Ngày đăng : 26/03/2008

Đến hẹn, bao giờ?... - Tham luận cho Hội thảo "Người Việt có mê đọc sách?"


Đôi điều về hiện trạng

Người Việt có mê đọc sách không?

Nhiều người sẽ dễ dàng đưa ra một câu trả lời khẳng định. Truyền thống Nho giáo gắn liền với hiếu học, quý trọng sách vở thánh hiền. Tờ giấy có chữ trong nhiều thế kỷ được xem là thiêng liêng, giẫm đạp lên nó là xúc phạm… Nhưng, muốn đọc sách, trước hết phải có sách – in trong nước chứ không chỉ là nhập khẩu, vì hàng nhập khẩu khó đến được số đông, trong xã hội mà thương nghiệp chưa phát triển, sức mua của dân thấp. Muốn có sách, phải có giấy, có nghề in và tất nhiên, có tác giả, có nội dung tri thức do tác giả trong nước tự nghiên cứu, trình bày, diễn giải, có sáng tác văn học nghệ thuật đạt giá trị lâu bền, đủ tầm để truyền bá cho nhiều thế hệ. Nếu dịch từ tác giả nước ngoài, phải có người biết chọn sách, đủ trình độ dịch thuật lưu loát. Tóm lại, có sách trước, mới có người đọc sách sau. Không có sách mà đọc, làm sao mê đọc sách? Vậy, một số những yếu tố “cần” ấy, đã xuất hiện hồi nào trong lịch sử Việt Nam?

Nghề in được du nhập từ Trung Hoa từ hai lần đi sứ của Lương Nhữ Học (1443 và 1459) khi vị quan về hưu này đem truyền cho hai làng quê hương mình là làng Hồng Liễu và Liễu Tràng, tỉnh Hải Dương[1]. Nghề làm giấy thịnh hành ở các làng nghề lân cận Hà Nội[2], còn lưu danh trong “nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây hồ”. Nhà nước[3] cấm nhập cảng sách từ Trung Hoa để “bảo hộ” sự phát triển của nghề khắc bản in và nghề chế tạo giấy từ bản địa. Vừa quyết tâm du nhập kỹ thuật, vừa khuyến khích in sách, phát hành sách, quả thật là chính sách tích cực thúc đẩy “văn hóa đọc”! Hoàng Xuân Hãn còn cho rằng ở nước ta ngày xưa, không có luật lệ nào kiểm soát ấn loát. Bất kỳ thợ in nào cũng có quyền in và bán bất cứ quyển sách nào, của bất cứ tác giả nào cho độc giả[4]. Quyền sở hữu trí tuệ không được tôn trọng trong truyền thống; nhưng tri thức thì được tự do phổ biến vì xã hội trọng thầy, trọng người biết chữ, đề cao tinh thần hiếu học, hiếu tri. Nhưng chữ Hán, chữ Nôm không thuận tiện truyền bá rộng rãi; vì vậy người trực tiếp đọc sách, trong nhiều thế kỷ, chỉ có thể là nho sĩ, thành phần thiểu số trong dân. Văn hóa đọc chỉ có thể được đại chúng hóa kể từ khi chữ quốc ngữ được sử dụng trong phương tiện truyền thông.

Trong tàu chiến của Đô đốc Bonard đến Sài Gòn tháng 2 năm 1861 có máy in và một số thợ in. Trước tình hình ngôn ngữ bất đồng, tờ Thông tin chính thức về cuộc viễn chinh Nam kỳ[5] được sử dụng như phương tiện tiếp xúc giữa người Pháp và dân chúng địa phương; tất nhiên để phục vụ mục tiêu quân sự, chính trị thực dân. Nhưng kỹ thuật ấn loát hiện đại cũng nhờ đó mà xuất hiện. Bên cạnh việc ra tờ tin này và một tờ khác bằng chữ Hán[6], Bonard cũng sớm có ý định giúp ra đời tờ báo bằng chữ quốc ngữ. Nhằm mục đích này, ông đã cho đặt làm chữ in bên Pháp để in được chữ quốc ngữ có dấu. Công việc mất 2 năm, đến 1864 mới hoàn thành. Tờ Gia Định báo[7] ra đời, lúc đầu giao cho người Pháp Ernest Potteau, nhưng sau đó nhanh chóng được giao về một trí thức Việt Nam uyên bác và tâm huyết là ông Trương Vĩnh Ký. Để chủ trương của chính quyền thực dân thực sự biến thành sách báo, và nhất là để sách báo có sức thu hút người đọc, trong buổi giao thời kéo dài không dưới nửa thế kỷ, cần vai trò quan yếu của tầng lớp trí thức tân học vừa thông thạo chữ Pháp, chữ quốc ngữ vừa (phần lớn) vẫn là nhà nho cắm sâu gốc rễ trong văn hóa truyền thống và đủ sức giao tiếp hiệu quả với công chúng đồng bào mình, mà tuyệt đại đa số còn mù chữ.

Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh thông qua nhắc lại vài dữ kiện lịch sử như trên chính là: chúng ta dễ có ảo tưởng người dân Việt hiếu học, hiếu tri ắt là ham đọc sách. Nhưng trong thực tế, văn hóa đọc, hiểu theo nghĩa là thói quen đọc sách của nhiều người – đọc sách, chứ không phải “ôn luyện, học thi” – không phải là tập quán đã sâu gốc bền rễ gì cho lắm. Có thể tự hào nếu ta so với một số dân tộc khác, mà truyền thống học từ trường lớp lẫn tự học qua sách vở còn mong manh hơn chúng ta nhiều. Nhưng khó lòng so “ngang sức” với những quốc gia mà kinh tế đã từ rất lâu vượt ngưỡng nhu cầu ăn no mặc ấm, và vượt rất xa, những xã hội trong đó tiếp cận tri thức, thưởng thức văn học nghệ thuật cũng từ lâu không còn là độc quyền của thiểu số.

Ngoài lý do truyền thống đọc sách chưa lâu, chưa sâu, chưa vững, trong thời mở cửa và hội nhập này văn hóa đọc cũng đứng trước những thời cơ và thách thức cần nhận diện.

Hội nhập, trước hết có nghĩa là không còn được phép “coi trời bằng vung” chỉ vì “ếch ngồi đáy giếng”. Đã nhiều người Việt Nam hơn có dịp đi qua các sân bay quốc tế, chỉ cần nhìn vị trí, qui mô và dung lượng các nhà sách, quầy sách báo tại sân bay, chưa nói đến thể loại sách, tựa sách, tên tác giả trên các kệ. Ở các thành phố lớn của Việt Nam – nhưng hình như chỉ ở thành phố lớn; doanh nghiệp kinh doanh văn hóa phẩm nào sẽ có chính sách xâm nhập các địa bàn ngoài thành phố lớn như hệ thống Coop-mart đã làm cho hàng tiêu dùng? Hoặc sẽ “ăn theo” Coop-mart hay siêu thị khác? – đã bắt đầu xuất hiện các nhà sách có qui mô kha khá, đồng thời cũng có nhà sách biến trở lại thành siêu thị, như nhà sách ở ngã tư Phú Nhuận nay thành Fivimart, nhiều nhà sách khác đồng thời kinh doanh những mặt hàng chẳng liên quan gì đến văn hóa phẩm. Có nghĩa là người mua sách, đọc sách chưa phải đã là đối tượng đông đảo, gắn bó, trung thành để người ta dốc lòng phục vụ lâu dài.

