Ngày đăng : 22/08/2015

Tập bản đồ hàng hải 1841 ở Đại học Yale: Cách chú giải bá đạo của học giới Trung Quốc


Do hoàn cảnh lịch sử, nhiều địa đồ quốc gia, địa đồ khu vực hoặc bản đồ hàng hải do người Trung Hoa xưa soạn vẽ lưu lạc nhiều nơi. 

Phần lớn chúng được cất giữ ở thư viện các nước phương Tây và Nhật, trong số đó những bản đồ hàng hải thường được học giới quốc tế lưu tâm nghiên cứu. 

Bản đồ gốc, trang 17
Các địa danh trên bản đồ (trên xuống, phải qua)
Tiêm Bút La (tức Cù Lao Chàm)
Thanh Dữ
Thảo Dữ
Tiêm Bút La
Vạn Lý Trường Sa (tức ứng với vị trí quần đảo Hoàng Sa)

Tháng 9-2011, Bodleian Library thuộc hệ thống thư viện Đại học Oxford công bố bản kỹ thuật số “The Selden map of China”, đây là bản đồ hàng hải Trung Hoa thời Minh do John Selden (1584-1654) sưu tập. Sau khi công bố, nhiều công trình nghiên cứu về bản đồ này lần lượt xuất hiện, như bài nghiên cứu The Selden map rediscovered: A Chinese map of East Asian shipping routes của Robert Batchelor (The International Journal for the History of Cartography, 2013).

Dày dặn hơn là sách Mr. Selden’s map of China của Timothy Brook xuất bản năm 2014, và cuốn Bản đồ hàng hải Đông Tây dương và Trung Quốc thời Minh (The Selden map of China - A new understanding of the Ming Dynasty) của Nhiếp Hồng Bình/Hongbing Annie Nie (bản tiếng Trung và bản tiếng Anh đều do Bodleian Library xuất bản năm 2014).

Tập bản đồ hàng hải 1841 ở Đại học YALE

Gần đây, được biết một tập bản đồ hàng hải thời Thanh được cất giữ ở Phòng lưu niệm Sterling thuộc hệ thống thư viện Đại học Yale (Yale University Sterling Memorial Library) cũng được học giới quan tâm không kém “The Seiden map of China”.

Nội dung bằng Anh ngữ trên biểu ghi kèm tập bản đồ cho biết chỉ huy chiến hạm H.M.S. Herald (thuộc Hải quân hoàng gia Anh) lấy được tập bản đồ này từ các thủy thủ trên một tàu buôn Trung Hoa vào năm 1841. Đây là tập bản đồ vẽ tay, không ghi tiêu đề, không ghi tên tác giả. Học giả Đài Loan Lý Hoằng Kỳ (李弘祺) khi lưu giảng ở Mỹ đã thấy nó vào năm 1974.

Tập bản đồ này tuy chưa lưu hành bản kỹ thuật số nhưng nhiều nhà nghiên cứu đã được chụp ảnh toàn bộ. Năm 1997, Lý Hoằng Kỳ viết hai bài giới thiệu, một đăng trên Lịch sử nguyệt san (Đài Bắc) và một đăng trên tạp chí Trung Quốc sử nghiên cứu động thái (Bắc Kinh), đều gọi nó là “Trung Quốc cổ hàng hải đồ”.

Năm 2008, Trần Quốc Đống (陳國棟) trong bài viết đăng trên tuần báo Trung ương nghiên cứu viện chu báo (Đài Bắc) gọi nó là “Đông Á hải ngạn sơn hình thủy thế đồ” (Bản đồ mặt nước, hình trạng núi/đảo ven biển Đông Á).

Một số học giả khác thì gọi bằng các tên như “Thập cửu thế kỷ Trung Quốc hàng hải đồ” (Bản đồ hàng hải Trung Quốc thế kỷ XIX), “Thanh đại Đường thuyền hàng hải đồ” (Bản đồ hàng hải thuyền buồm Trung Hoa thời Thanh), “Da Lỗ tàng Thanh đại hàng hải đồ” (Bản đồ hàng hải thời Thanh ở Yale), “Trung Quốc Bắc Trực Lệ chí Tân Gia Ba hải hiệp hàng hải châm lộ đồ” (Bản đồ chỉ dẫn hàng hải từ Bắc Trực Lệ Trung Quốc đến eo biển Singapore), “Thanh đại Đông Nam dương hàng hải đồ” (Bản đồ hàng hải Đông dương và Nam dương thời Thanh).

