Ngày đăng : 13/06/2013

Thú đọc sách cũng cần được nuôi dưỡng


Trước hết, xin bắt đầu từ kinh nghiệm bản thân. Hồi nhỏ, học tiểu học, ở vùng quê nghèo, vào những năm cuối 1950 đầu những năm 1960, không được đọc quyển sách nào ngoài sách giáo khoa, vì gia đình chẳng có ai đọc sách mà xung quanh thì cũng vậy. Lên cấp hai, mà cả huyện chỉ có một trường, có thêm nhiều bạn mới. May mắn, có một bạn gia đình còn giữ nguyên được tủ sách cũ. Thân lắm, bạn ấy mới hé cho biết và thi thoảng cho mượn một quyển với lời hứa không được cho ai biết. Vậy là cả một thế giới kỳ diệu đã ùa đến với tôi. Hết Tam quốc chí đến Tây du, Thủy hử, Phong thần... Rồi đam mê đến lúc nào không biết. Mà một khi đã đam mê thì người ta có đủ cách để tìm ra tên những cuốn sách hay và tìm nguồn để kiếm hoặc mượn những cuốn sách đó. Tôi vừa đọc một bài báo viết về một bà cụ được phong là “siêu độc giả”. Một bà cụ ham đọc sách từ nhỏ, mặc dù nhiều năm theo cha sống ở vùng rừng núi heo hút, vẫn tìm cách kiếm sách để đọc và giờ đây đã 91 tuổi vẫn ham đọc sách, vẫn nắm vững tình hình văn học nước nhà và thi thoảng vẫn trao đổi với các nhà văn, nhà thơ. Nhưng trong suốt cuộc đời công tác của mình, tôi cũng gặp những người, có bằng đại học hẳn hoi, nhưng chưa bao giờ cầm đọc quyển sách nào ngoài chuyên môn của mình. Tôi có hỏi thì họ nói từ bé đến giờ chưa từng đọc một quyển truyện nào. Tôi cũng chưa gặp ai thuở bé mê đọc sách mà đến lúc lớn lên không muốn đọc sách nữa. Sách văn học ngoài chức năng giải trí ra, nó còn cho chúng ta được sống qua nhiều cuộc sống, giúp người ta có thêm kinh nghiệm sống, và quan trọng hơn là nó thanh lọc tâm hồn, làm cho ta sống tốt hơn và nhân bản hơn.

Nhưng tình hình hiện nay, văn hóa đọc xem ra có chiều sút kém. Một mặt hiện nay có nhiều trò giải trí thu hút người ta hơn việc đọc sách, nhất là đối với lớp trẻ. Mà như tôi đã nói, thú đọc sách phải được nuôi dưỡng từ khi còn trẻ. Hiện nay, do chương trình học quá tải, đọc SGK đã mỏi mệt lắm rồi còn đâu hứng thú đọc sách nữa. Hai nữa, nhà trường chỉ chăm chú ốp cho học sinh học để đi thi chứ đâu có quan tâm nhiều đến tâm hồn các em, nên các hoạt động ngoại khóa hầu như không có hoặc nếu có thì cũng nhạt nhẽo, nội dung nghèo nàn. Ngày chúng tôi học, các thầy cô giáo, nhất là giáo viên văn học, trên lớp hoặc những buổi sinh hoạt ngoại khóa thường giới thiệu cho chúng tôi những cuốn sách hay, hoặc kể cho chúng tôi nghe nội dung những cuốn sách mà họ vừa mới đọc. Ngày nay điều kiện vật chất tốt hơn thời cách đây ba bốn chục năm rất nhiều, nhưng cái quan trọng nhất là sự quan tâm đến tâm hồn của thầy đối với học trò, của cha mẹ đối với con cái lại hời hợt hơn rất nhiều.

