Ngày đăng : 19/10/2015

Những "con người đỏ"


Thời second hand là quyển sách cuối cùng trong loạt năm quyển sách chủ đề “con người đỏ” của nữ nhà văn Belarus Svetlana Aleksievich vừa đoạt Nobel 2015. 


Bà Svetlana Aleksievich nhận hoa chúc mừng của người Belarus ngày 8-10

Bài trả lời phỏng vấn nhan đề “Tạm biệt con người đỏ” đăng trên tờ Báo Nga ngay sau khi Thời second hand cùng lúc được xuất bản ở Nga, Đức và Thụy Sĩ năm 2013(1)

*Svetlana, trong quyển sách mới của bà Thời second hand, bà nghiên cứu cuộc sống của chủ nghĩa xã hội trong tâm hồn con người - chủ nghĩa xã hội “gia đình”, “nội tại”. Và bà nói về “homo - soveticus” - “anh ta chính là tôi”.

- Tôi nghiên cứu chủ nghĩa xã hội “gia đình” bởi vì tất cả chủ nghĩa xã hội bên ngoài, danh dự, chính thức đã tan trong cát. Nó biến mất cùng tất cả những nghi thức và trang phục của mình. Còn tôi thì tìm thấy trong thẳm sâu hồn mình mọi thứ vẫn còn ở lại.

Tôi có thái độ khá phức tạp với những thứ còn lại đó. 20-25 năm trước chúng ta đã can đảm và ngây thơ nghĩ sẽ dễ chia tay với những kinh nghiệm đáng sợ, gần như vô nhân đạo. Nhưng không phải vậy. “Con người đỏ” trong chúng ta vẫn sống.

Tôi đi khắp đất nước và bắt gặp mình, vẫn như trước kia, vẫn mê đắm niềm tin vào “những con người đỏ”. Niềm tin, dĩ nhiên lừa dối và bằng máu. Nhưng khát vọng và sự hi sinh của họ không cho phép tôi gạch bỏ tất cả. Tôi nhìn vào bản thân mình và tự hỏi tại sao tôi phải xóa bỏ hoàn toàn “con người đỏ” đó?

Bắt gặp trong một ngôi chợ Ấn Độ những đứa trẻ đói khát, tôi trở về khách sạn chấn động. Còn người bạn gái thân - một giáo sư - thì đi ngang qua như không có việc gì xảy ra, bình thản giải thích: “Lỗi của cha mẹ chúng, họ không tính được là không nuôi nổi bọn trẻ”.

Còn tôi - “con người đỏ” bên trong tôi - không muốn nhìn thấy chúng. Cũng như vào những năm 1990 tôi không thể nhìn bà giáo già của mình mua... đúng một quả trứng trong cửa hàng. Và tôi đã phải giúp đỡ bằng cách sao cho bà không phật ý.

*Svetlana Alesandrovna, “con người” không đồng tình với sự sỉ nhục kẻ khác đó, chính xác thì anh ta là “đỏ” à? Có thể, đó là sự đồng cảm được tạo lập bởi văn học kinh điển Nga?

- Không, đó là từ chính “con người đỏ”. Chúng tôi lớn lên với những tuyên truyền tư tưởng tuyệt vời - bình đẳng, anh em. Việc chúng được lấp đầy bằng những nội dung hoàn toàn khác lại là chuyện khác.

Tôi nhớ trong thời Xô viết, tôi, con gái một hiệu trưởng, đã xấu hổ khi tới trường với chiếc cặp ngoại nhập. Tôi bỏ nó lại và nói, không, con không đi học nữa. Không phải vì tôi tốt đẹp đâu, không. Bởi tinh thần chung khi đó là tinh thần bình đẳng cao cả. Còn bây giờ con gái của tôi, làm việc trong một trường phổ thông, bảo trẻ em cấp I trong lớp phân nhóm theo nguyên tắc, bạn nào có điện thoại nào và quần áo nào.

*Con người đỏ” bên trong đó, theo tất cả những thú nhận trong quyển sách của bà, là một thực thể phức tạp.

- Tôi không biện hộ cho nó. Đơn giản tôi cho rằng chúng ta đã đối xử thô bạo với quá khứ của mình. Chúng ta phá hủy tất cả mà chẳng có kế hoạch hay suy nghĩ nghiêm túc nào cho tương lai. Tôi không phải là kẻ biện hộ cho thời Xô viết, nhưng tôi cho rằng chúng ta đã không phân tích giá trị của những thứ ta đã đổ máu vì nó.

Tôi gần hơn với thiết chế dân chủ xã hội. Tôi đã sống vài năm ở Thụy Sĩ và đã thấy cả sự khả dụng của nhiều phúc lợi, cả sự kiểm soát nhà nước, cả sự bình đẳng con người. Chẳng phải sự phát triển thế này tự nhiên hơn so với những gì đã xảy ra với chúng ta?

