Ngày đăng : 09/06/2015

Hiện tượng văn học Franz Kafka (1883-1924)


Không thể xếp Kafka vào một trào lưu văn học nào cả, văn phong của ông gần với chủ nghĩa biểu hiện, nhưng theo quan điểm tư tưởng thì lại có người xếp vào trường phái hiện sinh chủ nghĩa. Cuộc sống nội tâm và những sáng tác của ông mang dấu ấn của ba di sản văn hóa: văn hóa Do Thái ở trong gia đình, văn hóa Đức ở trong nhà trường, văn hóa Séc trong cuộc sống với cộng đồng người Séc dưới sự thống trị Áo-Hung.

Franz Kafka sinh ngày 3.7.1883 ở Praha (Tiệp Khắc) trong một gia đình tiểu thương gốc Do Thái ở tỉnh lẻ chuyển về thủ đô Praha và ông mất ngày 3.6.1924 ở khu an dưỡng Kierling ngọai ô thủ đô Viên (nước Áo) . Mặc dù gia đình nói tiếng Tiệp, nhưng vì Praha hồi bấy giờ là thủ đô của vương quốc Bõhmen và đồng thời là một trung tâm văn hóa Đức sau thành phố văn hóa Viên, nên Kafka không theo học trường Tiệp, mà theo học trường Đức. 1901-1906, Kafka học Ngữ văn Đức và Luật ở Đại học Praha. 1906-1907 ông hành nghề Luật sư, 1908-1922 làm nhân viên cho một công ty bảo hiểm. Trong thời gian này ông có đi du lịch Ý, Pháp, Đức, Hung-ga-ri, Thụy Sĩ. Từ 1917 tới 1922, Kafka đã đi chữa bệnh lao phổi ở các nơi như Zũrau, Schelesen, Meran, Spindlermũhle. 1.7.1922 Kafka phải nghỉ hưu sớm vì bệnh lao phổi nặng. Từ 1923 cho tới khi mất năm 1924, Kafka chung sống với Dora Diamant ở Berlin, rồi ở Viên và chỉ chuyên tâm viết văn. Kafka là kẻ độc hành cô đơn khó hiểu, xung đột nội tâm không sao giải quyết được do hai cá tính trái ngược nhau giữa người cha tiểu thương độc đóan hung dữ trong sinh họat gia đình, cương quyết chạy theo lợi ích vật chất với cá tính thờ ơ yếu đuối của cậu con trai. Xung đột này dẫn tới việc Kafka gửi gắm tất cả tâm tư vào văn chương. Kafka miêu tả xung đột nội tâm của mình trong tác phẩm Thư gởi cha (mãi năm 1952 mới xuất bản). Câu chuyện đính hôn bất hạnh của Kafka với Milena Jesenská thể hiện rõ trong truyện ngắn Bản án (Das Urteil, viết năm 1912, xuất bản năm 1916). Truyện ngắn này kể về cuộc sống nội tâm giằng xé giữa người cha cục cằn vô cớ luôn la mắng con trai và cá tính nhu nhược buông trôi của cậu con trai -một thương gia trẻ. Tiểu thuyết Vụ án (Der Prozess, viết năm 1914, xuất bản năm 1925) kể về cái chết bi thương của nhân viên ngân hàng Joseph K. . Joseph K. bỗng dưng bị nhà chức trách vô danh bắt và sau đó bị tử hình. Joseph K. trở thành nạn nhân của hệ thống hành chính quan liêu tới mức khó hiểu: cái phi lý bi kịch. Lọai Motiv như thế ta chỉ thấy có ở nhà văn Kafka. Lúc sinh thời, những tác phẩm đã in của Kafka không được dư luận chú ý, nên ông đã nhờ bạn mình là Max Brod hãy đốt những bản thảo còn lại sau khi mình qua đời , nhưng Brod làm ngược chúc thư của Kafka, ông không hủy nó như trong chúc thư, mà cho xuất bản các bản thảo ấy. Và từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, những tác phẩm của Kafka mới được dư luận lưu ý, rồi nó trở nên nổi tiếng bởi chưa có một nhà văn nào cùng thời dự cảm cho ta thấy rõ nỗi cô đơn, sự bất an của cái tôi, sự xa lạ của thế giới như trong những tác phẩm của Kafka. Hóa thân (Die Verwandlung, viết năm 1912, xuất bản năm1915) kể về anh chàng đi chào hàng Gregor Samsa - một người chú tâm hòan thành những chuyến giao hàng và giao lại đủ số tiền hàng ,nhưng vẫn bị chủ nghi ngờ. Sau những cơn ác mộng, Samsa thức giấc và thấy mình biến thành một con bọ cạp (Kãfer). Tác phẩm Vụ án, Lâu đài phản ánh nỗi bất an trong đời sống con người đầu thế kỷ XX. Những tác phẩm khác là: Mỹ (Amerika, 1927), Nhà trừng giới ( In der Strafkolonie,1919), Thầy thuốc nông thôn (Ein Landarzt, 1919), Vô địch nhịn đói (Ein Hungerkũnstler, 1924).

