Ngày đăng : 22/04/2013

Nhịp cầu sách bắc qua cổng trại giam

Lẽ ra, nếu là người bình thường, họ có thể đàng hoàng đến nhà sách mua bao nhiêu cuốn cũng được. Đâu thể ngờ một ngày, mình lại cầm trên tay cuốn sách ưa thích trong hoàn cảnh này - là phạm nhân, trong không gian này - nhà tù.

Đó là hình ảnh trong một buổi sáng trời đẹp, các phạm nhân ở trại giam Z30D (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) nhận được "quà thăm nuôi" đặc biệt nhất trong đời mình - sách.

Chỉ mấy tháng trước, Đặng Ngọc L. còn ngồi dưới mái trường ở quê nhà Bảo Lộc, Lâm Đồng; nay vẫn sổ, vẫn bút, nhưng là ở lớp học nội quy dưới mái nhà trại giam Z30D, Bình Thuận. Thời gian chưa dài, Luy vào trại mới hôm 14/8, nhưng không gian đã cách biệt diệu vợi.

Luy tâm sự, khi còn đi học, Luy rất thích đọc những cuốn sách đắc nhân tâm, học làm người. Nhưng vì một lần phóng xe ép cảnh sát giao thông bị thương dù đã có hiệu lệnh dừng để kiểm tra, Luy phải vào nhà giam với tội danh chống người thi hành công vụ. Thích đọc sách học làm người, nhưng Luy vẫn chưa thể nên người như sách dạy, giờ phải học lại bằng nội quy của trại giam và bằng chính thể loại sách mà phạm nhân trẻ này từng rất thích đọc.

Ngoài dòng sách sống đẹp với nhiều đầu sách có tiếng như Hạt giống tâm hồn, Phút nhìn lại mình, Đời thay đổi khi ta thay đổi..., các phạm nhân như Luy còn nhận được các loại sách khác như văn học, dạy nghề, khoa học thường thức... Không riêng gì phạm nhân, dạng sách sống đẹp là món ăn tinh thần bổ ích của rất nhiều người. Nhưng ở hoàn cảnh "nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại", từng con chữ trong những cuốn sách này đều như một thứ thuốc tiên.

Có trớ trêu không khi phải chứng kiến hình ảnh một nữ phạm nhân cầm trên tay cuốn sách tựa đề Khát vọng sống để yêu (Nguyễn Hồng Công), trong khi ngay trên ống quần kẻ sọc của cô gái trẻ này là dòng chữ "Mãi nhớ đến anh". Khi tự tay cầm bút bi để viết lên vải quần dòng chữ day dứt này, nữ phạm nhân ấy vẫn chưa đọc qua cuốn tự truyện của Nguyễn Hồng Công - một cô gái trẻ bị suy thận cấp giai đoạn cuối nhưng vẫn gắng gượng viết văn để thể hiện tình yêu và khát vọng được sống của mình. Tác giả thèm sống để yêu thương nhưng không được, trong khi độc giả này thì được sống và được yêu nhưng đã tự mình đánh mất tất cả ở phía trước cánh cửa nhà giam. Cuốn sách đẹp nhưng đã bắc một nhịp cầu trớ trêu.

Trại giam Z30D có 7 phân khu, mỗi nơi đều có một thư viện với tổng số sách báo khoảng 3.000 cuốn do trại tự trang bị. Nhưng thêm một lượng sách lên đến 3.000 cuốn (tương đương một thư viện nhỏ) được tặng từ dự án OneBook - sách cho vùng khó, các phạm nhân đã nhận được một món quà nhiều ý nghĩa. Thượng tá Trần Xuân Kha, Phó Giám thị trại giam chia sẻ: "Sách đã đến với những người mong mỏi có sách để đọc. Không có sách thì không thể có tri thức. Sách sẽ cho những người lầm lỗi con đường sáng".

Các phạm nhân cũng cho biết, họ không phàn nàn gì về mặt vật chất ở trại giam, thậm chí được ăn uống ngon từ những con cá do chính họ nuôi dưới hồ, rau trồng trong vườn, gia súc từng đàn... Nên sách chính là quà thăm nuôi giúp họ "no" tinh thần. Ngoài thời gian học tập, lao động, phạm nhân nào muốn đọc sách báo thì đăng ký để vào thư viện đọc. Nhìn những phạm nhân tranh thủ đọc mấy cuốn sách vừa nhận được từ tay TS. Quách Thu Nguyệt, GĐ NXB Trẻ, thành viên của dự án, trước khi phải gửi lại cho thư viện vào sổ, ít nhiều cảm nhận được rằng họ đã "xa" sách lâu rồi.

Bà Nguyệt tâm sự rằng, mình có một người bạn phải vào vòng lao lý, nhưng 10 năm trong trại giam đã có ý nghĩa khi người bạn ấy đọc rất nhiều sách: "Bạn của tôi đã học rất nhiều từ sách trong những năm ở tù, để giờ đây anh ấy không chỉ trở về là một công dân bình thường mà còn là một nhà báo giỏi".

Z30D là trại giam lớn nhất nước với gần 8.000 phạm nhân, nên cũng dễ hiểu khi chạm vào đâu cũng gặp những thân phận đặc biệt, dù không được phép tiếp xúc nhiều và thường đụng phải những ánh nhìn e dè cùng những câu trả lời cụt lủn từ các phạm nhân.

Chỉ vì hết tiền tiêu xài, Lê Quý T., sinh viên năm cuối trường Đại học Bách khoa TP.HCM ra đường giật đồ và đi luôn một mạch tới nhà giam. T. cho biết, mình mới được chuyển từ trại tạm giam Bố Lá (tỉnh Bình Dương) đến đây để thụ một cái án dài hơn một đời sinh viên - sáu năm rưỡi. T. học ngành điện, rất mê đọc sách, nhưng với bản án này T. nói mình không thể trở lại trường vì trường chỉ cho bảo lưu một năm rưỡi. Quý T. đã không biết quý một số ngày cuối cùng nữa thôi là chuẩn bị tốt nghiệp, không biết trọng những năm đèn sách của mình. T. buông một câu ngắn, nhưng nghe dài thõng thượt, chua chát: "Mất hết rồi".

Những người như L., như T.... còn có chữ nghĩa để mất cơ hội học tập ngoài xã hội thì còn cơ hội đọc sách, nghiền ngẫm trong trại giam, chứ như phạm nhân trẻ măng Nguyễn Danh T. thì sách là một điều xa lạ. T. nói chỉ biết xem hình trên báo, chứ không đọc được chữ vì lúc nhỏ học không nổi phải bỏ ngang. Hôm sách tặng được mang từ TP.HCM ra, T. là một trong những phạm nhân đầu tiên bước vào thư viện đón loạt sách mới, nhưng chỉ xem được mỗi cái bìa và hình minh họa. Chữ không biết, nhưng án tù mà T. nhận thì thuộc loại biết nói đối với một thanh niên mới lớn - mười lăm năm.

Dù thụ án lâu hay mau, trình độ cao hay không biết chữ, thì đối với các phạm nhân, khoảng cách bên này và bên kia cánh cổng trại giam đều là như nhau, xa ngái. Phạm tội thì phải trả giá, đó là điều đương nhiên. Nhưng sách sẽ giúp những ngày thụ án của phạm nhân có ý nghĩa, và nó vẫn còn có ích khi họ được trở về với đời sống xã hội. Những ai đem đến cho tù nhân dù chỉ là một, chứ không cần đến ba nghìn cuốn, đều đáng được trân trọng.

Bởi sách chính là phương tiện hiệu quả rút ngắn thời gian của những cái "nhất nhật tại tù" - giúp phạm nhân cải tạo tốt để được giảm án hoặc ít ra cũng tạo cảm giác thời gian trôi qua nhanh; và làm gần lại những khoảng cách, trong đó có dặm dài tri thức.

Võ Tiến
Nguồn: Vietnamnet