“Nếu người ta ném tôi vào sa mạc, tôi cũng sẽ làm việc”, một trong những người giàu nhất Belarus đã nói với tôi. Ông ta thật sự là con người của công việc, tôi đánh giá cao điều đó ở ông. Nhưng tôi bắt gặp mình nghĩ rằng tôi hoàn toàn xa lạ với cái hiểu của ông ấy về cuộc sống, mục tiêu và mong ước.

Ông ấy cùng cô vợ đẹp của mình vừa trở về từ kỳ nghỉ, và cô ta, rất hài lòng với sự phục vụ của những cô hầu Philippines lặng lẽ, nói: “Họ đúng là ít nói, ta hãy đưa một cặp đến đây, với họ, ta thoải mái hơn”. Ông chồng nói với cô ta: “Ở đây họ sẽ ốm chết mất”. Và tôi thấy những cặp mắt không cảm xúc của họ. Và ngay lúc đó “con người đỏ” trong tôi thức dậy.

Chúng ta cần cái gì đó nhân tính thay thế. Cho dẫu nó sinh ra từ kinh nghiệm của “con người đỏ”. Bởi vì quanh ta có quá nhiều điều đáng sợ mà ta không thể nào tiếp nhận. Tôi đọc thấy một nữ nhà báo nổi tiếng thán phục: “Ôi, tôi biết thế nào là người giàu, ở đâu có nhiều tiền, con người tỏa mùi khác”... Ở Pháp mà nói vậy chắc chẳng ai sẽ chìa tay cho cô ta bắt. Bởi ở đó những khái niệm đạo đức đã từ lâu lắng đọng.

*Sống ở Thụy Sĩ, bà giữ một mục trong một tờ báo địa phương, điều gì đập vào mắt bà?

- Trong mục đó tôi viết về nước Nga, kể cho họ về cuộc sống của chúng tôi. Từ góc nhìn mà tôi rất yêu thích: con người nhỏ bé. Chính ở Thụy Sĩ tôi thích thiết chế tư bản của cuộc sống với những dấu chỉ không nhỏ của chủ nghĩa xã hội.

Vâng, và cả ở Pháp, ở Đức cũng nhiều (dấu chỉ đó). Tôi nhớ có lần đi nhận giải thưởng gì đó, tôi xếp hàng ở chỗ gửi áo khoác và người phiên dịch nói với tôi: “Đứng trước bà là bộ trưởng văn hóa đó”. Và tôi thấy: vâng, ông ấy đang đứng gửi áo.

Hay tôi đến chỗ bạn gái mình, một nhà báo nổi tiếng trong một gia đình giàu có, và bắt gặp cô ấy đang chùi cầu thang. Ở Thụy Sĩ, ở Đức, bạn sẽ không bao giờ gặp phải mong muốn hạ thấp một ai đó. Ở Ý, chúng tôi, một nhóm nhà văn, được những người tài trợ festival sách mời ăn tối. Chúng tôi đến nơi và thấy họ đang dọn bàn. Họ bảo: “Chúng tôi cho bà giúp việc nghỉ hôm nay, chúng tôi sẽ tự xoay xở”. Mà đó là những người giàu nhất. Có thể hình dung ra điều gì tương tự ở chúng ta không?

*Những quyển sách của bà là những lời thú tội bi thảm và kịch tính. Nhưng như bà có lần thú nhận, nghe những lời thú tội không phải là việc khó khăn nhất. Mà khó khăn nhất là lao động để tư duy chúng. Làm cách nào để trong dàn đồng ca những giọng người đó bà tìm ra được tư tưởng chính của quyển sách - chúng ta đang trải qua “Thời second hand”?

- Đã 35 năm tôi viết loạt sách này. “Người đỏ. Những giọng không tưởng” với năm quyển sách. Thời second hand là quyển kết luận. Đó là một ẩn dụ, ám chỉ chúng ta không có khả năng tiếp nhận cái mới.

Chúng ta không có năng lực với đời sống mới, không tìm thấy đủ sức lực, ý tưởng, khao khát và cả kinh nghiệm cho nó. Thời cải tổ chúng ta ngỡ cứ nói đi, nói đi rồi sẽ có tự do... Nhưng hóa ra tự do là một công việc địa ngục. Vì sao đó chúng ta cứ ngỡ, đấy, máu đã đổ cho những lý tưởng tươi sáng và giờ một sự thật nào đó và cuộc sống mới sẽ đến.

Những kỳ vọng đó khá nhiều, cả trong văn học Nga. Nhưng “cuộc sống mới” đó là một công việc buồn chán và lâu lắc. Tôi còn muốn nói là nó quá tầm thường. Không cần phải đến Afghanistan hay leo lên nóc nhà để dập tắt lò phản ứng, mà cần phải học nói chuyện với con mình.