Là người làm báo, tôi có dịp đến nhiều trường học. Các trường, đặc biệt là trường đạt chuẩn quốc gia, theo quy định, đều phải có thư viện, và với tỷ lệ số sách tính trên đầu học sinh cũng được quy định rất cụ thể. Nhưng đa số chỉ là trên giấy tờ và đều là hình thức như những thứ khác của ngành giáo dục. Sách thì chủ yếu là SGK hoặc sách ăn theo SGK, những thứ sách khác, nếu có, thì là những loại sách chẳng ai muốn đọc, phần lớn là sách được hiệu sách có chiết khấu cao. Những cuốn sách hay về văn học hay sách phổ biến khoa học kích thích trí sáng tạo và niềm đam mê khoa học của học sinh thì lại không có. Mà thư viện lập cho đủ lệ bộ thế thôi, chứ có mấy ai vào mượn hoặc đọc sách đâu, vì phần lớn thời gian thư viện không mở cửa và người trông coi thư viện cũng không có nghiệp vụ và kiêm nhiệm nhiều việc khác.

Sự thờ ơ với sách hay, thoạt nghĩ, tưởng là chuyện vô hại, không đọc sách các em học sinh vẫn học giỏi và trưởng thành như ai. Nhưng hãy thử nhìn lại những chuyện bạo lực xảy ra trong trường học ngày hôm nay, những người có lương tri sẽ phải giật mình. Liệu những em học sinh đam mê đọc sách có thể túm tóc bạn gái của mình đánh hội đồng đến bầm dập hay không? Liệu một cô giáo thường xuyên đọc sách văn học có thể bắt học sinh của mình liếm ghế hay không? Và xem ra những chuyện như thế không phải là cá biệt.

Không phải ngẫu nhiên các cụ nhà ta đã dạy: “Vạn ban giai hạ phẩm duy hữu độc thư cao” (Mọi thứ nghề đều thấp kém chỉ có đọc sách là cao quý). Tất nhiên, các cụ có nói thậm xưng lên chỉ là để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đọc sách. Các xã hội tiên tiến ở các nước ở Tây Âu, các phương tiện giải trí còn hấp dẫn và phong phú hơn ở ta nhiều, nhưng trên tàu điện ngầm hay trên xe bus ta vẫn thấy không ít người cầm sách trên tay hoặc ngồi đọc sách. 

Muốn cho văn hóa đọc được chấn hưng thì, theo chúng tôi, khâu đột phá phải bắt đầu từ trẻ em. Cả một kho tàng các cuốn sách nổi tiếng trong và ngoài nước viết cho thiếu nhi cần phải được gia đình và nhà trường, mà đặc biệt là thầy cô giáo, giới thiệu một cách hệ thống cho các em cùng với các hoạt động ngoại khóa đi kèm. Ở đây cần phải có sự kết hợp thực sự (chứ không hình thức) của các cơ quan quản lý giáo dục, của nhà trường, các thầy cô giáo và gia đình học sinh và của cả các phương tiện thông tin đại chúng nữa. Một công việc đòi hỏi phải hết sức kiên nhẫn, có tâm huyết và phải có tấm lòng đối với thế hệ trẻ. Nếu không, truyện tranh và game online sẽ giật các em ra khỏi vòng tay của các thầy cô và cha mẹ học sinh.

Những năm gần đây xã hội chúng ta thường chỉ lo những chuyện vật chất trước mắt, vá víu cho qua chuyện, mà ít kiên tâm làm những chuyện đường dài đối với thế giới tinh thần của con người, vì khó nhìn thấy kết quả nhãn tiền. Nhưng những hậu quả xấu của sự thiển cận ấy sẽ đột ngột xuất hiện vào những lúc ta cảm thấy bất ngờ nhất, và lúc ấy ta chỉ còn biết sững sờ mà chẳng hiểu vì sao nó lại xảy ra như vậy./.

Hà Nội, 08/09/2010

Phạm Văn Thiều
Hội Vật lý Việt Nam
Tủ sách Khoa học & Khám phá

* Tham luận cho Hội thảo "Thực trạng và giải pháp: Phát triển Văn hóa đọc ở Việt Nam" do Sách Hay tổ chức ngày 16/9/2010