Les Sauvages Bahnars - Dân Làng Hồ

Les Sauvages Bahnars - Dân Làng Hồ

Tác giả Piere Dourisboure
Ngôn ngữ Tiếng Việt
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội
Năm xuất bản 2008
Đơn vị xuất bản Nxb Đà Nẵng
Giá sách 55.000 VND


Dòng cuối của cuốn sách này cho biết nó được linh mục P. Dourisboure (người có 35 năm sống ở vùng dân tộc thiểu số) khởi viết tại một vùng rừng núi bắc Tây Nguyên ngày nay vào năm 1865 để rồi sau đó hoàn thành tại Chủng viện Hội Thừa sai Pari ngày 28/1/1870. Gần 40 năm sau ngày tác giả qua đời, năm 1929, bản hồi kí đặc sắc được xuất bản tại thủ đô nước Pháp và dường như ngay lập tức, nó gây xúc động cho cả người trong và ngoại Đạo. Tại cao nguyên ngày nay, những người biết câu chuyện này, dù là đã được đọc trực tiếp hay chỉ mới nghe kể lại cũng đều dành cho người viết và các đồng nghiệp của ông sự trân trọng, khâm phục.

Dân Làng Hồ là cuốn sách viết về buổi đầu gian khó trong hành trình truyền giáo lên cao nguyên của các giáo sĩ phương Tây nhưng hoàn toàn dễ đọc và quan trọng hơn, người ta còn có thể tìm thấy tại đây khá nhiều thông tin khác liên quan đến địa lí, nhân văn của khu vực này, hồi thế kỉ 19. Có lẽ trước hết đó sự hấp dẫn bởi các câu chuyện rải dọc theo những con đường lên cao nguyên hoặc cụ thể hơn là những lối đi giữa bao la rừng rậm và hiểm nguy mà những nhà truyền giáo đã lần mò, khai phá và kể lại. Chuyện lớn chuyện nhỏ đều có. Sự giao thương giữa “Trung Châu” thời kì đó với miền Thượng thấp thoáng đằng sau những trang viết tưởng chừng ít liên quan đến việc này, có thể giúp độc giả hình dung ra phần nào cuộc sống của đồng bào dân tộc miền đất nguyên sơ ngày ấy. Những miêu tả, nhận xét về cây cỏ, muông thú, về số dân, các nhóm sắc tộc và hoạt động mưu sinh, việc rèn đao kiếm, khai thác mỏ,… của các cộng đồng xưa - mà ngày nay đã có sự thay đổi đáng kể - thực sự mang lại cho người đọc những tri thức quí, nhiều khi đáng ngạc nhiên.

Nói đến công cuộc truyền giáo không thể không chạm đến văn hóa hay cụ thể hơn là tín ngưỡng dân gian, những phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Cho dù được trình bày trên quan điểm của những “người đi loan báo tin mừng”, sách vẫn cung cấp cho độc giả nhiều hiểu biết liên quan đến các cộng đồng người nguyên thủy Tây Nguyên mà ngày nay không phải muốn là còn có thể tìm thấy, khi các làng buôn ngày càng được hiện đại hóa. Nhiều người từng biết các tộc người thiểu số có hàng loạt tục kiêng cữ, cấm đoán – một phần những qui định bất thành văn là sức mạnh “pháp lí” của công đồng; nhiều người từng biết tục bóp trứng gà (phải là trứng gà đang ấp thì mới dễ bóp bể) của các thầy cúng/bói/phù thủy nhưng có lẽ tìm hiểu và sớm ghi chép lại rõ ràng như tác giả hồi ký này thì chưa nhiều, nếu không muốn nói là hiếm hoi. Cạnh những chuyện có phần lạ lùng với hôm nay, dường như người đọc chợt thoáng thấy bóng dáng văn hóa Chămpa, khi tác giả kể: “Một pho tượng đàn ông, không biết làm bằng kim loại gì, cao độ một mét, chân tay được đúc rất nghệ thuật (...) Tượng nằm ngay giữa rừng và một vài vật khác nữa đều được làm bởi những bàn tay khéo léo hơn anh em Ba Na rất nhiều, khiến chúng tôi tin rằng trước kia ở xứ này đã có một giống dân khác từng sinh sống, văn minh hơn người dân tộc hiện thời”. Hoặc hãy đọc một đoạn khác, viết khá trữ tình về việc làm bếp của người Ba Na: “Trước hết, nên biết rằng bếp nấu của một ngôi nhà người dân tộc được cấu tạo hoàn toàn sơ sài. Người ta làm một cái khuôn ở giữa nhà và đổ đất đầy vào đó. Không có vấn đề đặt ống khói; ở xứ này, khói cũng tự do bay như không khí vậy. Khói muốn nô đùa, tùy thích nhảy múa khắp mọi ngõ ngách trong nhà và thoát ra đâu tùy nó. Việc đặt bếp nấu gồm việc bỏ vào khuôn gỗ nắm đất đầu tiên, sau đó đốt lửa mới”…

