Ngày đăng : 14/04/2015

“Người khổng lồ văn chương” Günter Grass qua đời


Nhà văn Günter Grass của Đức, người viết cuốn Cái trống thiếc và đã giành giải Nobel Văn chương, vừa qua đời ở tuổi 87

Tờ Telegraph cho biết ông Grass qua đời trong ngày 13/4 tại thành phố Lübeck của Đức. Nguyên nhân của cái chết chưa được làm rõ. 

Grass sinh tại thành phố Danzig, nay là Gdansk, vào năm 1927. Ông bị buộc phải tòng quân vào năm 1944, khi mới 16 tuổi và trở thành một pháo thủ xe tăng trong lực lượng Waffen SS. Cuộc chiến của Gunter kết thúc 6 tháng sau khi ông nhập ngũ, lúc còn chưa bắn được viên đạn nào, bởi bị thương ngoài chiến trường.

Người ta đã cáo buộc ông là kẻ phản bội, đạo đức giả và chủ nghĩa cơ hội, sau khi ông viết về trải nghiệm thời kỳ đi lính ấy trong cuốn hồi ký Peeling the Onion (Bóc vỏ hành), ra mắt năm 2006. Grass rất ngạc nhiên trước sự phản ứng, cho biết thời trẻ ông chỉ nghĩ SS là “một lực lượng đặc nhiệm”.

Ông cũng cho biết đã công khai nói về quá khứ tham gia chiến tranh trong những năm 1960 và đã dành gần hết cuộc đời để xem xét lại niềm tin thời trẻ của mình, thể hiện qua các tác phẩm đã ra mắt. 


Nhà văn Günter Grass, tác giả cuốn Cái trống thiếc nổi tiếng

Sau chiến tranh, ông theo  học nghệ thuật ở Düsseldorf và Berlin. Ông dọn tới sống ở Paris vào năm 1965 và bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết kể lại câu chuyện của nước Đức trong nửa đầu thế kỷ 20, qua cuộc đời của một cậu nhóc đã không chịu lớn lên. 

Kết quả là Cái trống thiếc ra đời, một tác phẩm pha trộn nhiều yếu tố tưởng tượng, gia đình, triết lý và ngụ ngôn chính trị. Cái trống thiếc trở thành hiện tượng ăn khách toàn cầu, nhưng bị giới phê bình chỉ trích kịch liệt, nhất là ở nước Đức. 

Phẫn nộ với cuốn sách, các thành viên hội đồng lập pháp Bremen đã từ chối trao giải văn chương cho nó. Cuốn sách còn bị đốt cháy ở Düsseldorf. Nhưng nó lại giúp Grass có giải Nobel Văn chương. Khi trao giải Nobel Văn chương cho Grass, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã ca ngợi ông là một nhà văn “với những câu chuyện ngụ ngôn mang màu sắc đen tối, hài hước đã vẽ lại gương mặt bị lãng quên của lịch sử”

Phát biểu nhận giải trước Viện Hàn lâm Thụy Điển vào năm 1999, Grass cho biết phản ứng của dư luận đã dạy ông một bài học, rằng “các cuốn sách có thể gây tức giận, tạo ra sự phẫn nộ và thù ghét”. Ngoài ra tác phẩm hình thành từ tình yêu đất nước của một con người có thể gây xúc phạm tới quê hương của kẻ khác. “Kể từ sau cuốn sách, tôi đã trở thành một nhân vật gây tranh cãi” – ông chia sẻ. 

Quả thực, ông đã từ từ tung ra nhiều tác phẩm gây tranh cãi quanh các vấn đề công bằng xã hội, hòa bình và môi trường. Ví dụ như năm 1977, Grass đã động tới vấn đề chia sẻ quyền lực chính trị giữa đàn ông và phụ nữ, nạn đói và sự trỗi dậy của nền văn minh nhân loại trong một cuốn sách dày 500 trang. 

Năm 1986, ông tung ra cuốn  The Rat (Con chuột), khám phá chủ đề tận thế, và năm 1995 thì tung ra cuốn Too Far Afield, xem xét sự hợp nhất của nước Đức qua con mắt của những người Đông Đức. Cuốn sách khiến nhà phê bình văn chương nổi tiếng Marcel Reich-Ranicki của Đức nổi giận và gọi tác phẩm này là “một sự thất bại hoàn toàn”. Tờ Der Spiegel thậm chí còn đăng hình bìa với ảnh cuốn sách bị xé làm hai nửa. 

Cuốn tiểu thuyết cuối của Grass là Crabwalk, ra mắt năm 2002, xem xét vụ chìm tàu chở khách Wilhelm Gustloff vào năm 1945. 3 cuốn hồi ký của ông là Peeling the Onion, The Box và Grimms’ Words cũng động chạm tới nhiều vấn đề nhạy cảm. 

Tường Linh - Theo Telegraph
Nguồn: TT&VH