Tác giả | Hoàng Xuân Hãn |
Ngôn ngữ | Tiếng Việt |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
Năm xuất bản | 3/2016 |
Đơn vị xuất bản | DT Books & Nxb Khoa học xã hội |
Giá sách | 160.000đ |
Số trang | 392 |
La Sơn phu tử được học giả Hoàng Xuân Hãn[1] sưu tầm tư liệu từ những năm 1939, đã trích đăng vài kỳ trên báo Thanh Nghị từ năm 1944-1945. Học giả Hoàng Xuân Hãn đã trù tính đem in thành sách nhưng Cách mạng tháng Tám 1945 nổ ra nên kế hoạch in tạm hoãn. Năm 1949, ông cho ra mắt bạn đọc một chuyên khảo độc đáo về nhân vật lịch sử Lý Thường Kiệt (Sông Nhị, Hà Nội) mà trước-sau chưa có công trình nào vượt qua (http://sachhay.org/sach/ChiTiet/7278/ly-thuong-kiet-lich-su-ngoai-giao-va-tong-giao-trieu-ly). Mãi đến năm 1952, sau khi gia đình ông sang Paris (Pháp) định cư, chuyên khảo về nhân vật lịch sử La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp mới chính thức ra mắt bạn đọc (Minh Tân, Paris).
La Sơn phu tử[2] (1723-1804) là nhà Nho nổi tiếng của Đại Việt thế kỷ XVIII-XIX, cụ họ Nguyễn, húy Minh, tự Quang Thiếp[3]. Đời chúa Trịnh Doanh, chữ Quang là quốc húy nên cụ bỏ chữ đệm, lấy tên là Nguyễn Thiếp. Cụ có tư chất thông minh lại sinh trưởng trong đại gia đình có học, có của. Cụ có ra làm quan nhưng rồi từ quan, dứt đường công danh, cử nghiệp và xoay ra chí ẩn dật. Một ông lão tưởng như giữ thái độ vô vi khi vận nước rối bời lại có những liên quan mật thiết với thời cuộc[4]; với những nhân vật lịch sử nổi tiếng đương thời[5].
Cuộc đời La Sơn phu tử trong cuốn sách cùng tên được học giả Hoàng Xuân Hãn phục dựng rất chi tiết, qua những khảo cứu tư liệu công phu bạn đọc sẽ nhìn thấy rất rõ hành trạng của nhân vật lịch sử sống cách chúng ta hơn 200 năm. Tầm vóc và nhân cách của vị phu tử đất La Sơn được học giả Hoàng Xuân Hãn mô tả rất rõ thông qua mối quan hệ của cụ với vị anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ.
Nguyễn Huệ ba lần gửi thư mời, ba lần La Sơn phu tử từ chối.
Lần thứ nhất, năm 1786, Nguyễn Huệ gửi thư mời và đề niên hiệu là Thái Đức[6]. Cụ gửi thư từ chối, viện ba lẽ, đề niên hiệu Cảnh Hưng, tỏ cho Nguyễn Huệ thấy cụ vẫn là thần tử nhà Lê, không theo về với Tây Sơn.
Lần thứ hai, năm 1787, Nguyễn Nhạc xưng đế ở Quy Nhơn, phong vương cho Nguyễn Huệ ở Phú Xuân. Tháng Tám năm ấy, Nguyễn Huệ gửi thư mời lần thứ hai, thư vẫn đề niên hiệu Thái Đức. Cách xưng hô cũng khác, lúc này Nguyễn Huệ đã nghiễm nhiên là vị quốc vương, trong thư xưng là quả đức, và thế Tây Sơn lúc bấy giờ cũng đã mạnh. Cụ gửi thư từ chối, đề niên hiệu là Chiêu Thống nguyên niên để tỏ mình vẫn là thần tử nhà Lê.
Mười một ngày sau khi La Sơn phu tử viết thư từ, Nguyễn Huệ thảo thư mời lần thứ ba, lần này cụ cũng từ chối gặp.
Một giai đoạn lịch sử đau đớn của dân tộc được khắc họa rất rõ ràng qua những thư từ qua lại của hai nhân vật lịch sử của chúng ta. Với cá nhân La Sơn phu tử và có lẽ là phần nào đó giới sĩ phu Bắc hà, phía nam sông Gianh là đất của “quý quốc” (“Mùa xuân năm ngoái, hai quan ở quý quốc đem thư mời và lễ vật lại, chịu khuất mình rất kính cẩn…”), của Tây Sơn, không phải của nhà Lê. La Sơn phu tử là bậc đại Nho, khi đối diện với chúa Trịnh Sâm, Nguyễn Huệ, cụ vẫn một mực kiên trì tấm lòng trung nghĩa với vua Lê.