Thời cơ là có thật khi ai nấy buộc phải hiểu tri thức là cần thiết, khi một bộ phận dân cư bớt loay hoay trong ràng buộc áo cơm – một sự thanh thản bước đầu còn xiết bao bấp bênh và dễ tổn thương, như cơn “bão giá” hiện tại đang minh chứng – để tính đến việc mua sách. Tuy chưa phải đã trong tầm tay mọi người cần và ham đọc, sách vẫn rẻ tiền và thiết yếu hơn nhiều so với đánh bạc, cá độ hay tiêu dùng mỹ phẩm, nữ trang, vốn xếp vào hàng “xa xí phẩm”, nhưng sức mua vẫn cứ tăng nhanh, thu hút nhiều hãng lớn đổ vào thị trường mới nổi, được đánh giá đầy tiềm năng phát triển! Một sự tăng trưởng ngạo nghễ phơi bày bất công xã hội gia tăng, mà hình như công luận chưa được đánh động đúng mức. Ngoài cơm áo, cá, rau, sữa, thịt, thuốc chữa bệnh và học phí cho con, dân chúng dành thêm một ít tiền mua sách là đáng mừng; nhưng nếu so tăng trưởng sức mua văn hóa phẩm và sức mua hàng xa xỉ với sự nở rộ nhà hàng, chỗ ăn chơi, những cuộc chạy đua thời trang, xe hơi hàng hiệu, có lẽ chúng ta sẽ bớt lạc quan nhiều lắm. Thói quen đọc sách chưa được xác lập, thì thói quen mua sách là chưa có, làm sao ngành kinh doanh văn hóa phẩm đủ lực để phát triển mà cung ứng ngày càng tốt hơn những sản phẩm có chất lượng thỏa mãn nhu cầu trí tuệ, tinh thần? Cái vòng lẩn quẩn (cercle vicieux/vicious circle) đó, không nhận thức ra thì không có thôi thúc phá vỡ. Xin lưu ý là thị trường sách những năm gần đây nếu ít nhiều khởi sắc, một phần còn nhờ thu hút sức mua của Việt kiều và du khách ngoại quốc – trong đó người ngoài giới nghiên cứu chuyên nghiệp cũng đã từ bao đời có thói quen đọc sách khảo cứu, khoa học, thói quen giải trí bằng văn học, nghệ thuật – và nhờ một số người mua sách để tỏ ra “sành điệu”, để trang sức cho phòng khách hơn là để đọc. Một nguồn độc giả bền vững hơn là các doanh nhân, nhà khoa học, nhà giáo, sinh viên học sinh khát khao tri thức, dẫu họ còn là thiểu số. Nói cách khác, xã hội mở cửa và giảm nghèo là có lợi cho thị trường sách; nhưng nguồn lực căn cơ, lâu dài nhất vẫn phải trông cậy vào số đông công chúng độc giả nội địa, những người thực sự có nhu cầu đọc sách. Làm sao thúc đẩy và không ngừng phát triển nhu cầu đó? Phát triển nhu cầu đọc sách thì dân trí được nâng lên, tác giả, nhà khoa học và văn nghệ sĩ được khuyến khích đem tri thức, tài năng sáng tạo phục vụ công chúng. Những mục tiêu cao cả về dân trí và lợi ích cộng đồng phải là định hướng phục vụ của việc phát triển kinh doanh văn hóa phẩm một cách nhân bản, lành mạnh, trí tuệ và hiệu quả.

Thách thức không chỉ với riêng nước ta là tiến bộ vũ bão của công nghệ truyền thông hiện đại, cho phép người ta tiếp cận thông tin, tri thức và giải trí không chỉ bằng sách, theo nghĩa cổ điển là sách in. Xem truyền hình, nghe nhạc, xem phim (thậm chí không cần máy phát thanh, phát hình, rạp chiếu cố định mà mọi lúc mọi nơi bằng nhiều phương tiện cá nhân như laptop, điện thoại, MP3…), lướt Web vừa ít đòi hỏi nỗ lực tư duy, kỷ luật tự giác và thói quen văn hóa, vừa có hấp lực mạnh mẽ hơn nhiều vì một ngàn lẻ một lý do chính đáng và ít chính đáng hơn, càng đặc biệt hấp dẫn giới trẻ, là công chúng của hiện tại và tương lai mà sách luôn cần chinh phục. Cũng giống như nhiều thị trường khác, thị trường sách sẽ thiếu động lực phát triển nếu nó không thuyết phục nổi đối tượng độc giả này. Nhưng cuộc đấu xem chừng không cân sức.

Vậy có giải pháp gì không?

Vài đề xuất về hướng suy nghĩ và hành động

Chúng tôi xin đề xuất hai loại giải pháp, đều chủ yếu nhằm đến giới nghiên cứu, nhà giáo, đặc biệt là giảng viên đại học và sinh viên, học sinh trung học phổ thông.

