Ngày đăng : 22/09/2017

Phạm Ngọc Tiến: 'Tôi hy vọng giới trẻ viết về chiến tranh'


Tác giả tiểu thuyết "Tàn đen đốm đỏ" cho rằng đề tài chiến tranh là mảnh đất màu mỡ mà các cây bút mọi thế hệ nên khai thác.

 

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến vừa có buổi giao lưu với độc giả nhân dịp tái bản tiểu thuyết Tàn đen đốm đỏ.

 

Tại tọa đàm, nhà văn chia sẻ sau năm 1975, đề tài chiến tranh gần như gắn với các nhà văn cựu binh như Chu Lai, Bảo Ninh, Nguyễn Văn Thọ... Họ trực tiếp trải qua nhiều mất mát, đau thương và chưa thoát khỏi cuộc chiến. Tuy nhiên, ông cho rằng giới trẻ có thể viết về chiến tranh từ những góc nhìn mới mẻ.

 

"Nếu chúng ta mặc định chỉ có những người trải qua chiến tranh mới có thể viết đề tài này, Lev Tolstoy đã không thể tạo ra Chiến tranh và hòa bình", nhà văn nói. Tác phẩm tái hiện cuộc chiến tranh yêu nước của Nga năm 1812, trong khi nhà văn sinh năm 1828. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến khuyên các cây bút trẻ đọc hai cuốn sách Hồi ức lính (Vũ Công Chiến), Quảng Trị 1972 (Nguyễn Quang Vinh) để lấy tư liệu, cảm xúc về chiến tranh.

Phạm Ngọc Tiến là tác giả nhiều tập truyện ngắn như "Thằng cha buôn hàng chuyến", "Thằng mõ trâu"... Ngoài ra, ông còn là người viết kịch bản nhiều phim truyền hình như "Bão qua làng", "Gió làng Kình"...

Tiến sĩ Phạm Xuân Thạch - Trưởng khoa Văn học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - đánh giá cao hai tác phẩm Quảng Trị 1972 (Nguyễn Quang Vinh), Mùa chinh chiến ấy (Đoàn Tuấn). Theo Tiến sĩ Phạm Xuân Thạch, văn học chiến tranh đã bước sang một trang mới. Các tác phẩm ngày nay không chỉ mô tả sự khốc liệt mà đi sâu tái hiện thế giới con người trong cuộc chiến. Họ "có tốt, có xấu, có tầm thường".

 

Nhà văn, nhà phê bình Bùi Việt Thắng chia sẻ 10 tác phẩm viết về chiến tranh ra đời sau 1975 mà ông tâm đắc, gồm: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Bến không chồng (Dương Hướng), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Lạc rừng (Trung Trung Đỉnh), Mùa hè giá buốt (Văn Lê), Tàn đen đốm đỏ (Phạm Ngọc Tiến), Chim én bay (Nguyễn Tri Huân), Đỉnh cao hoang vắng (Khuất Quang Thụy), Mình và họ (Bình Phương), Miền hoang (Sương Nguyệt Minh).

 

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả bàn về tác phẩm Tàn đen đốm đỏ. Tiến sĩ Phạm Xuân Thạch đánh giá Phạm Ngọc Tiến vẫn sử dụng những môtíp kinh điển như tái hiện hồi ức cựu binh, cuộc tụ tập của những đồng đội trong thời bình, chuyến đi tìm mộ... Tuy nhiên, nhà văn đã tìm ra cách riêng để kể chuyện.

 

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng đánh giá cao việc Phạm Ngọc Tiến đan cài giữa thực và ảo, ma và người. Nhà văn Ngô Văn Giá tâm đắc chi tiết người lính năm xưa sống vất vưởng, tù túng vì nỗi ám ảnh bỏ rơi đồng đội. Ông cũng khen ngợi cách Phạm Ngọc Tiến xây dựng mối tình giữa hai âm hồn chiến sĩ chưa kịp sống hết cuộc đời. Theo ông, đó là chi tiết thể hiện tính nhân văn của tác phẩm.

 

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến chia sẻ ông viết tác phẩm năm 1994, "khi những hồi ức về chiến tranh trào dâng, chạm vào lòng sâu sắc, hòa quyện như máu thịt". Tên Tàn đen đốm đỏ ra đời trong một buổi tối, khi nhà văn nhìn thấy đốm đỏ của đầu điếu thuốc, ông tưởng tượng ra con mắt của những linh hồn đã hy sinh, những người chiến sĩ trực tiếp cầm súng bảo vệ độc lập tự do của đất nước.

 

Tiểu thuyết lấy cảm hứng từ câu chuyện những người lính đi tìm lại đồng đội của chính tác giả và bạn bè ông. Qua đó, nhà văn mong muốn nhắc nhở về những hậu quả không thể khắc phục của cuộc chiến tranh đã đi qua.

 

Hà Thu

Nguồn: VnExpress