Tác giả | Nhiều tác giả |
Ngôn ngữ | Tiếng Việt |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
Năm xuất bản | 2008 |
Đơn vị xuất bản | Nxb Khoa học xã hội |
Giá sách | 132.000 VND |
Từ lâu, nói đến sử thi Việt Nam, người ta nghĩ ngay đến miền đất Tây Nguyên, nơi đang tồn tại một kho tàng sử thi sống động. Và cuốn sách này chính là tập kỉ yếu bao gồm 23/37 tham luận của các tác giả Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Lào và Thái Lan, đã được công bố trong Hội thảo quốc tế Sử thi Việt Nam do Viện Khoa học xã hội Việt Nam và UBND tỉnh Đắc Lắc phối hợp tổ chức tại Buôn Ma Thuột, hồi cuối tháng 10 năm 2008. Các bài viết được trình bày theo trình tự: tóm tắt bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Trung và cuối cùng là toàn văn bằng tiếng Việt, một số bài viết có bản dịch đầy đủ bằng ngoại ngữ.
Về bố cục, sách được chia làm năm phần, trong đó có ba phần chính là: Sử thi Việt Nam, Sử thi châu Á và Tổng kết Hội thảo. Nội dung các bài viết trong sách tập trung làm rõ các vấn đề chủ yếu: Xác định vị trí của sử thi Việt Nam nói chung, sử thi Tây Nguyên nói riêng trong bức tranh của sử thi thế giới và khu vực; giới thiệu và so sánh sử thi ở phía Bắc và phía Nam của Việt Nam; tổng kết quá trình sưu tầm, nghiên cứu, truyền dạy sử thi nói chung và từng tác phẩm nói riêng trong những năm qua ở Việt Nam; giới thiệu sử thi và thành quả sưu tầm, nghiên cứu sử thi ở các nước khác…
Khởi nguồn từ một hội thảo, sách tập hợp các vấn đề dành cho những người đang theo đuổi việc khám phá, bàn luận về sử thi Việt Nam và sử thi thế giới. Việc tổ chức hội thảo tại Buôn Ma Thuột, hình như có ngầm khẳng định rằng, sử thi Việt Nam bao gồm một phần rất lớn các sử thi Tây Nguyên. Trong phần Sử thi Việt Nam, trừ một bài viết của tác giả nước ngoài bàn về sử thi của người Thái Đen và một bài điểm lại quá trình sưu tầm và nhận thức lí luận đối với sử thi ở Việt Nam, tám bài còn lại dành sự quan tâm cụ thể cho sử thi Tây Nguyên.
Sử thi của vùng đất này đã được các tác giả nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau, song cái người ta quan tâm nhiều nhất vẫn là làm thế nào để bảo tồn, phát huy các giá trị của sử thi sống trong môi trường hiện đại ngày nay. Nhìn chung, các giải pháp đưa ra đều có cơ sở lí luận và thực tiễn nhưng ai làm và bao giờ làm vẫn còn là vấn đề tương đối mở.
Có thể bắt gặp trong cuốn sách này nhiều trang bàn luận về sử thi Tây Nguyên một cách khái quát và sâu sắc. Độc giả cũng đồng thời nhận ra sự trăn trở, nóng ruột (thậm chí có thể nói là đau lòng) rất đáng trân trọng của một số người làm công việc quản lí, nghiên cứu văn hóa ở một số địa phương Tây Nguyên, khi họ trình bày thực trạng của vấn đề. Có thể nêu một ví dụ, rằng những thành tựu về sưu tầm, biên dịch sử thi Việt Nam thực tế chỉ được biết đến nhiều khi dự án sử thi được Trung ương thực hiện tại Tây Nguyên. Vấn đề đặt ra, khi dự án đã kết thúc mà sử thi vẫn còn tồn tại sống động (kì thực là thoi thóp) tại các cộng đồng dân tộc thiểu số thì tìm cho nó một giải pháp là hết sức cần thiết. Ý kiến cho rằng mỗi địa phương cần có một bộ phận người đảm đương công việc này trong sự phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp trên rất nên được xem xét. Tình hình càng trở nên cấp bách hơn khi mà đến nay, sau hội thảo kể trên đã khá lâu, vấn đề vừa nêu dường như vẫn chưa có động thái gì mới.
Trong tình hình ấy, có lẽ những người yêu mến văn hóa Tây Nguyên sẽ phải tạm bằng lòng với giải pháp mang tính thử nghiệm như một nỗ lực nhằm đưa sử thi về với cộng đồng mà Viện Nghiên cứu văn hóa đã và đang triển khai. Theo đó, trước mắt, các bản kể rút gọn sử thi song ngữ sẽ được in ấn và cung cấp miễn phí cho đối tượng độc giả ở độ tuổi thiếu nhi người bản địa Tây Nguyên.
Dù sao thì cũng phải thừa nhận, Sử thi Việt Nam trong bối cảnh sử thi châu Á ở góc độ nào đó là cuốn hơi kén độc giả. Nhưng cùng với sách Sử thi Tây Nguyên (NXB Khoa học xã hội, 1988 - vốn là kỉ yếu của hội thảo Sử thi Tây Nguyên – Việt Nam, Buôn Ma Thuột, 5/1997), nó lại là một trong những tài liệu cần thiết cho bất kì ai yêu quí văn hóa Tây Nguyên cổ truyền, đặc biệt là sử thi trong hoàn cảnh mới của vùng đất vốn được coi là huyền ảo này.
Nguyễn Quang Tuệ
Đăng ký hoặc Đăng nhập để được bình luận
TỦ SÁCH CHUYÊN ĐỀ
Sách đọc nhiều nhất
SÁCH MỚI