Ngày đăng : 06/05/2015

Sách 'Nhật Bản duy tân 30 năm' được tái bản


Tác phẩm của Đào Trinh Nhất xuất bản lần đầu năm 1936. Sau gần 80 năm, những nội dung, nghiên cứu được đề cập trong sách vẫn còn nguyên giá trị thời sự.

Giữa thế kỷ 19, Nhật Bản là một đất nước phong kiến lạc hậu, chế độ Mạc phủ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng về mọi mặt từ kinh tế, xã hội đến chính trị. Sau cuộc Duy tân, Nhật Bản đã có những cải cách quan trọng, giúp hiện đại hóa đất nước. Học giả Đào Trinh Nhất đã dành hơn hai mươi tháng công phu tìm kiếm, góp nhặt tài liệu để viết cuốn Nước Nhựt Bổn 30 năm duy tân. Trong lần tái xuất này, sách có tên Nhật Bản duy tân 30 năm.


Sách "Nhật Bản duy tân 30 năm" được Nhà xuất bản Thế Giới và Alphabooks phát hành đầu năm 2015.

Lý giải sự thành công của Nhật Bản, tác giả đưa ra một số nguyên nhân chính. Thứ nhất, từ xưa người Nhật đã có nhiều tính cách đặc biệt: kính thần, tự tôn, coi trọng danh dự, thượng võ, coi cái chết như không và đặc biệt là biết dung hòa tốt. Đây chính là nền móng tạo nên quyết tâm duy tân không gì lay chuyển nổi của người Nhật. Giữa thế kỷ thứ 19, nhìn thấy sức mạnh của Tây phương dồn dập sang Đông, người Nhật tự nghĩ nếu không mau tự cường bình đẳng với phương Tây, thì cũng sẽ đứng trước họa mất nước như bao quốc gia Đông phương khác. Tức thời, từ triều đình, quan lại cho đến sĩ phu, hào kiệt, nhân dân đều tỉnh giấc thủ cựu, dốc lòng thực hiện công cuộc duy tân trong vẻn vẹn chỉ 30 năm.

Thứ hai là về văn hóa. Theo tác giả, người Nhật theo đạo Khổng Mạnh, nhưng không theo khoa cử, kinh nghĩa, thi phú và sĩ phu không bị danh lợi của cử nhân, tiến sĩ làm cho mê muội. Họ cũng không mê tín, không tin phong thủy, bói toán, không đốt vàng mã, không tin quỷ thần. Vì thế, khi thấy có Tây học văn minh thì họ không chần chừ, nghi ngại mà theo ngay.

Thứ ba, tầng lớp tinh hoa của Nhật Bản, ngay từ khi tiến hành cuộc cải cách đã biết mấu chốt của cải cách phải bắt đầu từ học thuật tư tưởng. Tư tưởng công lợi của người Anh, người Mỹ được Fukuzawa Yukichi ra sức truyền bá, làm cho sĩ phu hướng về thực học, quốc dân được bồi dưỡng về tự do độc lập. Ông Itagaki Taisuke dịch Dân ước luận của J.J Rousseau, và truyền bá tư tưởng tự do của nước Pháp, từ đó dấy lên nhiều cuộc vận động về chính trị. Tinh thần của đạo Cơ đốc giáo cũng được ông Nijima Jou dốc lòng truyền dụ, bởi theo ông "Nếu không dùng đạo Cơ đốc giáo để cảm hóa quốc dân thì không thể truyền bá được cái chân tinh thần của văn minh Âu châu được". Trong khi ông Kato Hiroyuki viết ra cuốn sách Nhân quyền tân thuyết, du nhập tư tưởng quốc gia của người nước Đức. Người Nhật ngày nay đã cường thịnh, nêu cao tinh thần bảo tồn quốc túy, nhưng trong nhiều tác phẩm, người Nhật vẫn công nhận bốn tư tưởng ấy là điều tiên quyết tạo nên cuộc duy tân thành công của họ.

Tác giả cuốn sách - Đào Trinh Nhất (1900-1951) tự Quán Chi, là một nhà văn, nhà báo, được mệnh danh là người viết sử kỳ tài. Với 30 năm cầm bút, ông đã để lại nhiều tác phẩm, tiêu biểu: Thế lực khách trú và vấn đề di dân Nam Kỳ (1920), Việt sử giai thoại (1934), Phan Đình Phùng - một vị anh hùng có quan hệ đến lịch sử hiện thời (1936), Việt Nam Tây thuộc sử (1937), Đông Kinh nghĩa thục (1938)...

Lam Thu
Nguồn: VnExpress