Ngày đăng : 15/12/2015

​Sách điện tử còn trong tình trạng “hỗn mang”


Đó là hình ảnh được ông Nguyễn Minh Nhựt ví von khi đề cập đến thực trạng sách điện tử (ebook) của Việt Nam hiện  nay, tại hội thảo “Xuất bản và phát hành sách điện tử” do Cục Xuất bản – Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại TPHCM sáng 15-12.


Ông Chu Văn Hòa (đứng) đang lưu ý lãnh đạo các đơn vị xuất bản nên dành tầm nhìn chiến lược cho sách điện tử - Ảnh: L.Điền

Mặc dù các ý kiến đều gặp nhau ở chỗ ghi nhận tình hình phát triển bước đầu của thị trường sách điện tử ở ta trong mấy năm qua, tuy nhiên, còn rất nhiều nội dung cần bàn bạc để lĩnh vực xuất bản được xem là xu hướng trong tương lai này phát triển bình thường và phát huy các tiềm năng có được.

Hình ảnh “hỗn mang” có thể nhìn thấy ở quan hệ giữa các cơ quan xuất bản, phát hành với nhau, và cả hành lang pháp lý lẫn các phương tiện công nghệ để sản xuất và quản lý sách… điện tử đều… chưa đâu vào đâu.

Ông Minh Nhựt cho rằng các vấn đề như: quảng cáo trên sách điện tử như thế nào cho đúng luật Xuất bản và luật Quảng cáo, mối quan hệ giữa ebooks với Pod (Print On Demand - in theo yêu cầu), xác lập phương thức lưu chiểu cho sách điện tử sao cho bản sách lưu chiểu bảo đảm đúng là bản sách đang lưu hành.

Ở đây có vấn đề được ông Minh Nhựt đặc biệt nhấn mạnh là nội dung sách điện tử có thể bị thay đổi từ phía ngoài tầm tay của nhà xuất bản. “Sách giấy thì không thể chêm nội dung vào được, nhưng sách số thì có thể chêm những đoạn nội dung vào sách, và như vậy kinh doanh sách giấy nếu thua là mất tiền, nhưng với sách số có thể mất nhiều thứ nghiêm trọng hơn”.

Thói quen đọc sách sẽ thay đổi?

Chị Vân Yến – đại diện công ty Văn hóa Phương Nam – dẫn lại nhận định rằng người Việt Nam dùng smartphone nhiều nhất trong các nước khu vực Đông Nam Á, điều này sẽ dẫn đến thay đổi một số thói quen và hành vi, trong đó có thói quen đọc sách.

Và điều này cũng nằm trong xu thế mà kết quả nghiên cứu của Nielsen vào năm 2014 cho biết: số người đọc sách chủ yếu bằng điện thoại di động đã tăng từ 9% trong năm 2012 lên 14% trong quý đầu năm 2015, trong khi những người đọc sách bằng Kindle và Nook lại giảm từ 50% xuống còn 32%.

Đại diện NXB Thông tin và Truyền thông cũng lưu ý việc nộp lưu chiểu với sách điện tử hiện nay đang có vấn đề vì có quá nhiều kiểu định dạng file, trong đó có một số file vì lý do bảo mật hoặc đặc tính kỹ thuật không xác định được dung lượng file. Đây cũng là vấn đề cần tính toán để có cách quản lý sách điện tử lưu chiểu hợp lý, hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng song song với bản sách giấy, sách điện tử có thể được bổ sung thêm các dữ liệu multimedia như âm thanh, video clip… và như vậy tổng thể nội dung không còn nguyên bản như sách in nữa, do vậy nên chăng cần cấp số ISBN riêng cho loại sách điện tử.

Dù vậy, nhiều ý kiến vẫn cho rằng sách điện tử trong tương lai sẽ còn phát triển hơn nữa tại Việt Nam, và hội thảo lần này là một trong những bước tập hợp ý kiến, lắng nghe phản ánh từ những đơn vị, cá nhân trực tiếp làm sách điện tử, để Cục Xuất bản và các đơn vị cùng tính toán để làm sao phát triển lĩnh vực này hơn nữa.

Đại diện Cục Thương mại điện tử - Bộ Công thương cho rằng mặc dù ở ta còn những bất cập trong công tác quản lý việc xuất bản và phát hành sách điện tử, nhưng trong tương lai sách điện tử sẽ rất phát triển ở nước ta, vì các lý do: dân số Việt Nam trẻ và nhanh chóng tiếp cận công nghệ thông tin, Việt Nam đang chú trọng phát triển hạ tầng công nghệ thông tin – viễn thông và người dùng Internet qua thiết bị di động cầm tay tăng nhanh, các công ty sách đang chuyển hướng phát triển loại hình sách điện tử, trong giáo dục cũng đang có thay đổi về phương pháp dạy học và sách điện tử là loại hình đáp ứng tốt nhu cầu học tập của người dân.

Ông Chu Văn Hòa – Cục trưởng Cục Xuất bản – cho rằng thị trường sách điện tử của chúng ta đang hình thành, và bức tranh xuất bản của chúng ta chắc chắn sẽ đến lúc thay đổi. Vấn đề là từ bây giờ, mỗi đơn vị xuất bản nên dành cho sách điện tử những tính toán chiến lược, những tầm nhìn dài hơi, để chúng ta khỏi lạc hậu khi sắp tới đây, Việt Nam phải hội nhập sâu hơn nữa với các nước khu vực và thế giới về xuất bản.

Lam Điền
Nguồn: Tuổi Trẻ