Loạt biện pháp thứ nhất, thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan nghiên cứu, các nhà trường, trước hết là trường đại học.

Sự truyền thông mang tính quảng bá sản phẩm của các nhà xuất bản, cơ sở phát hành, kinh doanh sách, tạp chí[8] đang từng bước trở nên chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh đó, các trường đại học và cơ quan nghiên cứu cần ra khỏi “tháp ngà”, xâm nhập thực tế xuất bản một cách chủ động, hiệu quả hơn, thay vì khoán trắng cho các cá nhân nhà nghiên cứu, giảng viên. Trường đại học cần hướng tới thực hiện đúng và đầy đủ chức năng của mình, bao gồm truyền thụ kiến thức (hiện nay chủ yếu thông qua đào tạo; nhưng đâu phải chỉ có một kênh truyền thụ đó!) và cả lưu trữ (đòi hỏi những thư viện, trung tâm tư liệu xứng tầm, và sự sưu tầm, phát hiện, phục hồi, tái hiện, giới thiệu, quảng bá, phát triển những tri thức đã mai một vì nhiều lý do, nhất là trong hoàn cảnh đất nước đã trải qua nhiều biến động như nước ta), phát triển tri thức mới. Trên nguyên tắc, trường đại học thực hiện chức năng thứ ba này thông qua nghiên cứu khoa học của thầy và trò. Nhưng hiện nay, phần lớn việc nghiên cứu nặng về hình thức, đối phó, thiếu thực chất. Một trong những biện pháp để “tổng vệ sinh”, thiết lập lại hoạt động nghiên cứu đúng nghĩa chính là đặt mục tiêu cho nhà nghiên cứu, giảng viên phải công bố kết quả nghiên cứu ra ngoài phạm vi trường đại học, một phần thông qua xuất bản, phát hành. Sách khảo cứu không thể bán như tác phẩm giải trí; ở các nước, có sự tài trợ của các cơ quan nghiên cứu, có các giải thưởng khoa học để hỗ trợ việc công bố các công trình mà không phải đại chúng đã có thể thẩm định giá trị ngay tức khắc. Nhưng không thể kéo dài tình trạng như chúng ta là sản phẩm nghiên cứu, các luận án, luận văn thậm chí không ai được xem, ngay cả ở thư viện trường đại học. Các Hội thảo khoa học cũng phải công bố các tham luận trên mạng và/hoặc dưới hình thức ấn phẩm, mà không chỉ cộng đồng đại học sẽ quan tâm tìm đọc. Sự chuyển biến, về phía nhà quản lý đào tạo và đội ngũ nhà khoa học, giáo sư, giảng viên về nguyên tắc phải đi trước, và thúc đẩy sự chuyển biến từ người học. Trường đại học cũng có trách nhiệm trực tiếp phục vụ cộng đồng thông qua những hoạt động hội thảo, thuyết trình, thông tin khoa học (bao gồm giới thiệu sách, giới thiệu tác giả) mở cho đại chúng. Dưới chế độ thực dân, mà Đông Kinh nghĩa thục còn lừng lẫy với những “buổi diễn thuyết người đông như hội…”, nào phải đâu chỉ có học viên!

Trong thực tế, dù các trường đại học và các thầy chuyển nhanh, chậm ra sao thì sinh viên, học sinh, đặc biệt ở cấp trung học phổ thông cũng có thể tự thân vận động. Một số trường đại học đã chuyển sang học chế tín chỉ, yêu cầu đổi mới phương pháp đào tạo ngày càng thúc bách hơn đối với tất cả các trường, dù sự mất cân đối cung cầu trong đào tạo sau phổ thông vẫn còn có thể gây ảo tưởng cho các trường thêm ít lâu nữa. Uyển ngữ (euphemism) “đổi mới phương pháp đào tạo” thực chất chỉ sự chuyển đổi từ nhồi sọ, học vẹt sang học tập đúng nghĩa là thầy hướng dẫn trò, đồng hành với trò trong tiến trình khám phá và làm chủ tri thức. Có nghĩa sách sẽ cần đến nhiều hơn cho cả thầy lẫn trò; đọc sách sẽ bớt dần nghĩa “học giáo trình, tụng bài ôn thi” để trở về đúng nghĩa là tự mình nghiên cứu, tham khảo, học hỏi (và hưởng thụ niềm vui trí tuệ của sự phát kiến tri thức mới, của chuyện trò, tranh luận với tác giả, với nhân vật) qua sách. Đọc sách là thói quen tiếp thu dinh dưỡng trí tuệ, tinh thần mà tục ngữ Pháp ghi nhận là “có ăn mới biết ngon, càng ăn càng thưởng thức, thấm thía vị ngon”. Ở nước có truyền thống văn hóa đọc, trẻ em được hướng dẫn và tập dưỡng thói quen đọc và xem sách là bạn thiết từ khi chưa biết nhận mặt chữ[9]. Ở ta, bắt đầu tập dưỡng thói quen đọc sách (đối với số đông) khi học sinh đã vào tuổi trưởng thành, sẽ phải tác động đến lý trí nhiều hơn, nội dung sách lại càng phải chăm lo gấp bội để đạt chất lượng chân xác, thiết thực, hấp dẫn. Vì vậy, chỉ sau một học kỳ chuyển sang tín chỉ, Đại học Hoa Sen phải quyết định cung cấp sách tham khảo chủ yếu (xin nhấn mạnh: đây không phải là giáo trình, càng không phải giáo trình chỉ lưu hành nội bộ!) cho mỗi sinh viên trong từng môn học. Tại sao? Vì mặc dù Thư viện đã chuẩn bị cơ bản đủ sách tham khảo theo Đề cương môn học do giảng viên bộ môn biên soạn, phần lớn sinh viên chưa có thói quen tự mình tìm tài liệu tham khảo ở Thư viện. Sau một năm, chúng tôi xác lập chính sách cung cấp ít nhất một quyển sách gốc (phần lớn từ các nhà xuất bản có uy tín của nước ngoài) cho mỗi sinh viên vào mỗi học kỳ và đã lập kế hoạch từng bước tăng cường sách gốc để vài ba năm nữa, toàn bộ tài liệu tham khảo của sinh viên đều là sách gốc đối với sách xuất bản từ nước ngoài. (Đối với sách xuất bản trong nước, chúng tôi đã phát sách gốc cho sinh viên ngay từ học kỳ đầu tiên). Nỗ lực này nhằm mục đích hấp dẫn sinh viên trước hết bằng nội dung sách đúng chuẩn khoa học, hiện đại về hình thức trình bày và nhằm giáo dục tinh thần tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, dù trong điều kiện đất nước còn nghèo. Nếu vận động được nhiều trường đại học cùng làm theo hướng này, thói quen đọc sách của sinh viên chắc chắn sẽ có bước tiến đáng kể trong thời gian ngắn.

Loạt giải pháp thứ hai, xin kiến nghị các cấp chính quyền và các tổ chức, cá nhân trong xã hội để tiếp sức cho nhà trường. Trình độ văn hóa đọc của một xã hội không thể không đo ở trình độ phát triển của nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học nghệ thuật, của công nghệ ấn loát, xuất bản, phát hành sách; nhưng chỉ như vậy thôi thì chưa đủ. Tuy không hiển nhiên bằng việc mở trường (và bảo đảm đủ trường công cho các bậc học phổ cập và các ngành nghề đào tạo khoa học cơ bản mà tư nhân không có khả năng đầu tư), nhưng việc xây dựng, phát triển hệ thống thư viện (ngày nay là thư viện đa phương tiện), trung tâm tư liệu công cộng phục vụ cộng đồng là một trách nhiệm không thể chối bỏ của nhà nước. Thành phố càng đông dân, càng phát triển về kinh tế, hệ thống thư viện, kho lưu trữ, trung tâm thông tin, tư liệu càng phải xứng tầm; chứ không phải chỉ “vùng sâu vùng xa” mới cần phòng đọc sách miễn phí. Đầu tư cho hệ thống thư viện này là đầu tư để lưu trữ, quảng bá tri thức phục vụ số đông, không chỉ bộ phận cư dân còn trong tuổi đến trường. Trong tình hình các thư viện quận, phường đã teo tóp thảm hại, trường đại học Hoa Sen có dự án phát triển thư viện, vừa phục vụ sinh viên mình vừa tham gia phục vụ cộng đồng. Chúng tôi tự hỏi: nhà nước sẽ hỗ trợ gì? Và liệu có rào cản nào trong cơ chế còn phải vượt qua?

