Ngày đăng : 10/11/2015

Triết học không đáng sợ


Triết học, khi trở thành món trang sức của thiểu số những người khệnh khạng tự nhận mình “yêu mến sự hiểu biết”, thì đồng thời cũng là thứ mà đại chúng quyết tránh xa. Vì đâu?

Đây chẳng phải là vấn đề mới mẻ gì và hẳn câu trả lời nhiều người cũng đã phán đoán được. Hầu hết những ai từng học triết ở các trường đại học tại Việt Nam, đều có nguy cơ hoặc là sẽ trở thành kẻ sợ triết hoặc không chóng thì chày, làm kẻ “ngộ triết” theo cách cực đoan nhất. Bởi tri thức triết học và những thứ liên quan triết học được nhà trường cung cấp qua một lăng kính đầy phiến diện, tính đến thời điểm này.

Nếu từng kinh qua đại học, hẳn nhiều người còn cái cảm giác ám ảnh môn triết như một món bắt buộc “trả nợ quỷ thần”. Đôi khi người ta buộc phải miễn cưỡng nhượng bộ, nhún nhường một bước nhỏ trong nhận thức để đạt được những bước lớn hơn trong sự nghiệp.

Từ đó, cho thấy vì sao trong đời sống, hễ nhắc đến triết là người ta “chạy dài”. Hẳn là ngoài nỗi ám ảnh bị áp đặt, ngoài nỗi mặc cảm phải khoan nhượng trong nhận thức nơi những bài khảo hạch tư tưởng để thuận buồm xuôi gió trong chuyện học hành, thì với đại đa số, hiểu biết thế giới triết học bị làm cho lệch lạc, khô khan cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu vắng niềm đam mê, nguồn cảm hứng với lĩnh vực này.

Và như thế, việc dạy triết duy ý chí đang dẫn đến tình trạng “phản triết” - đi ngược lại với tinh thần căn bản của triết học (triết học, theo từ nguyên Hy Lạp là philosophia, có nghĩa là “yêu mến sự hiểu biết”).

Thật ra triết học đâu có đáng sợ đến vậy. Trước năm 1975, trong chương trình giáo dục phổ thông ở đô thị miền Nam, GS. Trần Bích Lan (tức nhà thơ Nguyên Sa) đã chấp bút viết bộ giáo khoa Nhập môn triết học khá thú vị. Bộ sách gồm có bảy quyển: Luận lý học, Tâm lý học, Luận triết (Luận lý và đạo đức), Luận triết (Tâm lý), Đạo đức học và Câu hỏi giáo khoa (Luận lý và đạo đức), Câu hỏi giáo khoa (Tâm lý). Có thể gặp ngay trong quyển Câu hỏi giáo khoa triết học Luận lý và đạo đức học dành cho lớp 12 sự giải nghĩa sáng rõ các khái niệm như: lương tâm là gì, nguồn gốc của lương tâm, sự hối hận, xấu hổ, quyền lợi là gì, công bình và bác ái được định nghĩa ra sao hay các quan niệm khác nhau về tự tử, cứu cánh của hôn nhân, chuyện đa thê, ngoại tình, ly dị nhìn dưới lăng kính triết học thì thế nào... Cho thấy, triết học, trong một khoảnh khắc nào đó của lịch sử, đã từng rất gần.

Triết học đã từng là sách gối đầu giường của nhiều trí thức trẻ, giúp con người biết mình phải làm gì trong bối cảnh xã hội hỗn loạn, ly tán của cuộc chiến. Hơn cả, triết học cũng đem lại sự ủi an cho con người trong cuộc sống xã hội đầy bất an. Những người được trang bị về nền tảng căn bản luân lý, đạo đức, tư duy sẽ trở nên chủ động và độc lập hơn trong đời sống của mình trong một hoàn cảnh xã hội phức tạp, xáo trộn về các giá trị sống. Xã hội càng hỗn mang, nền tảng tư tưởng càng là thứ quan trọng để giúp những con người bên trong nó tự đứng vững, không lao lung, gục ngã.