Tháng Tư năm 1788, Nguyễn Huệ ra Thăng Long giết Vũ Văn Nhậm. Trên đường từ Phú Xuân ra Bắc, Nguyễn Huệ viết thư mời La Sơn phu tử đến gặp mặt ở núi Nghĩa Liệt, đó là lần hội kiến đầu tiên, mở đầu cho mối duyên kỳ lạ giữa La Sơn phu tử và Nguyễn Huệ.
Tiếp đó là những lần hội kiến khác. Ở lần hội kiến thứ hai (1788), La Sơn phu tử hiến kế đánh quân Thanh. Tháng Mười năm ấy, Tôn Sĩ Nghị kéo quân tràn sang đất Bắc, đưa Lê Chiêu Thống trở lại Thăng Long. Ngày 25 tháng Mười Một, Chính Bình vương Nguyễn Huệ tự xưng hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung, hội quân gấp rút tiến ra Bắc. Đến Nghệ An, vời La Sơn phu tử hỏi mẹo đánh và giữ. La Sơn phu tử hiến kế (“quân quý thần tốc”, “chưa đến mười ngày quân Thanh tan”). Nguyễn Huệ dẹp tan quân Thanh, gửi thư mừng khen (“Trẫm ba lần xa giá Bắc thành, tiên sinh chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng: “Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ”. Lời tiên sinh hẳn có thế thật”).
Sau khi đánh tan quân Thanh, Quang Trung giao Bắc hà cho Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích rồi trở về Nam. Trên đường về Phú Xuân, đến Nghệ An, Quang Trung gửi thư mời cụ ra bàn quốc sự, thư đề niên hiệu Quang Trung.
Có sự chuyển biến tư tưởng lớn nơi La Sơn phu tử kể từ lúc quân Thanh kéo tràn vào đất Bắc: cụ hiến kế đánh giặc, thư trả lời cụ đề niên hiệu Quang Trung chứ không còn Cảnh Hưng hay Chiêu Thống nguyên niên nữa, thư dùng chữ “cẩn tấu” trước đó cụ cố tình tránh đi, xưng tiện thần, gọi hoàng đế. Cụ đã thực sự nhận thấy thời khắc lịch sử sắp sang trang; cụ chấp nhận một thực tế rằng mặt trời nhà Lê phủ bóng suốt hơn 200 năm qua đã đến lúc hoàng hôn, lụi tàn; cụ mừng rằng đời sắp thịnh; cụ nghĩ rằng vận Lê đã hết thật; cụ đã chấp nhận Nguyễn Huệ là bậc trượng phu, xứng đáng làm thiên tử hơn Lê Chiêu Thống[7]. Tuy nhiên, cụ hợp tác có chừng mực, cụ xin làm một “dật dân đời thịnh”, và “thỉnh thoảng làm kẻ cố vấn dự bị đứng ngoài” mà thôi.
Ở lần hội kiến lần thứ tư, cụ làm bài tấu, bàn về ba việc mà bậc đế vương nên biết:
1) Một là bàn về quân đức. Vua dốc một lòng tu đức, ấy là gốc vạn sự.
2) Hai là bàn về nhân tâm. Dân là gốc nước, gốc vững nước mới yên.
3) Ba là luận học pháp. “Ngọc không chuốc, không thành đồ; người không học, không biết đạo”. Đạo là những lẽ thường theo để làm người. Kẻ đi học là học điều ấy vậy.
Sau cuộc hội kiến này, Quang Trung cho lập Sùng Chính viện ở chỗ cụ ẩn, mời cụ làm Viện trưởng. Cốt ý để cải cách sự học, nhờ cụ tuyển thầy và khuyên dân theo chính học. Cụ và các cộng sự dịch các sách Tứ thư, Tiểu học, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch tiến nộp lên vua… Nhưng rồi Quang Trung mất đột ngột sau ít ngày mệt mỏi. Sau đó là những giao thiệp với Cảnh Thịnh, Nguyễn Ánh… và đời ẩn dật của cụ cho đến lúc mất.
Ở đây, chỉ dừng ở việc nói đến mối duyên kỳ lạ giữa La Sơn phu tử và Quang Trung Nguyễn Huệ. Nếu Lưu Bị trong tích “tam cố thảo lư” mời Gia Cát hạ sơn để sau này giúp mình hình thành thế chân vạc chia ba thiên hạ thì Nguyễn Huệ mời La Sơn phu tử ở một tâm thế hoàn toàn khác, từ lúc khởi binh, đến lúc được phong vương, rồi là hoàng đế đủ quyền uy để khuất phục bất cứ kẻ nào bằng sự cưỡng ép, vũ lực. Nhưng không, Nguyễn Huệ đã tinh mắt nhìn thấy nút thắt quan trọng để hợp thức hóa vai trò lịch sử của mình, đó là chiếm được lòng người (Bắc hà) thông qua cách ứng xử khôn ngoan. Nguyễn Huệ đã dựa vào vị đại Nho La Sơn phu tử, hội kiến và trọng dụng bằng tấm lòng trọng hiền đại sĩ chân thành. Có thể nói, mối duyên của La Sơn phu tử và Quang Trung Nguyễn Huệ là sự gặp nhau của những tư tưởng lớn, nhân cách lớn. Thời cuộc đã đến, và hai người họ đã coi tổ quốc là trên hết, họ đã chung tay hành động vì lợi ích dân tộc với chất xúc tác là sự quỳ gối của Lê Chiêu Thống và sự chạy dài của Tôn Sĩ Nghị.
