Ngày đăng : 24/06/2015

Văn hào vĩ đại James Joyce: Tượng đài Ulysses trong văn chương


Ngày 10/6/1904, Nora Barnacle đang tản bộ trên phố Nassau ở Dublin thì tình cờ gặp chàng trai James Joyce. 6 ngày sau, họ lần đầu hẹn hò. Khi đó, Nora chẳng thể biết rằng người yêu của mình rồi đây sẽ là nhà văn lớn nhất thế kỷ 20 và ngày 16/6 về sau được người yêu văn chương toàn thế giới tôn vinh hàng năm, trong sự kiện Bloomsday lừng danh.

Nora chỉ là một cô bồi bàn khách sạn với vốn hiểu biết hạn chế. Dù chẳng thể hiểu rõ về việc viết lách của người chồng tương lai nhưng cô cũng lờ mờ thấy rằng Joyce đang lao mình vào một lối viết lạ đời chẳng giống ai.

Tác phẩm đầy thách thức sau 100 năm

Những ai từng đọc James Joyce sẽ lập tức đồng ý với Nora. Bản thân Joyce cũng nói về tác phẩm của mình: “Tôi đã lồng vào đó nhiều điều bí ẩn và câu đố, đến mức sẽ khiến các giáo sư luôn bận rộn trong hàng thế kỷ, để tranh cãi về điều tôi muốn nói. Đó là con đường duy nhất bảo đảm sự bất tử của một tác phẩm.”

James Joyce không nói quá. Đến nay đã gần 100 năm kể từ khi Ulysses, tác phẩm nổi tiếng của ông, lần đầu được giới thiệu với công chúng. Cuốn sách vẫn là thách thức khổng lồ với bất kỳ độc giả hay nhà nghiên cứu nào. Từ năm 1968, người ta còn tổ chức cả một hội nghị quốc tế cứ hai năm diễn ra một lần, chỉ để “giải mã” văn chương James Joyce.

James Joyce được coi là người tạo ảnh hưởng lớn nhất tới các nhà văn từ thế kỷ 20, là bước ngoặt dứt khoát với văn học thể kỷ 19. Bằng Ulysses, ông đã tạo nên bộ bách khoa toàn thư về con người. Về hình thức, Ulysses chứa đầy đủ văn xuôi, kịch, thơ, báo chí, thậm chí… dâm thư. Sâu xa hơn, mỗi chương của Ulysses tương ứng với một ngành khoa học hay nghệ thuật, một bộ phận trên cơ thể người, một thời gian và không gian riêng.

Đồng thời, các chương, các nhân vật của Ulysses đều tương ứng với bộ sử thi Odyssey của Homer. Và thật kinh ngạc, cuốn sách dày hơn 1300 trang này chỉ viết về một ngày bình thường của nhân vật Bloom - ngày 16/6/1094, với những đoạn độc thoại nội tâm dài hơn 25.000 chữ không có dấu chấm.

Sau Ulysses, chỉ có duy nhất một tác phẩm dám “vượt mặt” bộ bách khoa về con người này. Đó là Finnegans Wake, cũng của chính James Joyce. Finnegans Wake được coi là tác phẩm lớn nhất thế kỷ 20.

Thời gian của Finnagans Wake chỉ diễn ra trong một đêm, đi từ giấc mơ này tới giấc mơ kia của nhân vật. Có đến hơn 50 ngôn ngữ được sử dụng trong tác phẩm này, không những của các quốc gia khác nhau mà còn của các thời kỳ khác nhau.

Trong đó, ngôn ngữ khiến giới nghiên cứu đau đầu hơn cả chính là “ngôn ngữ James Joyce”. Một từ trong tác phẩm của Joyce nhiều khi được tạo thành bởi 3, 4 ngôn ngữ khác nhau, hoặc từ âm tiết bị đảo chỗ, tạo ra tính hình tượng rất cao. Cấu trúc câu và mạch văn cũng không thể đoán định.

Tất cả đã tạo nên những tác phẩm vượt thời gian, vượt biên giới, ngôn ngữ, đi sâu vào từng chân tơ kẽ tóc tâm tưởng con người. Sẽ không ngoa khi nói James Joyce là tượng đài Ulysses trong văn chương.

Người Dublin biệt xứ

James Joyce sáng tác không nhiều. Cả đời ông chỉ có 4 tập truyện và 1 số tuyển tập thơ, nhưng tất cả đều là kiệt tác và đều gợi nhớ về Dublin, Ireland. Joyce từng nói rằng: “Tôi muốn mang tới một bức tranh về Dublin thật hoàn chỉnh, như thể nếu thành phố này đột nhiên biến mất khỏi Trái đất, nó vẫn có thể tái thiết được từ sách của tôi”. Tuy vậy, chính bản thân ông lại xa Dublin từ trẻ và chỉ trở lại chớp nhoáng 2 lần.