Phải tập trung vào vũ trụ thu nhỏ của đời sống con người, cái vũ trụ lâu nay vốn không nằm trong sự quan tâm của cả nhà nước lẫn chính con người. Thì lúc đó vỡ lẽ ra ta chẳng có ý tưởng gì. Nên chúng ta vớ lấy trở lại những gì xưa cũ. Thời second hand - đó là thời của những định kiến già nua, cũ kỹ, những phân chia xưa cũ giữa con người.

Ở châu Âu có hàng nghìn nhóm, cộng đồng nhỏ, luôn bàn thảo, bàn thảo về việc làm sao để cải thiện thành phố, gia đình. Làm sao sống với con cái, làm sao giúp châu Phi nghèo đói. Bằng cách đó, người ta làm việc và vun đắp thêm được chất lượng nào đó cho tâm hồn. Còn ở ta không có điều đó.

Mà không hiểu sao tất cả cộng hưởng lại thành căm thù. Và sự căm thù đó vỡ tung. Cần nhìn nhận là có đủ cơ sở cho thù hận đó. Thời cải tổ người ta không biểu tình trên phố với các khẩu hiệu: “Tất cả dầu khí cho Abramovich”, đã có những mong ước hoàn toàn khác.

Nhưng có thể, để thực hiện những mong ước khác cần, như một nữ nhân vật của tôi đã nói “qua đêm, qua ngày trên những quảng trường và tiến hành mọi việc đến tận cùng”. Còn chúng ta chỉ có thể nói một cách đẹp đẽ, làm đẹp lòng nhau rồi tản đi.

Và rồi chúng ta lần nữa chỉ làm việc mà ta hiểu và biết làm. Mà biết thì ta chỉ biết xác định theo sơ đồ - hắn ta là kẻ thù của sự nghiệp chúng ta hay là bạn? Và cả nửa đất nước đang nghĩ suy như thế...

*Quyển sách của bà là nghiên cứu trải nghiệm công dân của hai thế kỷ - một kỳ công, vừa lao động tập hợp, vừa lao động nội tâm. Quyển sách được gọi là “bách khoa toàn thư đời sống”, “biên niên sử hiện đại”. Bà lựa chọn thể loại này, hay thể loại này đã chọn bà?

- Tôi nghĩ nó đã chọn tôi. Tôi đã tìm kiếm mình khá lâu. Nhưng khi đọc quyển sách của thầy tôi Alesi Adamovich (mà nó thuộc thể loại “nhân dân trò chuyện” - đó là ý tưởng của ông), tôi hiểu nó rất gần với những cảm nhận của mình.

Tôi lớn lên ở một làng quê Belarus thời hậu chiến, làng quê của những phụ nữ, với cuộc sống của tất cả ngay trước mắt mình. Tôi có “cảm nhận” đồng ca từ họ. Dàn đồng ca ấy vang lên trong tôi, tôi tìm kiếm khá lâu lối thoát cho những giọng ca đó. Và tôi đã tìm ra khi viết quyển sách Chiến tranh không mang gương mặt đàn bà.

Nhưng dẫu sao tôi cũng cho rằng không nên mang tất cả những bụi bẩn của cuộc sống vào văn học, nó không cho ta khắc được “tia lửa của siêu hình”... Brodski khi được hỏi: “Điều gì phân biệt văn học vĩ đại với một nền văn học trung bình?” đã đáp: “Ở khiếu thẩm mỹ với siêu hình học”.

Trong nhận thức cuộc sống của chúng ta, rất quan trọng “khiếu thẩm mỹ với siêu hình” này, đó là hình tượng, là mỹ học. Và vì thế tôi gần gụi hơn không chỉ với “lịch sử truyền miệng” của Tây Âu hay của Mỹ, mà còn cả với truyền thống của Ba Lan - Kapuscinski(2) và Hanna Krall(3).

(1): www.rg.ru/2013/09/11/aleksievich.html

(2): Ryszard Kapuscinsky (1932-2007): nhà văn, nhà báo, nhà du ký Ba Lan.

(3): Nữ nhà văn, nhà báo Ba Lan, sinh năm 1935, nổi tiếng với các quyển sách về thời Holocaust ở Ba Lan.

“Chính phủ Belarus làm như tôi không hiện hữu, họ không in (sách) của tôi... Hai tiếng đã trôi qua từ khi công bố giải thưởng, tôi đã nhận được 200 email chúc mừng. Một thanh niên viết: Thú vị thật, ông Lukashenko sẽ xử sự thế nào nhỉ?” - Svetlana Aleksievich trong trả lời phỏng vấn báo giới sau khi được tin về giải thưởng. (news.tut.by)

Phan Xuân Loan (trích dịch)
Nguồn: Tuổi Trẻ