Tác giả | Bảo Ninh |
Ngôn ngữ | Tiếng Việt |
Lĩnh vực | Văn học Việt Nam |
Năm xuất bản | 05/2011 |
Đơn vị xuất bản | Nxb Trẻ |
Giá sách | 93.000 VND |
Số trang | 324 |
Bất cứ một nền văn học nào trong sự vận động và phát triển của nó đều nhằm đề cập và giải quyết ở mức độ nhất định những vấn đề mà thời đại đó đặt ra và nó có thể dự báo những vấn đề chủ yếu của con người và thời đại trong bước tiến của lịch sử.
Văn học cách mạng, văn học thời kỳ chiến tranh của chúng ta là sự phát triển tiếp nối của truyền thống yêu nước trong văn học dân tộc. Âm hưởng chung của văn học giai đoạn này là cái anh hùng, cái hào hùng. Ý thức chung của nền văn học đó là hướng tới sự phản ánh cái cao đẹp của chiến tranh nhân dân, vì vậy mang đậm giai điệu sử thi. Và nếu cái chất sử thi ấy có lấn cái đau thương, cái đời thường thì cũng là lẽ đương nhiên và cũng dễ hiểu trong sự cảm nhận của người đọc hôm qua, hôm nay và cả mai sau.
Sau ngày miền Nam giải phóng (1975), đặc biệt là từ sau Đổi mới (1986), đời sống văn học Việt Nam đã có những thay đổi quan trọng trong nhận thức và tiếp nhận nghệ thuật. Việc phản ánh cuộc sống và con người trong văn học được suy ngẫm và phân tích một cách sâu sắc những đối cực giữa thiện và ác, cao cả và thấp hèn, chân thực, giả tạo… Từ góc độ khám phá hiện thực khác nhau, nhà văn đã cố gắng thể hiên số phận con người với những chiến công và chiến bại, những niềm vui lẫn day dứt đau thương, có khi rất riêng tư rong sâu thẩm của tâm hồn, có khi lại hòa đồng với những lo toan, trăn trở đi lên của dân tộc. Có thể xem tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh - một thành tựu đặc sắc của văn học thời kỳ đổi mới ở mảng đề tài viết về chiến tranh sau chiến tranh, là một ví dụ.
“Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh xuất bản lần đầu tiên vào năm 1990 với tiêu đề do các biên tập viên Nhà xuất bản Hội Nhà văn lựa chọn trao giải: “Thân phận của tình yêu”. Một năm sau đó cuốn sách đầu tay này của nhà văn Bảo Ninh được tái bản với tiêu đề của chính tác giả: “Nỗi buồn chiến tranh”. Cuốn sách được giải thưởng của Hội Nhà văn, cùng với những tiểu thuyết khác như “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Bến không chồng” của Dương Hướng. Sau khi giành được giải thưởng ở Việt Nam, cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh được dịch và giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới và được đánh giá cao.
Dù nhan đề “Thân phận của tình yêu” hay “Nỗi buồn chiến tranh” cũng chỉ là một. Đó là: Một chuyện tình đau đớn trong chiến tranh.
Tác phẩm không có cốt truyện, tình tiết rành mạch mà chỉ là những mảng hồi ức của nhân vật Kiên, một người lính của tiểu đoàn 27 độc lập hoạt động trên địa bàn B3 còn sống sót, về cuộc chiến tranh đẫm máu vừa qua và về mối tình với cô bạn học trường Bưởi tên là Phương. Chiến tranh, trong ký ức của Kiên đồng nghĩa với cái chết và sự hủy diệt. Có những cái chết buồn thảm như cái chết của cha và dượng Kiên, có cái chết bi thảm như cái chết của những người đồng đội của Kiên trong cuộc chiến. Và ngay mở đầu tác phẩm là hồi ức của Kiên về trận đánh - trận thảm sát xóa sổ cả một đơn vị vào “Mùa khô đầu tiên sau Hiệp định”. Cái chết của đồng đội, của địch trở thành những hồn ma gọi hồn, ở chốn rừng xanh núi thẳm, cứ ám ảnh Kiên mãi thời hậu chiến. “Chẳng biết đến bao giờ thì lòng mình mới có thể nguôi nổi, trái tim mình mới thoát khỏi gọng bàn tay xiết chặt của những kỷ niệm chiến tranh. Những kỷ niệm có thể là êm đềm, có thể lá ác hại nhưng đều để lại những vết thương mà tới bây giờ một năm đã qua, hay mười năm, hay hai mươi năm nữa vẫn còn đau, đau mãi.”
Trong ký ức của Kiên, chiến tranh còn là những hình ảnh buồn bã về ngày chiến thắng trĩu nặng những dự cảm kinh hoàng về sự tồn hại của nhân tính...
