Tác giả | Gabriel Garcia Marquez |
Ngôn ngữ | Tiếng Việt |
Lĩnh vực | Văn học nước ngoài |
Dịch giả | Trung Đức - Đình Lợi & Quốc Dũng |
Năm xuất bản | 01/2011 (tái bản) |
Đơn vị xuất bản | NXB Văn học |
Giá sách | 90.000 VND |
Số trang | 551 |
Điều gì khiến "Trăm năm cô đơn" - một tiểu thuyết theo chủ nghĩa "hiện thực huyền ảo", dày tới hơn 600 trang, chỉ kể về câu chuyện loạn luân của một dòng họ ở một ngôi làng "huyền thoại", giành được giải thưởng Nobel Văn học? Phải chăng tác phẩm đã đạt tới hai tiêu chí cơ bản của giải thưởng. Đó là bút pháp độc đáo, mới mẻ và ý nghĩa nhân văn của thông điệp tác phẩm gửi tới người đọc.
"Trăm năm cô đơn" được đánh giá là sản phẩm tuyệt vời của hư cấu nghệ thuật. Với bút pháp "hiện thực huyền ảo", Márquez đã dựng nên một ngôi làng có tên gọi Macondo. Đó là ngôi làng không một người dân nào sống quá ba mươi tuổi và chưa có nghĩa địa, đã từng xảy ra những chuyện hoang đường như cơn mưa hoa trong một đám tang, những con người được hoài thai bởi bướm và bọ cạp, những người có đuôi, có người bay lên trời không trở lại... ở ngôi làng đó, những người con trai và con gái cùng huyết thống đã yêu nhau, lấy nhau, sinh ra những đứa con dị tật có đuôi như lợn hoặc như khỉ!
Nỗi ám ảnh về tội loạn luân đã đẩy những con người nơi đây chìm sâu vào nỗi cô đơn. Họ cô đơn trong ngôi nhà của mình. Cô đơn giữa những người thân thuộc. Cô đơn trên chiếc giường của mình, trong giấc mơ của mình... Cuối cùng, sau một trăm năm sống trong cô đơn, làng Macondo bị một cơn cuồng phong cuốn mất khỏi thế giới. Rõ ràng là, về phương diện xã hội, Márquez muốn viện dẫn một vấn đề có tính quy luật. Đó là, nếu anh đơn lẻ trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên và con người, anh sẽ thất bại. Nếu anh khép mình, đóng kín, quay lưng lại với thế giới, đi ngược lại những quy luật vốn có, anh sẽ bị hủy diệt. Tương tự như thế, đất nước Colombia cùng với lục địa Mỹ Latinh nếu đóng cửa, tuyệt giao với thế giới bên ngoài, sẽ vĩnh viễn bị giam cầm trong lạc hậu, đói nghèo.
Còn về thông điệp, Márquez muốn nhắn nhủ một điều giản dị, nhưng sâu đậm tính nhân văn: Mọi người hãy sống đúng bản chất người - tổng hòa các mối quan hệ xã hội của mình, hãy vượt qua mọi định kiến, thành kiến cá nhân, hãy lấp bằng mọi hố ngăn cách cá nhân để cá nhân tự hòa đồng với gia đình, xã hội.
Trăm năm cô đơn là câu chuyện về dòng họ Buênđya tồn tại bảy thế hệ, người đầu tiên bị trói vào gốc cây và người cuối cùng đang bị kiến ăn, một dòng họ tự lưu đày vào cõi cô đơn để chạy trốn tội loạn luân.
