Tác giả | Michael E. Porter |
Ngôn ngữ | Tiếng Việt |
Lĩnh vực | Kinh tế - Quản trị |
Dịch giả | Ngọc Toàn - Ngọc Hà - Quế Nga - Thanh Hải |
Năm xuất bản | 2008 |
Đơn vị xuất bản | DT Books & NXB Trẻ |
Giá sách | 240.000 VND |
Số trang | 1080 |
Làm sao mua: | Các nhà sách trên toàn quốc |
Từ năm 1983, M.Porter làm việc cho Ủy ban về cạnh tranh ngành của phủ Tổng thống. Ông là người đã đưa ra môn học về chiến lược cạnh tranh và mô hình phân tích cấu trúc ngành. Về lý luận cạnh tranh, ông đã xuất bản ba cuốn sách nổi tiếng thế giới và được sử dụng trong hầu hết các chương trình đào tạo MBA của các nước. Đó là cuốn ''Chiến lược cạnh tranh'' xuất bản năm 1980, cuốn ''Lợi thế cạnh tranh'' năm 1985 và cuốn ''Lợi thế cạnh tranh quốc gia vào năm 1990.
Trong tác phẩm Lợi thế cạnh tranh quốc gia, Porter vận dụng những cơ sở lý luận cạnh tranh trong nước của mình vào lĩnh vực cạnh tranh quốc tế và đưa ra lý thuyết nổi tiếng là mô hình “Viên kim cương”. Các yếu tố quyết định của mô hình là các điều kiện về các yếu tố sản xuất, điều kiện về cầu, các ngành hỗ trợ và bối cảnh cạnh tranh, chiến lược và cơ cấu doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có 2 biến số bổ sung là vai trò của nhà nước và yếu tố thời cơ.
Theo Porter thì không một quốc gia nào có thể có khả năng cạnh tranh ở tất cả các ngành hoặc ở hầu hết các ngành. Các quốc gia chỉ có thể thành công trên thương trường kinh doanh quốc tế khi họ có lợi thế cạnh tranh bền vững trong một số ngành nào đó. Porter phê phán các học thuyết cổ điển trước đây cho rằng ưu thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thương trường cạnh tranh quốc tế là chỉ dựa vào lợi thế tuyệt đối của Adam Smith hay chỉ có lợi thế so sánh của David Ricardo. Theo ông, khả năng cạnh tranh của một quốc gia ngày nay lại phụ thuộc vào khả năng sáng tạo và sự năng động của ngành của quốc gia đó. Khi thế giới cạnh tranh mang tính chất toàn cầu hóa thì nền tảng cạnh tranh sẽ chuyển dịch từ các lợi thế tuyệt đối hay lợi thế so sánh mà tự nhiên ban cho sang những lợi thế cạnh tranh quốc gia được tạo ra và duy trì vị thế cạnh tranh lâu dài của các doanh nghiệp trên thương trường quốc tế.
Khi nền tảng của cạnh tranh càng chuyển dịch sang sự sáng tạo và tri thức mới thì vai trò của quốc gia càng tăng lên. Lợi thế cạnh tranh quốc gia được tạo ra và thông qua quá trình địa phương hóa cao độ. Sự khác biệt về giá trị quốc gia, văn hóa, cấu trúc kinh tế, thiết chế và lịch sử, tạo nên ưu thế quyết định sự thành công trong cạnh tranh. Các quốc gia thành công ở một số ngành trên thị trường toàn cầu vì môi trường trong nước của họ năng động, đi tiên phong và nhiều sức ép nhất. Các Công ty của họ thu được lợi thế so với các đối thủ quốc tế nhờ việc có các đối thủ mạnh trong nước, nhờ có các nhà cung cấp có khả năng trong nước, nhờ sự phong phú nhu cầu khách hàng trong nước và sự liên kết chặt chẽ của các ngành phụ trợ.
Lý luận của Porter về lợi thế cạnh tranh quốc gia giải thích các hiện tượng thương mại quốc tế trên góc độ các doanh nghiệp tham gia kinh doanh quốc tế và vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ cho các ngành có điều kiện thuận lợi để giành lợi thế cạnh tranh quốc gia chứ không phải cho một vài doanh nghiệp cụ thể. Sự thành công của các quốc gia ở ngành kinh doanh nào đó phụ thuộc vào 3 vấn đề cơ bản: lợi thế cạnh tranh quốc gia, năng suất lao động bền vững và sự liên kết hợp tác có hiệu quả trong cụm ngành.