Qua mối duyên giữa La Sơn phu tử và Quang Trung Nguyễn Huệ, chúng ta có dịp nhìn thấy thái độ, nhân cách của người trí thức trước thời cuộc, quyền lực thông qua lẽ xuất xử mà La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp là một đại diện và tấm lòng của vị vua Quang Trung đối với hiền tài.
Và qua bóng dáng của vị phu tử đất La Sơn, chúng ta cũng có dịp nhìn thấy phần nào hình ảnh của miêu duệ ông – học giả Hoàng Xuân Hãn.
------------------------------
[1] Hoàng Xuân Hãn (1908-1996), tên hiệu La Sơn Yên Hồ.
Năm 1922-1926, ông học trường Quốc học Vinh. Năm 1926, sau khi đỗ bằng Thành chung, chuyển ra Hà Nội thi vào trường Bưởi. Năm 1928, đỗ Tú tài ở trường Albert Sarraut. Năm 1928-1936, du học ở Pháp, đậu Cử nhân Toán năm 1935, và Thạc sĩ Toán năm 1936. Năm 1936-1939 trở về nước, dạy Ban Toán ở trường Bưởi, Hà Nội.
Năm 1938, ông cùng với Ban Tu thư Hội Truyền bá quốc ngữ biên soạn cuốn Vần quốc ngữ đưa ra cách dạy chữ quốc ngữ mới theo phương pháp “I Tờ”. Phương pháp này tiếp tục được sử dụng rộng rãi trong phong trào Bình dân học vụ xóa nạn mù chữ trong toàn dân năm 1945. Ngoài dạy học, biên soạn sách, ông còn cộng tác với các báo Khoa Học, Thanh Nghị ở Hà Nội.
Năm 1951, gia đình ông sang Paris (Pháp) định cư. Ông tiếp tục nghiên cứu văn hóa Việt Nam trên nhiều bình diện; bên cạnh đó, ông cộng tác với các báo / tập san: Sử Địa (Sài Gòn); Đoàn Kết, Diễn Đàn, Khoa học Xã hội (Paris)…
[2] tức vị phu tử đất La Sơn, cùng với Tuyết Giang phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm, hai cụ được suy tôn là phu tử (nhà hiền triết).
[3] “Húy là tên mà cha mẹ đặt cho khi chẵn tháng. Tên ấy chỉ khi còn nhỏ mới gọi. Đến lúc lớn lên, có con cháu, hoặc có chức phận, thì trong nhà, hoặc người ngoài kiêng (chữ húy có nghĩa là kiêng) tên ấy, để tỏ ý kính trọng. Nguyên nghĩa chữ húy là tên kể từ sau khi đã mất; vì kính trọng người đã khuất, cho nên kiêng không gọi đến nữa.
Tự là tên tự mình đặt, lúc đi thi hay ra làm việc công. Phép đặt tự là dùng hai chữ, phần nhiều là chữ liền có trong kinh truyện, làm sao cho nó gợi ý nghĩa trong tên húy mình.” – LSPT, tr. 39.
