Ngày đăng : 15/07/2015

Chuyện kể từ người tham gia làm Britannica tiếng việt


“Có thẩm quyền, chính xác và không thiên vị” - với yêu cầu này của Encyclopaedia Britannica, Inc (Hoa Kỳ), đầu năm 2007 tôi cùng vài chục cộng tác viên khác được NXB Giáo Dục mời đến họp bàn triển khai dịch cuốn Britannica Concise Encyclopedia (Bách khoa thư rút gọn Britannica) sang tiếng Việt với tên gọi Từ điển bách khoa Britannica (TĐBKB). 


Trước đó gần nửa năm, NXB Giáo Dục đã ký hợp đồng bản quyền xuất bản TĐBKB với Công ty Encyclopaedia Britannica, Inc (EB) của Hoa Kỳ tại Đài Bắc (Đài Loan) sau tám tháng liên hệ và đàm phán. Nguyên tác in thành một tập khổ lớn (21,3cm x 25,9cm), dày 2.114 trang, với khoảng 28.000 mục từ, 2.500 hình minh họa và bản đồ.

Đây là bản rút gọn của bộ Đại bách khoa toàn thư Britannica gồm 32 tập đã được xuất bản và bổ sung nhiều lần từ năm 1768. Báo chí Việt Nam hồ hởi đưa tin về sự kiện này và dự kiến đầu năm 2008 bản tiếng Việt sẽ ra mắt độc giả. Nhưng nhiều khó khăn, trở ngại và chậm trễ khiến cho ngày ra đời phải lùi thêm sáu năm nữa.

Nhiều kiểu khó khăn

Theo ông Phạm Quốc Cường, đã có 54 dịch giả tham gia dịch, 62 chuyên gia, cộng tác viên các lĩnh vực tham gia hiệu đính và thẩm định, trong đó có 8 chuyên gia từ điển kỳ cựu.

Các mục từ được phân nhóm theo lĩnh vực khoa học và khu vực địa lý, rồi theo chủ đề thành 51 tập tin (file), mỗi lĩnh vực hoặc khu vực gồm ít nhất 1 tập tin, nhiều nhất là địa lý gồm 11 tập tin.

Với thù lao dịch đổ đồng 18.000 đồng/mục từ bất kể dài ngắn (các mục từ tiếng Anh dài từ 50 đến 1.000 từ), những người tham gia dịch muốn đóng góp cho nền học thuật nước nhà hơn là vì mục đích kiếm tiền. Một vị giáo sư cao tuổi trong hội đồng biên tập của dự án này giãi bày: “Được đứng tên trong cuốn sách này còn hơn được trao hàng chục tấm huân chương”.

Hằng tháng, mọi người dịch phải nộp phần đã dịch để NXB xem qua, thống kê và gửi báo cáo cho phía Công ty EB. EB thuê người kiểm tra chất lượng các bản dịch vì uy tín thương hiệu, bắt các lỗi dịch và nhận xét để hoàn thiện bản dịch. Quá trình dịch thuật cũng sàng lọc đội ngũ người dịch: có người tiếng Anh chưa tốt, có người bỏ cuộc hoặc bỏ dở vì nhiều lý do, thậm chí có người viết lại hoàn toàn theo ý mình và thêm cả hình vẽ vào, dĩ nhiên là không được chấp nhận.

Trong số các lĩnh vực, có thể kể ra những lĩnh vực khó như triết học, tôn giáo, kiến trúc, luật và sinh vật. Ngoài độ phức tạp của dự án, cái khó ngoài lý do chủ quan do hạn chế của người dịch, còn do hệ thống thuật ngữ tiếng Việt chưa đầy đủ và nhất quán, mỗi nơi hay mỗi ngành dịch một khác, thậm chí có từ chưa có trong tiếng Việt, nên người dịch phải đặt ra sao cho ngắn gọn mà vẫn đủ ý và chính xác.

Chẳng hạn trong sinh vật có những loài mà người dịch không biết tên tiếng Việt nên cứ chuyển theo nghĩa đen sang tiếng Việt, ví dụ scorpion fish được dịch là cá bò cạp, trong khi tên đúng phải là cá mù làn; angelfish, tức angel shark (cá nhám dẹt) được dịch là cá thiên thần hay cá mập thiên thần (!). Vậy những loài không tồn tại ở Việt Nam và chưa có tên tiếng Việt thì phải làm sao?

