Ngày đăng : 15/07/2015

100 năm “Những người bạn Cố Đô Huế” (B.A.V.H)


Tháng 11-2013, tạp chí “Những người bạn Cố Đô Huế” (Bulletin des Amis du Vieux Huế (viết tắt là B.A.V.H) kỷ niệm 100 năm ấn hành. Tạp chí B.A.V.H là ấn phẩm của Hội Đô thành Hiếu Cổ, do Linh mục Léopold Cadière làm chủ bút. Dung lượng của tạp chí rất đồ sộ và công phu trong nghiên cứu, có tiếng vang rất xa và rất được độc giả trí thức khắp Đông Dương thời đó tán thưởng. Hội được thành lập cách đây 100 năm vào ngày 16/11/1913. Chương trình nghiên cứu của Hội bao gồm: “Toàn thể các sự kiện tạo thành cái mà chúng ta gọi là Huế cổ: Huế tiền sử, Huế Chăm, Huế An-Nam và Huế Âu”. Mục đích của hội là: “Sưu tầm bảo tồn và truyền đạt những dấu tích xưa về chính trị, tôn giáo, nghệ thuật và văn học châu Âu cũng như bản xứ liên quan đến Huế và vùng phụ cận”. Để thực hiện mục đích đó chỉ 1 năm sau khi thành lập, hội đã xuất bản Tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Huế. Số đầu tiên ấn hành đầu năm 1914. Tạp chí là một trong các tạp chí khoa học nổi tiếng có giá trị nhất, chuyên viết về các vấn đề văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, tôn giáo, phong tục, mỹ thuật, ngôn ngữ… của Huế và Việt Nam. Chính Tập san này đã vinh danh tên tuổi cho những người chủ trương và cộng tác, đứng đầu là Linh mục Léopold Cadière. Ông làm chủ bút suốt 30 năm tồn tại của Tạp chí và đóng góp trên dưới 160 bài viết được đánh giá có chất lượng cao, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Ban Biên tập tạp chí lúc đầu 10 người gồm cả người Việt và người Pháp; về sau thì đông hơn. Tính đến số cuối cùng (1944), số cộng tác viên cộng tác và viết bài lên tới hơn 140 vị, gồm các nhà nghiên cứu Pháp và Việt (có hơn 30 người Việt) như các nhân sĩ, trí thức Đào Duy Anh, Thượng thư Tôn Thất Hân, họa sĩ Nguyễn Đình Hòe, họa sĩ Tôn Thất Sa; Linh mục Pirey, Chapuis, Morineau… Tập san B.A.V.H đã ấn hành được 121 tập và 1 tập danh mục với tổng cộng khoảng 13.000 trang viết, 2800 phụ bản và 700 bảng khắc đen trắng hoặc màu rất công phu. Mỗi năm tạp chí ra mắt bạn đọc được 4 số riêng biệt, trung bình 3 tháng 1 số. Đây quả là một pho sách quí, một công trình khảo cứu văn hóa đồ sộ mà Linh mục Léopold Cadière và cộng sự đã để lại cho hôm nay và mai sau. Giá trị của nó còn giúp cho nhiều thế hệ sau này khi muốn nghiên cứu tìm hiểu về Huế xưa, triều Nguyễn và lịch sử Việt Nam.

Tạp chí được xuất bản bằng tiếng Pháp trong 30 năm (1914- 1944), và đình bản vào năm 1944 do các biến động chính trị xã hội thời bấy giờ. Nhưng cho đến nay, tất cả các nhà nghiên cứu Văn hóa lịch sử Huế trong cả nước ta đều lấy Tạp chí Đô Thành Huế Cổ làm tài liệt tham khảo chính khi viết sách, làm luận văn hoặc đề tài nghiên cứu,viết báo. Trong một cuộc họp của Bảo tàng Lịch sử & Cách Mạng Thừa Thiên Huế tháng 9/2013 vừa qua về Đàn Âm hồn Huế, đề dẫn của cơ quan chủ quản cũng như phát hiểu của các nhà nghiên cứu đều lấy dẫn chứng tư liệu về Đàn Âm hồn Huế được mô tả trong B.A.V.H. Riêng nhà nghiên cứu nổi tiếng Phan Thuận An còn mang theo cả một tập Những người bạn Cố Đô Huế để chứng minh sự thật lịch sử không thể chối cãi do chính người Pháp viết. Tất cả các ấn phẩm B.A.V.H đều được cất giữ, bảo quan cẩn trọng ở Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Ngày 30/4/2013, những ấn bản tạp chí đã được đem ra trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Điều đặc biệt, đây là những ấn bản tạp chí có tuổi đời gần trăm năm vẫn được giữ nguyên vẹn bìa màu khắc vẽ thời đó vẽ rất đẹp.

