Ngày đăng : 06/12/2013

Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII


Sự phát triển được mong đợi của một nền kinh tế quốc gia, dù thế nào, dĩ nhiên cũng phải dựa trên một thực tại cụ thể vốn phần lớn là kết quả của một biến chuyển lịch sử ít nhiều phức tạp. Thời gian đúng là một trong những chiều kích của nền kinh tế. Chính vì vậy, nhằm tránh lao vào những lạm dụng của chủ nghĩa duy lịch sử thuần túy, của cái mà François Simiand gọi là “lịch sử hóa lịch sử”, để vạch ra những hiểm nguy của nó, một hiểu biết càng đầy đủ càng tốt về sự chuyển biến đã qua là một trong những điều kiện cốt yếu để hiểu rõ những vấn đề của thời hiện tại. Bởi vậy, một công trình có tính điển hình về mặt lịch sử hoàn toàn có chỗ trong một tủ sách dành cho những mối quan tâm hiện tại và cho sự phân tích các phương tiện cần sử dụng để làm cho tương lai rõ ràng là tốt đẹp hơn hiện tại trong tổng thể các nước tạo nên “cái thế giới thứ ba” quá trái ngược nhau này.

Sự mong đợi này lại được ứng dụng một cách đặc biệt bi đát và đau đớn trong trường hợp của dân tộc Việt Nam cao quý – một dân tộc luôn bị giằng xé bởi những cuộc chiến tranh. Dù chung cuộc của các biến cố đang diễn ra có thế nào đi nữa thì việc trở về với những khó khăn của thời đã qua để hiểu thấu đáo hơn bản chất những khó khăn đó và cách thức các khó khăn này đã được vượt qua chẳng phải là điều vô ích. Về phương diện này, như tác giả của chúng ta đã lưu ý, các thế kỷ XVII và XVIII, đối với Việt Nam đang trong cơn khủng hoảng, nồi da nấu thịt, là một thời kỳ chuyển tiếp được đánh dấu bởi một cuộc “nội chiến kéo dài, xen kẽ những cuộc hưu chiến thất thường, trở nên trầm trọng hơn với những rối loạn liên tục, những vụ nổi dậy được lặp đi lặp lại”. Cái thời kỳ vốn đã nhộn nhạo, đẫm máu và rối ren này, cuối cùng đã dẫn tới giai đoạn thuộc địa trong lịch sử đất nước.


Bìa ấn bản tiếng Việt Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII - Ảnh: Cổ Điển

Nhưng Nguyễn Thanh Nhã, vốn là một nhà kinh tế học giỏi giang đồng thời là một nhà sử học tài ba, đã chú trọng trước tiên tới việc làm rõ các khía cạnh kinh tế của biến chuyển kéo dài hai thế kỷ này, lược đồ tổng quát của biến chuyển này tương ứng với cái chúng ta có thể xem như một điển hình cho hoạt động mang tính chất chủ yếu tiền tư bản chủ nghĩa. Độc giả sẽ hào hứng nhận ra rằng những liên kết được các tác giả cổ điển và tiền cổ điển rút ra trong khung cảnh của các nền kinh tế tại các nước phương Tây cũng đã được xác nhận, vào cùng thời, với một số khác biệt không đáng kể, trong một nền kinh tế ở Viễn Đông. Dĩ nhiên, nhận xét theo nguyên tắc này nên được gọt đôi chút bằng cách lưu tâm tới vị trí nổi trội của các hoạt động thuộc khu vực một, nhất là trong những gì liên quan đến nông nghiệp. Nhưng vào thời đó, những biến chuyển và thay đổi căn bản đã có thể được nhận ra qua nhiều dấu hiệu, như sự đa dạng hóa nhu cầu tiêu thụ (và một cách phụ thuộc, về nhu cầu trang bị), sự khu biệt hóa của các lĩnh vực sản xuất với sự chuyên biệt hóa ngày càng rõ nét, các tiến bộ của hiện tượng đô thị hóa, sự phát triển của nền kinh tế tiền tệ, sự xuất hiện của thương phiếu và việc tín dụng được củng cố, sự phát triển của các giao dịch, bên trong và nhất là với bên ngoài, sự xuất hiện của một tầng lớp thị dân mới phôi thai, nói tóm lại, sự hình thành của một tổng thể những yếu tố hẳn đã có thể trở thành, trong một bối cảnh chính trị khác, bước khởi đầu cho một cuộc cách mạng kỹ nghệ thực sự. Nhưng cuộc cách mạng này trong một thời gian đã chỉ diễn ra ở phương Tây, dù rằng Nhật Bản đã sớm bắt kịp. Nếu các điều kiện lịch sử đã khác đi, Việt Nam hẳn cũng đã có thể có “thời Minh Trị” của mình? Tác giả không thể không tự đặt câu hỏi. Nhưng “What is done can’t be undone?” (sic.).

Tôi mong rằng mấy lời của mình sẽ không gây tác dụng nào khác là khuyến khích độc giả đọc kỹ tập sách này. Sự sáng sủa của câu văn và hoàn hảo của ngôn ngữ sẽ giúp độc giả dễ dàng tiếp cận tác phẩm hơn. Những hiểu biết bổ ích và rất hấp dẫn về một giai đoạn còn ít được biết đến của một lịch sử mà không một ai trong chúng ta có thể thờ ơ sẽ là phần thưởng dành cho độc giả của tập sách này.

Gaston LEDUC
1970

-----------------------

Trích Lời tựa, Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, Nguyễn Thanh Nhã, Nguyễn Nghị dịch, Nxb Tri thức, 2013, 488 trang, 130.000 VND