Tác giả | Nhóm Ban Mai (biên soạn) |
Ngôn ngữ | Tiếng Việt |
Lĩnh vực | Danh nhân |
Năm xuất bản | 2007 |
Đơn vị xuất bản | Trẻ |
Giá sách | 142.000 VND (5 tập) |
Số trang | 974 |
Trong quá trình khai thác tư liệu để viết Bộ sách TRẠNG NGUYÊN VIỆT NAM, nhóm biên soạn từng lúc đã chia sẻ với chúng tôi những khám phá thú vị từ các nhà trí thức khoa bảng thời xưa những tư chất quí giá của kẻ sĩ trên bước đường “Tầm sư học chữ” thuở thiếu thời.
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang chịu sự thống trị và ảnh hưởng sâu đậm của nền Nho học “Tầm chương, trích cú”, kìm hãm sự tự do tư duy và sáng tạo thì những quan sát tinh tế và những phát hiện thông tuệ của các Trạng Nguyên Việt Nam về các hiện tượng tự nhiên, khoa học, về vũ trụ, về nhân sinh và về các con số khởi nguồn của toán học quả là phúc đức cho nước Đại Việt chúng ta thời bấy giờ. Khi có những nhân tài thực học và kiến thức uyên minh.
Chỉ tiếc rằng những phát hiện tình cờ con số pi toán học cùng nổi đau đáu tìm kiếm Đạo của người Đại Việt của trạng nguyên Lê Văn Thịnh; Con số âm trong trò chơi Ô ăn quan, Toán học âm dương của trạng nguyên Mạc Hiển Tích; Vũ trụ trong chiếc nón lá của người Việt cùng cách thức đo thời gian bằng cây sào của Trạng Nguyên Bùi Quốc Khái; Trạng Nguyên Trương Hanh với quan niệm “Luật pháp phải vì dân”; Nguyễn Nghiêu Tư với cảm giác giới hạn của không gian; Lương Thế Vinh với Khải Minh toán học và Đại Thành toán pháp; Nguyễn Quan Quang với những phát hiện về bí mật của ánh sáng… và còn nhiều nữa những phát hiện và kiến giải chỉ mới tiệm cận được với những lý thuyết và phát minh đã được khẳng định trong các ngành khoa học tự nhiên và xã hội ngày nay. Quả là các nhà khoa bảng Việt Nam tuy kiến thức thông tuệ và uyên bác, và là những trí thức thực tài song vẫn không vượt ra khỏi giới hạn của xuất phát điểm và điều kiện phát triển của xã hội Việt Nam thời bấy giờ. Những phát hiện, kiến giải ấy đã bị kềm nén, ứ đọng và nhấn chìm trong các triều đại phong kiến “đóng cửa” và ngưng trệ trong “sân vườn, ao nhà, cổng làng” với hơn ngàn năm lịch sử trung cận đại Việt Nam tụt hậu so với thế giới phương Tây một khoảng cách khá dài.
Có hai điều thú vị khác mà tôi thu hoạch được từ các tập sách viết về các trạng nguyên Việt Nam là: tinh thần dân tộc và tinh thần thực học của các trí thức khoa bảng, của kẻ sĩ thời xưa. Tinh thần dân tộc là gốc rễ tạo dựng nên cốt cách và tinh thần Đại Việt của dân tộc Việt Nam ta. Chính tinh thần dân tộc mạnh mẽ của các sỹ phu trí thức khoa bảng, những người thầy của nhân dân đã truyền tải, hun đúc khí phách tự tình dân tộc cho đông đảo nhân dân Đại Việt và đã làm cho ngàn năm Bắc thuộc mà “ta vẫn là ta”; chính tinh thần dân tộc, khí phách dân tộc và tình yêu quê hương, đất nước da diết mà trong lịch sử dân tộc Việt đã chiến thắng kẻ thù phương Bắc, chiến thắng vẻ vang thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập tự do cho nước nhà. Chính vì tinh thần dân tộc mà các Trạng Nguyên Đại Việt tuy phải ngày đêm “sôi kinh nấu sử”, thông thuộc “tứ thư ngũ kinh” và thấm nhuần đạo học Nho gia vẫn mang nỗi ray rứt cuộc kiếm tìm Đạo Đại Việt của chính người Việt.
Điều nhất quán ở tinh thần thực học của các trí thức khoa bảng được giới thiệu trong các tập sách này là học thực chất, học để có kiến thức, học để làm thầy dạy khai dân trí, học để phụng sự nhân dân. Học để làm quan đồng thời cũng chính là để có điều kiện giúp vua giúp nước, quảng bá sự học trong nhân dân. Đạo học của người xưa quả là để giúp dân giúp nước, không phải học để chỉ cốt làm quan “vinh thân phì gia, để cả làng cả họ được nhờ”. Đạo học của người xưa có mục đích khá rõ như thế và cũng góp phần lý giải sự hưng thịnh của các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn từ thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XIX.
Đọc Bộ sách TRẠNG NGUYÊN VIỆT NAM để tự hào với lớp trí thức khoa bảng trong lịch sử Việt Nam: Thực tài, thực học và có tinh thần dân tộc và ý thức tạo dựng nền Đạo học Việt nhằm phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân. Trông xưa mà ngẫm đến nay, phải chăng đã đến lúc cần tôn vinh và quảng bá Đạo học trong người thời nay. Học không phải để có mảnh bằng học vị, để thăng quan, tiến chức. Học để mở mang kiến thức, mở rộng tầm nhìn. Học thực chất, học để “khai dân trí, chấn dân khí” và để góp phần phụng sự tổ quốc và phát triển kinh tế xã hội của nước nhà. Bài học người xưa quả là luôn mới mẻ cho người thời nay soi chiếu.
Quách Thu Nguyệt
Đăng ký hoặc Đăng nhập để được bình luận
Sách do đơn vị xuất bản tuyển chọn và giới thiệu
Gửi email cho bạn bè