Cái tội loạn luân này khởi sự từ việc tên cướp biển Phranxit Đrăc tấn công Riôacha khiến các cụ tổ của Ucsula Igoaran phải chuyển đến lập nghiệp ở một làng hẻo lánh. Tại đây các cụ tổ của Hôsê Accađiô Buênđya đã lập nghiệp bằng nghề trồng thuốc lá. Qua ba thế kỷ, hai dòng họ này đã có quan hệ thâm giao, cháu chắt họ lấy lẫn nhau dẫn tới thảm họa đẻ ra một người đàn ông có đuôi lợn. Chính cái gương tày liếp này đã khiến cha mẹ Hôsê Accađiô Buênđya và Ucsula Igoaran tìm mọi cách ngăn cản nhưng họ vẫn cứ lấy nhau. Khi đã là vợ chồng rồi và dẫu Hôsê Accađiô Buênđya tuyên bố "dù có đẻ ra kỳ đà anh cũng cóc cần". Ucsula Igoaran vẫn sợ đẻ ra đứa con có đuôi lợn, nên khi đi ngủ bao giờ cô cũng mặc chiếc quần trinh tiết do mẹ may cho. Sự việc kéo dài hơn một năm khiến dân làng ngạc nhiên và đồn rằng anh chồng là kẻ bất lực.
Một hôm, bị thua Hôsê Accađiô Buênđya trong một cuộc chọi gà, Pruđênxiô Aghila không kìm được lòng đã lỡm bạn: "Tao mừng cho mày và để xem cái con gà này có làm phúc cho vợ mày không". Vì lời nói lỡm ấy anh ta phải trả cả tính mạng.
Nhưng không vì thế, người chiến thắng được sống thanh thản, trái lại lúc nào cũng bị lương tâm dằn vặt đến mức phải bỏ làng tìm đền một miền đất không được hứa trước để lập ra làng Macônđô, để tự lưu đày trong cõi cô đơn trăm năm. Rồi trong cõi cô đơn ấy, những Hôsê Accađiô và những Aurêlianô, những Rêmêđiôt và những Amaranta đã ra đời, sống cuộc đời với số phận bi đát dường như đã được định trước: lay lắt trong nỗi cô đơn và hoài nhớ, thấp thỏm lo phạm tội loạn luân.
Nhưng lo cũng chẳng được. Lúc còn đang thời sinh nở, sau mỗi lần đẻ Ucsula Igoaran đều cặn kẽ xem con mình có mang bộ phận nào của con vật không. Về già, cụ luôn luôn nhắc nhở đám cháu con hãy mở to mắt để nhận mặt họ hàng, đừng chung đụng xác thịt mà sinh con có đuôi lợn. Nhưng cụ không thể sống đến hết chuyện để khuyên giải Amaranta Ucsula và Aurêlianô Babilônia. Vì không biết rõ gốc gác, không nắm được quan hệ ruột thịt, Amaranta Ucsula và Aurêlianô Babilônia đã yêu nhau mãnh liệt, ăn nằm với nhau và lấy nhau với hy vọng tình yêu sẽ cải tạo nòi giống mình. Nhưng họ đã đẻ ra đứa con quái thai có đuôi lợn và con vật huyền thoại này đã kết liễu dòng họ Buênđya tồn tại bảy thế hệ. Rõ ràng trong thế giới cô đơn và hoài nhớ ấy, những người trong dòng họ Buênđya đã phạm tội loạn luân dù cho họ có ý chạy trốn tội loạn luân. Như vậy chúng ta thấy trong Trăm năm cô đơn, loạn luân là một đề tài đã mở và đóng lại một thiên truyện.
Nhưng sự ra đời và tồn tại của dòng họ Buênđya lại gắn rất chặt với số phận của làng Macônđô.
Lúc đầu Macônđô là một làng quê hiền hòa. Tại đây chưa một ai đã ngoài ba mươi tuổi. Macônđô chưa có nghĩa địa, dân trí Macônđô chưa được khai sáng. Ðứng đầu làng là Hôsê Accađiô Buênđya, một tộc trưởng. Ông chăn dắt dân Macônđô theo lề thói của công xã nông thôn. Dân Macônđô sống hiền lành, không phạm tội giết người nên không cần có quan cai trị (phần đời) và cha cố (phần hồn). Mặc dù sống biệt lập với thế giới bên ngoài, dân Macônđô đã biết làm cho làng mình trở thành một làng quê trù mật và yên vui.
