Tác giả | Nguyễn Khoa Chiêm |
Ngôn ngữ | Tiếng Việt |
Lĩnh vực | Văn học Việt Nam |
Dịch giả | Ngô Đức Thọ & Nguyễn Thúy Nga |
Năm xuất bản | 2003 |
Đơn vị xuất bản | Phương Nam Book & Nxb Hội Nhà Văn |
Giá sách | 75.000 VNĐ |
Số trang | 630 |
Nam triều công nghiệp diễn chí (về sau viết tắt là NTCNDC) của Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm[1] (1659-1736) là một trong những tác phẩm mở đầu cho thể loại tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam, tác phẩm văn-sử này ra đời sau Hoan Châu ký (Nguyễn Cảnh thị) trên dưới hai mươi năm và trước Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái) gần một trăm năm. NTCNDC viết khoảng năm 1719 (đời Minh vương Nguyễn Phúc Chu), viết về giai đoạn một trăm ba mươi năm Trịnh – Nguyễn phân tranh (1558-1689). Ở Đàng Trong lần lượt trải qua năm đời chúa: 1. Nguyễn Hoàng – Tiên vương; 2. Nguyễn Phúc Nguyên – Sãi vương; 3. Nguyễn Phúc Lan – Thượng vương; 4. Nguyễn Phúc Tần – Hiền vương và 5. Nguyễn Phúc Thái – Ngãi vương. Cùng lúc đó ở Đàng Ngoài cũng lần lượt trải qua năm đời chúa từ: 1. Trịnh Kiểm – Minh Khang vương, 2. Trịnh Tùng – Bình An vương, 3. Trịnh Tráng – Thanh Đô vương, 4. Trịnh Tạc – Tây Định vương và 5. Trịnh Căn – Định vương.
Theo khảo cứu của Giáo sư – Dịch giả Ngô Đức Thọ trong Lời giới thiệu công phu về Tác giả – Văn bản và Tác phẩm (bản in năm 2003 của Nxb Hội Nhà Văn & Phương Nam Book liên kết), bản chữ Hán cuốn sách này có nhiều truyền bản với các tên gọi: 1. Nam Việt chí, theo tên gọi của Trịnh Hoài Đức dùng trong Gia Định thành thông chí (“Án: Nguyễn Bảng Trung Nam Việt chí viết: Nặc Ô Đài; Lê Quý Đôn Phủ biên tạp lục viết: Nặc Đài” – quyển 3, tờ 4b); 2. Công nghiệp diễn chí, theo tên gọi mà Sử quán triều Nguyễn dùng trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục (“Xét theo sách Công nghiệp diễn chí (CMục, CBXXII, 40)” – lời Cẩn án về sử sự năm Quý Mão 1543); 3. Việt Nam khai quốc chí truyện, một truyền bản khác mà học giả Pháp Léopold Michel Cadière sưu tầm được khoảng năm 1905-1906, gọi là bản L. Cadière, hiện đang được lưu giữ ở Thư viện Hội Á châu (Société Asiatique) với ký hiệu HM. 2140; 4. Việt Nam khai quốc chí truyện, sử gia Henry Maspéro mượn được bản của L. Cadière để sao chép và bổ sung những chỗ thiếu, gọi là bản H. Maspéro, hiện đang được lưu giữ ở Thư viện Hội Á châu (Société Asiatique) với ký hiệu HM. 2141. Hiện nay, ở Thư viện Hội Á châu (Société Asiatique), người ta gọi chung cả hai bản HM. 2140 và HM. 2141 là bản H. Maspéro; 5. Việt Nam khai quốc chí truyện, sau khi chép riêng cho mình một bản, sử gia H. Maspéro còn chép cho Viện Viễn Đông Bác cổ ở Hà Nội một bản, bản này hiện đang lưu tàng ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm với ký hiệu A. 24; 6. Nam triều Nguyễn chúa khai quốc công nghiệp diễn chí (bản chép tay của viện Khảo cổ Saigon), một truyền bản khác mà sử gia Phan Khoang dùng trong việc nghiên cứu về Đàng Trong, cụ thể là trong cuốn Việt sử xứ Đàng Trong (1558-1777), Sài Gòn, Nhà sách Khai Trí, 1969; 7. Việt Nam khai quốc chí truyện, in trong bộ Tùng san Tiểu thuyết Hán văn Việt Nam do Giáo sư Trần Khánh Hạo ở Viện Viễn Đông Bác cổ tại Paris chủ biên. Nhóm chuyên gia Vương Dục Vinh thuộc Trường Đại học Văn hóa Trung Quốc tại Đài Bắc đã làm công tác hiệu điểm (hiệu khám và chấm câu) toàn văn, chọn bản HM. 2141 làm bản nền để so sánh dị biệt với bản HM. 2140 và A. 24; 8. Việt Nam khai quốc chí truyện, đang được lưu tàng ở Thư viện Viện Sử học Hà Nội với ký hiệu Hv. 164.