Cũng giống như giáo dục bậc học cao, đào tạo chuyên nghiệp và các hoạt động văn hóa cao cấp khác, sách có hàm lượng tri thức, giá trị văn học, nghệ thuật cao không thể sản xuất “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”. Để sách tốt, sách hay – thường là không thể rẻ, ngoại trừ giải pháp có nhiều loại ấn bản dành cho nhiều “phân khúc” độc giả khác nhau, là giải pháp thông dụng ở các nước, mà ở nước ta chưa có cơ chế quản lý nhà nước hay cơ chế thị trường (hiểu đúng nghĩa là phục vụ người dùng sách một cách có hiệu quả kinh tế nhất) nào thúc bách thực hiện – đến được đúng công chúng cần sách và sử dụng sách nhiều nhất (nhưng thường không phải là đối tượng có “sức mua” mạnh nhất), cần có nhiều biện pháp hỗ trợ. Biện pháp căn cơ nhất là thư viện phục vụ cộng đồng với lệ phí hợp lý. Ngoài ra, nhiều tập quán tốt đã mất dần đi cần được phục hồi; tập quán mới “có văn hóa” cần được xác lập. Hồi tôi còn đi học phổ thông, phần thưởng cho học sinh là sách, sách để “đọc và mở mang trí tuệ”, chứ không chỉ là sách giáo khoa để học trước chương trình năm học kế tiếp, càng không chỉ là tập vở học sinh, là phần thưởng mà trong bối cảnh thành phố lớn chỉ thể hiện sự lười suy nghĩ và mong muốn “công bằng” của Chi hội Phụ huynh học sinh lớp, công bằng theo nghĩa “ai cũng đóng tiền như nhau thì con ai cũng được thưởng tập như nhau”, không phải theo nghĩa “học sinh nào đã học giỏi, thể hiện ham đọc sách và đọc có hiệu quả thì được thưởng nhiều sách để đọc”! Ngày nay, phần thưởng của các trường đại học (và ngày càng lan dần xuống kể cả các bậc thấp của phổ thông) hầu hết là thưởng tiền! Thiết thực? Hay thực dụng đến mức đáng buồn? Quà Tết, quà sinh nhật, quà cưới, quà ngày Tình yêu, ngày Nhà giáo, ngày Quốc tế phụ nữ và nhiều “ngày” khác nữa, nếu không là “phong bì” hay là hoa – có vẻ “văn hóa” hơn, nhưng tập trung với khối lượng quá đáng, phô trương, hình thức thì cũng mất đi nhiều phần trân trọng, nghĩa tình! – thì cũng là xa xỉ phẩm. Vì sao không thể là sách, một quyển sách được chọn ý tứ và cẩn trọng, nặng ân tình? Hay chí ít là phiếu mua sách?

Nhiều biện pháp nữa còn có thể đề ra. Nhưng giải pháp căn cơ nhất theo tôi là không ngừng nâng chất lượng nội dung của sách. Về hình thức, sách ta hiện nay phần nhiều in đẹp không thua sách nước ngoài; giá thành phần ấn loát chắc chắn rẻ hơn. Vì sao người yêu sách khi có dịp ra nước ngoài vẫn khệ nệ mang sách về, dù giá cao so với sức mua của mình, dù sách nặng và mang xách vất vả? Mang sách từ nước ngoài về vẫn là thói quen tốt, vì đi xa là để mang về “sản vật” phương xa có ý nghĩa với mình. Nhưng cũng giống như nhiều gia đình còn phải gởi con đi du học, có trường hợp từ tuổi rất nhỏ, chấp nhận nhiều hy sinh có khi quá sức mình và cả những rủi ro không đáng có, tình hình này sẽ được điều tiết hợp lý hơn nếu chất lượng nội dung của sách xuất bản trong nước mới mẻ, đa dạng, phong phú hơn nữa và có sức thuyết phục hơn. Và nếu sách xuất bản ở nước ngoài được nhập về bán tại Việt Nam thuận tiện cho người mua hơn, nhanh, nhiều, tốt, dù không thể rẻ theo giá trị tuyệt đối, nhưng tính phí cơ hội vẫn có thể hấp dẫn người có nhu cầu, và có đam mê! Vì cũng phải kỳ vọng số người Việt Nam mê sách sẽ tăng dần lên từ thực trạng còn đáng buồn hôm nay!