Trong các bài nghiên cứu của những học giả phương Tây về tập bản đồ này hoặc nhắc đến tập bản đồ này, nó được gọi chung là “Yale Navigational Map 1841”.

Tại hội thảo khoa học ở Đại học Giao thông Đài Bắc (6-6-2010), trong tham luận của mình, giáo sư Stephen Davies - giám đốc Bảo tàng Sự kiện biển Hong Kong - gọi nó là “The Yale Maps”, còn giáo sư Geoff Wade, Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (ĐH Quốc gia Singapore - NUS), thì gọi nó là “Yale University Chinese Navigational Map Book”. Các tên gọi nêu trên đều là những từ khóa để độc giả có thể tra cứu tìm hiểu thêm.

Yale Navigational Map 1841 là tập bản đồ gồm 123 trang, trong đó 122 trang hình vẽ tiêu danh bằng chữ Hán, một trang biểu ghi của thư viện về xuất xứ tập bản đồ bằng Anh ngữ. Không gian diễn tả giới hạn trong phạm vi vùng biển Đông Á và biển Đông Nam Á. Người vẽ bản đồ lấy cảng Nam Áo (giáp giới Quảng Đông - Phúc Kiến) làm chuẩn, mô tả nhiều tuyến đường, có thể phân hai hướng: phía bắc xa nhất đến Lữ Thuận, bờ nam bán đảo Triều Tiên, Tsushima và Goto Retto (Nhật), phía nam xa nhất đến một số cảng trong vịnh Thái Lan.

Trên từng trang, ngoài các địa danh còn có nội dung ghi chú về khoảng cách, phương hướng giữa hai địa điểm, độ sâu hải đạo, bãi cát ven bờ, bãi ngầm, các vật thể kiến trúc nhìn thấy được, hình dạng và màu sắc các vật thể tự nhiên...

Chú giải sai đặc biệt nghiêm trọng

Trong bài viết giới thiệu “Bản đồ hàng hải Đông Tây dương thời Thanh” ở Yale - tác phẩm “chị em” với “Bản đồ hàng hải Đông Tây dương thời Minh” ở Oxford của hai tác giả Qian Jiang (Tiền Giang) và Chen Jiarong (Trần Giai Vinh) đăng trên tập san Nghiên cứu lịch sử giao thông trên biển (Hải giao sử nghiên cứu) số 2, tháng 10-2013 (*), cả hai tác giả đều đang giảng dạy tại Đại học Hong Kong, đã có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực lịch sử giao thông hàng hải, và đây là bài nghiên cứu công phu, giới thiệu tổng quan về lai lịch tập bản đồ và chú giải hầu hết các địa danh ghi trên từng trang.

Bản đồ gốc, trang 15
Các địa danh trên bản đồ (trên xuống, phải qua)
Tiêm Bút La (tức Cù Lao Chàm),
Tiêm Bút La (với ghi chú: hình thể nhìn từ xa), Thảo Dữ
Ngoại La (đảo Lý Sơn), Da Tử Đường (đảo Cây Dừa)

Trường Sa vĩ (đuôi Trường Sa) - Thạch Đường đầu (đầu Thạch Đường). Thạch Đường đầu ứng với vị trí các đảo phía bắc quần đảo Trường Sa

Tuy nhiên, trong các chú giải những địa danh thuộc phạm vi Biển Đông Việt Nam, Qian và Chen đã không tuân theo sự biểu thị của bản đồ gốc, mặt khác cũng không theo nguyên tắc nghiên cứu hải đồ cổ.

Hai tác giả này cứ một mực quy đổi địa danh Vạn Lý Trường Sa và Thạch Đường thành “một dãy Tây Sa và Nam Sa”, trong khi người vẽ hải đồ xưa đã xếp quần thể Vạn Lý Trường Sa như một vành đai bên cạnh/phía đông các nhóm đảo Tiêm Bút La (Cù Lao Chàm), và Trường Sa vĩ - Thạch Đường đầu (đuôi Trường Sa - đầu Thạch Đường) bên cạnh/phía đông Ngoại La (Lý Sơn).

Trong tập bản đồ, trang 15, 16, 17 thể hiện rất rõ điều này. Cho dù đây là dạng bản đồ tiếp hợp, trên từng trang, các thực thể địa lý nhiều nơi tuy được vẽ tách rời khỏi bờ lục địa nhưng không khó để nhận định sự liên đới địa lý giữa các nhóm đảo ven bờ và các quần đảo ngoài khơi vùng Biển Đông Việt Nam.