Về các bản dịch tiếng Việt đã được xuất bản từ năm 1986 (lần đầu) đến nay, sách được in tổng cộng bốn lần và đều là bản dịch của hai dịch giả Ngô Đức Thọ & Nguyễn Thúy Nga: 1. Trịnh - Nguyễn diễn chí (Nam triều công nghiệp diễn chí), Sở Văn Hóa Thông Tin Bình Trị Thiên in năm 1986 & 1987, chỉ có hai tập, không in nữa; 2. Mộng bá vương (Việt Nam khai quốc chí truyện), Nxb Đại Học & Trung Học Chuyên Nghiệp in năm 1990, trọn bộ hai tập; 3. Việt Nam khai quốc chí truyện, Nxb Hội Nhà Văn in năm 1994; 4. Nam triều công nghiệp diễn chí, Nxb Hội Nhà Văn & Phương Nam Book in năm 2003. Các bản in tiếng Việt cũng có những chỗ khác nhau: Bộ Mộng bá vương in năm 1990 được chia theo lối chương hồi (bốn mươi bốn hồi), kiểu như “Hồi thứ ba mươi: Chiêu Vũ qua đời, Hiền vương tạ thế. Ngãi vương nối trị, đại xá ban ơn”… sách được thiết kế bìa trông giống như một bộ sách kiếm hiệp đang rất thịnh hành thời bấy giờ; bộ Việt Nam khai quốc chí truyện in năm 1994 hay Nam triều công nghiệp diễn chí in năm 2003 thì in thành tám quyển. Do không có bản in năm 1994, tạm làm công việc đối chiếu văn bản trên bản in năm 1990 và 2003 (bản đầy đủ đầu và cuối đã từng được xuất bản đến thời điểm này). Qua đối chiếu có một số nhận xét như sau: Bản in năm 2003 in bìa cứng và áo ngoài đẹp, tuy nhiên các đơn vị liên kết xuất bản làm công tác bản thảo không tốt, dẫn đến lỗi morat rất nhiều; đánh tên địa danh/ nhân danh trước sau không đồng nhất; trong quá trình đánh máy lại, bản in năm 2003 vô tình thiếu sót một số đoạn ngắn so với bản in năm 1990. Vài ví dụ minh họa: Mạc Kính Điển thì ghi là Mạc Kinh Điển; Hào Man Lê Thì Hiến thì có khi đánh máy là Lê Thì Hiện. Thay vì “Lệnh cho hai doanh Thận Nghĩa và Khuông Nghĩa tiến quân hai cánh tả hữu; doanh Tuấn Nghĩa làm quân tiên phong; hai doanh Tráng Nghĩa, Sùng Nghĩa tiến sau làm hậu ứng” thì đánh máy là “Lệnh cho hai doanh Thận Nghĩa và Khuông Nghĩa tiến quân hai cánh tả hữu; doanh Tuấn Nghĩa tiến sau làm hậu ứng”; thay vì “Sau khi vương mất, vua Lê (Anh Tông) gia phong là Minh Khang Thái vương, ban vàng bạc vóc lụa, làm lễ an táng theo nghi lễ bậc vương” thì đánh máy là “Sau khi vương mất, vua Lê (Anh Tông) gia phong là an táng theo nghi lễ bậc vương”; thay vì “Lại để công tử Thụy quận công Nguyễn Phúc Nguyên ở lại làm Trấn thủ để bảo vệ cho kẻ dân lành” thì đánh máy là “Lại để công tử Trấn thủ để bảo vệ cho kẻ dân lành”; thay vì “Bọn chúng tất sẽ sợ hãi mất mật tìm đường chạy trốn, còn ruột gan nào mà đóng giữ ở đèo Ngang nữa? Khi bọn chúng đã bỏ đèo Ngang thì quân ta thừa dịp vượt nhanh qua, ví như trận gió to thổi đám lá rụng, mưa rào xối hoa tàn” thì đánh máy là “Bọn chúng tất sẽ sợ hãi mất mật tìm đường chạy trốn, còn ruột gan nào mà đóng giữ ở đèo Ngang nữa? Khi bọn chúng đã bỏ qua, ví như trận gió to thổi đám lá rụng, mưa rào xối hoa tàn”; thay vì “Lại truyền cho Nguyên súy thủy quân Phú quận công dẫn thủy quân đánh chiếm các nơi trọng yếu ở cửa biển gần bãi cát Trường Sa phải thăm dò cẩn thận, không vội