Ngày đăng : 25/05/2015

Ý tưởng đường sách ở TP. Hồ Chí Minh: Cho một đô thị khát khao tri thức


Về ý tưởng tìm kiếm để xây dựng nên một đường sách ở TP. HCM, chúng tôi đã phỏng vấn TS. Quách Thu Nguyệt- nguyên Giám đốc NXB Trẻ, người chấp bút cho đề án phố sách này.

PV: Thưa bà, khi có ý tưởng làm phố sách cho TP. HCM, bà mong muốn điều gì?

TS. Quách Thu Nguyệt: Ý tưởng phố sách bắt nguồn từ hoài niệm về những ki-ốt sách trên đường Nguyễn Huệ, về khu sách cũ trên vỉa hè đường Lê Lợi, về con đường sách Đặng Thị Nhu...  Khi tham gia Hội sách quốc tế, đi công tác nước ngoài, tôi thật thích thú với những khu phố sách, những con đường sách ở những nước tôi đến, như: khu phố sách Kando  Jimbocho  ở ngay tại thủ đô Tokyo, các quầy sách dọc bờ sông Seine, thủ đô Paris. 

Tôi mong ước có một đường sách mang đặc trưng của TP. HCM, một thành phố trẻ năng động, khát khao tri thức… không ngờ được nhiều người hưởng ứng, đồng tình, báo giới khích lệ, tạo hiệu ứng thúc đẩy cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc. Sau đợt hoạt động nhân ngày Sách Việt Nam năm nay được tổ chức, Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TT&TT) TP. HCM đã đề nghị Hội Xuất bản Văn phòng phía Nam xây dựng đề án.

Phố sách sẽ được đặt ở đâu, quy mô ra sao, thưa bà?

- Sau nhiều lần suy tính và khi đi khảo sát, chúng tôi chọn đường Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP. HCM, làm phố sách, đường sách là lựa chọn tối ưu nhất. Thứ nhất, hai đầu đường này nối quảng trường Nhà thờ Đức Bà và đường Hai Bà Trưng, lòng đường hiện làm bãi đỗ xe hơi, lưu lượng xe qua đây rất thấp. Khu vực này không có nhà dân  hay trụ sở công ty, sẽ không vướng việc giải tỏa đền bù, hoàn toàn có thể qui hoạch, thiết kế phù hợp với chức năng và công năng của đường sách.

Thứ hai, đường Nguyễn Văn Bình gắn với tổng thể cảnh quan kiến trúc vừa mang nét cổ kính, vừa hiện đại. Nơi đây có các kiến trúc mà độ dày văn hóa  gắn với lịch sử hình thành và phát triển Sài Gòn – TP.HCM như: Bưu Điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Dinh Thống Nhất, Sở Văn hóa – Du Lịch (trước là Khám lớn Sài Gòn). Khu vực này là nơi thư giãn sau giờ làm việc và các ngày cuối tuần, ngày lễ của người dân thành phố, nơi tham quan của khách du lịch từ các nơi đổ về… Do vậy, việc hình thành con đường sách nơi đây góp thêm một điểm nhấn văn hóa trong nếp sinh hoạt của người dân thành phố, hài hòa với tổng thể những kiến trúc văn hóa và công năng của không gian văn hóa đặc thù nơi đây.

Tuy nhiên, trong cuộc tọa đàm  nêu trên, bên cạnh rất  nhiều đồng tình chọn đường Nguyễn Văn Bình làm đường sách, cũng có những ý kiến cho rằng đường này quá nhỏ, không thể phản ảnh hết diện mạo của ngành xuất bản Việt Nam. 

Phố sách, theo đề án của TS thì sẽ có những nét mới, lạ hơn so với các nước khác như Hàn Quốc, Pháp… Cái mới lạ đó là gì? 

- Đường sách trước hết phải gắn với yêu cầu phát triển của một thành phố vốn là trung tâm văn hóa, kinh tế, khoa học, giáo dục , một thành phố trẻ, năng động , hội nhập, khát khao tri thức. Đường sách phải gắn với qui hoạch tổng thể của  cảnh quan, không gian văn hóa vốn có nhiều kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử. Đường sách phải đáp ứng nhu cầu dân trí, nhu cầu thụ hưởng văn hóa của các công dân trẻ thành phố hiện tại và tương lai… Tóm lại, đường sách phải mang đậm dấu ấn, bản sắc riêng  của Sài Gòn – TP. HCM để người dân thành phố đi đâu cũng nhớ về, khách du lịch khi đến thành phố phải tìm đến nơi đây. Với những đặc thù như vậy đường sách ở TP. HCM sẽ khác với đường sách, phố sách của các nước cũng khác với phố sách Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Đường Láng, Phạm Văn Đồng ở Hà Nội.

Theo TS, nếu phố sách ra đời nó sẽ mang lại điều gì cho đời sống của người dân ở TP.HCM và xã hội Việt Nam nói chung?

- Đường sách Nguyễn Văn Bình ra đời sẽ là nơi kích thích thói quen, nhu cầu đọc của công dân trẻ thành phố. Đường sách còn là nơi giao lưu, gặp gỡ  chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp giữa những người hoạt động trong ngành; nơi giao lưu gặp gỡ tác giả, độc giả; nơi trao đổi chia sẻ  niềm đam mê sách. Đó cũng là nơi phục vụ và thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân thành phố.   Nơi người dân thư giãn, thưởng lãm sau giờ làm việc và những ngày nghỉ cuối tuần, những ngày lễ Tết của năm… Có thể từ hình mẫu và kinh nghiệm  nơi đây, mô hình tổ chức đường sách sẽ được triển khai và nhân rộng ở những khu dân cư mới, ở những thành phố vệ tinh. Không chỉ đường sách mà còn có nhiều phiên chợ sách, triển lãm sách, trao đổi sách, đấu giá sách… ở  khắp  mọi nơi… 

Có phố sách, văn hóa đọc được vận động, cổ vũ và khuyến khích, tri thức được lan tỏa, nhu cầu học tập suốt đời hiện hữu khắp mọi nơi... 

Trân trọng cảm ơn bà!

TS Quách Thu Nguyệt từng học ĐH Luật Khoa Sài Gòn, ĐH Văn Khoa Sài Gòn. Từ năm 1977 bà công tác ở Nhà Văn hóa Thanh niên, nguyên Phó Giám đốc phụ trách nghiệp vụ chuyên môn của Nhà Văn hoá Thanh niên, nguyên Giám đốc – Tổng biên tập NXB Trẻ. Bà là thành viên Hội đồng sáng lập dự án văn hóa giáo dục Sách Hay, thành viên Hội đồng trao giải giải thưởng Sách Hay. Thành viên sáng lập Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED)...


NGUYỄN THỊNH (thực hiện)
Nguồn: Đại Đoàn Kết