Tác giả | Ngô Văn Doanh |
Ngôn ngữ | Tiếng Việt |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
Năm xuất bản | 2007 |
Đơn vị xuất bản | Nxb Thế giới |
Tập sách Bơ thi: Cái chết được hồi sinh là tập hợp tất cả các nghiên cứu của các tác giả trong nhiều năm qua về lễ bỏ mả, nhà mồ và tượng nhà mồ của hai dân tộc Giarai và Bana.
Người Giarai và người Bana cũng như một số tộc người khác ở Tây Nguyên tin rằng, sau khi chết, linh hồn của người chết sẽ về thế giới bên kia sống với tổ tiên. Thế nhưng, theo quan niệm của họ, linh hồn của người chết không đi hẳn, không sống hẳn ở thế giới bên kia, mà sau một thời gian linh hồn đó sẽ trở lại – tái sinh làm người bằng cách nhập vào thể xác của những đứa trẻ. Vì vậy đối với người Giarai và người Bana, chết không phải là hết, mà chỉ chuyển trạng thái sống của một cá thể: từ trạng thái vật chất sang trạng thái siêu hình, để rồi sau một thời gian lại chuyển từ trạng thái siêu hình sang trạng thái vật chất. Chính do có quan niệm như vậy về cái chết nên người Giarai không sợ những người chết (những người chết bình thường) và có cách ứng xử riêng với người chết.
Chính vì tin rằng khi chết linh hồn của người chết sẽ sang sống ở thế giới bên kia của tổ tiên nên cả người Giarai và người Bana (cùng nhiều tộc người khác ở Tây Nguyen) có tục làm lễ bỏ ma (hay bỏ mả) để tiễn đưa linh hồn người chết ra đi hay để chuyển trạng thái sống cho người chết. Chỉ sau lễ bỏ ma đó, linh hồn người chết mới hoàn toàn tách khỏi mọi ràng buộc với cuộc sống, mới thực sự đi đến “quê hương” cội nguồn của mình, còn người sống thì được giải phóng thực sự khỏi mọi liên hệ với người chết.
Lễ hội bỏ mả của người Giarai và Bana cũng như của một số tộc người khác ở Tây Nguyên là một trong những sắc thái văn hóa độc đáo nhất của cả vùng cao nguyên hùng vĩ của đất nước. Tiếng nhạc cồng chiêng trầm hùng, những điệu múa trang trọng lưu luyến, những ngôi nhà mồ hoành trang uy nghi, những pho tượng mồ trầm tư đầy gợi cảm, những bữa ăn cộng cảm với những món ăn truyền thống, những bài cúng lâm ly tràn đầy chất văn nghệ dân gian… như những mảng màu trong bảng màu da đa sắc sống động của lễ hội bỏ mả, đang và sẽ còn tô điểm cho bức tranh văn hóa dân gian đậm đà chất trữ tình và chất sử thi của văn hóa Tây Nguyên.
Tây Nguyên nói chung và Bắc Tây Nguyên nói riêng có rất nhiều lễ hội đặc sắc trong năm, đặc biệt là trong thời gian “ăn năm uống tháng”. Thế nhưng không có một lễ hội nào có thể so sánh được với lễ hội bỏ mả về quy mô lẫn tính nghệ thuật. Lễ hội bỏ mả là cả một truyền thống ứng xử đầy tính nhân văn của người sống đối với người chết. Lễ hội bỏ mả là những ngày hội diễn tưng bừng của nhiều ngành nghề nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống. Lễ hội bỏ mả là dịp gần như duy nhất để các nghệ sĩ điêu khắc dân gian thể hiện tài nghệ của mình qua những pho tượng mồ, qua những hình trạm khắc trên nhà mồ và qua những con rối gỗ sống động. Lễ hội bỏ mả là dịp may duy nhất trong năm để mọi người trình bày và cùng thưởng thức những món ăn truyền thống của cha ông trong bữa ăn cộng cảm lớn. Và, lễ hội bỏ mả còn là những ngày “triển lãm” đặc biệt về nền nghệ thuật kiến trúc dân gian truyền thống độc đáo mà tác phẩm là những ngôi nhà mồ hoành tráng, lộng lẫy mang đầy tính biểu tượng nghệ thuật. Không chỉ ở Tây Nguyên Việt Nam mà ở cả khu vực Đông Nam Á, khó có thể tìm thấy một lễ hội nào lại quy tụ vào mình nhiều truyền thống văn hóa nghệ thuật cũng như tâm lý dân tộc như lễ hội bỏ mả của một số dân tộc Tây Nguyên. Do đó, tác giả đi đến nhận định “lễ hội bỏ mả không chỉ là dịp mà còn là môi trường bảo lưu, gìn giữ và phát triển hầu hết những tinh hoa văn hóa – nghệ thuật truyền thống của người dân Bắc Tây Nguyên.
Cuốn sách được tác giả chia làm hai phần chính:
Phần thứ nhất: Bơthi đặc sắc lễ hội
Phần thứ hai: Bơthi đặc sắc những truyền thống nghệ thuật.
Một trong những giá trị quan trọng nhất của cuốn sách, đó là tác giả đã cung cấp cho người đọc những nguồn tư liệu vô cùng quý giá được sưu tầm từ chính quá trình điền dã nghiên cứu trên thực địa trong một thời gian dài và liên tục của tác giả. Điều ấy càng có ý nghĩa hơn nữa khi mà lễ hội bỏ mả, cũng như nhiều lễ hội khác của các dân tộc Tây Nguyên hiện nay không còn lưu giữ được cách toàn vẹn những dấu ấn cổ sơ của nó.
Đỗ Trường
Đăng ký hoặc Đăng nhập để được bình luận
TỦ SÁCH CHUYÊN ĐỀ
Sách đọc nhiều nhất
SÁCH MỚI