đổ quân lên bờ để khỏi bị quân địch đánh úp” thì đánh máy “Lại truyền cho Nguyên soái thủy quân Phú quận công dẫn thủy quân lên bờ để khỏi bị quân địch đánh úp”… Hay như việc vua Lê Thế Tông (tức Lê Duy Đàm) lên ngôi với niên hiệu Gia Thái năm đầu (1573), lúc ấy ông mới có bảy tuổi, quyền bính trong tay Trịnh Tùng, đánh máy thành mười bảy tuổi thành ra: “Năm Quý Dậu, niên hiệu Gia Thái năm đầu (1573), vua mới mười bảy tuổi, lên ngôi khi còn trứng nước, chưa hiểu việc chính sự quốc gia, quyền bính đều ủy thác cả cho Trịnh Tùng làm phụ chính”… Một bản dịch hay và công phu nhưng với các vấn đề đang tồn tại trong các bản in như thế, việc ấn hành bản in đầy đủ với các chỉnh sửa bổ sung là việc cần làm ngay để đáp ứng nhu cầu của độc giả, bởi lẽ ngay cả bản in năm 2003 giờ cũng rất khó tìm.
NTCNDC là tài liệu có thể tham khảo khi tìm hiểu về Đàng Trong, về cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam thời Tiên vương Nguyễn Hoàng trở về sau; các Giáo sư Hoàng Xuân Hãn[2] và Giáo sư Phan Khoang[3] đã có những đánh giá cao và khách quan cho tác phẩm này. NTCNDC viết về giai đoạn lịch sử kéo dài một trăm ba mươi năm từ 1558 đến 1689, tức là lúc Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa đến cuối đời Ngãi vương Nguyễn Phúc Thái. Nguyễn Khoa Chiêm mở đầu NTCNDC bằng biến cố Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Có tướng An Tĩnh hầu Nguyễn Kim người trấn Thanh Hoa chiêu tập binh mã dưới ngọn cờ phù Lê diệt Mạc, đón Lê Ninh từ Ai Lao trở về, lập làm vua, lấy hiệu là Trang Tông. Nguyễn Kim sau đó bị tướng nhà Mạc đầu độc chết. Con rể Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm được Trang Tông giao nắm binh quyền. Con trai của Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng, theo Trịnh Kiểm đánh trận lập nhiều chiến công, Kiểm sinh nghi kỵ. Cậu ruột của Nguyễn Hoàng là Thích quốc công Nguyễn Ư Dĩ thấy tình hình không ổn bèn bàn với Nguyễn Hoàng vào cung cầu cứu chị mình là Chính phi của Trịnh Kiểm, tên Ngọc Bảo (theo Đại Việt sử ký toàn thư) giúp đỡ. Bà Ngọc bảo khẩn nài xin chồng cho em vào trấn thủ hai xứ Quảng Nam và Thuận Hóa – những chỗ rừng sâu nước độc. Trịnh Kiểm suy tính, thấy xứ ấy có quân đồn trú của nhà Mạc, có thể mượn tay tướng Mạc để diệt trừ Nguyễn Hoàng. Trịnh Kiểm vào xin vua Lê cho Nguyễn Hoàng đi trấn thủ hai xứ Thuận, Quảng, ban tước là Thái úy Đoan quốc công. Ngày tháng Mười, Chính Trị năm đầu (1558), Nguyễn Hoàng đem một nghìn quân thủy ra cửa biển nhằm hướng hai xứ Thuận, Quảng mà tiến. Ở vùng đất mới, Nguyễn Hoàng đánh với quân nhà Mạc để giành lấy phần đất phía Nam đèo Ngang, vỗ về yên dân, thu phục lòng người, thu dùng hào kiệt, nhẹ xâu thuế nên người giỏi theo về rất đông. Năm 1593, ở Đàng Ngoài chính quyền Lê – Trịnh giành lại được Thăng Long từ tay nhà Mạc, Nguyễn Hoàng về kinh chúc mừng và bị kẹt ở đó mãi đến năm 1600 mới lập được mưu kế xúi Phan Ngạn và Bùi Văn Khuê làm phản, tự mình xin cầm quân đi dẹp phản tặc, rồi dong buồm trở về Thuận Hóa[4].
