Tác giả | Nguyễn Hữu Thông (chủ biên) |
Ngôn ngữ | Tiếng Việt |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
Năm xuất bản | 2005 |
Đơn vị xuất bản | Nxb Thuận Hóa |
Trên lát cắt địa hình vùng Trung bộ đi qua toạ độ Quảng Nam, ngoài sự nhận diện dễ dàng phức hệ Trường Sơn ở phía tây, nơi đây đã bắt đầu xuất hiện điểm nối kết với cửa ngõ bắc Tây Nguyên, không chỉ trên địa thế, địa mạo mà còn bằng mạng lưới giao thông hình thành từ khá sớm. Theo Le Pichon thì vào năm 1890, Debay (phái viên của toàn quyền Doumer) là người đã khởi đầu công việc trắc địa lộ trình nối kết này (Le Pichon, 1938). Cửa ngõ giao lưu đến vùng bắc Tây Nguyên thực sự tạo thành một lối dẫn rõ nét với việc ra đời con đường 14, mặc dù, có thể trước đó tuyến giao lưu này đã hiện hữu phổ biến bằng hệ thống các lối mòn nối kết nhau, nơi diễn ra hoạt động trao đổi hàng hoá lâm thổ sản từ phía tây đến các cảng biển ở Trung bộ.
Cảng thị Hội An (Đại Chiêm hải khẩu) là cửa ngõ, đầu ra quan trọng trong hoạt động ngoại thương từ thời vương quốc Champa. Đến tận sau này, các sử liệu thời Lê - Trịnh hay Nguyễn vẫn còn nhấn mạnh đến giá trị kinh tế của nguồn hàng lâm thổ sản vùng đồng bào dân tộc ít người phía tây Quảng Nam như trầm hương, ngà voi, sừng tê, lông trĩ, đậu khấu, hồ tiêu, quế, mây song v.v...
Như vậy, trong bối cảnh miền Trung từ những thế kỷ đầu Công nguyên, Quảng Nam đã có một vị thế nổi trội với cảng biển Hội An, nối kết với miền Tây qua hệ sông Thu Bồn. Dòng sông này đã ôm trong lòng nó mạng lưới các chi lưu ở thượng nguồn rất quan trọng, bởi, hàng hoá lâm thổ sản trao đổi nơi đây không chỉ gói gọn trên địa bàn miền núi Quảng Nam mà nó còn là cầu dẫn nguồn hàng từ Lào sang và Tây Nguyên xuống.
Những hoạt động trên con đường giao lưu theo hệ thuỷ lộ Thu Bồn mà những điểm trao đổi hay chợ phiên như Trung Phước hay Bến Giằng đều diễn ra trên địa bàn cư trú của người Katu. Vùng đất này, vô hình trung, đã trở thành điểm gặp gỡ giữa người Katu với tầng lớp thương lái Việt từ miền xuôi; cư dân Tây Nguyên, Lào ở phía tây; và có thể bao gồm mối quan hệ với các quốc gia khác xa hơn như Myanmar, Thái, Ấn v.v... Con đường đi của hàng hoá luôn kéo theo sự va chạm về quyền lợi kinh tế, tất nhiên, chúng có thể biểu hiện dưới nhiều nguyên nhân trực tiếp không giống nhau. Chính vì vậy, tục săn máu trả đầu không phải bỗng dưng mà rất nhiều tài liệu từ thời Pháp thuộc đã gắn nó với người Katu, cho dù, trên thực tế phong tục này không chỉ tồn tại trong xã hội Katu, cũng như nguồn gốc hiến sinh và việc sử dụng máu làm chất thiêng nối kết với thế giới thần linh trong nghi lễ nông nghiệp vốn đã có từ lâu ở nhiều tộc người.
Nguyễn Hữu Thông
Đăng ký hoặc Đăng nhập để được bình luận
TỦ SÁCH CHUYÊN ĐỀ
Sách đọc nhiều nhất
SÁCH MỚI
Có thể tham khảo thêm thông tin tại đây:
http://www.vanhoamientrung.org/home/index.php?option=com_content&view=article&id=16:vn-hoa-lang-min-nui-trung-b-vit-nam-gia-tr-truyn-thng-va-nhng-bc-chuyn-lch-s-dn-liu-t-min-nui-qung-nam-the-village-culture-of-the-mountainous-areas-in-central-vietnam-its-traditional-values-and-historical-changes-data-trawn-from-t&catid=7:an-pham&Itemid=23
Trân trọng!
Xem thêm