để nó truyền tải một ý tứ, thông điệp, không thể dùng một cách phí phạm... Vì ít chữ, đây cũng là môi trường tốt để rèn về chữ, về cách viết”.

Nhà văn Đỗ Phấn

“Một nhà văn và một người đọc chân chính không phân biệt thể loại mà quan tâm tới giá trị của tác phẩm. Tản văn cũng có đẳng cấp. Những tác phẩm tản văn của Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà... viết về các nhà văn phải nói là tuyệt vời. Có những tản văn của Cao Huy Thuần, Việt Linh... có thể đọc đi đọc lại vẫn được”.

Nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ


Lê Thủy
Nguồn: Người Đại Biểu