Nguyễn Hoàng trở về Thuận Hóa, vỗ yên binh dân, chiêu hiền đãi sĩ. Năm 1611, Nguyễn Hoàng sai tướng Nguyễn Phong vào đánh và lấy đất Hoa Anh, lập phủ và dinh Phú Yên, cho quân đồn trú ở đó, đây là cột mốc quan trọng đánh dấu quá trình Nam tiến thời chúa Nguyễn trở về sau. Hai năm sau (1613), Nguyễn Hoàng qua đời, ở ngôi năm mươi sáu năm, thọ tám mươi chín tuổi. Con của Nguyễn Hoàng là Thụy quận công Nguyễn Phúc Nguyên (con thứ sáu của Nguyễn Hoàng) nối ngôi cha. Vâng theo lời dạy của cha “Đàng Trong là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân, luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời” – Đại Nam thực lục tiền biên, Thụy quận công cho sửa thành đắp lũy, đặt quan ải và chăm lo phòng thủ, được nhân dân yêu mến nên gọi là chúa Phật, hoặc chúa Sãi, hoặc Sãi vương. Sãi vương cải cách và xây dựng bộ máy chính quyền riêng, theo hướng độc lập và ly khai với chính quyền Đàng Ngoài. Kể từ thời điểm này mối quan hệ giữa chính quyền Đàng Trong và Đàng Ngoài trở nên căng thẳng, không thể cứu vãn. Nguy cơ chiến tranh hiển hiện, đỉnh điểm của mâu thuẫn là cuộc chiến năm 1627, mở đầu cho gian đoạn nội chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh khốc liệt nồng nặc mùi khói lửa thuốc súng. Trong vòng bốn mươi lăm năm (1627-1672) có đến tám cuộc chiến lớn nhỏ giữa hai bên để tranh giành phần đất từ phía Nam đèo Ngang đến sông Nhật Lệ, cuộc chiến lần thứ tám cũng là trận đánh lớn nhất, sau bảy trận tấn công không phá được thành Trấn Ninh, quân Trịnh phải im lặng cuốn cờ trở về đất Bắc để lại đằng sau một vùng chiến sự hoang tàn đổ nát.
NTCNDC kể chuyện diễn ra ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài, tuy nhiên chuyện ở Đàng Trong chi tiết và chiếm phần hơn về dung lượng trong toàn bộ nội dung tác phẩm. Nguyễn Khoa Chiêm soạn NTCNDC khi đang làm quan và có lẽ vâng theo ý của Minh vương Nguyễn Phúc Chu mà soạn cho nên cách nhìn nhận về những nhân vật, sự kiện lịch sử khó tranh khỏi việc tôn vinh triều đại mình. Tuy nhiên, tác giả cũng khá khách quan khi mô tả về những sự kiện, con người của hai bên như chuyện anh em tranh giành ở Đàng Trong, con muốn giết cha để giành ngôi ở Đàng Ngoài, mâu thuẫn ganh ghét nhau giữa Đốc chiến Chiêu Vũ và Tiết chế Chiêu Vũ khi đang đánh trận…; không vì những thiên kiến ấy mà làm mất đi tính khách quan của lịch sử. Bên cạnh đó, tính nhân văn cũng được thể hiện rõ nét thông qua các chi tiết những quân sĩ hai bên giương súng mà không bắn, vung kiếm mà không chém, cảnh báo cho nhau để tránh đạn nổ sát thương…
Cũng không thể không nhắc đến các nhật vật tài trí trong NTCNDC, Bình An vương Trịnh Tùng có lẽ là nhân vật nổi trội nhất ở Đàng Ngoài, còn ở Đàng Trong là Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên và Hiền vương Nguyễn Phúc Tần. Về các quan văn võ là sự vượt trội về tài trí và mưu lược của Lộc Khê Đào Duy Từ, Chiêu Vũ Nguyễn Hữu Dật và Thuận Nghĩa Nguyễn Hữu Tiến – ba nhận vật được thu dụng dưới thời Sãi vương – góp công lớn trong việc đẩy lui quân Đàng Ngoài và gây dựng cơ sở cho nhà Nguyễn sau này.
