Fônclo Bâhnar

Fônclo Bâhnar

Tác giả Tô Ngọc Thanh (Chủ biên)
Ngôn ngữ Tiếng Việt
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội
Năm xuất bản 1988
Đơn vị xuất bản Sở Văn hóa Thông tin Gia Lai – Kon Tum


Trước khi cuốn sách này xuất hiện, giới nghiên cứu đã biết đến đồng bào Bahnar ở mạn bắc Tây Nguyên qua hàng loạt tác phẩm của những người Pháp, ví như P. Dourisboure (Les sauvages Bahnars – Dân làng Hồ, 1873), J.B. Guerlach (Chez les sauvages Bahnars - Vùng người Bahnar hoang dã, 1884), P. Guilleminet (Le tribu Bahnar du Kontum - Bộ lạc Bahnar ở Kontum, 1952), hoặc cuốn sách đầu tiên của người Việt viết về khu vực này, xuất bản năm 1937 - Mọi Kontum (Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi) hay Các dân tộc tỉnh Gia Lai – Công Tum, 1981. Mặc dù vậy, ngay từ khi được in ra, Fônclo Bâhnar đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc yêu quí văn hóa Tây Nguyên, văn hóa Bahnar. Cho đến nay, có thể khẳng định đây vẫn là một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc mà nhiều phần viết của nó vẫn còn phát huy tác dụng, thậm chí có những khía cạnh mang giá trị mở đường.

Sau 1975, trong khi các sách của người Pháp chưa đến được với số đông độc giả vì nhiều lí do, trong đó cả vấn đề rào cản ngoại ngữ thì có thể nói điều làm nên sự hấp dẫn đầu tiên của Fônclo Bâhnar chính là việc nhóm tác giả đã chọn một địa điểm nghiên cứu cụ thể - vùng Bahnar An Khê cũ (nay đã được tách ra thành nhiều huyện, thuộc tỉnh Gia Lai). Do đó, thay vì viết về người Bahnar chung chung (cần nhớ rằng người Bahnar ở Tây Nguyên có nhiều nhóm địa phương, sự tương đồng và dị biệt trong văn hóa giữa các nhóm này là một sự thật cần được lưu ý), mọi sự khảo sát đều có địa chỉ cụ thể. Cách nghiên cứu thực địa của nhóm tác giả công trình cũng có những ưu điểm vượt trội, đó là điền dã và cố gắng mang đến cho người đọc “một nhát cắt đồng đại” có ý nghĩa nhất về văn hóa dân gian, không loại trừ cả việc nêu lên những “mất mát”, “đáng tiếc”.    

Thông qua việc tìm hiểu sâu về folklore tại hai địa phương (xã Nam và xã Yama), ngoài phần mở đầu và kết luận, nhóm tác giả đã chia công trình của mình ra thành 5 chương: Phác thảo khuôn mặt fôn-clo người Bâhnar An Khê; Hội lễ fôn-clo; Nghệ thuật múa fôn-clo; Nghệ thuật âm nhạc fôn-clo; Nghệ thuật Hơ Amon.

Ngay ở chương đầu tiên của sách, tác giả viết: “Chúng tôi bắt gặp đối tượng của mình fôn-clo – trong tình trạng một hệ thống đã và đang bị rạn nứt, thậm chí có mảng đã bị phá vỡ, bởi những tác động tiêu cực và tích cực của hoàn cảnh lịch sử Việt Nam trong non một thế kỉ qua”. Tuy thế, những trang viết về một số mảng màu văn hóa dân gian cụ thể của miền đất này vẫn đủ sức hấp dẫn nhiều thế hệ bạn đọc, đặc biệt là những người chưa có điều kiện đến với Tây Nguyên. Đó là những mô tả về làng, cách đặt tên làng, cách thức làm lụng, sinh hoạt của người dân, cho đến những nghi lễ đặc trưng theo chu kì sinh trưởng của cây trồng và vòng đời người; những trang viết về múa, về diễn xướng dân gian cũng để lại cho người đọc nhiều ấn sâu sắc. Chẳng hạn, đây là một đoạn viết về nghệ nhân sử thi Bahnar: “Vị trí của nghệ nhân là ngay gian đầu hồi phía tây. Ông ta nằm ngửa trên sàn, chân chữ ngũ, tay phải đặt lên trán, tay trái đặt ngang bụng, đầu gối lên một khúc gỗ hay tấm vải choàng cuộn lại (…) Toàn thân ông ta chìm trong bóng tối. Thỉnh thoảng ánh lửa từ bếp của gian tiếp khách bùng lên thì mới thấy thấp thoáng một phần hay toàn bộ thân hình người nghệ nhân với cái bóng của ông được ánh sáng phóng đại trên vách ngăn đầu hồi. Và chỉ vài giây sau, tất cả lại chìm trong bóng tối đã trở nên đen thẫm hơn. Trong không gian im ắng của đêm đen mùa đông giá lạnh chỉ có tiếng nghệ nhân vang lên, như vọng đến từ một thuở xa xưa nào đó”… Thời gian và những công trình nghiên cứu về sử thi gần đây đã bổ sung ít nhiều tư liệu cho thông tin trên nhưng vào thời điểm những năm 80 của thế kỉ trước, có thể nói những dòng chữ ấm áp, lấp lánh ấy đã góp phần thúc giục nhiều người lên cao nguyên, để cố gắng tìm biết sự lạ lùng, huyền bí của văn hóa Bahnar, Tây Nguyên.

Viết đôi điều về một tác phẩm có giá trị, xuất bản đã hơn vài mươi năm trước, tôi muốn được dẫn lại đoạn kết trong cuốn sách này: “Từ một xã hội tiền giai cấp với nền nông nghiệp nương rẫy lạc hậu tiến thẳng sang xã hội xã hội chủ nghĩa với nền công nghiệp hiện đại, với lối sống đô thị hóa, fôn-clo cổ truyền sẽ phải chịu đựng quá trình giải thể cấu trúc thực thể. Với phương thức sinh hoạt thông tin đại chúng của nền văn hóa mới, fôn-clo không còn là một thực thể nằm trong hệ thống các thực thể của một nền văn hóa toàn vẹn như xưa (…)  Trong tình hình đó, nhiệm vụ cấp bách của chúng ta là phải nhanh chóng và ra sức sưu tầm tất cả những vốn liếng fôn-clo cổ truyền. Chỉ có như vậy chúng ta mới có điều kiện hiểu biết cặn kẽ về quá khứ, để biết nên chọn lọc, tiếp thu cái gì, sửa đổi ra sao những yếu tố fôn-clo cổ truyền trong công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa hôm nay”… So với thực tế ở Gia Lai và Tây Nguyên hôm nay, những khuyến nghị mà cuốn sách này nêu ra, có thể nói vẫn còn giá trị thời sự.

Nguyễn Quang Tuệ



Đăng ký hoặc Đăng nhập để được bình luận


NHỮNG CUỐN SÁCH KHÁC TRONG TỦ SÁCH TÂY NGUYÊN Xem tất cả >>


Sách đọc nhiều nhất

Nghệ nhân và Margarita

Tác giả: Mikhail Bulgacov

Nhóc Nicolas - Trọn bộ 6 quyển

Tác giả: René Goscinny - Sempé

Nghĩa vụ học thuật

Tác giả: Donal Kennedy

Chuyện Nỏ thần

Tác giả: Tô Hoài

Chiến tranh và Hòa bình

Tác giả: L. Tolstoi


SÁCH MỚI

Ý niệm đại học Ý niệm, theo đúng nghĩa, không phải là “sáng kiến” chủ quan, mà là kết quả của lao ...