Tác giả | Đặng Phong |
Ngôn ngữ | Tiếng Việt |
Lĩnh vực | Kinh tế - Quản trị |
Năm xuất bản | 2008 |
Đơn vị xuất bản | NXB Tri thức |
Giá sách | 75.000 VND |
Số trang | 392 |
Làm sao mua: | 53 Nguyễn Du, Hà Nội |
Về công cuộc đổi mới kinh tế của Việt Nam, đến nay kể đã có tới hàng trăm công trình nghiên cứu lớn, nhỏ, trong nước, ngoài nước...
Trong khối lượng đồ sộ các ấn phẩm đó, người đọc đã tìm thấy khá nhiều và khá rõ: Chuyển đổi mô hình, chuyển đổi cơ cấu, cải cách thể chế, mở cửa và hội nhập, tăng trưởng...
Người đọc lại có thể tìm thấy ở đó cả những mốc lịch sử quan trọng của đường lối và chính sách kinh tế Việt Nam qua các Đại hội Đảng, các Hội nghị Trung ương, qua những Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, các Bộ luật được Quốc hội ban hành...
Thế là lộ trình đổi mới kinh tế Việt Nam đã được trình bày khá đầy đủ rồi!
Tập sách nhỏ nhoi này còn gì để nói?
Xin thưa: Còn.
Hình như người đọc vẫn còn thèm thuồng một khía cạnh nữa: Tư duy kinh tế.
Mọi đổi mới đều bắt đầu từ đổi mới tư duy. Cách nghĩ cũ tạo ra mô hình cũ. Cách nghĩ mới tạo ra mô hình mới. Vậy thì trong những bộ óc chủ chốt thời đó, cách nghĩ cũ chuyển sang cách nghĩ mới như thế nào? Những chủ trương chính sách mới đã được thai nghén rồi vào cuộc như thế nào? Bắt đầu từ những ai? Trong những hoàn cảnh nào? Rồi bằng những cách nào cái mới đã “chín” dần từ người này sang người khác? Phép mầu nào đã làm cho những “húy kỵ” đầy quyền uy đã được hóa giải một cách êm thấm, trong đồng thuận, không đổ vỡ?
Thiết tưởng những khía cạnh đó sẽ vẫn còn là điều thú vị. Trên con đường đó sẽ thấy được không chỉ có những sản phẩm của đổi mới, những cao ốc, nhà máy, đường cao tốc, các tập văn kiện, hồ sơ..., mà còn thấy được những con người mở đường, những bộ óc mở đường, nhất là không khí mở đường. Mà đã gọi là mở đường, thì trên những lối đi mới ắt phải gặp những rào cản, những cạm bẫy, những va vấp, những thất bại và cuối cùng là những lối ra rất ngoạn mục, rất Việt Nam.
Ban đầu, tác giả chỉ có ý định tìm hiểu những điều kể trên cho bản thân, cốt để hiểu sâu hơn về lịch sử nền kinh tế Việt Nam. Về sau, thấy tự nó có nhiều điều thú vị, nên đã đề xuất với lãnh đạo Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho đăng ký thực hiện trong khuôn khổ một đề tài cấp bộ: Tư duy kinh tế và đổi mới kinh tế Việt Nam 1975-2005. Đề tài này đã hoàn thành và được nghiệm thu ngày 03 tháng 06 năm 2008.
Tập sách nhỏ này là sản phẩm phụ của công trình khoa học kể trên. Nó được quyết định đột xuất bởi một cái tang lớn của cả nước: Võ Văn Kiệt - một trong những người được nhắc đến nhiều nhất ở đây đã không còn nữa! Được các bạn Chu Hảo, Giám đốc, và Hồ Thị Hòa, Trưởng Ban Biên tập Nhà xuất bản Tri thức gợi ý, để thắp ngay một nén nhang tưởng nhớ đến con người có công lao to lớn đối với sự nghiệp đổi mới tư duy kinh tế Việt Nam, tác giả đã cố gắng rút tỉa từ đề tài khoa học kể trên để chia sẻ với bạn đọc về chặng đường đầu của sự nghiệp đổi mới: 1975-1989. Đó chính là chặng đường lắm thác ghềnh, nhưng thật ngoạn mục, mà trên chặng đường đó con người vừa vĩnh biệt chúng ta đã để lại biết bao dấu ấn vàng son!