Bốn mươi lăm năm nội chiến tang tóc, sinh dân lầm than, kinh tế kiệt quệ bởi cuộc chiến phi nghĩa chỉ vì quyền lợi của hai dòng họ Trịnh – Nguyễn rồi cũng kết thúc. Chiến trường im ắng khoảng một trăm năm, trong thời gian đó Đàng Trong được mở rộng, lần lượt đất Bình Thuận rồi Thủy Chân Lạp được sáp nhập vào Đàng Trong; Đàng Ngoài củng cố lực lượng, giữa vững cơ đồ trước giặc phương Bắc. Một trăm năm sau, quân Tây Sơn nổi dậy phá thế cát cứ và phân lập Đàng Trong – Đàng Ngoài, rồi sau đó là đến vương triều Nguyễn của Nguyễn Ánh, đất nước thống nhất, rồi chia cắt, rồi thống nhất về cương vực nhưng lòng người thì chưa. Gần ba trăm năm kể từ khi nguyên tác chữ Hán tác phẩm Nam triều công nghiệp diễn chí ra đời, những bài học lịch sử đắt giá và vô cùng quý giá vẫn hiển hiện trước mắt mỗi người chúng ta khi nghĩ về bất kỳ cuộc chiến tranh phi nghĩa nào đã diễn ra hay đang manh nha diễn ra. Vẫn còn đó những vết hằn, những khoảng cách khó có thể xóa nhòa giữa những người con đất Việt về văn hóa, ý thức hệ… Nói theo Jacques Dournes trong cuốn Nhà nhân học chân trần thì “… Việt Nam thì luôn luôn có vương quốc Bắc và vương quốc Nam. Họ không bao giờ gắn bó với nhau. Họ có những phương ngữ, đến mức một người ở Hà Nội và một người ở Sài Gòn khó lòng mà hiểu được nhau, đấy là chưa nói đến người ở Huế còn nói một phương ngữ khác – cách pha dấu, pha giọng. Họ may lắm mới hiểu được nhau. Nói điện thoại thì họ chẳng hề hiểu nhau. Phải viết để mà hiểu nhau…”.
Nguyễn Quang Diệu
[1] Tiên tổ của Nguyễn Khoa Chiêm là ông Nguyễn Đình Thân người xứ Hải Dương, theo chân Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, sau đổi thành họ Nguyễn Khoa, khởi tổ của dòng tộc lớn ở Huế, sau này có nhiều con cháu làm nên danh phận: Nguyễn Khoa Đăng, Nguyễn Khoa Kiên, Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều), Nguyễn Khoa Điềm…
[2] Xem Đúng ba trăm năm trước, Hoàng Xuân Hãn, Tập san Sử Địa, Sài Gòn, số 26, 1969.
[3] Xem Việt sử xứ Đàng Trong (1558-1777), Phan Khoang, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1969.
[4] Đoạn này trong sách có chi tiết hư cấu, Nguyễn Hoàng nhận thấy mình đang bị Trịnh Tùng (con Trịnh Kiểm, kế vị cha) giam lỏng ở kinh đô Thăng Long, Nguyễn Hoàng cho người đến xin ý kiến Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm để hỏi kế giữ thân, Trình quốc công lấy giấy bút viết tám chữ giao cho người tâm phúc của Nguyễn Hoàng đem về. Nguyễn Hoàng mở thư đọc thấy tám chữ: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung nhân” (nghĩa là “Hoành Sơn một dải, dung thân muôn đời”). Nguyễn Hoàng hiểu ý và quyết phải trở về vùng đất tự do Thuận Hóa. Thực tế thì Nguyễn Bỉnh Khiêm chết năm 1585, trước thời điểm Nguyễn Hoàng trở về Thăng Long đến tám năm. Theo các sử quan nhà Nguyễn, chuyện Nguyễn Bỉnh Khiêm cho chữ diễn ra năm 1558, lúc Nguyễn Hoàng đang tìm cách rời xa sự kìm kẹp của Trịnh kiểm. Hay như một chi tiết khác trong sách mang tính giai thoại: Năm 1625 Mạc Kính Khoan đem quân ở Cao Bằng xuống quấy phá, hai bên Trịnh – Mạc đánh nhau hơn một tháng không phân thắng bại. Thanh Đô vương Trịnh Tráng sai người sang cầu cứu mưu kế nhà Minh, lính sai mang về tờ giấy ghi hai chữ “thanh thúy”, không ai đoán được ý bèn cho người đi mời Phùng Khắc Khoan về để giải. Phùng Khắc Khoan đã chết cách đó hơn mười năm.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để được bình luận
Gửi email cho bạn bè