Kính vạn hoa (tập 49+50+51)

Kính vạn hoa (tập 49+50+51)

Tác giả Nguyễn Nhật Ánh
Ngôn ngữ Tiếng Việt
Lĩnh vực Văn học Thiếu nhi
Năm xuất bản 2009
Đơn vị xuất bản Nxb Kim Đồng


 TRÒ CHUYỆN VỚI CÁC BẠN “TUỔI HỒNG” VỀ TÁC GIẢ CỦA KÍNH VẠN HOA

Kinh lắm. Khiếp lắm. Hãi. Ấy là tôi đang nói nhỏ với bạn về tác giả của bộ sách trường thiên “Kính vạn hoa”, là cái ông nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Cụ Chế Lan Viên, bậc đại bút, một ông già thông thái, cả đến lúc “hóa” rồi, cụ vẫn làm người đời kinh ngạc bằng những bài thơ trong mấy tập “Di cảo”. Ông cụ bảo:

Đời người ngoài năm mươi
Mong gì hương sắc lạ

Đúng thế thật! Đẹp nhất vẫn là tuổi thần tiên. Tuổi mười ba, mười bốn như các bạn bây giờ. Người ở xứ thần tiên thì cười cũng đẹp, nói cũng đẹp. Ngồi lê đôi mách “buôn dưa lê” cũng vẫn làm cho người ta đắm say. Còn khi đã “ngoài năm mươi” rồi thì chán lắm. Làn da không còn trắng hồng nữa. Đã lờ mờ xuất hiện những nốt chấm đen như cứt ruồi mà không phải cứt ruồi. Nhiều lúc đang nói chuyện lại quên bẵng tên người trước mặt, lẫng bẫng chẳng biết mình đang trò chuyện với ai. Đã ngấm thuốc lú của con sông mê xa mờ xa lắc nào đó rồi. Thì cụ Chế thông thái đã bảo: “Đời người ngoài năm mươi” mà…

Lão Nguyễn Nhật Ánh cũng đã “ngoài năm mươi” rồi đấy. Ở cái tuổi chẳng mong gì hương sắc ấy, thế mà ông lão vẫn đang dào dạt tỏa hương.  Khiếp! Không tin, các bạn hãy cứ ngắm lão đang đi kia. Da trắng nõn. Môi ướt đỏ. Đôi mắt mơ màng ngơ ngác sau cặp kính cận. Người đâu mà cứ như tiểu thư khuê các đang yêu. Mà tuổi thì đã xôm xổm “ngoài năm mươi” rồi đấy. Hình như lão sinh ra để chống lại Tạo hóa. Thế thì đúng là ma cà rồng rồi còn gì!