Ví dụ nightingale ban đầu được dịch là sơn ca, trùng tên với một loài khác họ sống ở Việt Nam (sơn ca có tên tiếng Anh là lark), sau khi hiệu đính được đặt tên mới là dạ oanh. Một giáo sư sinh học nổi tiếng được mời góp ý phản biện bản thảo đã bổ sung những cái tên không chuẩn lấy từ những cuốn từ điển Anh - Việt phổ thông hoặc trên mạng, kiểu như cassowary (đà điểu mào) là đà điểu đầu mèo, avocet (cà kheo mỏ cong) là chim mỏ cứng, một cái tên gần như có thể gán cho bất cứ loài chim nào…

Những ví dụ trên cho thấy hiện nay Việt Nam gần như không có một nhà sinh học nào có kiến thức bao quát về phân loại học và tên gọi sinh vật.

Một khó khăn đáng kể khác là việc chuyển sang âm Hán Việt những tên riêng hoặc danh từ Trung Hoa phiên theo tiếng Anh, ví dụ nhà văn Aying (hay A Ying) tức Qian Xingcun chuyển thành A Anh tức Tiền Hạnh Thôn, nhà toán học Xu Yue thành Từ Nhạc, phong trào Xuanxue (hay Hsüan-hsueh) là Huyền học, tác phẩm Zuo zhuan (hay Tso chuan) là Tả truyện.

Chưa kể phải thống nhất cách dịch, phiên âm các thuật ngữ và tên gọi trong toàn cuốn sách, để khi trong một mục từ có nhắc đến một mục từ khác thì nếu cần, bạn đọc có thể tham khảo chéo mục từ đó.

Khá nhiều thuật ngữ tiếng Anh có nhiều cách gọi trong tiếng Việt (có thể vẫn cùng khái niệm hoặc là hai khái niệm khác nhau) và ngược lại. Nhóm dịch Việt Nam cũng phát hiện những lỗi sai của bản gốc và đề nghị họ chỉnh sửa. Điển hình là mục từ Nam Bộ (Cochin China) có ghi rằng “khu vực này từng là một chư hầu của đế quốc Trung Hoa” (the area was a vassal of the Chinese empire). Một số khái niệm của châu Âu và Bắc Mỹ không giống với Việt Nam nên bản dịch phải bổ sung những thông tin phù hợp, chẳng hạn trong mục từ mùa (season) do cách tính thời điểm chuyển mùa khác nhau…

Xử lý các vấn đề “nhạy cảm” và khác biệt quan điểm

Đầu tháng 10-2007, toàn bộ phần dịch nội dung TĐBKB hoàn thành. Bản thảo được chuyển sang giai đoạn biên tập và hiệu đính. Công việc dịch chú thích và dịch chữ trong các hình minh họa và trong các bản đồ cũng được tiến hành song song. Sau đó đến giai đoạn thiết kế mỹ thuật, dàn trang để các hội đồng thẩm định.

TĐBKB đã qua biên tập và hiệu đính 12 lần, riêng hội đồng biên tập của NXB Giáo Dục đọc hai lần, các chuyên gia đọc 2 bông (bản in thử), hội đồng kiểm tra bản thảo của NXB đọc 1 bông, hội đồng nghiệm thu của NXB đọc 1 bông nữa.

Ông Phạm Quốc Cường, quản lý dự án TĐBKB, cho biết: Nhiều nội dung và vấn đề khác biệt do góc nhìn liên quan đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, Trung Quốc thời cách mạng văn hóa, phát xít, Campuchia, Liên Xô, Stalin, Trường Sa, Hoàng Sa… đã được chỉnh sửa hoặc viết lại cho phù hợp với quan điểm, đường lối của Việt Nam mà phía Mỹ cũng cần đồng ý. Những vấn đề mà hai bên không thống nhất được quan điểm thì cắt bỏ. Phía Việt Nam có Ban Tuyên giáo trung ương, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đọc duyệt.

Điển hình là hai mục từ Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa (với tên gọi trong bản gốc là Paracel Islands và Spratly Islands, có thêm chú thích tên gọi của các bên có tuyên bố chủ quyền), phía đối tác giữ ý kiến gọi đây là khu vực tranh chấp, Việt Nam là một trong các bên có tuyên bố chủ quyền. Rốt cuộc hai mục từ này bị bỏ, kéo theo bản đồ liên quan cũng bị loại bỏ. Điều đó cho thấy cuộc đấu tranh pháp lý và thông tin đối ngoại cam go và phức tạp như thế nào, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền đối ngoại có chứng lý thuyết phục.

Phần của Việt Nam trong từ điển

Phải nói rằng phần mục từ viết hoàn toàn về Việt Nam trong bản gốc tiếng Anh (xuất bản năm 2007) quá ít ỏi, cả thảy chỉ có 25 mục trên tổng số 28.000 mục từ (không kể những mục từ liên quan đến các nước khác ngoài Việt Nam).