Trong quá trình tìm tòi và biên soạn, tác giả đã may mắn được tiếp cận không chỉ những khối tư liệu đồ sộ, mà còn được tiếp cận với rất nhiều nhân vật đã từng là tác giả của lịch sử - những con người đã tham gia đẩy con thuyền tư duy vượt qua bao thác ghềnh, lướt tới, ra khơi:
Đó là các vị đã từng giữ những cương vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Chính phủ, đã có nhiều đóng góp lớn lao về tư duy kinh tế và chính sách kinh tế trong thời gian này: Võ Văn Kiệt - nguyên Thủ tướng Chính phủ, Trần Phương - nguyên Phó Thủ tướng, Nguyễn Văn Chính - nguyên Phó Thủ tướng, Đoàn Duy Thành - nguyên Phó Thủ tướng, Nguyễn Văn Trân - nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Hoàng Tùng - nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Đoàn Trọng Truyến - nguyên Tổng Thư ký Văn phòng Chính phủ, Phạm Như Cương - nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội, Lữ Minh Châu - nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Phan Văn Tiệm - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước...
Đó cũng là đông đảo các chuyên gia xuất sắc đã từng đảm đương trách nhiệm cố vấn, trợ lý của Tổng Bí thư, của Chủ tịch nước, của Thủ tướng và cũng là những nhà nghiên cứu chủ chốt của các cơ quan cấp cao của Đảng và Chính phủ: Trần Việt Phương, Lê Đăng Doanh, Đào Xuân Sâm, Vũ Quốc Tuấn, Trần Đình Bút, Lê Văn Viện...
Người viết xin chân thành cảm ơn các vị kể trên đã cho gặp gỡ, giãi bày, giải thích và chỉ bảo cho nhiều tình tiết rất quý báu để có thể dựng lại bức tranh lịch sử sinh động này.
Trên bức tranh lịch sử được trình bày dưới đây, có đôi điều về phương pháp mà người viết mong được tỏ bày với bạn đọc:
Thứ nhất, e rằng tập sách này có thể sẽ bị nhiều bạn đọc khiển trách ở chỗ trích dẫn quá nhiều các vị kể trên, phần của bản thân người viết không có bao nhiêu.
Xin thưa: Đúng. Nhưng đó là dụng ý. Tác giả không hề được tham gia chút nào vào việc hình thành những chủ trương và chính sách kinh tế trong thời đoạn lịch sử này. Bởi vậy tác giả phải dày công và cũng có ân huệ được các nhân vật vừa là nhân chứng vừa là tác giả của lịch sử kể trên tin yêu, đã cho gặp, cho hỏi, đã kể lại, đã giải thích từ những vấn đề then chốt đến những tình tiết phong phú. Những thu hoạch đó thật là quý hiếm, mà không phải ai cũng có được cái may mắn đó. Vậy thì chia sẻ với bạn đọc những điều quý báu đó hẳn là việc gây nhiều hào hứng hơn, vì người đọc được tiếp cận đến tận ngọn nguồn của những dòng chảy tư duy.
Thứ hai, người viết giữ thái độ cảm thông, thậm chí trân trọng đối với những sai lầm vấp váp trên những bước tìm đường. Đoàn quân vạch đường vào lịch sử không giống với một đoàn đồng diễn thể dục, với những con người mặc đồng phục và với những động tác đều răm rắp, theo một nhịp điệu đã định sẵn. Đoàn quân này giống với những đoàn thám hiểm, đi trên những con đường mà nhiều đoạn chưa có biển chỉ đường, thậm chí cũng chưa có vết chân người... Đó là đội hình của những con người can trường, đầy tâm huyết. Những vấp váp, nhỡ bước... đều là những trả giá khó tránh của sứ mệnh này và đáng được nhìn nhận bằng thiện cảm. Cách nhìn hằn học, đả kích đối với những cái cũ, cái sai sẽ không giúp cho thấy rõ con đường lịch sử, mà chỉ làm cho tầm nhìn hẹp lại và tầm vóc bản thân thấp xuống.
Thứ ba, để tránh cách nhìn sai lầm về những sai lầm, thì mặt khác lại dễ sa vào cái nhạt nhẽo bởi lối viết chung chung, một chiều, cái gì cũng tốt, lúc nào cũng đúng. Những cuốn sử được viết như thế thì người đọc chắc chắn sẽ không chê vào đâu được, nhưng chỉ cầm lên, giở qua rồi ngáp dài, gấp lại, bày trên tủ... Nếu viết về lịch sử chiến tranh và cách mạng, để nói rõ về ta thì phải nói cả về địch, vì xưa nay không có trận đánh nào chỉ có một bên. Mà càng tả rõ cái mạnh, cái giỏi của địch thì mới càng cao, càng sáng, càng đẹp cho người chiến thắng chứ!