Hú vía! Nguyễn Nhật Ánh không phải ma cà rồng. Nhưng lão già này quả là một gã phù thủy đại bợm. Người đầu tiên phát hiện ra cái chất “phù thủy” này là thi sĩ, kiêm nhà phê bình văn học Nguyễn Hoàng Sơn. Trong cuốn sách lý luận dày hơn cục gạch “Văn đàn Thời sự & Bình luận”, Nguyễn Hoàng Sơn đã tìm mọi cách lý giải hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh trong một bài viết khá rùm ròa: “Thử tìm bí quyết của Nhà ảo thuật Nguyễn Nhật Ánh”. Để săn bắt bằng được “bí quyết” của “Nhà ảo thuật” quái quỷ này, Nguyễn Hoàng Sơn cũng đã dàn một đội quân chữ nghĩa sắc lẻm, rồi bày binh bố trận linh đình. Nhưng rồi trong suốt cả một “trận đánh” rôm rả, Nguyễn Hoàng Sơn cũng chẳng tóm được một thằng “Bí Quyết” nào cho thật hoành tráng, có sức thuyết phục. Cũng đã thấy phơ phất mấy dáng  hình, nhưng xem ra đấy vẫn chỉ là mấy cái bóng nghi binh. Lỗi không phải Nguyễn Hoàng Sơn. Lỗi thuộc lão già Nguyễn Nhật Ánh. Lão đã thả bùa mê thuốc lú để huyễn hoặc người đời. Trong cõi u u mê mê, Nguyễn Hoàng Sơn nhận ra rằng, sở dĩ, Nguyễn Nhật Ánh trở thành một hiện tượng văn học viết cho thiếu nhi vì lão sống ở đất Sài Thành. “Thành phố Hồ Chí Minh kế thừa được nhiều ưu thế của một Sài Gòn đã từng có một nền kinh tế hàng hóa phát triển cao, một trong những đặc trưng của nó là tính chuyên nghiệp rất cao trong nhiều ngành, nhiều nghề, kể cả nghề chữ nghĩa. Nhà văn nhà báo Sài Gòn làm việc hết công xuất, rất ít khi lỡ hẹn với biên tập viên, với nhà xuất bản”. Nói Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn có chất chuyên nghiệp thì đúng quá rồi. Nhưng bảo lão “chuyên nghiệp” vì sống trong vùng đô thị có “nền kinh tế hàng hóa phát triển cao” thì hình như lại không phải thế đâu, bác Hoàng quý mến ạ. Nguyễn Nhật Ánh không phải người Sài Thành. Lão sinh ra ở Miền Trung. Còn sống tại đất Sài Thành thì có đến mấy triệu người, trong đó cũng phải có đến ngót ngàn người làm thơ, viết văn, viết báo hoặc làm những công việc liên quan đến chữ nghĩa. Nhưng đâu phải ai cũng thành Nguyễn Nhật Ánh?

Vậy bí quyết làm nên Nguyễn Nhật Ánh ở đâu? Bùa phép của lão thực chất là cái gì?

Nhìn ngắm lại người Việt, ta dễ nhận thấy rằng: Người Việt mình ý chí rất cao, nhưng sức vóc lại thấp. Thậm chí còn có phần ẻo lả nữa. Nhìn sang lĩnh vực thể thao, đặc biệt bóng đá là rõ nhất. Nếu có thắng, thắng ngay từ hiệp đầu. Hiệp một đã hòa thì kết cục sẽ thua. Đá thêm hiệp phụ thì chắc chắn thua.

Trong văn chương, nhiều nhà văn có tiểu thuyết nhiều tập. Nhưng thường chỉ hay ở tập đầu. Các tập sau rất nhạt. Ngay cả trong tiểu thuyết một tập, phần đầu cũng dễ hay, các phần sau cứ đuối dần. Thậm chí đuối đến mức không còn đọc được nữa. Thực trạng này có cả ở các bậc đại bút.

Nguyễn Nhật Ánh là một “ca” đặc biệt. Dáng nho nhã thư sinh, nhưng lão lại có một sức vóc dẻo dai, có thể kẽo kẹt, đong đưa hết chuyện này sang chuyện khác. Câu chuyện không “mặn” thêm, nhưng cũng không nhạt đi.

Tác phẩm làm nên tên tuổi Nguyễn Nhật Ánh, cũng chứng tỏ ông có sức vóc bền bỉ hơn người, chính là tập truyện trường thiên “Kính vạn hoa”, mà các bạn đang bàn đến..

Thực chất câu chuyện chẳng có gì to tát. Đây thuần túy là những chuyện sinh hoạt bình dị hàng ngày của con trẻ. Cốt truyện cũng đơn giản. Ta hãy nghe chính Nguyễn Nhật Ánh tâm sự: “Bộ truyện này được viết ra từ năm 1995, và kết thúc vào những ngày đầu năm 2002, gồm 45 tập, đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng. Dụng công của tác giả không có gì sâu xa, chỉ là cố gắng kể lại một cách vui nhộn và cảm động những câu chuyện học tập, sinh hoạt và vui chơi của một nhóm bạn, mong rằng sẽ đem đến cho người đọc những giây phút thư giãn thoải mái và bổ ích”.

Nói như Nguyễn Hoàng Sơn, “Nguyễn Nhật Ánh đã làm đúng như anh tâm niệm”. Trang sách đã khép lại từ năm 2002. Nhưng bạn đọc vẫn chưa muốn khép vì câu chuyện chưa phải đã kết thúc. Nguyễn Nhật Ánh đã trở lại và “Kính vạn hoa” lại tiếp tục mở ra những phép nhiệm màu.