Sách là nguồn tri thức, nguồn hạnh phúc, là bạn tri âm, là người thầy uyên bác và kiên nhẫn, là cầu nối với bốn phương… Có như thế, người ta mới mê đọc sách! Mê sách, vì vậy, trước hết và căn bản nhất, là mê ở nội dung. Vậy thì… đến hẹn, bao giờ?...

3/2008

TS. Bùi Trân Phượng


[1] Theo Hải Dương Phong vật chí, dẫn theo Huỳnh Văn Tòng, Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr. 17-20.

[2] Theo Huỳnh Văn Tòng, chúa Trịnh Căn (1682-1709) là người chủ xướng và tổ chức cho người sang Trung Hoa học nghề làm giấy và chọn làng Yên Thái làm nơi mở xưởng đầu tiên. Bảy, tám làng quanh Bưởi chuyên nghề làm giấy bản và độc quyền từ thế kỷ XVIII. Theo thống kê năm 1940, mấy làng đó chế tạo mỗi tháng 60 triệu tờ, bán ra khoảng 21 vạn bạc tiền Đông Dương. Xem Báo chí Việt Nam…, sđd, tr. 21-23.

[3] Từ năm 1731, đời chúa Trịnh Giang.

[4] Hoàng Xuân Hãn, Bích Câu kỳ ngộ, Viện Đại học Huế, 1964, tr. 19, dẫn bởi Huỳnh Văn Tòng, sđd, tr. 22-23.

[5] Le Bulletin officiel de l’expédition de la Cochinchine, một loại công báo viết bằng tiếng Pháp, số đầu tiên ra ngày 29/9/1861. Xem Báo chí Việt Nam…, sđd, tr. 55.

[6] Le Bulletin des communes, Thông tin các làng.

[7] Theo sự chứng minh và diễn giải có sức thuyết phục của Huỳnh Văn Tòng, quyền phát hành tờ báo được giao cho E. Potteau ngày 1/4/1865 và số đầu đã xuất bản 15/4/1865, đến 16/9/1869 một nghị định của Đô đốc Ohier giao lại cho Trương Vĩnh Ký. Về các sự kiện liên quan đến Gia Định báo và vai trò báo chí trong thời kỳ đầu 1865-1907, xem Báo chí Việt Nam…, sđd, tr. 58-101.

[8] Việt Nam hầu như chưa có tạp chí khoa học đúng nghĩa, đủ tầm để giao lưu quốc tế. Đây là một loại hình ấn phẩm cần xây dựng và phát triển, vì nó đáp ứng nhu cầu truyền thông nhanh, kịp thời, là nhu cầu và thị hiếu của thời đại chúng ta, đồng thời là bạn đồng hành bổ trợ cho sách khảo cứu, cần có khoảng cách thời gian và cần sự đầu tư lâu dài hơn.

[9] Chẳng hạn dưới hình thức sách có nhiều tranh ảnh màu, chữ to, đẹp, trang sách bằng nhựa (không rách, dễ giặt sạch) để theo trẻ vào bể tắm, vào nôi ngủ, ngoài công viên ; sách hình quả trứng, trái cây, muông thú để vừa là sách vừa là đồ chơi. Quan trọng hơn, nội dung những sách-đồ chơi đầu đời ấy chứa tri thức thật, giản lược nhưng chính xác, hữu ích, giúp trẻ từng bước khám phá thế giới quanh mình.