Tác giả | Ngô Đức Thịnh, Chu Thái Sơn & Nguyễn Hữu Thấu |
Ngôn ngữ | Tiếng Việt |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
Đơn vị xuất bản | Nxb Văn hóa dân tộc |
Giá sách | 40.000VND |
Thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo-Polinesia (ngữ hệ Nam Ðảo), cộng đồng Êđê là một trong những tộc người bản địa lâu đời của miền đất Tây Nguyên. Ngày nay, với nhiều nhóm địa phương khác nhau, người Êđê cư trú chủ yếu tại các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, Phú Yên, Gia Lai,… Nhắc tới văn hóa Êđê, người ta không thể không nhớ sử thi Đam San nổi tiếng, được biết đến từ những thập kỉ đầu của thế kỉ 20. Câu chuyện ấy gắn liền với tên của một người Pháp - Công sứ Leopold Sabatier. Và cuốn sách được giới thiệu ở đây cũng có mối liên hệ mật thiết với ông.
Theo tài liệu nghiên cứu, L. Sabatier công bố bộ sưu tập luật tục bằng chữ Êđê, năm 1927. Đến năm 1940, ông Dominique Antomarchi dịch công trình này qua tiếng Pháp và được in trên tạp chí Trường Viễn đông Bác cổ. Sau 1975, nhà dân tộc học Nguyễn Hữu Thấu căn cứ vào bản Pháp ngữ, công bố bản dịch tiếng Việt, dưới dạng tài liệu nghiên cứu; năm 1996, sách được in chính thức, sau khi đã có sự bổ sung về nội dung.
Khi được tái bản lần thứ nhất, năm 2001, mặc dù có được “hệ thống, chỉnh lí, bổ sung” những tư liệu mới, song các tác giả sách Luật tục Êđê vẫn tuân thủ cách sắp xếp nội dung của L. Sabatier trước đó, cụ thể là chia 236 điều (song ngữ Êđê – Việt) ra thành 11 chương, như sau:
Chương I: Các qui định mở đầu: 23 điều
Chương II: Về các tội xúc phạm đến người đầu làng: 33 điều
Chương III: Về các tội của người trưởng thôn: 11 điều
Chương IV: Các vi phạm lợi ích cộng đồng: 27 điều
Chương V: Về hôn nhân: 48 điều
Chương VI: Về quan hệ cha mẹ - con cái: 6 điều
Chương VII: Về tội gian dâm: 11 điều
Chương VIII: Các trọng tội: 21 điều
Chương IX: Về của cải, tài sản: 38 điều
Chương X: Về trâu bò gây thiệt hại cho người ta và trâu bò bị người ta làm thiệt hại: 10 điều
Chương XI: Về đất đai và người chủ đất: 8 điều.
Trong phạm vi tập hợp này, nếu như số lượng các điều khoản phản ánh tính chất quan trọng (hoặc phức tạp) của vấn đề thì có thể sắp xếp trật tự của các điều khoản ấy như sau: Với 48 điều, hôn nhân đứng đầu bảng (chưa kể 11 điều về gian dâm), tài sản đứng thứ 2 (38 điều), tiếp đến là tội xúc phạm người đầu làng (33 điều); trong khi đó, quan hệ cha mẹ - con cái (6 điều) đứng cuối cùng và trên nó là vấn đề của đất đai và người chủ đất, với 8 điều… Thực tế chỉ ra rằng không chỉ trong xã hội Êđê xưa, hôn nhân (theo truyền thống mẫu hệ) mới là vấn đề đáng quan tâm nhất mà ngày nay, điều này dường như vẫn còn nguyên giá trị. Tương tự như vậy, nhưng ở hướng ngược lại, cho đến những năm gần đây, việc sở hữu đất đai trong tư duy của người Êđê nói riêng, đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung cũng chưa hề chặt chẽ - luật tục chỉ dành cho nội dung này có 8 điều.
Về hôn nhân, chương V, điều 109, qui định: “Đã lấy vợ thì phải ở với vợ cho đến chết; đã cầm cần mời rượu thì phải vào cuộc cho đến khi rượu nhạt; đã đánh cồng thì phải đánh cho đến khi người ta giữ tay lại”. Do đó “nếu đã nhận làm chồng người ta mà anh không lấy người ta nữa, thì tội thuộc về anh”… (điều 110). Đối với gian dâm, người Êđê chia ra các hành vi loạn luân, thông dâm và hiếp dâm. Theo đó, hiếp và cưỡng dâm nữ vị thành niên là những tội nặng. Bởi “hắn đã ép đứa bé như ép ngựa chịu cương, ép trâu phải chịu thừng, dỗ dành đứa bé bằng vòng đồng (đeo tay) và chuỗi cườm (…) Hắn vồ như một con cọp, sáp lại như một con thú, hành động như con chó con lợn, mà không biết hổ thẹn”. Nên “như con lợn con trâu để hiến sinh, hắn sẽ phải chịu vì những việc hắn đã gây ra” (điều 155).
Bên cạnh những hình phạt khắt khe (lấy một đền ba là một ví dụ), luật tục Êđê còn có những điều có nội dung răn đe, giáo dục, nghe ra tưởng nhẹ nhàng nhưng thật sâu sắc. Ở chương IV, những người có hành vi lang thang, lêu lổng, không chịu ở lại làng mình được “nhắn nhủ” rằng: “Chừng nào hắn còn sống, hắn giống như con trâu rừng. Đến khi hắn chết, hắn sẽ giống như con trâu ma. Khi hắn đã biến thành con chim diều (khi hắn đã chết rồi), không một ai thấy thương tiếc hắn”. Thành ra, “hắn là cái nong sổ vành không ai cạp lại được (…) Người ta sẽ để mặc hắn cho số phận của hắn trôi theo dòng nước” (điều 68). Những ai đã từng sống ở các buôn làng Tây Nguyên sẽ hiểu được sức mạnh của những lời nói vần tưởng như nhẹ nhàng này. Không gì đau khổ hơn khi bị các thành viên trong cộng đồng ghẻ lạnh, không gì nhục nhã, ê chề hơn là bị đuổi ra khỏi làng. Đó là điều mà bất kì một người Êđê, Jrai, Bahnar,… nào đều phải ý thức được.
Có một thực tế cần được nhắc lại ở đây là, cho đến nay, mặc dù cuộc sống ở các buôn làng Tây Nguyên đã có những thay đổi đáng kể nhưng, mặt bằng chung về dân trí cũng như ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào bản địa ở khu vực này vẫn còn những điểm hạn chế nhất định. Do đó, không phải là đã không có những vụ việc cụ thể mà những người thực thi pháp luật hiện hành cần đến sự trợ lực của luật tục. Tạm chưa bàn đến cái lợi về thu nhận tri thức văn hóa, xã hội Êđê xưa, điều vừa nêu hẳn đã là một trong những lí do chính khiến cuốn sách về luật tục này được những người quan tâm tìm đọc.
Nguyễn Quang Tuệ
Đăng ký hoặc Đăng nhập để được bình luận
TỦ SÁCH CHUYÊN ĐỀ
Sách đọc nhiều nhất
SÁCH MỚI