Trên thực tế, vẫn cần phải có sự phân biệt thứ triết học chuyên sâu vốn nặng nề, lý thuyết, cần đến những người “cày sâu cuốc bẫm” chuyên ngành và cũng rất cần thứ triết phổ thông được viết cho đại chúng - triết học nhập đời.

Gần đây, thị trường xuất bản chứng kiến sự trở lại của dòng sách triết học cho đại chúng (có người gọi là “triết học tài tử” hay “triết học bình dân”) khá thú vị như một cách xử lý những khuyết điểm trầm trọng của thứ triết học được dạy trong nhà trường. Bộ sách Thú vui tư duy do triết gia Myriam Revault d’Allonnes chủ biên dành cho học sinh cấp 1 là một ví dụ. Với quan niệm truyền đạt cảm hứng và phương pháp tư duy phù hợp tâm lý của tuổi thiếu thời, bà Myriam Revault d’Allonnes quy tụ quanh mình những triết gia, nhà văn, họa sĩ có óc hài hước, có thể biến những chuyện “kinh viện tháp ngà” thành dễ hiểu và thậm chí là giải trí. Trong bộ sách này, các triết gia xử lý các câu hỏi, đại loại: Vì sao con người già đi? Vì sao con người nhảy múa? Tại sao có chiến tranh? Sao lại là cái chết? Công bằng là gì? Con trai và con gái, vì sao? hay Vì sao con người phải cười?...

Thể hiện dưới dạng sách tranh, mỗi câu hỏi được “giải quyết” bằng một tập sách mỏng chưa đến 100 trang, gồm cả tranh vẽ, trình bày khoa học, có bảng chỉ mục tiện cho tra cứu, quan trọng hơn cả là có sự gợi mở để khi gấp sách lại, trẻ em thấy những câu hỏi cần tiếp nối những câu hỏi. Bộ sách này đã được NXB Tri Thức chuyển ngữ, ấn hành trong vài năm qua. Một bộ sách triết học khác dành cho trẻ em được đánh giá là thú vị và công phu không kém, đó chính là Nhập môn do Dave Robinson viết với phần minh họa của nhiều họa sĩ. Ở Nhập môn, triết học được “chuyển thể” thành những cuốn truyện tranh đầy hài hước. Từ các vấn đề tư tưởng lớn lao, những chân dung và tư tưởng chính yếu của Socrates, Plato, Aristotle cho đến Kierkegaard, Marx hay Freud... tất cả được thể hiện sống động, linh hoạt và hấp dẫn không kém bất kỳ cuốn truyện tranh giải trí nào.

Chọn cách chuyển tải triết học sao cho gần gũi để đại chúng có thể thấy hấp dẫn là điều không phải triết gia, nhà nghiên cứu triết học uyên bác nào cũng làm được. Cho đến nay, nguồn sách dạng này của các tác giả trong nước hầu như chưa có. Nhưng cũng phần nào ủi an, khi gần đây, mảng sách này được đầu tư dịch khá nhiều như một gợi ý đầy lý thú, có thể kể ra như Alain nói về hạnh phúc (Émile Chartier), Biết ta đích thực là ai (Alan Watts), hai cuốn sách triết phổ thông bán chạy nhất trên toàn cầu của Alain de Botton là Luận về yêu và Sự an ủi của triết học hay Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar (Thomas Cathcart & Daniel Klein)...

Trở lại câu hỏi ban đầu, triết học có thực sự là một món khó nhằn, chỉ thuộc về thiểu số những nhà nghiên cứu? Câu chuyện thời bình minh của triết học với hình ảnh ông Socrates xấu trai, chân trần ngày ngày đi qua các ngôi đền, bóng cây trong thành Athènes để tụ họp đám đông thanh niên, cùng với họ đặt ra các câu hỏi từ thuật trị quốc đến chuyện thi ca nghệ thuật, đôi khi cả tán gẫu về các bà vợ quá quắt... chính là minh chứng cho việc triết học phải thuộc về đời sống - chính là đời sống.

Nguyễn Vĩnh Nguyên
Nguồn: TBKTSG