Lợi thế cạnh tranh được hiểu là những nguồn lực, lợi thế của ngành, quốc gia mà nhờ có chúng các doanh nghiệp kinh doanh trên thương trường quốc tế tạo ra một số ưu thế vượt trội hơn, ưu việt hơn so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Lợi thế cạnh tranh giúp cho nhiều doanh nghiệp có được “Quyền lực thị trường” để thành công trong kinh doanh và trong cạnh tranh. Lợi thế cạnh tranh quốc gia thường bị hiểu nhầm với lợi thế so sánh. Lợi thế so sánh chỉ là những điều kiện đặc thù tạo ra ưu thế một khía cạnh nào đó của một quốc gia hoặc ngành kinh doanh của quốc gia đó, như những điều kiện tự nhiên, tài nguyên hay con người. Nguồn nhân công rẻ, tài nguyên dồi dào thường được coi là lợi thế so sánh của các nước đang phát triển. Tuy nhiên đây mới chỉ là cơ sở cho một lợi thế cạnh tranh tốt chứ chưa đủ là một lợi thế cạnh tranh đảm bảo cho sự thành công trên thị trường quốc tế. Lợi thế cạnh tranh phải là khả năng cung cấp giá trị gia tăng cho các đối tượng có liên quan như: khách hàng, nhà đầu tư hoặc các đối tác kinh doanh và tạo giá trị gia tăng cao cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn, các nước nổi tiếng về du lịch như Ý và Thái Lan đã tận dụng lợi thế so sánh về thiên nhiên và các công trình văn hóa di tích lịch sử để phát triển ngành công nghiệp không khói này rất thành công và hiệu quả. Tuy nhiên, họ thành công không phải chỉ dựa vào những di sản văn hóa và thiên nhiên ban cho, mà vì họ đã tạo ra cả một nền kinh tế phục vụ cho du lịch với rất nhiều dịch vụ gia tăng kèm theo, từ dịch vụ khách sạn, nhà hàng, lễ hội đến các dịch vụ vui chơi giải trí, các trung tâm mua sắm và các chương trình tiếp thị toàn cầu. Điều đó đã tạo cho họ có lợi thế cạnh tranh quốc gia mà các nước khác khó có thể vượt trội.
Việt Nam có lợi thế so sánh trong ngành du lịch với một quần thể di sản thiên nhiên và văn hóa độc đáo ở cả 3 miền của đất nước, nhưng muốn có lợi thế cạnh tranh quốc gia để giành ưu thế trên thương trường quốc tế, Việt Nam cần có sự phối kết hợp hài hòa một hệ thống cung cấp giá trị gia tăng theo “các viên đá tảng kim cương của Porter”, những hoạt động giải quyết thị trường đầu ra, thị trường đầu vào cung cấp các hoạt động cần thiết cho ngành du lịch, như cung cấp đồ ăn thức uống, dịch vụ vui chơi giải trí và các ngành hỗ trợ, như giao thông cầu đường, các ngành vận tải đường sông, đường bộ, hàng không, đến ngành quảng cáo... tạo ra sự liên kết chặt chẽ. Đây là những mối quan hệ tương hỗ cơ bản tạo ra giá trị gia tăng của ngành. Sự hợp tác càng hiệu quả bao nhiêu thì năng suất lao động của ngành càng cao bấy nhiêu và là cơ sở tạo ra lợi thế cạnh tranh của ngành và quốc gia.
Hiện tại, Michael Porter chủ trì công trình Global Competitiveness Report - Báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, ông cũng đã từng được mời trao đổi về chiến lược cạnh tranh với nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới, trong đó có Thủ tướng Việt Nam (vào năm 2005, tại Mỹ).
Năm 2005, Michael Porter đứng đầu trong danh sách 50 “bộ óc” quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới (cùng với Perter Drucker, “cha đẻ” quản trị kinh doanh hiện đại và Philip Kotler, “cha đẻ” marketing hiện đại của thế giới).
Ông cũng là một trong những giáo sư lỗi lạc nhất trong lịch sử của Harvard. Những tác phẩm kinh điển của ông như Chiến lược cạnh tranh (competitive strategy), Lợi thế cạnh tranh (competitive advantage) và Lợi thế cạnh tranh quốc gia (competitive advantage of nations) được xem như là sách gối đầu giường của giới quản trị kinh doanh và các nhà hoạch định chính sách vĩ mô trên khắp thế giới trong suốt gần 3 thập kỷ qua.
Ngay cả khi cuốn sách chưa xuất bản, lý thuyết của Porter đã chỉ dẫn quá trình đánh giá lại chính sách ở New Zealand và những nơi khác. Tư tưởng và sự tham gia cá nhân trực tiếp của ông đã định hình chiến lược của nhiều quốc gia khác nhau như Hà Lan, Bồ Đào Nha, Đài Loan, Costa Rica và Ấn Độ và những khu vực như bang Massachusetts, Californina và xứ Basque. Hàng trăm sáng kiến tổ hợp đã thăng hoa ở khắp thế giới. Trong kỷ nguyên cạnh tranh toàn cầu khốc liệt, cuốn sách khai phá về sự giàu có của các quốc gia này đã trở thành chuẩn mực mà việc đánh giá các nghiên cứu tương lai phải dựa vào nó…
Khi thế giới cạnh tranh mang tính chất toàn cầu hóa thì nền tảng cạnh tranh sẽ chuyển dịch từ các lợi thế tuyệt đối hay lợi thế so sánh mà tự nhiên ban cho sang những lợi thế cạnh tranh quốc gia được tạo ra và duy trì vị thế cạnh tranh lâu dài của các doanh nghiệp trên thương trường quốc tế.
Xem tiếpVới hơn mười lần tái bản và được dịch ra mười hai thứ tiếng, cuốn sách “Lợi thế cạnh tranh của các quốc gia” của Michael Porter đã thay đổi hoàn toàn quan niệm của chúng ta về quá trình tạo dựng và duy trì sự thịnh vượng trong nền kinh tế toàn cầu hiện đại. Nghiên cứu đột phá của Porter về cạnh tranh quốc tế đã... Xem tiếp
Đăng ký hoặc Đăng nhập để được bình luận
Sách do đơn vị xuất bản tuyển chọn và giới thiệu
Gửi email cho bạn bè