Người Digan, theo tiếng chim hót và tiếng nhạc đồng hồ, đã tìm được đường đến với Macônđô. Họ mang tới đây biết bao thứ mới lạ mà dân Macônđô chưa hề biết tới. Họ mang tới làng nghề thủ công và nghề buôn bán. Họ lập ra phố Thổ Nhĩ Kỳ.
Macônđô từ một làng quê trở thành một thị trấn. Chính phủ trung ương phái tới làng một Quan thanh tra. Ðó là ông Apôlina Môscôtê. Sự có mặt của Quan thanh tra đã làm cho cuộc sống vốn thanh bình của Macônđô bỗng trở nên bị xáo trộn. Cuộc nội chiến triền miên và khốc liệt giữa hai phái Bảo hoàng và Tự do đã nhiều phen tàn phá Macônđô, làm cho dân chúng phải nhiều phen điêu đứng. Tương ứng với thời kỳ này của Macônđô là sự trưởng thành của thế hệ thứ hai dòng họ Buênđya mà người tiêu biểu là đại tá Aurêlianô Buênđya.
Ngài đã phát động ba mươi hai cuộc chiến và ngài phải chịu thất bại hoàn toàn, buộc phải kí hiệp định đình chiến Neclanđia mà thực chất của bản hiệp định này là sự đầu hàng của lực lượng Tự do trước lực lượng Bảo hoàng.
Nhờ có đường xe lửa, Macônđô thực sự giao lưu với thế giới bên ngoài. Phim ảnh, máy phát điện, máy hát, gái điếm, khách du lịch đã tràn ngập Macônđô. Công ty chuối (thực chất là Công ty hoa quả Mỹ) cũng đến đây và lập đồn điền chuối. Dân tứ xứ đổ về Macônđô. Cuộc sống Macônđô sầm uất lên. Giai đoạn này của Macônđô tương ứng với thế hệ thứ tư dòng họ Buênđya mà người tiêu biểu là hai anh em sinh đôi: Aurêlianô Sêgunđô và Hôsê Accađiô Sêgunđô. Aurêlianô Sêgunđô to khoẻ đầy sinh lực, sôi nổi sống hết mình trong cõi đời thế tục. Ngược lại Hôsê Accađiô Sêgunđô vóc người mảnh khảnh nhưng rất thông minh, đã tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nhân chuối đòi cải thiện sinh hoạt và tăng lương. Người Mỹ, ở đây là ngài Trao, rất xảo quyệt và tráo trơ tìm mọi cách thoái thác những yêu cầu chính đáng của công nhân. Khi cuộc đấu tranh lên đến cao trào, người Mỹ đã thẳng tay tắm máu công nhân bằng một vụ thảm sát tất cả những ai có mặt ở sân ga và sau đó dùng đoàn tàu dài hơn hai trăm toa chở xác chết ném xuống biển như Công ty chuối vẫn đổ chuối thối.
Công ty chuối rút khỏi Macônđô. Bằng phép màu, Công ty chuối đã dìm chết Macônđô trong một trận mưa lụt kéo dài bốn năm mười một tháng hai ngày và sau đó lại rang khô nó trong nạn hạn hán kéo dài mười một năm. Macônđô tiêu điều xơ xác. Cỏ dại, sâu bọ sinh sôi nảy nở nhanh chóng và hung hãn tiến công con người ngày một quyết liệt hơn để đến một ngày kia một trận cuồng phong nổi lên xoá Macônđô khỏi mặt đất này.
Nhà văn Colombia Gabriel Garcia Márquez cho rằng: "Trên thực tế, mỗi nhà văn chỉ viết một cuốn sách". Giống như Yasunari đã viết về nỗi buồn, Solokhov viết sử thi của người Kozac bên bờ sông Đông, Hemingway viết về lòng dũng cảm của con người... trong hơn sáu chục năm cầm bút, Márquez đã viết nên ngót hai chục cuốn tiểu thuyết, gần một trăm truyện ngắn và một số kịch bản phim truyện. Song ông vẫn cho rằng, cuốn sách cuộc đời ông là cuốn sách về "cái cô đơn". Tác giả tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” đã miêu tả, mổ xẻ, huyền ảo hóa "cái cô đơn" để gửi gắm một thông điệp cuộc sống.
Gabriel Garcia Márquez khởi đầu sự nghiệp sáng tác rất sớm, khi đang là sinh viên của Trường đại học Quốc gia Colombia. Bắt đầu là những bài viết gửi đăng trên tờ El Espectador. Tiếp đến là hơn một chục truyện ngắn. Năm thứ hai ở đại học, Márquez quyết định bỏ học để theo nghề báo và viết văn. Nhờ nghề báo, Márquez có cơ hội đến Thụy Sĩ, Pháp, Anh, Venezuela, Cuba, Mỹ... để viết nên những thiên phóng sự nổi tiếng và một số tiểu thuyết khi tuổi đời còn rất trẻ. Sau mấy chục năm có mặt ở tất cả những "điểm nóng" trên thế giới, năm 1961, Márquez trở về Tổ quốc, sử dụng tất cả vốn liếng tích cóp trong gần hai chục năm để viết "cuốn sách của cuộc đời", cuốn "Trăm năm cô đơn".
"Trăm năm cô đơn" được Márquez chính thức viết năm 1965, đến năm 1967 thì hoàn thành và đưa đi xuất bản. Nhưng theo như lời ông nói, "Trăm năm cô đơn" đã được ông "hoài thai" từ gần hai mươi năm trước. Đó là quãng thời gian ông làm nghề báo và viết các tiểu thuyết đầu tay, như: "Ngôi nhà", "Bão lá", "Một trong những ngày này", " Ngài đại tá chờ thư", "Đôi mắt chó xanh", "Đám tang bà mẹ vĩ đại"... Ông cho rằng, việc viết các tiểu thuyết trên là viết "bản thảo lần đầu" cho "Trăm năm cô đơn".
Sau khi đoạt giải Nobel Văn học, năm 1985, Márquez tiếp tục chứng tỏ khả năng bứt phá bằng "Tình yêu thời thổ tả", cuốn tiểu thuyết được ông xây dựng trên nguyên mẫu mối tình của cha mẹ mình. Đó là một mối tình bền vững, dẫu người cha có con ngoài giá thú! Tác phẩm được đánh giá là "một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất về tình yêu mà con người có thể viết nên", là "Romeo và Juliette của thế kỷ XX".
Márquez muốn nhắn nhủ một điều giản dị, nhưng sâu đậm tính nhân văn: Mọi người hãy sống đúng bản chất người - tổng hòa các mối quan hệ xã hội của mình, hãy vượt qua mọi định kiến, thành kiến cá nhân, hãy lấp bằng mọi hố ngăn cách cá nhân để cá nhân tự hòa đồng với gia đình, xã hội.
Xem tiếpTiểu thuyết kể về làng Macondo huyền thoại là biểu tượng của châu Mỹ La Tinh, lịch sử ngôi làng cùng dòng họ Buendia là biểu tượng cho lịch sử châu Mỹ Latinh. Trong tiểu thuyết có sự pha trộn giữa các yếu tố hiện thực và hoang đường.
Xem tiếpSách rất hay, đọc để thưởng thức tài năng dựng chuyện của tác giả, đọc để thấy sức mạnh của sự cô đơn, đọc để thấy tài năng của dịch giả.
Xem tiếpĐăng ký hoặc Đăng nhập để được bình luận
Gửi email cho bạn bè