Ngày đăng : 19/05/2015

Lưu Quang Vũ và thời vàng son của kịch


Nhắc đến nhà biên kịch Lưu Quang Vũ người ta hay nhắc đến sự kết hợp với đạo diễn NSND Phạm Thị Thành. Tên tuổi bà cùng gắn bó một thời vàng son của sân khấu kịch nói và gắn liền với nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ. Những kỷ niệm của bà với nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ như mới hôm qua...

Tôi và Vũ rất thân nhau, bản thân tôi đã dựng 18 vở của Lưu Quang Vũ lúc anh còn sống, hợp tác trong công việc ăn ý và tôi là người đạo diễn nhiều nhất các kịch bản của Lưu Quang Vũ.

Phải trốn vì đơn đặt hàng viết kịch bản nhiều

Kịch bản của Lưu Quang Vũ luôn có sự gai góc dám nhìn thẳng vào cuộc sống bộn bề, vì thế kịch Lưu Quang Vũ đã đi vào lòng người xem. Đặc biệt, anh viết rất nhanh, suy nghĩ lạ, thời điểm đó đoàn kịch nào có vở của tác giả Lưu Quang Vũ, khán giả mua vé rất đông. Lưu Quang Vũ viết một lúc mấy vở liền, tập giấy đóng thành quyển để ở trên bàn từ hai đến ba quyển cùng một lúc. Anh Vũ cứ nghĩ tới đâu viết tới đó, chưa xong lại sang chỗ khác, trong vòng chưa đến 10 năm mà anh ấy viết mấy chục vở.

Tôi cùng Lưu Quang Vũ viết vở Sống mãi tuổi 17 nói về anh hùng Lý Tự Trọng đã đạt huy chương vàng, Mùa hạ cuối cùng, Người tốt ở nhà số 5 Lưu Quang Vũ viết kịch bản, tôi đạo diễn. Tuy nhiên, không phải kịch bản nào anh Vũ cũng ưu tiên tôi. Nhiều vở có tính triết lý như Hồn Trương Ba da hàng thịt anh Vũ mời NSND Đình Nghi dựng. Tôi và anh Vũ thân nhau, gắn bó với nhau, chị Xuân Quỳnh - vợ anh Vũ nói vui: “Anh Vũ và chị Thành mang cân tiểu ly đi mà cân vàng” vì lúc ấy các đoàn mời viết và dựng kịch đông lắm. Nhưng anh Vũ phải trốn vì họ đeo bám để có vở diễn và bán được vé. Nhiều khi hai chị em ngồi uống cà phê, các xe của các tỉnh biển số 17, 15, 18 đến đông để xin kịch bản về dựng, thế là chúng tôi cùng Lưu Quang Vũ lại đeo ba lô lên đường. Anh Vũ nói thích đi làm vở diễn với chị Thành, khi “duyệt vở” chị Thành bảo vệ được và chị nói hay hơn Lưu Quang Vũ nói trước đám đông.

Ngày ấy do vở đầu thắng lợi, vở tiếp theo ăn khách, thế là các đoàn đua nhau đặt cả đôi. Chúng tôi say nghề, làm việc ăn ý. Năng lượng sáng tạo của Vũ tuyệt vời. Có những vở diễn sốt vé, các đoàn đặt hàng liên tục. Đoàn chèo Hải Phòng đặt chúng tôi làm hai vở: Muối nặm đời em, Linh hồn của đá. Đang làm Linh hồn của đá thì tác giả qua đời. Lúc Vũ sống chúng tôi làm 18 vở, khi anh qua đời, tôi còn làm sáu vở nữa của anh.

Tôi đến nhà thăm Vũ, trên bàn làm việc có mấy kịch bản trong đó có kịch bản Chim Sâm Cầm đã chết. Tôi thấy tên không ổn, góp ý với Vũ nên đặt tên khác vì tác phẩm là sản phẩm của tác giả, nó vận vào mình không hay. Anh Vũ nghe vậy đã đổi tên thành: Chim Sâm Cầm không chết.

Kịch bản đó Lưu Quang Vũ mới viết được 10 trang thì anh ra đi.

Nhiều người bảo chúng tôi ám chỉ xã hội nhiều kẻ xấu

Kịch Lưu Quang Vũ dám phản ánh trực diện những mặt trái, vấn đề xã hội, cuộc sống đời thường quanh ta nên kịch Lưu Quang Vũ hấp dẫn, gây đồng cảm lớn. Người tốt ở nhà số 5 viết về một số nhà gồm nhiều hộ. Ở đó hộ người tốt bị lạc lõng khi xung quanh những kẻ ích kỷ, tham lam đố kỵ. Năm 1985, hội diễn tại Vinh, có dư luận của một số người cho rằng chúng tôi ám chỉ xã hội này người tốt ít, kẻ xấu nhiều, bực mình chúng tôi bỏ về Hà Nội, vở đạt huy chương vàng, không có tác giả nhận giải. Tôi dựng vở Điều không thể mất, lúc này anh Vũ đã mất, NSND Lê Khanh đóng vai chính, tối nào chúng tôi cũng gặp một vị khách của Nhật - Ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Nhật đến mua vé và xem 20 lần.