Theo tiến sĩ Nguyễn Duy Tờ, giám đốc Nhà xuất bản Thuận Hóa hiện nay, thời bao cấp kinh tế vô vàn khó khăn, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế thành lập năm 1988, thì mấy năm sau Tổng giám đốc Vương Hồng (lúc đó), với tầm nhìn xa, đã tính đến việc dịch và tái bản bộ sách quý Những người bạn Cố Đô Huế để phục vụ việc nghiên cứu học tập. Ông làm đề cương, tờ trình xin Bộ Văn hóa thông tin, Cục xuất bản và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Sau khi được trên đồng ý, Nhà xuất bản Thuận Hóa đã mời ông Đặng Như Tùng dịch B.A.V.H ra tiếng Việt và nhà giáo Bửu Ý, một chuyên gia tiếng Pháp hiệu đính. Năm 1997, tập 1 (1914) Những người bạn Cố Đô Huế tiếng Việt lần đầu tiên ra mắt bạn đọc. Từ đó cho đến nay, suốt 16 năm qua, NXB Thuận Hóa đã ấn hành được 27 tập (mỗi năm một tập) B.A.V.H, mỗi tập dày bình quân 500 trang khổ 14,5 x 20,5 cm. Còn 3 tập cuối (1942, 1943, 1944) đã chuẩn bị xong bản dịch, đang hiệu đính và sẽ ra mắt trong nay mai. Việc dịch ra tiếng Việt đã tiếp sức cho tạp chí Những người bạn Cố Đô Huế tiếp tục sống và lan tỏa rộng hơn trong tầng lớp trí thức trẻ thời hiện đại. Người viết bài này cũng đã mua một bộ B.A.V.H bằng tiếng Việt và tham khảo B.A.V.H để viết những bài báo về lễ hội ở Huế như Lễ tế Đàn Nam Giao, Lễ Điện Hòn Chén, Đàn Âm hồn Huế, ẩm thực Cung đình Huế.v.v..

Sở dĩ tạp chí Những người bạn Cố Đô Huế suốt 100 năm qua vẫn hấp dẫn người đọc vì nội dung của nó vô cùng khách quan và phong phú, rất chi tiết, cụ thể từng việc một. Nội dung B.A.V.H được nghiên cứu, khảo sát gồm 5 mảng chính yếu: Kinh thành Huế và phụ cận; Lịch sử Huế và An-Nam; Nghệ thuật xứ Huế; Ngôn ngữ học, dân tộc học, văn hóa dân gian xứ Huế và Các đề tài khác.

Theo Lời giới thiệu của bản B.A.V.H tiếng Việt do NXB Thuận Hóa ấn hành, lịch sử Kinh đô Huế từ thời chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa năm 1658 cho đến khi Gia Long khởi công xây dựng Kinh thành năm 1804 và vua Minh Mạng hoàn tất công trình vào năm 1833… tất cả được Võ Liêm trình bày khá chi tiết trong bài: Kinh Đô Thuận Hóa. Với bài viết nhan đề: “Kinh thành Huế: bản đồ học”, H.Cosserat đã cung cấp cho ta 28 bản đồ về Kinh thành Huế do người Pháp thực hiện trong thế kỷ 19. Các khu vực như: Hoàng Thành, Tử Cấm Thành, các cửa Ngọ môn, Đại Cung môn và một số cung điện: Cung Càn Thành, Điện Thái Hòa, Điện Cần Chánh, Điện Khôn Thai đều được vẽ và được L.Cadière tìm hiểu và ghi lại lịch sử của chúng.

Ngoài ra một số địa danh trong Đại nội như: Hồ Tịnh Tâm, Thư viện Quốc Tử Giám, kho thuốc súng, vườn Trường Thanh, vườn Thư Quang hoặc Phu Văn Lâu, kho lúa hoàng gia, Tôn Nhơn phủ hay Thượng thiện, Ly thiện Tể sanh, Trấn phủ (Khám đường của Huế xưa), Trường Hậu bổ. Hay như Quốc Tử Giám, trường Quốc Học, Tòa Khâm, Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong Thế chiến 1, nghĩa trang người Âu ở Kim Long, ở Thuận An, ụ bắn Thanh Phước, xưởng sửa tàu Thanh Phước, kho lúa Triều Sơn Đông, Tiên Nộn.v.v.. cũng được nhiên cứu kỹ càng. Tất cả các Lăng tẩm từ Lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… đều được khảo sát rất kỹ. Lăng tẩm là một nét đặc trưng của Kinh Thành Huế, khó nơi nào có được, nên B.A.V.H, không thể nào quên. Mỗi lăng được đề cập ở những mức độ khác nhau, nhưng điều đặc biệt là biểu hiện được cá tính của mỗi vị vua.

Các Đền, chùa, am, miếu như Đền Chiêu Ứng, Huệ Nam Điện (Điện Hòn Chén) Chùa Thiên Mụ, chùa Quốc Ân, Báo Quốc, Diệu Đế, Từ Hiếu, Voi Ré… đều được khảo sát. Y phục thiết triều của các quan, các loại huy chương của Nam triều: Kim khánh, Kim bội, Kim tiền, ngân tiền, thẻ bài…; các quyển sách vàng, sách bạc, khuôn dấu, ấn triện đều được sưu tầm, nghiên cứu, trình bày. Hay các đỉnh, vạc, đại bác, thần công và trống, những vật gắn liền Kinh đô Huế và triều đại nhà Nguyễn. Ngay các cây thông cũng được đề cập, cần bảo vệ cho cảnh quan môi trường Kinh Đô. Và từ thuở đó (1916), trước sự tàn phá của bàn tay con người kém hiểu biết, linh mục Cadière đã kêu lên: “Sauvons nos pins!” (Hãy cứu lấy những cây thông của chúng ta!) Tiếng kêu đó đã nói lên tất cả nỗi lòng thiết tha với Huế của vị thừa sai người Pháp, tổng biên tập của B.A.V.H.

Các đề tài lịch sử như tiền sử và sơ sử Quảng Bình, Động Phong Nha, hệ thống giếng đá cổ ở Gio Linh, Quảng Trị, cũng được nghiên cúu. Lịch sử Champa, Huế và Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn: Từ Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng đến các chúa: Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Thái, Nguyễn Phúc Chu.v.v.. Ngoài tên chúa, tên các ông hoàng, các công chúa đều được ghi chép ccản thận… Và một điều lý thú là công chúa Ngọc Hân, con gái vua Lê Hiển Tông, Bắc cung hoàng hậu của hoàng đế Quang Trung cũng được đề cập. Về thời Tây Sơn, cũng có những bài viết ngắn. Huế thời Cận đại: Lịch sử triều Nguyễn: – từ Gia Long đến Bảo Đại, – Cuộc xâm lược Việt Nam của Pháp; – Công cuộc bảo hộ của Pháp. Cuộc khởi nghĩa của vua Hàm Nghi là một đề tài hấp dẫn. Nó hiện ra dưới mắt của B.Bourotte như một cuộc phiêu lưu đích thực với biết bao gian khổ, đau thương, máu và nước mắt. Hệ thống đồn bót của Pháp ở đồn Quảng Bình, Quảng Trị và đời sống đầy hiểm nguy, gian khổ của những người lính viễn chinh được nghiên cứu trình bày tường tận, chính xác. Rồi Nghệ thuật Huế, Âm nhạc, Dân tộc học, ngôn ngữ học .v.v..

Sơ lược như vậy cũng đủ biết nội dung của B.A.V.H phong phú và hấp dẫn như thế nào. Đặc biệt là bản dịch ra tiếng Việt của NXB Thuận Hóa không bỏ sót một bài nào, kể cả những bài các tác giả Pháp và Việt viết theo quan điểm riêng của họ. Đây là một bộ sách giá trị trong Di sản Cố Đô Huế.

100 năm qua rồi, lật lại những trang B.A.V.H ta vẫn thấy mới mẻ và lôi cuốn. Tôi khuyên các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử nên có trong tủ sách của mình một bộ B.A.V.H.

Ngô Minh
Nguồn: ngominhblog.wordpress