Ngày đăng : 16/04/2015

Tản mạn về nghề biên tập


Lâu nay, mỗi khi xem một bộ phim, khán giả luôn “đóng đinh” những lời khen, sự ngưỡng mộ trước thành công của bộ phim với vai diễn của diễn viên A, diễn viên B. Đọc một cuốn sách, một tác phẩm báo chí, lời khen luôn mặc định với tác giả. Thưởng thức một tác phẩm âm nhạc, múa, là những lời khen có cánh cho đôi tay, thân hình mềm mại, giọng hát có hồn… Trong khi những tác giả kịch bản, đạo diễn, biên đạo múa, nhạc sĩ và nhất là những người biên tập (sách, kịch bản, báo chí…) âm thầm thường bị lãng quên.

Nếu như người biên tập kịch bản, biên tập sách còn được nhắc tới trong các phần giới thiệu vụt qua chốc lát trên màn ảnh, ở trang cuối sách thì người biên tập báo/tạp chí thi thoảng mới xuất hiện ở các tờ báo, thậm chí là vắng bóng. Nhưng sự thật, họ có vai trò như thế nào trong thành công tác phẩm, tác động đến ý đồ nghề thuật, cấu trúc tác phẩm và ảnh hưởng trở lại với hướng đi của người cầm bút ở các tác phẩm ra đời sau đó mới là điều đáng bàn hơn cả. Đặc biệt là với những người biên tập sách dùng trong nhà trường, việc sử dụng những nguồn văn bản nghệ thuât (với văn bản văn học viết, những dị bản với văn học dân gian) lại càng hệ trọng hơn.     

Từ sư lựa chọn…

Nếu nếu văn là công việc cực nhọc khi phải gạn lọc, tìm kiếm từ trong chất liệu đời sống ngổn ngang những chi tiết, hình ảnh tinh tế thì việc được lọt vào “tầm ngắm” của người biên tập cũng không hề đơn giản. Chuyện tác tác giả mới, các cây bút trẻ làm sao để các nhà biên tập để mắt tới nếu như không lạ, không xuất chúng hơn các bản thảo, các bài gửi cộng tác khác từ những sáng tác đầu tiên thì họa hoằn là do may rủi kiểu trúng số hay do tình trạng thiếu bài. Trong khí đó, những cây bút lớn thuở mới vào nghề cũng lao khá vất vả để được cấp tấm hộ chiếu vào làng văn để người ta biết tới mình. Nhớ lại ngày đầu Trần Hữu Tri xác lập cái bút danh Nam Cao trên văn đàn, nhà văn Tô Hoài từng viết:

“Truyện viết xong, nhưng cũng như bao lần, anh không tin có ai in. Anh muốn đưa nhà xuất bản Đời Mới. Nhà xuất bản này là một hiệu thuốc chữa bệnh lậu ở phố Hàng Cót, mở thêm xuất bản. Lạ một điều là ở Hà Nội hồi ấy, nhiều nhà lang thuốc kiêm nghề xuất bản sách báo. Có lẽ, vì các nhà thuốc Hồng Khê, Bình Hưng, Lê Huy Phách, Từ Ngọc Liên, Hương Sơn đã sẵn nhà in in nhãn thuốc, bây giờ làm báo, làm sách không tốn kém mấy chỉ thêm danh giá. Nam cao tính: "Cái thằng xuất bản hạng bét này có thể quý bản thảo." Tuy vậy, cũng chỉ dám đến nhà xuất bản Đời Mới vào lúc nhá nhem tối, bản thảo Cái Lò Gạch Cũ đã quấn sẵn, tròn như cái ống.

Ít lâu, ông Trác Vỹ, chủ nhà xuất bản viết thư mời Nam Cao đến.

Ông Trác Vỹ nói:

- Tôi sẽ in truyện của ông. Nhưng cái đầu đề Cái lò gạch cũ không ăn khách. Tôi đổi cho ông là Đôi lứa xứng đôi. Tôi nhờ ông Lê Văn Trương văn sĩ trứ danh thay tên và đề lời giới thiệu. Sách đã in sắp xong. Tôi báo để ông mừng.

