Ngày đăng : 08/01/2016

Bao cuộc bể dâu bi thảm, chỉ có người dân là khốn khổ


Có người cho rằng bao cuộc bể dâu bi thảm của dân tộc đã qua rồi, nhắc lại làm gì? Nhưng nếu tự ru ngủ mình như vậy, làm sao chúng ta biết được chúng ta đến từ đâu, chúng ta đã sống như thế nào và quan trọng hơn là tương lai con cháu chúng ta sẽ ra sao?

Nắng giao mùa hắt bóng chiều qua ô cửa căn hộ chung cư cũ kỹ ở Hà Nội. GS Văn Tạo lật cho tôi xem những trang tài liệu, hình ảnh chứng nhân đã ố màu thời gian rồi nói:

“Có người, kể cả chính người Nhật cũng cho rằng làm gì có đến 2 triệu người Việt chết đói năm 1945? Chính vì những nghi ngờ có thể làm sai lệch lịch sử này mà chúng tôi quyết tâm phải tìm cho ra sự thật”.

Đó là những sự thật dễ bị ẩn khuất, chìm lấp trong một đất nước mà xương máu đồng bào đã chất thành núi, chảy thành sông sau bao cuộc bạo tàn, loạn ly...

Lịch sử công minh

GS Tạo cho biết mình sinh năm 1926 ở làng La Tỉnh, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương. “Tôi nhớ từ thuở nhỏ xíu đã được chứng kiến quê mình chiêu hiền đãi sĩ. Mỗi năm làng đều mổ lợn, mổ trâu thết đãi và vinh danh từ cậu tú tài đến cử nhân, tiến sĩ. Không khí tưng bừng, tự hào lắm” - ông nói.

Vậy mà trong nạn đói năm Ất Dậu (1945) trường học quê ông không còn tiếng học sinh. Bạn bè đồng niên vắng bóng hẳn, phần nhiều chết vì đói, ai may mắn chưa chết cũng phải lê lết ngoài đường kiếm miếng ăn. Ngày qua ngày, mùi tử khí bốc lên khắp nơi, đi đến đâu cũng thấy xác người chỉ còn da bọc xương co quắp khắp nơi...

Nạn đói khủng khiếp tưởng vừa lắng qua, người ta phải tiếp tục chết khi có miếng ăn: những cái bụng, những cái dạ dày sau bao ngày đói khát đã trở nên thũng mục, yếu ớt, vừa vớ được chén cơm đầu vụ lúa mới, người ta lao vào ăn ngấu nghiến, thế rồi lăn đùng ra chết vì vỡ dạ dày.

Có người cầm được nắm cơm trong tay nhưng hàm đã cứng lại, không há miệng nhai nổi nữa vì kiệt sức. Họ đành chết đói với nắm cơm trước miệng. Nhà trưởng chi họ của ông Tạo đông hàng chục người đã chết hết, chỉ còn sót duy nhất đứa bé. Hàng xóm của ông cũng chết đến mức không còn người 
sau để chôn người trước...

“Tận mắt chứng kiến thảm cảnh đau thương của dân tộc, nên tôi tự nhiên thấm sử và mê sử lúc nào không biết. Tổ tiên, cha anh mình đã sống như thế nào liệu đời sau có tường minh?” - GS Tạo nói và cho rằng có công minh lịch sử thì mới có công bằng xã hội. Người nay không hiểu tổ tiên mình như thế nào thì chẳng thể biết đặt chân đến tương lai ra sao cho đúng.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông Tạo tiếp tục đi dạy, đi học và dần dần gắn bó hẳn với ngành nghiên cứu lịch sử. Cái câu “đừng mượn hơi ai để thở” mà cha mẹ làm gia phong răn dạy ông nên người cũng rất hữu ích cho công việc tìm kiếm sự thật của ngày xưa.

Bao đời nay sử gia rất hay bị quyền lực chính trị tác động, uốn chỉnh theo ý đồ. Ông Tạo rất hiểu điều này và luôn tâm niệm giữ mình. Tính ông rõ ràng, thẳng thắn: sự thật là sự thật, chỉ một nửa sự thật thì không phải là sự thật.