Tình yêu, trong ký ức của Kiên, là mối tình tuyệt đẹp mà đau xót với cô bạn học Phương. Phương và Kiên ở tuổi 17, tuổi thanh niên mới chớm nở; hai tâm hồn lành mạnh yêu nhau đắm đuối, hồn nhiên. Ở Phương có “vẻ đẹp trời ban, vẻ đẹp rực cháy sân trường Bưởi”, và một cái nhìn tiên tri thiên phú. Bị cuốn vào vòng xoáy nghiệt ngã của cuộc chiến, tình yêu cũng bị đày đọa, bị đẩy tới bờ vực của sự hủy diệt. Cảnh đôi tình nhân trên chuyến xe lửa và Phương bị làm nhục ngay trong những giờ khắc khởi đầu của cuộc chiến đã nói lên sức tàn phá ghê gớm của chiến tranh. Mối tình của họ mãi mãi là mối tình đau khổ, không thành với những vết thương không thể chữa lành trong thời bình. Thế nhưng cái duy nhất mà nàng không bao giờ đánh mất, cố gắng không để mất, là tình yêu giành cho Kiên. Tình yêu cho dù bị đày đọa, vẫn tồn tại như một thách thức làm cho người ta mê đắm. Tình yêu của Kiên và Phương như là biểu tượng của cái đẹp, đối lập với chiến tranh khốc liệt. Giữa một vùng bom đạn xé toạc bầu trời Hà Nội trong những ngày đầu của cuộc chiến, Phương tắm bên hồ “ung dung”, “bình thản”, cái đẹp ngạo nghễ trước bạo lực. Tình yêu của Phương, sắc đẹp của Phương bị chiến tranh hủy hoại, chỉ còn lại ký ức mênh mông và huyền ảo, và “nỗi buồn” về thân phận tình yêu.
Bằng những ký ức chắp nối, tác phẩm như là những độc thoại của Kiên về thân phận con người. Tình yêu và chiến tranh, hai chủ đề, hai nỗi buồn thấm vào nhau, hòa lẫn nhau, da diết, xót xa, hủy diệt.
Ra khỏi cuộc chiến, Kiên trở thành “nhà văn cấp phường”, sống một thời hậu chiến đầy u buồn. Anh lao vào viết như một “Thiên mệnh” xa vời, tối tăm. Nhà văn của phường như người mộng du lang thang cả đêm khắp phố phường, đêm đêm viết hàng núi giấy. Những câu chữ xuất hiện trong “bóng đêm âm u” của tiềm thức, vô thức đã trở thành những hình tượng ảo giác trên trang bản thảo. Ngày kia anh đốt bản thảo tác phẩm của mình, bên người con gái câm, một biểu tượng đẹp, một bản sao khác của Phương. Cô gái câm là người đọc có thể, người đọc tương lai tiểu thuyết của Kiên. Cô là người duy nhất chứng kiến một tiểu thuyết đang hình thành trong bóng đêm, trong cơn say, trong điên khùng và hoảng loạn, trong vô thức, tức là từ nỗi buồn tình yêu và nỗi buồn chiến tranh…
Nhận thức về số phận con người gắn liền với hạnh phúc và đau khổ, dường như đó là tất cả những gì thực sự ý nghĩa trong cuộc đời con người. Văn học quan tâm đến hạnh phúc cũng như nỗi buồn của cá nhân con người là góp phần nâng cao giá trị của con người, bồi dưỡng nhân cách và hoàn thiện con người hơn.
Bảo Ninh viết về “Nỗi buồn chiến tranh”, “Nỗi buồn tình yêu”, về một thời đã qua không bao giờ trở lại. Đọc tác phẩm này chúng ta hiểu con người đau khổ, trăn trở, nhận thức như thế nào về quá khứ, về chiến tranh, về những gì được mất trong cuộc đời. Đó là một bước tiến trên con đường hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam - con đường đi tới diễn tả số phận tinh thần của con người, tăng thêm chiều sâu tư tưởng, nâng cao vai trò của chủ quan nhà văn trong sáng tạo nghệ thuật.
“Nỗi buồn chiến tranh” đã làm cho bức chân dung về con người trong văn học những năm gần đây đầy đủ hơn bằng sự diễn tả quá trình tự ý thức của con người về lịch sử, về số phận bằng việc thêm vào đó nỗi đau tinh thần, khát khao đến vô vọng về hạnh phúc và sự day dứt, trăn trở không nguôi về quá khứ. Vả lại, bản chất của văn chương là nỗi đau đời, là sự nuối tiếc không nguôi về thời gian, về thân phận, về những gì không lặp lại.
Trong ý nghĩa đó, cùng với cách viết văn tỉnh táo, giàu chất suy nghĩ, say đắm chất trữ tình, tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh xứng đáng là “thành tựu rực rỡ nhất của văn học thời đổi mới” (Nguyên Ngọc), chắc chắn sẽ còn mãi với thời gian./.
Trương Thuận
Sống với nhau hạnh phúc không là cả dấu hỏi, đắng chát, ký ức, những mảng đen tối trong cuộc đời Phương không chỉ là hạt sạn mà đã là trái núi chia cắt họ. Cuộc chiến tàn ác làm tình yêu tan nát. Mất nhau rồi Thân phận của tình yêu!
Xem tiếpChỉ sau một thời gian ngắn Nỗi buồn chiến tranh không chỉ đông đảo bạn đọc Việt Nam biết đến mà nó được cả độc giả nước ngoài đón nhận. Một cuốn sách hơi khó đọc - đương nhiên, khi được viết với một kỹ thuật khá lạ, thời gian đồng hiện, hòa trộn giữa quá khứ và thực tại, chứ không theo một trật tự kể chuyện thông thường.
Xem tiếpĐăng ký hoặc Đăng nhập để được bình luận
Gửi email cho bạn bè