Lễ hội bỏ mả bắc Tây Nguyên

Lễ hội bỏ mả bắc Tây Nguyên

Tác giả Ngô Văn Doanh
Ngôn ngữ Tiếng Việt
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội
Đơn vị xuất bản Nxb Văn hóa dân tộc


Đến với bắc Tây Nguyên

Bắc Tây Nguyên (nay là hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai) là cả một vùng núi và cao nguyên rộng 24.658 km2, kéo dài từ vĩ độ 13o5 đến 15o8 vĩ độ Bắc và từ kinh độ 107o20’30’ đến 108o54’ kinh độ Đông. Khu vực bắc Tây Nguyên phía bắc giáp tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, phía nam giáp tỉnh Đắc Lắc, phía đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên và phía tây giáp tỉnh Atôpư của Lào và tỉnh Ranatakiri của Campuchia.

Hệ thống núi của bắc Tây Nguyên được hình thành nhờ kết quả hoạt động của các chu kỳ kiến tạo muộn từ cuối Đệ tam sang đầu Đệ tứ với các cường độ khác nhau. Vì thế hệ thống núi bắc Tây Nguyên có cấu trúc phức tạp cả về địa hình khu vực cũng như tính phân dị về độ cao. Ở phía bắc, nơi mà tân kiến tạo nâng lên mạnh, đã hình thành những kiểu địa hình núi trung bình có độ cao tuyệt đối 1500 – 2500 m. Cũng chính ở phía bắc này mọc lên một loạt những đỉnh núi cao như Ngọc Linh (2598m), Ngọc Niay (2259), Ngọc Kring (2025m)… Còn nơi có cường độ nâng của tân kiến tạo trung bình, thì ở đó hình thành kiểu địa hình núi thấp. Vùng núi thấp này của bắc Tây Nguyên kéo dài từ huyện Sa Thày (tỉnh Kon Tum) qua đông bắc thị xã Kon Tum, huyện Công Plông (tỉnh KonTum) sang đến trung lưu sông Ba ở ba huyện Kbang, An Khê và Công Chơrơ của tỉnh Tây Nguyên. Ở những vùng núi cao và thấp này của bắc Tây Nguyên, thung lũng thường hẹp, rừng nhiều, đất trồng trọt ít và phân tán, cho nên cư dân không đông.

Nếu phía bắc là vùng núi cao thì cả phía nam của bắc Tây Nguyên lại là cả một vùng cao nguyên khá bằng phẳng và màu mỡ. Đó là hai cao nguyên Kon Tum và Pleiku. Cao nguyên Kon Tum có nguồn gốc do bào mòn trên bề mặt san bằng cổ, một nền nham phức tạp gồm các khối đá granit, granit, gơnai, phiến mica xen với các trầm tích phù sa cổ và mới của hai con sông Pô Cô và Đắc Bla, đá badan chỉ có ít ở phía nam. Vì thế mà bề mặt của cao nguyên Kon Tum không bằng phẳng lắm và có dạng như một thung lũng sông, thấp ở trung tâm, cao dần lên phía bắc và phần rìa. Mặc dầu diện thích không lớn, nhưng cao nguyên KonTum cũng là một vùng đất tốt cho trồng trọt và tụ cư.

Phía nam của cao nguyên Kon Tum là cao nguyên Pleiku. Trung tâm của cao nguyên này nằm quanh thị xã Pleiku, kéo dài từ khối núi Chư Pa (922) về phía bắc tới phía nam thị xã Kon Tum, và từ chân đèo Măng Yang tới biên giới Việt Nam – Campuchia. Địa hình của cao nguyên Pleiku có dạng khum, cao ở trung tâm và giảm dần ra phía rìa là nơi bắt nguồn của nhiều sông suối; còn ở phía trong thì nhấp nhô những dấu tích của những ngọn núi lửa đã tắt mà tiêu biểu là ngọn núi Chư Hđrung hay còn được gọi là núi Hàm Rồng (cao 1628m).

Phía đông nam của bắc Tây Nguyên, vùng thung lũng của sông Ba, sông Ayun… là một vùng có địa hình bằng phẳng khá rộng với những đồng bằng Cheo Reo (huyện Ayun –pa) và đồng bằng Phú Túc (huyện Krông Pa) thuộc tỉnh Gia Lai. Hiện nay, vùng thung lũng ở hai huyện Ayun Pa và Krông Pa là khu vực phát triển nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa, vừng, đậu và bông của tỉnh Gia Lai.

Toàn bộ vùng bắc Tây Nguyên nằm trong đới khí hậu gió mùa á xích đạo vào thuộc á đới có mùa khô dài. Do không chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc mà lại chịu tác động mạnh của gió tín phong vào mùa đông, cho nên nhiệt độ các tháng trong năm đều lớn. Lượng mưa ở bắc Tây Nguyên khá lớn (2450mm/năm ở Pleiku, 1861mm/năm ở Kon Tum), nhưng chủ yếu tập trung vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 chứ trong suốt mùa khô kéo dài từ tháng 12 đến tháng 13 thì rất ít mưa.

