Tạo dựng tương lai - Vai trò của các viện đại học Hoa Kỳ

Tạo dựng tương lai - Vai trò của các viện đại học Hoa Kỳ

Tác giả Frank H. T. Rhodes
Ngôn ngữ Tiếng Việt
Lĩnh vực Khoa học - Giáo dục


Tạo Dựng Tương Lai (Frank H. T. Rhodes)

Frank H. T. Rhodes

Lời nói đầu.

Nửa thế kỷ phát triển vũ bão thời hậu chiến của Thế chiến thứ Hai thế kỷ 20, nền đại học Hoa Kỳ, tuy ‘sinh sau nở muộn’ so với nền đại học lâu đời của châu Âu, nhưng đã có một sự phát triển “thần thoại” trong lịch sử như chuyện thần thoại Thánh Gióng Việt Nam, cung cấp cho tất cả các khu vực xã hội chuyên gia và lãnh đạo, nó “giáo dục công chúng, trau dồi thị hiếu của người dân, và đóng góp cho sự vững mạnh của quốc gia vì nó nuôi dưỡng và đào luyện từng thế hệ những kiến trúc sư, những họa sĩ, những tác giả, nhà lãnh đạo doanh nghiệp, kỹ sư, nông gia, luật sư, bác sĩ, thi sĩ, khoa học gia, nhà hoạt động xã hội, và những nhà giáo…”. Nhưng điều muốn nói ở đây là nền đại học Hoa Kỳ đã tạo ra những học giả lỗi lạc về giáo dục đại học. Sẽ khó mà hình dung được sự phát triển đại học Hoa Kỳ nếu không có các vị chủ tịch lãnh đạo này. Đại học Hoa Kỳ có quy mô lớn nhất thế giới, và sức tự trị cũng mạnh mẽ nhất thế giới, cho nên trách nhiệm của các vị chủ tịch lại càng lớn lao và quan trọng hơn bao giờ hết. Mỗi vị chủ tịch đều để lại dấu ấn cho đại học. Họ là những nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách phát triển, tìm tài trợ, đại diện cho tinh thần đại học họ lãnh đạo trước công chúng, và mang nhiều loại trách nhiệm khác trên vai, nhưng đồng thời là những học giả nổi tiếng trong cộng đồng trí thức đại học. Họ có những bài diễn văn, bài viết nổi tiếng lịch sử, và đa số trong họ đều có những tác phẩm có giá trị về giáo dục đại học, ‘phản tư’ về những trải nghiệm và quan sát của họ về những vấn đề giáo dục đại học trong những nhiệm kỳ chủ tịch. Các tác phẩm vừa thể hiện trách nhiệm xã hội của họ đối với đại học, đồng thời cũng thể hiện trình độ và bản lĩnh lãnh đạo của họ.

Frank H. T. Rhodes (1926 - ) là một trong những vị chủ tịch và học giả như thế. Ông là một nhà địa chất học, giữ chức chủ tịch thứ chín của Đại học Cornell ba nhiệm kỳ liền (1977 - 1995). Rhodes không những được vinh danh trong ngành địa chất học mà còn trong lĩnh vực giáo dục đại học, nhận được huy chương Bigsby của Hội Địa chất London và huy chương Clark Kerr của Đại học California, Berkeley cho những người được xem là lãnh đạo đại học xuất sắc, đồng thời ông còn nhận được vô số chức danh danh dự khác trong và ngoài nước. Ông cũng được mời làm chiến lược gia phát triển của Kaust, Đại học Vua Abdullah về Khoa học và Công nghệ của Saudi Arabia.

Quyển sách Tạo dựng tương lai của ông được Cornell University Press xuất bản năm 2001, được xem như một ‘viên đá quý’ (Donald Kennedy), bàn về vai trò và sứ mệnh đặc biệt của đại học nghiên cứu của Hoa Kỳ, nó từ đâu đến, hiện đang đứng ở đâu, và đi về đâu. Ông đề cập hàng loạt vấn đề của đại học và liên quan đến đại học, cũng như những nguy cơ đang chờ đợi đại học trong thời đại cách mạng công nghệ thông tin và thời đại thương mại hóa ngày càng tăng với sự tiến bộ kỹ thuật. Vài chục năm nữa, các khuôn viên đại học thực - “brick university” (được xây bằng gạch) - được thay thế bằng các đại học ảo - click university (được xây bằng những cái click) - để trở thành phế tích hết chăng, chỉ còn là những ‘viện bảo tàng’ của một ‘thời oanh liệt’ chăng? Một sự mất mát cộng đồng học thuật sẽ là một tai họa cho nền đại học: “Không có cộng đồng, tri thức chỉ là riêng tư. Một người học cô đơn, nghiên cứu trong sự biệt lập, sẽ có nguy cơ bị rơi vào sự hẹp hòi, chủ nghĩa giáo điều, và sự tự nghĩ không được kiểm chứng. Còn nếu được theo đuổi trong cộng đồng, học thuật sẽ phát triển và đem lại hiểu biết, được thử thách bởi các diễn giải trái chiều, được lên men bởi các trải nghiệm khác và được tinh luyện bằng nhiều quan điểm để lựa chọn.” Rhodes tin chắc vào giá trị không thể thay thế của các đại học trong khuôn viên, nơi tạo ra văn hóa đại học, nơi đào tạo những nhà lãnh đạo và giáo dục tương lai, nơi gây men thầm lặng và truyền ngọn lửa tri thức cho các thế hệ kế tiếp. Trước những đe dọa và cám dỗ của thế kỷ 21, đại học cần phải thay đổi, điều đó chắc chắn, nhưng thay đổi để ‘hùng mạnh thêm’ và ‘tốt thêm’ chứ không phải để yếu đi hay biến mất, như lời ông nói.

Kỷ yếu Humboldt cảm ơn nhóm dịch giả Hoàng Kháng, Tô Diệu Lan, Lê Lưu Diệu Đức đã cho phép trích một số đoạn dưới đây của quyển sách để làm phong phú thêm chủ đề đại học của kỷ yếu. Xin cảm ơn, và cũng xin giới thiệu với bạn đọc tác phẩm rất thú vị và thu hút này mà người đọc sẽ thích thú muốn đọc một hơi thật nhiều như có thể.

Nguyễn Xuân Xanh



Đăng ký hoặc Đăng nhập để được bình luận


NHỮNG CUỐN SÁCH KHÁC TRONG TỦ SÁCH GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Xem tất cả >>


Sách đọc nhiều nhất

Nghệ nhân và Margarita

Tác giả: Mikhail Bulgacov

Nhóc Nicolas - Trọn bộ 6 quyển

Tác giả: René Goscinny - Sempé

Nghĩa vụ học thuật

Tác giả: Donal Kennedy

Chuyện Nỏ thần

Tác giả: Tô Hoài

Chiến tranh và Hòa bình

Tác giả: L. Tolstoi


SÁCH MỚI

Ý niệm đại học Ý niệm, theo đúng nghĩa, không phải là “sáng kiến” chủ quan, mà là kết quả của lao ...