Chẳng nhớ rồi Trác Vỹ "thí" cho Nam Cao được mấy đồng. Nhưng dù sao thế là đã có sách in, từ nay anh dễ đi chào hàng những quyển khác. Và Chu Ngọc, Thâm Tâm, nhiều bạn rất khen Đôi lứa xứng đôi. Nam Cao không ngờ…”

(Tô Hoài Hồi Ký tr 280-281)

Đó là câu chuyện của những năm đầu thế kỉ trước, còn với các biên tập ngày nay cũng không thiếu chuyện đáng bàn nhất là ở các nhà xuất bản của các ngành cũng như ở các báo/tạp chí văn nghệ tại các địa phương. Các biên tập viên ở các nhà xuất bản vốn dĩ được đào tạo từ nhiều nguồn nhưng chủ yếu từ các ngành văn học ở khối trường Xã hội nhân văn và sư phạm. Từ bài văn viết trả bài hết học phần, bài giảng văn, từ các bài bình văn hay bài giảng kiểu thày nói, trò ghi đến bản thảo sáng tác chưa có ý kiến đánh giá với chữ nghĩa thô nhám, ý tưởng gai góc là cả một chặng đường khá dài. Nhiều bạn trẻ chưa từng kinh qua chặng đường tích lũy kiến thức hàn lâm, chưa từng nắm vững các đặc trưng cơ bản của các phương pháp sáng tác, khi động bút vào các sáng tác thường bị ngợp trong chữ nghĩa hoặc mắc sai lầm trong việc lựa chọn như không đánh giá đúng được thành công của tác phẩm, những sáng tạo của người viết. Đặc biệt là đối với thể loại thơ, việc chỉ ưa một số gu thẩm mỹ nào đó của người biên tập sẽ tạo ra cánh cửa hẹp cho người viết.

Trong khi, ở nhiều tòa soạn báo/tạp chí địa phương, việc nhiều biên tập viên đi lên từ một tác giả viết có kinh nghiệm, thành công ở một thể loại là điều rất quý. Tuy nhiên số lượng những biên tập viên như thế chưa thực sự nhiều và đôi khi mới mạnh về kinh nghiệm sáng tác nhưng lại mỏng về kiến thức văn học hay lí luận nghệ thuật. Trong khi việc biên tập còn hệ trọng hơn việc đưa một diễn viên lên sân khấu bởi những hệ lụy từ giấy trắng, mực đen mà câu chuyện về Thánh Gióng, Thạch Sanh, Sọ Dừa… với những dị bản lạ thường đang được dư luận xã hội chú ý trong thời gian gần đây. Đặc biệt, trong cách lựa chọn, không ít người thường đặt niềm tin cho những tác giả thân quen, tác giả cùng trang lứa, cùng nhóm hay sân chơi mà không hẳn lúc nào cũng có ý thức hướng đến việc tìm ra tác giả mới, làm mới tờ báo/tạp chí từ cái tên người viết hay kiếm tìm, bồi dưỡng những cây bút trẻ. Ngoài ra, còn khá “tế nhị” trong cái phạm vi trong tỉnh, ngoài tỉnh, trong hội, ngoài hội…

… đến ảnh hưởng với người viết

Người biên tập vốn là một loại người đọc khá đặc biệt (người đọc đầu tiên trước cả nhà phê bình và bạn đọc). Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của họ còn tác động khá lớn đến ngòi bút của tác giả theo kiểu viết sao cho lọt, cho êm. Chưa kể đến những tâm sự, trao đổi, chuyện cắt bỏ, thêm bớt hay nói không với bản thảo cũng là một lời vô ngôn cảnh báo với người viết về cách viết, sự cách tân ấy. Nhưng đáng bàn nhất phải kể đến việc họ chưa thực sự chú ý đến những phản hồi mang tính tháo gỡ, định hướng bồi dưỡng năng lực sáng tạo cho người viết. Chỉ khi nào người biên tập thực sự có ý thức xây dựng nguồn bản thảo có chất lượng bằng những cách thức tích cực đó thì sự tác động đến người cầm bút của họ mới đem lại những chuyển biến tích cực.

Phương Việt
Nguồn: Tổ Quốc