Ngày đăng : 16/06/2015

Kinh doanh sách ngày càng gian khó


Những tiệm sách báo cũ tại TP.HCM đang dần biến mất. Một số nhà xuất bản sách cũng tuyên bố ngừng hoặc chuyển hướng hoạt động, cho thấy kinh doanh sách không còn “ngon ăn” nữa.


Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh sách đang chìm trong khó khăn, ngay cả những doanh nghiệp sách nhà nước cũng không tránh khỏi thua lỗ triền miên. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có thể nói, từ trước tới giờ các nhà xuất bản chưa bao giờ cùng ra tay tháo gỡ khó khăn chung.
Đua nhau thua lỗ

Đêm giao lưu ký tặng sách của một tác giả trẻ (chuyên viết các tác phẩm lãng mạn) tại gian trưng bày của nhà sách Phương Nam khá đông lượng độc giả trẻ vẫn kiên nhẫn đững xếp hàng để được xin chữ ký tác giả này, trong khi một số gian hàng khác đã tắt đèn. Tiếc thay, đây chỉ là hình ảnh hiếm hoi khi một nhà sách có được lượng khách đông đảo như vậy. Thị trường kinh doanh sách ảm đạm, góp phần đẩy các nhà xuất bản lâm vào cảnh phá sản, ngừng hoạt động. Cổ phiếu của Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam đứng trước nguy cơ hủy niêm yết rất lớn, vì vừa bị chuyển từ diện kiểm soát sang cảnh báo. Nguyên nhân chính là do công ty lỗ lũy kế 60,2 tỷ đồng tính đến cuối năm 2014.

Trước đó, cổ phiếu Phương Nam rơi vào diện kiểm soát, do lợi nhuận sau thuế năm 2012 của cổ đông là công ty mẹ bị âm 19,2 tỷ đồng, còn năm 2013 âm 24,9 tỷ đồng. Kinh doanh sách không mang lại hiệu quả cho Phương Nam, vì chi phí mặt bằng và nhân công quá cao, trong khi thị trường sách online giá rẻ bùng nổ, sách lậu tràn lan. Cách đây khoảng 2 năm, do thua lỗ trong lĩnh vực kinh doanh sách nên Phương Nam đã chuyển hướng làm phim, nhưng lĩnh vực này cũng chưa mang lại lợi nhuận mong muốn cho công ty. 

Tương tự, hồi tháng 3 vừa qua, sau khi họp với tập thể người lao động, bà Đỗ Thị Nhường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty In sách giáo khoa tại TP.HCM, đã quyết định ngừng sản xuất. Trước đó, vào giữa tháng 2/2015, công ty này đã công bố không nhận hợp đồng in, mặc dù đây vốn là mảng kinh doanh chính của mình. Theo báo cáo tài chính năm 2014 của công ty, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 331 tỷ đồng. Kết quả này được cho là mức thấp nhất kể từ năm 2007, khi công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Thông tin ngừng hoạt động, đóng cửa công ty không phải là mới mà từng được bà Nhường thông báo 4 lần trước đây.

Năm 2013, chỉ có 4 trong tổng số 64 nhà xuất bản trên cả nước kinh doanh có lãi. Rất nhiều nhà xuất bản kinh doanh thua lỗ, hoạt động cầm chừng, thậm chí có nhà xuất bản đề nghị trả giấy phép, dừng hoạt động. Bên cạnh đó, mạng lưới phát hành xuất bản phẩm ở cấp huyện ngày càng bị thu hẹp. “Hiện tại có hơn 50% nhà xuất bản có số vốn làm sách dưới 2 tỷ đồng”, ông Đỗ Quý Doãn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho biết. Tình trạng thiếu vốn đẩy các nhà xuất bản vào cảnh hoạt động lay lắt, một năm chỉ xuất bản vỏn vẹn 5-10 đầu sách và phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác liên kết.

Xoay chiều nào?

Vài năm trở lại đây, các đơn vị tư nhân được phép liên kết với các nhà xuất bản quốc doanh để in sách. Các đơn vị tư nhân gần như làm toàn bộ một cuốn sách, từ khâu bản thảo đến in ấn và phát hành, nhà xuất bản quốc doanh chỉ có vai trò kiểm duyệt nội dung và cấp giấy phép. Nhiều nhà xuất bản quốc doanh không thích ứng kịp cơ chế mới này nên ngày càng tụt hậu. Thay đổi theo cơ chế thị trường và cùng tồn tại là cách làm của Nhà xuất bản Trẻ và Nhà xuất bản Tri Thức. Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, ông Nguyễn Minh Nhựt cho biết, có những đầu sách không phù hợp với Nhà xuất bản Trẻ thì bản thảo sẽ được chuyển qua Nhà xuất bản Tri Thức và ngược lại. Ngoài việc hỗ trợ bản thảo cho nhau, hai nhà xuất bản hỗ trợ nhau trong việc phát hành thông qua kênh phân phối của mình.

Ở lĩnh vực phân phối online, các nhà kinh doanh cũng chịu chung tình cảnh không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp, vì phải đầu tư cho dịch vụ hoặc giảm giá như cách làm của Vinabook. Đại diện của Vinabook cho biết, kinh doanh sách rất khó, nhất là trên trang trực tuyến, do vậy công ty phải đầu tư mạnh vào khâu dịch vụ và giá bán. Chẳng hạn như cuộc rượt đuổi về giá giữa Tiki và Vinabook diễn ra trong thời gian gần đây. Dù chưa đưa ra thị trường, nhưng những cuốn sách đã được quảng cáo giảm giá ở mức rất lớn. Thậm chí, có thời điểm giảm đến gần 50%. Câu chuyện về cuốn sách “Chúc một ngày tốt lành” của Nguyễn Nhật Ánh là một ví dụ. Trước ngày phát hành chính thức toàn quốc, trang Tiki đã thông báo mức giảm giá từ 20 - 30%. Thậm chí sau đó giá sách còn giảm ở mức gần 50%. Đối thủ Vinabook cũng chạy đua với mức giá tương tự. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ chiêu bán hàng “độc” do Vinabook tung ra. Vì muốn lấy lại thị phần bán sách trên mạng, đơn vị này cam kết bán giá rẻ nhất thị trường, nếu người mua tìm thấy đơn vị nào bán giá thấp hơn sẽ được hoàn tiền chênh lệch và nhận thêm 5% giá bìa. Nhưng lợi bất cập hại, chính cuộc đua về giá này khiến cho cả hai bên cùng thua lỗ. Rốt cuộc người mua sách được hưởng lợi, nhà xuất bản và kênh phân phối cùng bị lỗ.

Một tác giả trẻ có lần tâm sự rằng: nguyên nhân chính khiến các đơn vị kinh doanh xuất bản, in, phát hành ngày càng thua lỗ là những website cung cấp e-book lậu.

Ở Việt Nam, dường như chưa có tiền lệ các nhà xuất bản cùng tháo gỡ khó khăn chung. Đó cũng là lý do tại sao hiện nay các công ty sách vẫn bị thua lỗ kéo dài, các nhà xuất bản, in, phát hành sách thì vẫn loay hoay chưa tìm thấy lối ra.

Thanh Mai
Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp