Người Ba-na ở Kon Tum

Người Ba-na ở Kon Tum

Tác giả Nguyễn Kinh Chi & Nguyễn Đổng Chi
Ngôn ngữ Tiếng Việt
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội
Dịch giả Nguyễn Văn Ký dịch sang tiếng Pháp
Năm xuất bản 2011
Đơn vị xuất bản Nxb Tri thức
Giá sách 125.000 VND


Hoặc vì yêu mến hoặc vì công việc mà phải tìm hiểu văn hóa Bahnar, người ta thường cố gắng tìm đọc cuốn Mọi Kontum[1] của Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi. Tuy thế, do được xuất bản từ 1937 (“giá bán 0$65, tác giả giữ bản quyền”), với số lượng in hẳn cũng hạn chế, nên ngày nay, tài liệu này trở nên hiếm hoi. Tình hình trên khiến người ta đôi khi phải tìm hiểu Mọi Kontum một cách gián tiếp, qua những con đường khác nhau, có khi khá xa gốc. Vì vậy, nhiều thông tin, thậm chí cả một vài vấn đề trong cuốn sách đã được tiếp nhận, phản ánh khác nhau, nhiều khi không ăn nhập với nội dung mà bản thân nó vốn chứa đựng. Trong khi chờ cuốn sách quí này được tái bản, xin trân trọng giới thiệu một số điểm liên quan đến tác phẩm này.

1. Về tác giả sách:

Năm 1934, khi mới 21 tuổi, Nguyễn Đổng Chi (Giải thưởng Hồ Chí Minh, 1996) theo anh trai Nguyễn Kinh Chi, là bác sĩ (hoặc y sĩ Đông Dương) lên công cán Kon Tum. Về việc này, trong phần “Cùng bạn độc giả” Mọi Kontum, các tác giả viết, nguyên văn: “Trong một khoảng thời-gian 10 tháng - từ 25 tháng 7 năm 1933 cho đến 30 tháng 5 năm 1934 - nhân được bổ lên làm việc ở Kontum, chúng tôi cùng bào đệ là Nguyễn-đổng-Chi đã dùng những thì giờ thong thả, kê cứu tục lệ của giống người Bahnar ở xung quanh thành phố Kontum. Sau khi trở về đồng bằng, chúng tôi mới sắp đặt những điều ghi chép lại thành cuốn “Mọi Kontum” này”.

Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi là hai anh em ruột, con cháu của dòng họ Nguyễn Chi danh giá ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Thân phụ của họ chính là cụ Nguyễn Hiệt Chi (1870-1935), người từng tham gia phong trào Duy Tân, là sáng lập viên Công ty Liên Thành và Trường Dục Thanh lịch sử. Sau 1945, ông Nguyễn Kinh Chi giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế, Đại biểu Quốc hội khóa I; ông là người đã sinh ra nhà dân tộc học nổi tiếng Từ Chi còn Nguyễn Đổng Chi là thân sinh của GS. Văn học Nguyễn Huệ Chi ngày nay...). Theo cố GS. Trần Quốc Vượng thì các từ Kinh trong Nguyễn Kinh Chi và Đổng trong Nguyễn Đổng Chi hoặc Từ trong Nguyễn Từ Chi sau này đều có liên quan tới các nhân vật lịch sử, văn hóa Kinh Dương Vương, Phù Đổng Thiên Vương và Từ Đạo Hạnh trong ý nguyện của các bậc cha mẹ, khi đặt tên cho con. 

2. Về Mọi Kontum:

Về từ Mọi, theo các tác giả, đây không hề là cách gọi miệt thị hay khinh bỉ như một số người vẫn lầm tưởng mà nó có nguồn gốc từ chính tiếng Bahnar. Trong ngôn ngữ của tộc người này, tơmoi có nghĩa là khách. Hễ thấy người lạ đến làng, người Bahnar gọi đó là tơmoi, tức là khách. Từ tơmoi biến âm thành mọi trong quá trình sử dụng ngôn ngữ bản địa của người ngoại lai cũng là điều dễ hiểu. (Trước các tác giả Mọi Kontum, đã có người gọi cư dân bản địa vùng này là mọi nói chung). Có điều, sự hiểu lầm đáng tiếc về ngữ nghĩa và sắc thái của từ này trở nên nặng nề hơn trong giai đoạn đến trước 1975 ở miền Nam nước ta.

Kontum lẽ ra phải được viết chính xác là Kon Tum. Theo tác giả Võ Chuẩn trong tập Kontum tỉnh chí (xuất bản năm 1933) thì “hai chữ Kontum (...) nguyên là tên một làng Mọi. “Kon” nghĩa là làng, “Tum” nghĩa là bàu, vì làng ấy ở gần một bàu nước. Phỏng trước năm 1800, thì không có tên Kontum vì làng Mọi ấy cũng chưa có...”.  Kontum là vùng đất chịu nhiều biến động về địa lí, lịch sử. Địa giới Kontum được đề cập đến trong Mọi Kontum rộng hơn tỉnh Kon Tum ngày nay. Thời đó, theo các tác giả, Kontum “bắc giáp Quảng-nam, đông giáp Quảng-ngãi và Bình-định, nam giáp Pleiku, tây giáp Ai-lao. Mặt đất rộng chừng 20 vạn cây số vuông”. Như vậy, người Bahnar được đề cập đến trong Mọi Kontum bao gồm cả vùng văn hóa An Khê của tỉnh Gia Lai hiện tại. 

3. Về nội dung của Mọi Kontum:

Với hơn 150 trang in khổ khá rộng, ngoài bài tựa (Pháp ngữ và bản dịch Việt văn) của Công sứ tỉnh Kontum Paul Guilleminet lúc đó, lời “Cùng bạn độc giả” của những người viết sách (6 trang), tài liệu tham khảo, một số phụ bản là tranh vẽ và hình ảnh có giá trị, Mọi Kontum gồm hai phần chính:

- Tỉnh Kontum: Địa dư; Nhân dân; Thành phố; Chánh trị; Kinh tế (28 trang);
- Phong tục Mọi Bahnar: Thân thể, tâm tình; Triết lý tín ngưỡng; Thiên văn địa lý; Hương thôn giao tế; Gia tộc; Sinh tử, giá thú; Sĩ, nông, công, thương; Du hí, mỹ thuật; Tục ngữ Bahnar; Câu đố Bahnar; Chuyện đời xưa Bahnar (120 trang).  

Theo các tác giả, nếu mục đích ở phần thứ nhất của cuốn sách, là “muốn chỉ dẫn, cho những ai sau này muốn lên làm ăn ở trên Kontum, đều nên biết về khí hậu, cách cai trị và nhất là cách sinh hoạt của người Annam ta hiện ở trên đó” thì, “mục đích của chúng tôi, ở phần thứ hai nầy là muốn bày tỏ cho người đồng bang ta hiểu phong tục của giống người mà ta gọi chung một tiếng là “Mọi”. Ta sẽ thấy tục lệ của họ chẳng những không mọi rợ chút nào mà trái lại có nhiều điều thuần túy hơn ta kia”. Quan điểm tiến bộ (và cách làm việc khoa học) đã giúp các tác giả Mọi Kontum vượt qua những định kiến đương thời (sai và hẹp hòi) về người dân tộc thiểu số. Nhờ đó, hiện thực khách quan được phản ánh ở tác phẩm này thực sự có chỗ đứng lâu bền trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc, vượt xa mong ước khiêm tốn ban đầu của các tác giả. Nói lại điều này để thêm một lần nữa cảm phục tài năng của các tác giả sách, khi họ là những người lần đầu tiên đến cao nguyên và chỉ có vẻn vẹn 10 tháng để vừa làm “việc công” vừa tiếp cận vấn đề hết sức mới mẻ, trong tình hình tư liệu còn nhiều thiếu thốn lúc ấy.

Lùi lại gần 70 năm sau ngày cuốn sách nổi tiếng trên xuất hiện, có lẽ nhiều độc giả hiện đại vẫn sẽ tìm thấy những cảm xúc dạt dào trong văn phong của Mọi Kontum, thú vị hơn là thỉnh thoảng người đọc vẫn sẽ “phát hiện” ra nhiều điều trước nay mình chưa được biết, nhất là về phong tục, tín ngưỡng của người Bahnar. Cơ sở của những hiện thực đa dạng ấy nay không còn hoặc đã bị biến dạng nên những miêu thuật kĩ lưỡng trong tài liệu khảo cứu dân tộc học trên càng trở nên có giá trị nhiều mặt. 

Gần đây, một số nhà xuất bản trong nước đã cho ra mắt bạn đọc Việt Nam những cuốn sách dịch có giá trị của các học giả nước ngoài như Rừng, Đàn bà và Điên loạn rồi Miền đất huyền ảo (về người Jrai, đều của J. Dournes), Chúng tôi ăn rừng (về người Mnông, của G. Condominas), Rừng người Thượng (H. Maitre)... khiến nhiều độc giả yêu quí Tây Nguyên mong rằng: Những tác phẩm như Bộ lạc Bahnar ở Kontum hay Từ điển Bahnar - Pháp (đều của P. Guilleminet) cũng sẽ sớm được dịch và xuất bản hoặc gần và dễ hơn là việc tái bản Mọi Kontum của các tác giả người Việt đáng kính đã nêu. Đó sẽ một điều thú vị và đáng chờ đợi biết bao!

Nguyễn Quang Tuệ

----------------------------

Sách được Nxb Tri thức tái bản năm 2011 với tựa "Người Ba-na ở Kon Tum"



Đăng ký hoặc Đăng nhập để được bình luận


NHỮNG CUỐN SÁCH KHÁC TRONG TỦ SÁCH TÂY NGUYÊN Xem tất cả >>


Sách đọc nhiều nhất

Nghệ nhân và Margarita

Tác giả: Mikhail Bulgacov

Nhóc Nicolas - Trọn bộ 6 quyển

Tác giả: René Goscinny - Sempé

Nghĩa vụ học thuật

Tác giả: Donal Kennedy


SÁCH MỚI

Ý niệm đại học Ý niệm, theo đúng nghĩa, không phải là “sáng kiến” chủ quan, mà là kết quả của lao ...