Bắc Tây Nguyên không chỉ là núi cao và cao nguyên mà còn là một trong những nơi có diện tích rừng lớn nhất toàn quốc (1.432.000 ha) với khoảng 500 loài cây thuộc 100 họ khác nhau, trong số đó có những loại gỗ quí như cẩm lai, giáng hương, cà te, trắc, huỳnh đường, sao, táu… Trong rừng bắc Tây Nguyên còn có nhiều lâm sản quý như trầm hương, nhựa thông, song, mây… nhiều dược liệu giá trị như mật ong, quế, hà thủ ô, đặc biệt là sâm. Rừng bắc Tây Nguyên là cả một khu vực sinh sống rộng lớn cho nhiều loài chim thú. Ngoài các loài thú phổ biến như gấu, trâu rừng, bò tốt, hươu, nai, lợn rừng…, ở rừng bắc Tây Nguyên còn có nhiều loài vật quí hiếm của thế giới như voi, bò tót, cà tong, hưu đỏ, cheo cheo, hổ, báo, chồn mực, vẹt ngũ sắc, vượn, sóc bay…

Tuy là một vùng núi và cao nguyên, nhưng do có kiến tạo địa hình khá đặc biệt nên ở bắc Tây Nguyên đặc biệt ở khu vực phía bắc có một mạng lưới sông suối khá dày đặc với hình dáng và hướng chảy khác nhau. Sông Pô Cô (Sê San) bắt nguồn từ phía tây bắc vùng núi Ngọc Linh đổ về sông Mê Công thuộc địa phận Campuchia có diện tích lưu vực 11.450 km2 và có nhiều thác ghềnh (như thác I – a Ly cao tới 40m ở tỉnh Gia Lai). Sông Ba phát nguồn từ vùng núi cao Công Plông có nhiều nhánh phụ như Ia Dun, Ia Krông, Hnông… là con sông dài nhất ở sườn đông Trường Sơn (dài chừng 300 km). Sông Ba chảy gần như theo hướng bắc – nam tới Cheo Reo; từ Cheo Reo sông chảy theo hướng đông – nam rồi hướng đông đổ ra biển Đông ở cửa biển Tuy Hòa. Sông Srêpốc ở tỉnh Đắc Lắc với hai nhánh chính là sông Đnăng và sông Ia Lóp đều bắt nguồn từ dãy núi Hđrung trên cao nguyên Pleiku. Ngoài ba con sông lớn trên, bắc Tây Nguyên còn có nhiều sông suối và hồ quan trọng: các suối nước nóng Đắc Tô, Công Prây, Đắc Rơnăm, các suối nước khoáng Ran Phia, Cong Nít… và đặc biệt là Biển Hồ (cách thị xã Pleiku 11km về phía đông bắc) với diện tích 230 ha, sâu 14m.

Đất đai của bắc Tây Nguyên không chỉ phì nhiêu mà còn đa dạng. Ở bắc Tây Nguyên, có năm loại đất chính là: đất phù sa, đất fralit phát triển trên đất phẩm dốc tụ, đất fralit vàng xám và đất fralit màu đỏ. Các loại đất fralit phù hợp cho các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, chè… còn đất phù sa rải rác ở dọc các thung lũng của các con sông lại thích hợp cho việc trồng lúa và các loại cây công nghiệp ngắn ngày.

Bắc Tây Nguyên với những điều kiện địa lý, thiên nhiên ưu đãi như vậy đã là một khu cực lý tưởng cho con người sinh sống. Càng ngày khảo cổ học càng phát hiện thêm nhiều dấu tích của người xưa ở bắc Tây Nguyên. Những phát hiện gần đây ở Kon Tum, đặc biệt là kết quả những cuộc khai quật do viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành ở Biển Hồ, Trà Dôm đã chứng tỏ ngay từ thời kỳ đồ đá mới, con người đã có mặt và khai thác vùng đất trù phú này. Những con người nguyên thủy đó chính là tổ tiên của nhiều tộc người ở bắc Tây Nguyên hiện nay. Ít nhất là từ thời đồ đá mới đó cho đến nay, người Tây Nguyên nói chung và người bắc Tây Nguyên nói riêng đã trải qua cả một chặng đường phát triển dài của lịch sử: từ xã hội nguyên thủy qua chế độ thị tộc bộ lạc đến những liên minh bộ lạc.

Thế nhưng, địa hình và vị trí địa lý của Tây Nguyên nói chung và bắc Tây Nguyên nói riêng gần như đã tác những con người nơi đây ra khỏi thế giới bên ngoài. Cho nên, trong khi các cư dân ở đồng bằng ven biển như người Chăm, do có tiếp xúc rộng với bên ngoài và có điều kiện tập trung, cố kết hơn, đã sớm làm cho xã hội của mình phát triển lên thành nhà nước. Còn người dân ở bắc Tây Nguyên thì cho đến hôm nay vẫn còn sống ở một xã hội mang tính thị tộc. Mặc dầu người Tây Nguyên đã cố kết thành những dân tộc khác nhau, nhưng địa hình, điều kiện tự nhiên đã xé nhiều dân tộc ở đây ra thành các nhóm địa phương hoặc làm cho người của dân tộc này hòa nhập vào khối cộng đồng của dân tộc khác.