“Bí quyết” của Nguyễn Nhật Ánh, phép “màu nhiệm” của lão cũng chẳng có gì đặc biệt. Đúng như nhận định của Nguyễn Hoàng Sơn, phàm viết truyện, chủ đề càng rõ ràng, càng nhất quán thì càng khó hấp dẫn bạn đọc, vì dễ rơi vào luận đề, gượng ép, nếu không khéo kể chuyện. Nguyễn Nhật Ánh đã vượt qua được cái khó ấy khá dễ dàng thoải mái, nhờ nghệ thuật kể chuyện có thể nói là cổ điển, Bút pháp Nguyễn Nhật Ánh về cơ bản vẫn là bút pháp kiểu Nguyễn Công Hoan, Lập ý, thắt nút, cởi nút…Mỗi chuyện là một cuộc phiêu lưu nho nhỏ. Có những bí mật nho nhỏ, rồi được “giải mật” dần dần, hoặc ở cuối truyện. Từng tập trong Kính vạn hoa vùa độc lập, vừa liên hoàn với nhau. Yếu tố kết nối là các nhân vật. Nguyễn Nhật Ánh có nhân vật. Đây là tiêu chí hàng đầu để xem xét phẩm chất văn học của một tác giả. Qua từng truyện, từng truyện, những Quỷ ròm, Tiểu Long, nhỏ Hạnh cứ hiện lên dần dần, sống động từ ngoại hình đến tính cách. Ngoài ba nhân vật chính này, còn có những nhân vật phụ. Tất cả đều sinh động, thú vị và đáng yêu.

Bí quyết tạo nên sự thành công kỳ lạ của Nguyễn Nhật Ánh có lẽ là ở khả năng nắm bắt tâm lý ở lứa tuổi học trò. Nói như Nguyễn Hoàng Sơn là lão rất “thuộc” nhân vật của mình. Chính vì thế, lão rất dễ dàng thâm nhập vào thế giới riêng của các em. Câu chuyện loanh quanh trong một nhóm bạn cụ thể, lại dùng ngôn ngữ, thổ ngữ địa phương, nhưng vẫn chinh phục và mê hoặc được độc giả nhỏ tuổi ở khắp mọi vùng miền trong cả nước. Các em đọc sách và lại quên mình đang đọc sách, cứ ngỡ như đang can dự vào cuộc sống đời thường có thật ở giữa trần gian. Hàng vạn em nhỏ trong cả nước đã viết thư về cửa hàng “Kính vạn hoa”, trò chuyện tâm sự với Quý, Hạnh, Tiểu Long như với những người bạn có thực ở giữa đời thực. Có lẽ chỉ có Nguyễn Nhật Ánh mới mê hoặc được độc giả của mình như thế. Bởi vậy, tôi mới gọi lão là một gã phù thủy đại bợm. Kinh lắm. Hãi lắm. Không tin ư? Thế thì các bạn hãy cứ mở sách của lão ra coi thử. Lão đang thả bùa mê đấy. Thả bùa mà chẳng thấy bùa đâu. Thế mới khiếp!

Hà Nội 1-6-2009

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

                                                             



Đăng ký hoặc Đăng nhập để được bình luận


NHỮNG CUỐN SÁCH KHÁC TRONG TỦ SÁCH VĂN HỌC THIẾU NHI Xem tất cả >>


Sách đọc nhiều nhất

Nghệ nhân và Margarita

Tác giả: Mikhail Bulgacov

Nhóc Nicolas - Trọn bộ 6 quyển

Tác giả: René Goscinny - Sempé

Nghĩa vụ học thuật

Tác giả: Donal Kennedy

Chuyện Nỏ thần

Tác giả: Tô Hoài

Chiến tranh và Hòa bình

Tác giả: L. Tolstoi


SÁCH MỚI

Ý niệm đại học Ý niệm, theo đúng nghĩa, không phải là “sáng kiến” chủ quan, mà là kết quả của lao ...