Nếu nhớ rằng những trang viết được cho là sớm và tương đối cụ thể của người Việt về Kon Tum nói riêng, về bắc Tây Nguyên nói chung, của người Việt, bằng tiếng Việt, phải đến năm 1937 mới chính thức được biết đến qua cuốn Mọi Kontum của Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi thì sẽ thấy rằng các ghi chép – dù chỉ là điểm qua, không chủ ý - từ khá sớm (1848 trở đi, thời điểm người bản địa tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài), sẽ thấy rằng các miêu tả, nhận xét, bản đồ trong hồi kí này thực sự có giá trị cho sự tham khảo ngày nay.

Tuy thế, giống như một số công trình khác của các tác giả Pháp, cuốn sách được viết bằng Pháp ngữ này cũng đến với đông đảo người đọc tiếng Việt khá muộn. Nếu chúng tôi không nhầm thì ở Việt Nam, bản dịch của một người ẩn danh được in tại Sài Gòn năm 1972 là ấn bản đầu tiên của Dân Làng Hồ. Sau đó, dựa trên văn bản này, có ít nhất hai lần sách được “tái bản” không chính thức, lần lượt dưới các tên gọi Truyền giáo Tây Nguyên (bản copy cuốn in năm 1972) Lửa thiêng Tây Nguyên (nhóm Alpha – 2007). Khác với các bản xuất hiện trước, bản in tháng 6 năm 2008 (NXB Đà Nẵng) này có ít nhiều sự thay đổi văn phong, từ ngữ (ví dụ Thượng được đổi thành dân tộc thiểu số) và số trang sách cũng được nâng lên (từ 218 trang lần in  đầu lên 322 trang), mặc dù nội dung tác phẩm vẫn giữ nguyên, gồm 29 chương; sự tăng trang này là do sách được bổ sung hình ảnh và 5 phụ lục.

Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả một cuốn sách hay và hữu ích cho những người nặng lòng với Tây Nguyên.

Nguyễn Quang Tuệ



NHỮNG BÌNH LUẬN CỦA THÀNH VIÊN

Các bạn có thể mua cuốn sách Dân Làng Hồ tại địa chỉ:

 

:http://www.fatimacompany.com/index.php?page=shop.product_details&flypage=shop.flypage&category_id=116&product_id=4850&option=com_virtuemart&Itemid=4

 


Xem thêm

Đăng ký hoặc Đăng nhập để được bình luận


NHỮNG CUỐN SÁCH KHÁC TRONG TỦ SÁCH TÂY NGUYÊN Xem tất cả >>


Sách đọc nhiều nhất

Nghệ nhân và Margarita

Tác giả: Mikhail Bulgacov

Nhóc Nicolas - Trọn bộ 6 quyển

Tác giả: René Goscinny - Sempé

Nghĩa vụ học thuật

Tác giả: Donal Kennedy

Chuyện Nỏ thần

Tác giả: Tô Hoài

Chiến tranh và Hòa bình

Tác giả: L. Tolstoi


SÁCH MỚI

Ý niệm đại học Ý niệm, theo đúng nghĩa, không phải là “sáng kiến” chủ quan, mà là kết quả của lao ...