James Joyce sinh ngày 2/2/1882 tại Rathgar, ngoại ô Dublin. Cha ông xuất thân từ một gia đình giàu có lâu đời ở xứ Cork, Ireland. Ông cụ có tính hào hoa, vô ưu nên gia đình sớm bị sa sút khi nền kinh tế lâm vào khủng hoảng.

Cậu bé Joyce, anh cả của 11 đứa em nhỏ, may mắn được hưởng chút phong lưu cuối cùng. Ngày nhỏ, cậu học ở trường dòng nội trú đắt tiền, nhưng sớm nghỉ học vì nhà không có tiền đóng học phí. Khi học Đại học tổng hợp Dublin thì James Joyce thật sự rơi vào cảnh túng quẫn nghèo khổ.

Năm 1902, ông bỏ sang Paris để học y khoa. Sau gần một năm sống vất vưởng trong cảnh nghèo khổ ở đây, ông bị gọi về Dublin khi mẹ hấp hối. Năm 1904, ông lại tìm đến Paris, nhưng lần này là với vợ chưa cưới Nora Barnacle.

Paris khi này là điểm dừng chân của những văn sĩ lừng danh nhất thế giới, được miêu tả rất rõ trong cuốn Hội hè miên man của Hemmingway. Giữa những tinh hoa như vậy nhưng Joyce vẫn luôn có vị trí riêng. Những tác phẩm của ông ban đầu bị công chúng phản đối, nhưng lại được làng văn rất trọng nể. Ngoài viết văn, ông còn là giáo sư Anh ngữ.

Tuy vậy, cuộc sống nghèo đói vẫn không ngừng bám đuổi ông. James Joyce đã viết kiệt tác Ulysses bên cửa sổ gác hai của một khu nhà nhỏ. Bi kịch hơn, từ năm 1907, James bị đau mắt dai dẳng. Sau 25 lần phẫu thuật, ông gần như đui mù.

Việc viết lách, sửa chữa càng trở nên khó khăn hơn. Nếu không nhờ bạn bè cùng các nhà hảo tâm, cuộc sống nhà Joyce không biết phải xoay xở ra sao, nhất là khi con gái Joyce mắc bệnh tâm thần phân liệt.

Cuộc đời khổ sở ấy của Joyce cuối cùng đã khép lại một cách buồn thảm. Ngày 13/1/1941, ông lặng lẽ qua đời trong cô độc ở Zurick, Thụy Sĩ. Vợ và con đã không thể đến kịp.

Einstein trong văn học

Nếu có nhà văn nào sống được hàng nghìn năm trong giới văn chương, thì đó phải là James Joyce. Giữa thời kỳ hỗn loạn chính trị (và văn học), nhưng James Joyce dường như đứng bên lề. Không bè phái, cũng không kế thừa, James Joyce xây dựng cho mình đế chế văn học riêng, nơi ông nỗ lực gắn kết cuộc sống với văn chương làm một.

Dứt bỏ bút pháp hiện thực đã thống trị bao năm nay, Joyce đi sâu vào lối viết “dòng ý thức” cũng như “độc thoại nội tâm”. Ở đó, những đoạn văn được viết liền một mạch để không làm gián đoạn những luồng tư tưởng trôi qua liên tục, tràng giang đại hải, không chút giấu giếm, gò bó. (Cuốn Finnegans Wake không có từ mở đầu cũng chẳng có từ kết thúc), làm lộ ra những góc khuất tối tăm nhất của con người.

Đọc Joyce, độc giả sẽ luôn bị bất ngờ khi phát hiện ra những khía cạnh mới mẻ trong tâm hồn các nhân vật. Cần biết rằng đầu thế kỷ 20, những cuốn sách tóm tắt bỏ túi rất được ưa chuộng, nhưng chưa nhà xuất bản nào có thể thu gọn Ulysses hay Finnegans Wake.

James Joyce không chỉ sống trong tác phẩm của mình mà còn trong rất nhiều nhà văn khác. Vladimir Nabokov, T.S. Eliot, William Faulkner, Albert Camus, Garcia Marquez, Samuel Beckett, Toni Morrison… đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ James Joyce.

Ngày hôm nay, ông vẫn được coi như Albert Einstein trong văn học, khi “phát minh” ra lối viết uyên bác, sử dụng từ ngữ đa quốc gia, đa tầng đa giác, tính thẩm mỹ cao và đi sâu vào bản chất con người.

Ngày lễ Bloomsday 16/6 hàng năm là sự kiện người hâm mộ tụ họp, tưởng nhớ và bàn luận về cuộc đời cùng sự nghiệp của James Joyce


Thư Vĩ
Nguồn: Thể thao & Văn hóa