Chiếm tuyệt đại đa số cư dân bản địa ở bắc Tây Nguyên là hai dân tộc Giarai và Bana. Theo những tài liệu dân tộc học và khảo cổ học, thì có thể giả định địa bàn cư trú gốc của người Giarai là cao nguyên Pleiku và lưu vực hai con sông Ayun và sông Ba. Rồi từ địa bàn đó, dần dần người Giarai tiến xa lên về phía tây và về phía Bắc. Còn người Bana thì cư trú chủ yếu ở đông bắc tỉnh Gia Lai (huyện An Khê, huyện Kbang, huyện Công Chơro và huyện Măng Yang) và ỏ đông nam tỉnh Kon Tum (quanh thị xã Kon Yum, huyện Công Plông). Hai dân tộc Giarai và Bana không chỉ là hai dân tộc lớn nhất, có ý thức rõ về địa vực cư trí, mà còn có những tác động nhất định đối với đời sống văn hóa của các dân tộc khác trong khu vực.

Dân tộc có số dân lớn thứ ba ở bắc Tây Nguyên là người Xơđăng với số dân khoảng 6 vạn người, gồm năm nhóm địa phương chính là Xơteng, Tơđrá, Mơnâm, Càdong và Hàlăng. Người Xơđăng cũng là một trong những dân tộc cư trí lâu đời ở bắc Tây Nguyên chủ yếu là ở năm huyện: Đắc Tô, Sa Thầy, Đắc Glây, Công Plong và thị xã Kon Tum của tỉnh Kon Tum.

Cũng thuộc ngữ hệ Môn – Khơme như người Bana và Xơđăng, nhưng dân tộc Giẻ - Triêng vốn xưa ở huyện Giằng thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Rồi vì những lý do gì đó, một bộ phận của dân tộc này chuyển cư tới sống ở khu vực huyện Đắc Glây tỉnh Kon Tum và vùng Xêca Máng bên Lào.

Hai dân tộc Brâu và Rơmăm là hai dân tộc người có số dân ít nhất ở bắc Tây Nguyên (người Brâu có khoảng 300 người và người Rơmăm khoảng 200 người. Người Brâu (Brao) vốn là một dân tộc người khá đông sống ở đông nam nước Lào và đông bắc nước Campuchia, trong lưu vực từ sông Xê Xan (Xê Ca Máng) tới ven bờ Nậm Khoong (Mê Công). Cách đây khoảng 5 đời, trên đường đi kiếm ăn, một bộ phận nhỏ của người Brâu đã đến cư trú tại làng Đắc Mế, xã Bờ Y, huyện Đắc Tô tỉnh Kon Tum. Theo thống kê dân số năm 1977, người Rơmăm ở Việt Nam chỉ có 26 hộ, 159 người sống ở làng Le, xã Mo Rai, huyện Đắc Tô, tỉnh Kon Tum. Ngoài một nhóm nhỏ cư trí ở bắc Tây Nguyên, người Rơmăm còn có mặt rải rác ở phía đông Campuchia. Cả hai dân tộc Brâu và Rơmăm đều thuộc nhóm người nói tiếng Môn – Khơme.

Mặc dầu có những khác nhau về ngữ hệ và quá trình định cư, các dân tộc ở bắc Tây Nguyên đều là những người mà các khoa học gọi là Nguyên Mã Lai hau Nguyên Đông Dương (người Inđônesian), một trong những bộ phận cư dân bản địa của cả khu vực Đông Nam Á. Hơn thế nữa, do điều kiện địa lý và thiên nhiên chi phối, nên trong suốt quá trình lịch sử, người Tây Nguyên, đặc biệt là người bắc Tây Nguyên hầu như chịu tác động rất ít bởi những ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài tới. Vì thế, cho đến nay, các dân tộc ở bắc Tây Nguyên, về cơ bản, còn giữ lại được trong đời sống văn hóa của mình nhiều sắc thái văn hóa thống nhất, tiêu biểu cho nền văn hóa bản địa cổ xưa của vùng Đông Nam Á.

Ngô Văn Doanh



Đăng ký hoặc Đăng nhập để được bình luận


NHỮNG CUỐN SÁCH KHÁC TRONG TỦ SÁCH TÂY NGUYÊN Xem tất cả >>


Sách đọc nhiều nhất

Nghệ nhân và Margarita

Tác giả: Mikhail Bulgacov

Nhóc Nicolas - Trọn bộ 6 quyển

Tác giả: René Goscinny - Sempé

Nghĩa vụ học thuật

Tác giả: Donal Kennedy

Chuyện Nỏ thần

Tác giả: Tô Hoài

Chiến tranh và Hòa bình

Tác giả: L. Tolstoi


SÁCH MỚI

Ý niệm đại học Ý niệm, theo đúng nghĩa, không phải là “sáng kiến” chủ quan, mà là kết quả của lao ...