Và công bằng xã hội

Trên cả đam mê, GS Văn Tạo nghiên cứu lịch sử với cả sự thôi thúc trách nhiệm. Ông đi nhiều, làm việc ở cường độ cao và viết rất khỏe. Hơn 60 năm chọn nghiệp nặng nề này, ông đã viết hơn 10 cuốn sách, chủ biên hoặc đồng tác giả khoảng 100 cuốn khác.

Ngoài ra, ông còn có hàng ngàn bài viết có giá trị trên các báo và tạp chí khác nhau. Kể lại chuyện cũ, ông hay nhắc đến công trình nghiên cứu về nạn đói năm 1945 bởi đó là một chương đặc biệt trong cuộc đời mà chính ông và gia đình là 
người trong cuộc.

GS Văn Tạo kể năm 1959, Chính phủ Nhật Bản đã đàm phán với chính quyền Ngô Đình Diệm về việc bồi thường chiến tranh với nhiều số liệu khác nhau. Phía Nhật cho rằng khoảng 300.000 nạn nhân chết đói. Chính quyền ông Diệm đưa ra con số 1.000.000 người (các nghiên cứu sau này là 2.000.000 người).

Mức bồi thường cuối cùng được thống nhất là 14 tỉ 40 triệu yen (khoảng 39 triệu đôla Mỹ) vào năm 1960. Những người hiểu biết lịch sử rất buồn với con số đó: sau khi trừ đi các khoản bồi thường chiến tranh khác, mỗi mạng người Việt chết đói chỉ 
bằng một nhúm tiền lẻ!

Chính từ sự kiện lịch sử còn nhiều mâu thuẫn và bức xúc này, GS Văn Tạo và anh em đồng nghiệp đã bắt tay thực hiện công trình nghiên cứu “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam, những chứng tích lịch sử”. Đặc biệt, công trình này còn có sự tham gia của GS Furuta Moto, một người Nhật có nhiều nghiên cứu về hậu quả chiến tranh của Nhật để lại ở Việt Nam.

Chúng tôi đi đến đâu cũng thấy các chứng tích, cũng nghe bao nhiêu nỗi niềm bi thương của người trong cuộc chân thật kể lại. Những cái chết tức tưởi, đau đớn đến tận trời xanh mà người đời sau nghe kể lại cũng không cầm được nước mắt” - GS Văn Tạo nói.

Tâm sự với tôi, ông Tạo cho rằng đất nước Việt Nam vừa trải qua 100 năm chiến tranh, chết chóc, còn biết bao nhiêu sự thật đang lẩn khuất trong sương mù thời cuộc cần phải được giải mã sòng phẳng. Thời nào cũng vậy, đất nước bể dâu, chỉ có người dân là khốn khổ nhất. Ai có thể trả lại công bằng cho họ và công minh cho lịch sử? Chẳng hạn như việc xây dựng những bia tưởng nhớ đồng bào chết đói ở Hà Nội, Thanh Hóa, Thái Bình...?

Tôi từng được nghe đồng nghiệp của GS Tạo kể về ông. Họ cho rằng ông đã góp phần quan trọng trả lại công bằng cho nhiều số phận phải chịu nỗi ngậm ngùi theo cơn bão dông thời cuộc, như khi ông nhận lãnh trách nhiệm trả lại sự tường minh cho học giả Phạm Quỳnh, chủ bút tờ Nam Phong tạp chí.

* Cả một đời đau đáu với sự thật lịch sử của tổ tiên, ông tâm đắc điều gì?


- GS Văn Tạo: Đừng bao giờ để lặp lại những thảm cảnh khủng khiếp mà đồng bào chúng ta đã phải hứng chịu trong quá khứ. Máu xương dân mình đã chất thành núi, chảy thành sông rồi. Các nỗi niềm đau đớn, oan khiên đã ngút ngàn tận trời đất.

Thời nay, chúng ta cất công tường minh chuyện xưa cũng là nhắc nhớ không bao giờ được phép để lặp lại, nếu không chúng ta sẽ có tội cả với vong hồn tổ tiên và con cháu mai sau...


Quốc Việt
Nguồn: Tuổi Trẻ