Chỉ có tám mục từ nhân vật Việt Nam và tất cả đều là những nhà hoạt động chính trị, quân sự (xếp theo vần chữ cái): Bảo Đại, Hồ Chí Minh, Lê Lợi, Ngô Đình Diệm, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp. Về địa lý có 10 mục: Việt Nam, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Huế, TP Hồ Chí Minh, Bắc bộ, Nam bộ, Đồng Tháp Mười, sông Đồng Nai. Các lĩnh vực khác có bảy mục: văn hóa Đông Sơn, triều Nguyễn, Champa, tiếng Việt, đường mòn Hồ Chí Minh, Việt Cộng, Việt Minh.

Ngoài ra, có 20 mục từ khác có liên quan nhiều đến Việt Nam như sông Hồng, sông Công, sông Mekong, [người] Hmong, Đông Dương, vịnh Bắc bộ, [các cuộc] chiến tranh Đông Dương, trận Điện Biên Phủ, chiến tranh Việt Nam, nghị quyết vịnh Bắc bộ (của Quốc hội Mỹ)…

Phía Việt Nam đã đưa thêm gần 250 mục từ về Việt Nam, trong đó có 75 mục địa lý, các mục về khảo cổ, kiến trúc, kinh tế (chợ Đồng Xuân, chợ Đông Ba, chợ Bến Thành…), văn hóa (chùa, áo dài, áo bà ba, các làng nghề…). Một số mục có sẵn được viết dài thêm.

Tuy nhiên, các mục từ bổ sung đều dài hơn đáng kể so với các mục từ dịch cùng loại, ví dụ: mục Hà Nội (64 dòng), TP Hồ Chí Minh (48 dòng) đều dài hơn hẳn mục thủ đô Washington (21 dòng) hay các thành phố New York (24 dòng), London (9 dòng). Mục về tỉnh Bình Dương chỉ có 24 dòng, ngắn hơn hẳn những tỉnh nhỏ như Bắc Ninh (36 dòng), Bình Phước (32 dòng), Bắc Cạn (40 dòng).

Trong số 45 nhân vật được bổ sung chủ yếu là các nhà hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học. Có hai người còn sống là nhà toán học Hoàng Tụy và nhà vật lý Nguyễn Văn Hiệu.

Mục từ các danh nhân Việt Nam thường dài hơn hẳn các danh nhân nước ngoài cùng lĩnh vực. Một số mục (có tính cả ảnh) như Trần Văn Giàu lên tới 46 dòng, Đào Duy Anh (44 dòng), Nguyễn Phan Chánh (43 dòng), Tạ Quang Bửu (42 dòng), Nguyễn Văn Hiệu (42 dòng), mục Hồ Chí Minh (38 dòng), mục Võ Nguyên Giáp (35 dòng). Để so sánh thì A. Einstein là 42 dòng (kể cả ảnh), Newton 29 dòng (kể cả ảnh), J. C. Maxwell 16 dòng, Shakespeare 44 dòng, Michelangelo 37 dòng, Leonardo da Vinci 32 dòng, L. Tolstoy 35 dòng, Dostoyevsky 23 dòng, G. Washington 37 dòng, Lenin 33 dòng, Lý Quang Diệu 21 dòng (kể cả ảnh).

Trong quá trình triển khai dự án (cho tới khi chốt bản thảo cuối năm 2013), thông tin luôn được cập nhật, bổ sung như những thay đổi về địa lý và lịch sử, các sự kiện, xu thế, nhân vật hay trường phái mới, các nhân vật mới lên hay thôi chức hoặc qua đời…

Cuối tháng 11-2014, sau tám năm kể từ ngày NXB Giáo Dục ký hợp đồng mua bản quyền TĐBKB, cuốn sách được in thành hai tập, tổng cộng 3.060 trang, đã ra mắt bạn đọc. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một cuốn từ điển bách khoa tra cứu kinh điển làm theo tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế, với nhiều mục từ đa dạng.

Công việc này cho thấy dù đây là một thành tựu quan trọng, Việt Nam vẫn đang thiếu nghiêm trọng chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực, kể cả lĩnh vực làm từ điển bách khoa. Vì thế việc hiệu đính dồn vào số ít người và tiến độ chậm, cộng thêm việc giao nộp sớm nên có phần chưa hiệu đính xong và để lại những sai sót chưa kịp sửa.

Khâu cuối thực hiện biên tập theo vần, không theo lĩnh vực mà không trao đổi lại đã khiến đôi chỗ “lợn lành biến thành lợn què” hoặc thiếu nhất quán. Một số kiến nghị của những người trực tiếp hiệu đính về cách xếp vần mục từ do đặc thù của tiếng Việt đã bị lãng quên, để lại những bất tiện cho người dùng.        

Nguyễn Việt Long
Nguồn: Tuổi Trẻ