Lưu Quang Vũ dám phê phán những cái xấu. Anh nắm bắt tinh nhạy nhiều cảnh đời, số phận có thật để làm chất liệu sáng tạo. Nếu anh không đốt lửa (1986) Nhà hát kịch Việt Nam đề cập việc ủy viên Trung ương Đảng bị đối xử kém. Đấy là do cơ chế bao cấp quan liêu. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là nguyên mẫu cho Vũ viết. Tổng Bí thư đến xem khi vở diễn tại Cung Việt Xô ngày đó. Tôi và Vũ ngồi trên tầng hai, phía dàn đèn, hồi hộp quan sát. Xem chăm chú, Tổng Bí thư đã cho trợ lý tìm chúng tôi, bảo cuối giờ lên sân khấu để ông cảm ơn, tặng hoa. Vở của anh Vũ viết dù quan liêu vấn nạn gì, cuối vở cũng tin tưởng, nhân hậu. Bà mẹ trong Lời thề thứ 9 là người kêu gọi các anh lính trẻ trở về đơn vị, phải tin ở lãnh đạo, sự thay đổi tích cực của đất nước. Vũ là nghệ sĩ bẩm sinh, niềm tin ấy là sự trong sáng đẹp đẽ của tâm hồn truyền tới mọi người, cho họ niềm tin có lý, có tình vào con người, vào cuộc sống. Hay trong vở Mùa hạ cuối cùng, khi đưa ra duyệt có ý kiến nói rằng Lưu Quang Vũ - Phạm Thị Thành đã nói xấu 18 cơ quan. Nào là mất đề thi, học sinh bỏ nhà ra đi là nói xấu ngành giáo dục, hội phụ nữ, rồi có đoạn hai em đi xem phim bỏ về bảo phim chán là nói xấu ngành điện ảnh nước nhà. Họ bắt sửa, chúng tôi cũng sửa nhưng vẫn giữ được cái cốt lõi của vở diễn khi thể hiện những điều muốn nói bằng sự ước lệ. Lưu Quang Vũ rất đặc biệt, anh nói năng dí dỏm, lao động miệt mài, có lúc phải buộc chân vào bàn để ngồi viết, anh bảo mở trang giấy ra thì mênh mông lắm, muốn bỏ đi lắm.

Thích thịt chó và thuốc lào

Lưu Quang Vũ ở ngoài đời hiền lành, nói chuyện dí dỏm hay thích ăn thịt chó và thích hút thuốc lào. Có lần Lưu Quang Vũ đến làm việc với tôi tại nhà riêng. Anh kêu thèm thuốc lào, tôi mua riêng cho anh ấy một chiếc điếu. Ngôi nhà anh Vũ ở cùng thi sĩ Xuân Quỳnh nhỏ hẹp, hơn chục mét vuông nhưng đầy sách và tranh. Chị Quỳnh rất tốt bụng, thương các con vô cùng. Chị Quỳnh ứng xử với mẹ chồng, con chồng rất tốt. Chị nuôi con chồng là Lưu Minh Vũ như con đẻ, cứ gọi má Quỳnh. Vừa rồi tôi có làm bộ phim và tôi lại đến căn nhà số 96 Phố Huế. Nhà chật lắm, phòng bé nên hồi đó Lưu Quang Vũ có làm bài thơ Nhà chật: “Nhà chỉ có mấy mét vuông, sách vở xếp cạnh nồi/ Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo/ Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo”.

Cuộc sống riêng tư của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ lận đận, gia đình lúc đầu bé nhỏ tưởng là hạnh phúc lại tan vỡ không thể nào níu kéo. Lưu Quang Vũ đã tìm đến với tình yêu mới mãi cuối năm 1973, anh mới gắn bó với Xuân Quỳnh, một người tài hoa hơn Vũ sáu tuổi, cũng bị đổ vỡ về gia đình. Họ gặp nhau, có những năm tháng cay đắng và hạnh phúc bên nhau cho đến cuối đời.

Những năm đó Lưu Quang Vũ có biết bao đoàn tìm đến mời anh viết kịch bản. Có những hội diễn toàn quốc tác phẩm của Lưu Quang Vũ chiếm hơn một nửa. Không có sức kham nổi đơn đặt hàng, lại sợ mang tiếng làm phách, Xuân Quỳnh phải bố trí cho tác giả đi trốn để yên tĩnh mà viết. Thành ra khi được nhiều đoàn dựng, gia đình có đồng ra đồng vào, thoát cảnh nghèo đói bao năm đeo bám, khi khán giả khắp nơi hâm mộ, tác giả lại phải lao động cực nhọc ngày đêm, thường xuyên lẩn trốn khách hàng. Nhưng đó là những năm hạnh phúc nhất của một người sáng tạo. Tôi không thể nào quên được hằng đêm khi hoàng hôn buông xuống có hàng ngàn người hoạt động sân khấu nao nức chuẩn bị cho buổi diễn, hàng trăm nghệ sĩ hóa thân vào các vai kịch của Lưu Quang Vũ. Sau một phần tư thế kỷ tác giả mất, vở Mùa hạ cuối cùng còn hẹn diễn hàng trăm đêm cho học sinh, sinh viên.

(PHẠM XUÂN TRƯỜNG ghi)
NSND PHẠM THỊ THÀNH
Nguồn: Pháp Luật