[4] Bấy giờ, Nguyễn Hữu Cầu tung hoành từ Kinh Bắc đến Hải Dương, Nguyễn Danh Phương chiếm cứ Bạch Hạc (Sơn Tây). Họ Mạc trở về quấy rối Thái Nguyên. Sơn Nam có tụi Hoàng Văn Chất. Nghệ An có Nguyễn Diên và Lê Duy Mật đã bắt đầu nuôi binh ở Ngọc Lâu. Vua Cảnh Hưng chỉ có hư danh, Trịnh Doanh chuyên chính. Quan thì tụi hoạn thần như Đỗ Thế Giai chuyên chính, bọn quý thích hoành hành. Đầu năm Đinh Hợi (1767), Trịnh Doanh mất, Trịnh Sâm (Sum) nối ngôi chúa. Liền sau đó, trong nước nổi lên nhiều đám loạn… Năm 1786, họ Nguyễn Tây Sơn ở miền Nam đã chiếm cứ miền Quảng Nam và ngấp nghé lấy Phú Xuân. Nguyễn Huệ lấy Phú Xuân rồi thừa cơ đem quân ra lấy Thăng Long. Trừ xong chúa Trịnh, tôn phù nhà Lê, Nguyễn Huệ được phong Nguyên súy Phù chính dực võ Uy quốc công, Tháng Bảy, vua Cảnh Hưng mất. Tháng Tám, anh em Huệ, Nhạc lén về Quy Nhơn, để Chỉnh ở lại Bắc hà một mình. Chỉnh sợ cũng chạy về Nghệ An. Tháng Mười Một, vì Trịnh Bồng phản trắc, vua Chiêu Thống vời Nguyễn Hữu Chỉnh ra, đánh đuổi được Trịnh Bồng. Tháng Mười Hai, Chỉnh được phong tước Bằng quận công và được giao quyền bính. Năm 1787, từ tháng Tư, Nguyễn Văn Nhạc xưng đế ở Quy Nhơn, và phong cho Nguyễn Huệ làm Bắc Bình vương. Bắc Bình vương đóng đô ở Phú Xuân. Anh em không thỏa thuận về sự chia của cải lấy ở Bắc hà về, cho nên sinh sự đánh nhau. Huệ đưa binh vào vây Quy Nhơn và tự xưng Chính Bình vương. Chính Bình vương sai Vũ Văn Nhậm ra đánh Nguyễn Hữu Chỉnh. Tháng Chạp năm ấy (1787), Hữu Chỉnh thua và bị giết. Văn Nhậm đóng quân ở Thăng Long. Huệ được tin Văn Nhậm có ý muốn tự lập, và sợ y là con rể Nhạc, mưu thông với Nhạc mà phản mình chăng. Cho nên tháng Tư năm sau (1788), Huệ ra Thăng Long giết luôn Vũ Văn Nhậm. Tháng Năm, Huệ triệu các cựu thần nhà Lê ra bổ dụng, chọn Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích làm thị lang. Mời Sùng Nhượng công Lê Duy Cẩn làm giám quốc, coi việc tế tự họ Lê. Nguyễn Huệ về Phú Xuân, để Ngô Văn Sở ở lại giữ Thăng Long và Sùng Nhượng công làm giám quốc, vua Chiêu Thống với tùy thần vẫn lén lút trong vùng Kinh Bắc (hạt Bắc Ninh và Bắc Giang). Lòng dân Bắc vẫn quay về Lê. Tháng Bảy, Hoàng thái hậu sang Thanh cầu viện. Đến tháng Mười năm ấy (Mậu Thân - 1788)1, quân Thanh kéo tràn sang đất Bắc. Chưa được mấy ngày, Tôn Sĩ Nghị đã đưa vua Chiêu Thống trở lại đất Thăng Long. Ngày 20 tháng Mười Một, trấn thủ Bắc thành là Ngô Văn Sở rút quân về đóng ở núi Ba Dội (Tam Điệp, giáp Thanh Hóa với Ninh Bình bây giờ). Ngày 24, phó tướng Nguyễn Văn Tuyết đã về đến Phú Xuân cấp báo. Ngày 25 tháng ấy, Chính Bình vương tự xưng hoàng đế và lấy niên hiệu Quang Trung. Lập tức hội quân thủy bộ, gấp tiến ra Bắc. Ngày Quang Trung kéo quân ra Bắc là vào cuối năm. Ngày 20 tháng Chạp, đến núi Tam Điệp; mà ngày mồng 5 tháng Giêng đã phá tan quân Thanh ở Bình Vọng thuộc phủ Thường Tín, và Đống Đa ở phía tây nam thành Thăng Long. Quang Trung bèn giao việc Bắc hà cho hai tướng Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân, và hai văn thần Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích. Rồi mình trở về Nam… Quang Trung mất… Quang Toản lên… Nguyễn Ánh ra đánh Phú Xuân…)
[5] Quang Trung, Nguyễn Ánh, Quang Toản, Trịnh Sâm, Bùi Dương Lịch, Bùi Huy Bích…
[6] Hiệu của Nguyễn Nhạc.
[7] “Nguyễn Huệ ban đầu đối với cụ là một thằng giặc nước ngoài, sau lại thành một gian hùng mượn kế diệt Trịnh phù Lê, rồi thôn hoạch nước mình. Nhưng dần dần, Huệ đã hóa ra một vị anh hùng cứu quốc, đánh kẻ ngoại xâm. Sau nữa, cụ cũng thấy rằng tuy là một kẻ vũ phu, nhưng Huệ biết lẽ phải chăng, trọng điều đạo đức, lại biết trọng người.” – LSPT, tr. 183.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để được bình luận
Sách do đơn vị xuất bản tuyển chọn và giới thiệu
Gửi email cho bạn bè