Cái sai đặc biệt nghiêm trọng là ở phần chú giải về địa danh Thổ Chu, đảo tiền tiêu thuộc vùng biển Tây Nam Việt Nam. Trong bài viết của Qian và Chen, phần chính văn, mục II-2, viết: “... Đại Hoành (hoặc chỉ Giản Phố Trại đích Thổ Châu đảo, tức Poulo Panjang; nhất thuyết vi Thái quốc đích Ko Kut...” (...Đại Hoành, chỉ đảo Thổ Châu của Campuchia, tức Poulo Panjang; có thuyết cho là Đại Hoành tức đảo Ko Kut của Thái Lan...).

Ở đây, Qian và Chen đã không nghiên cứu hải đồ cổ một cách đàng hoàng, không nhìn đối tượng theo tiêu chí hàng hải hay diễn biến địa danh mà lại để ý đồ chính trị xen vào. Địa danh Đại Hoành đúng ra chỉ nên chú giải rằng: “các sách ghi chép hàng hải của người Trung Hoa xưa chuyển ý từ tên Mã Lai là Panjang (có nghĩa dài, cao, xa) thành tên chữ Hán là Đại Hoành (đảo lớn nằm ngang)”.

Nói người Trung Hoa copy tên gọi của người Mã Lai hoàn toàn không sai, bởi vì nhiều ghi chép và bản đồ hàng hải phương Tây đã ghi nhận các tên gọi Panian, Paniang, Pinjang, Panjang từ rất sớm, các tên này đều chung gốc từ “panjang”.

Trong “Ghi chép về tuyến đường biển Đông Ấn Độ năm 1618-1625” (Memorable description of the East Indian Voyage 1618-1625) của nhà hàng hải Hà Lan Willem Ysbrantsz Bontekoe, Thổ Chu được viết là “the island of Polepaniang”, Polepaniang do nhập chữ Pole (Poulo/cù lao) liền với Paniang, nên hơi khó nhận dạng.

Bản đồ sớm có thể thấy là “Southeast Asia 1675” của John Seller, hoặc “Map of Siam 1686” (ghi Thổ Chu là Panian), hoặc bản đồ “Siam 1687” của Vincenzo Coronelli và Jean Baptiste Nollin (ghi Thổ Chu là Panjang), và đến năm 1897 thì The Times Atlas trong bức “Siam and the Malay Archipelago” đã không ghi hòn đảo này là Panjang như nhiều bản đồ trước mà đã phiên âm tên đảo này theo cách gọi của người Việt là “To Chou”.

Trong quá trình lịch sử, nhiều đảo và quần đảo trong khu vực vịnh Thái Lan có tên gọi bằng tiếng Mã Lai trước khi mang tên bằng ngôn ngữ của quốc gia chủ quản, người nghiên cứu hải đồ cổ phải biết điều đó. Và chỉ nên dừng ở chừng mực chuyển đổi địa danh theo từng thời hoặc đối chiếu cách gọi địa danh của nhiều ngôn ngữ với mục đích nhận biết một thực thể địa lý.

Qian và Chen đã làm việc quá phận sự và ngoài mục đích học thuật khi kéo dài chú giải cho rằng đảo ất đảo giáp thuộc nước này nước nọ.

Qian và Chen là hai học giả có ảnh hưởng khá lớn trong cộng đồng nghiên cứu lịch sử địa lý Đông Nam Á, công trình được trích dẫn nhiều. Những cái sai nghiêm trọng trước đây do suy diễn sự diễn biến địa danh không thích hợp đối với các quần đảo trên Biển Đông đã gây ảnh hưởng và hiểu lầm không nhỏ. Lần này, cho dù là vô tình hay cố ý, việc chú giải sai về sự quy chiếu lãnh thổ của đảo Thổ Chu là hành vi kích động đặc biệt nghiêm trọng, vừa gây rối loạn học thuật vừa làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia khác và tình cảm dân tộc khác.

Hai vị Qian và Chen cần phải tiếp thu đối thoại này và nên có lời cải chính trên tập san mà các vị công bố bài viết, như tinh thần cầu thị nghiêm túc mà các vị đã nêu ở lời dẫn.        

(*): Tạp chí cấp quốc gia của Hội nghiên cứu lịch sử giao thông Trung Quốc - Hải ngoại phối hợp với Bảo tàng Lịch sử giao thông hải ngoại Tuyền Châu (Phúc Kiến).

Phạm Hoàng Quân
Nguồn: Tuổi Trẻ