Nay viết về sự nghiệp đổi mới, nhất là đổi mới tư duy, thì không có địch, mà chỉ có ta với ta, ta tự đấu tranh với ta để vượt lên chính mình, để lột xác, để thay da đổi thịt, để lớn lên. Đổi mới là vượt qua cái cũ. Tìm cái đúng là thoát được cái sai.
Nếu không có cái cũ, cái sai, thì cớ sao phải đổi mới?
Lịch sử của dân tộc ta trong thời đại nào cũng vậy, cái mới chỉ ra đời từ cái cũ, cái thành công thường là sự làm lại từ những thất bại, sự nhất trí cao là kết quả của rất nhiều những tìm tòi sáng tạo theo những hướng khác nhau, cuối cùng mới đi tới một đáp số chung trên cơ sở lợi ích của dân tộc, của đất nước.
Lịch sử thời kỳ đổi mới không phải là và không thể là chặng đường chỉ toàn những thành tích và thắng lợi. Nó là một chặng đường đầy những thử nghiệm và khai phá gian nan, đầy những khó khăn, vấp váp, trong đó có cả những sai lầm, thất bại, rồi chính từ đó mới bật ra những bước sáng tạo, bứt phá.
Chặng đường đổi mới cũng không phải là và không thể là một lộ trình đã được tính trước tất cả, đồng thuận tất cả. Đó là sự chung đúc những trăn trở, những ý tưởng, những sáng kiến của rất nhiều bộ óc, nhiều cơ sở, nhiều địa phương. Đó cũng là một quá trình vừa đi vừa tìm đường, vừa đi vừa điều chỉnh, đấu tranh với cái cũ, đấu tranh với chính mình, thuyết phục nhau, chờ đợi nhau, rồi từng bước đi tới đồng thuận. Trên lộ trình đó, có những bộ óc bứt phá, vươn lên trước và lần lượt cuốn hút cả tập thể tiến lên. Có cả những sức ỳ, những nghi kỵ, những cản trở do chưa kịp nhận thức ra cái mới. Có những bộ óc đã từng trì trệ, bỗng bừng tỉnh, vượt lên, tỏa sáng. Có những trường hợp sau khi vượt trội, tỏa sáng lại ngưng trệ, lu mờ, bị đà tiến chung vượt qua. Lại có không ít bộ óc rất cấp tiến về mặt này, nhưng lại chưa chuyển biến kịp về mặt kia. Nhưng tổng hợp lực của sự vận động là tiến tới, tiến tới trong sự đồng thuận ngày càng cao...
Nói lên được tất cả những bước quanh co, khúc khuỷu và gian nan đó chỉ càng làm rạng rỡ thêm ý nghĩa và giá trị lớn lao của sự nghiệp đổi mới.
Đó chính là vẻ đẹp của lịch sử, cũng là vẻ đẹp của những con người làm nên lịch sử. Engels đã từng gọi những con người làm công việc đó là những người khổng lồ (Khi thời đại cần có những người khổng lồ thì đã đẻ ra những người khổng lồ - Chống Dühring). Về vẻ đẹp của những con người như thế, người viết tự thấy không thể nói hay hơn Marxim Gorky trong bài thơ tuyệt bút về CON NGƯỜI:
“... Đi một mình trong sương mờ của những sai lầm
Đạp lên trên tro tàn của những định kiến cũ kỹ
Sau lưng là bụi tàn của những đám mây nặng trĩu đã thuộc về quá khứ
Trước mặt là bao nhiêu điều nan giải đang chờ đón lạnh lùng
Những điều nan giải là hằng hà sa số
Như những vì sao trong đáy thẳm của bầu trời
Và đường đi của con người là vô tận”.
Tôn vinh những con người như thế, ngắm nhìn con đường của họ, cả những tro tàn dưới bàn chân của họ, cả những sương mù và những vì sao trên bầu trời của họ... - đó vừa là nội dung, vừa là mục đích của cuốn sách này.
ĐẶNG PHONG
Đăng ký hoặc Đăng nhập để được bình luận
Gửi email cho bạn bè
Xem thêm