Lâu đài

Sau khi Franz Kafka mất, bạn thân của ông là Max Brod cho xuất bản tiểu thuyết* Lâu đài năm 1926. Xuất phát từ những quan niệm khác nhau về thân phận con người nên có những đánh giá khác nhau về tiểu thuyết Lâu đài trong giới phê bình văn học trên thế giới. Tiểu thuyết kể về một người làm đạc điền đến lâu đài của bá tước West West để tìm việc là K., anh được thông báo là chuẩn bị nhận việc, và chức sắc trong vùng là Klamm còn viết thư động viên K. làm việc. Tuy có quen một số người như Barnabás, Olga, Frida, nhưng K. cũng không sao gặp được nhà chức trách để xem kết quả tuyển dụng.* K. đành phải chờ và sống mòn mỏi, kiệt sức trong cảnh lo âu chờ đợi. K. sống trong một thế giới có thực mà cứ như là ảo, anh nhìn thấy Lâu đài, nhưng không sao trực tiếp gặp được Klamm cũng như chức sắc cao nhất trong vùng.

Anh chàng làm nghề đạc điền K. vô danh tới mức không có cái tên đầy đủ, sống trong chờ đợi nên anh ta có cảm tưởng hiện thực cuộc sống chỉ là những ảo ảnh, K. không sao lý giải được sự chờ đợi phi lý ấy. Nhân vật K. được tác giả chọn lọc mang tính chất biểu trưng, nó có tầm khái quát và tạo nên hình tượng văn học ẩn chứa trong mình một tư tưởng triết học: tình trạng bị bỏ rơi nên cô đơn, bất lực, trở nên con người xa lạ giữa đời thường.

Sức mạnh của Kafka không phải là sức khỏe, mà là sự im lặng quan sát- một thói quen của cậu bé Franz gầy gò ốm yếu có từ khi sống ở nhà. Hình tượng anh chàng đạc điền K. không có một chỗ ở, không được hành nghề, vì vậy không có tiền đồ và chỗ đứng trong cộng đồng. Phải chăng đây là cảnh sống của những người dân sống trên đất Séc dưới ách thống trị đế quốc Áo-Hung ở đầu thế kỷ XX (trong đó có những người Do Thái). Trong nhật ký của mình, Kafka đã thổ lộ, rằng ông đã "tự ủy nhiệm" cho mình nhiệm vụ phản ánh cuộc sống ấy bằng ngòi bút.

* Kafka dự định viết tiểu thuyết tự thuật, nhưng rồi lại chuyển nhân vật Tôi sang là nhân vật K. Kafka viết phác thảo tiểu thuyết vào mùa thu năm 1920 và viết một mạch từ tháng một tới tháng chín năm 1922 thì nghỉ, phần kết vẫn còn bỏ ngỏ. Địa danh được sử dụng trong tiểu thuyết là lâu đài và làng Wessek, nơi gia đình Kafka đã từng sống. Mô típ lâu đài là nơi đầy bí hiểm thường xuất hiện trong văn học lãng mạn. Tác phẩm Lâu đài của Kafka đã được Max Brod chuyển thể thành kịch bản và cho công diễn tại Schlossparktheater ngày 12.5.1953 ở Berlin.

* Theo Max Brod thì Kafka dự định: Trong lúc nhân viên đạc điền K. kiệt sức chờ chết thì nhận được thông báo của lâu đài rằng K. được phép lưu trú ở làng. Xem trang 586-587, Daten deutscher Dichtung von Herbert A. und Elisabeth Frenzel, Band 2, Deutscher Taschenbuch-Verlag, Mũnchen, 1999

Lương Văn Hồng
Ngu
ồn: Newvietart