Ngày đăng : 24/04/2015

Günter Grass: BỤT CHÙA NHÀ...


Người yêu văn chương sẽ không thể bỏ qua giải Nobel mà Günter Grass hoàn toàn xứng đáng được trao - một bậc thầy chữ nghĩa suốt đời chỉ muốn dùng văn chương như một công cụ để làm thế giới hướng thiện hơn. Song mấy ai biết Günter Grass là ông bụt không thiêng đối với những đồng bào mình sống quá gần chùa...  

Người ưa gò mình sống theo một đạo lý nhất định sẽ ngậm ngùi tiếc nuối Günter Grass như tòa án lương tâm của nước Đức thời hậu chiến. Người kính phục thái độ dũng cảm thường xuyên lội ngược dòng mọi trào lưu áp đảo của đám đông trong xã hội, bất kể về chiến tranh vùng Vịnh hay thiện cảm với V. Putin, sẽ lắc đầu ngán ngẩm khi được biết ông lập lờ đến tận năm 2006 về chi tiết mới 17 tuổi đã cầm súng trong hàng ngũ SS tinh nhuệ của lính phát xít.

Günter Grass, nhân cách khó định nghĩa ấy, ông bụt không thiêng đối với những đồng bào mình sống quá gần chùa ấy, thiên tài văn chương chỉ bán được sách chứ không nhiều người muốn đọc ấy - là ai? 

Günter Grass - con người mâu thuẫn từ trong nôi 

Moshe Zimmermann, nhà văn Israel và hậu duệ của một chủng tộc gần như tàn lụi trong các lò thiêu người của phát xít Đức, đã đưa ra nhận định sắc sảo trong một cuộc phỏng vấn trên radio Đức: “Sách của Grass có sức cảm hóa mãnh liệt không chỉ về văn chương mà về khía cạnh lịch sử”.

Và ông cũng chỉ rõ phương thức mà Grass chinh phục người đọc: là người Đức từng sống trong đế chế quốc xã, Grass đã không được phép lên tiếng phê phán một cách khách quan. “Ông không thể làm việc đó với bàn tay sạch. Tay ông đã nhúng chàm”.

Vâng, con người khó định tính ấy đã làm một người đứng bên cạnh mình và quan sát chính mình.

Günter Grass sinh ra trong một gia đình mà cha sùng đạo Tin lành, còn mẹ là tín đồ của một nhánh Kitô giáo xứ Kaszubi, tức Wrzeszcz thuộc Ba Lan hôm nay.

Ngày ấy, năm 1927, thành phố Danzig quê hương ông vừa thoát khỏi quá khứ đậm màu sắc Phổ thì đã rơi vào ách thống trị của nước Đức quốc xã, để rồi vào thời khắc cuối cùng của Thế chiến II được chính quyền Xô viết trao vào tay Ba Lan, với hậu quả là đa số cư dân Danzig gốc Đức ở đây bị đẩy khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Mới 15 tuổi, ông tình nguyện vào lính Đức mặc dù không thấy gì hấp dẫn từ tư tưởng hệ Hitler, mà chỉ để thoát khỏi gia cảnh ngột ngạt. Bị thương khi gia nhập SS và trở thành tù binh của Mỹ, sau đó ông trở về Düsseldorf (Đức) học mỹ thuật tạo hình ở Viện hàn lâm Nghệ thuật nhưng chỉ sống được qua ngày bằng nghề ma cô canh cửa ở một quán rượu tăm tối trong phố cổ, cho dù đã có triển lãm cá nhân với tư cách họa sĩ và nghệ sĩ tạc tượng. Ông học tiếp tại Đại học Mỹ thuật Berlin, bỏ qua Paris sinh sống rồi lại về Berlin... 

Một người đàn ông chính cống, nếm đủ và vượt qua mọi ba đào chìm nổi của thời cuộc, sống như lãng tử mà đàng hoàng với năng khiếu nghệ thuật trời cho? Một hình mẫu thèm khát cho đa số mày râu trong chúng ta, các “giang hồ vặt - nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà”? Hay ta cần biết thêm vài chi tiết từ cuộc đời của con người đặc biệt ấy?

Người vợ đầu tiên của ông, sinh viên múa ballet Anna Schwarz người Thụy Sĩ, có với ông bốn người con. Sau khi cưới hai năm, ông đưa gia đình trở lại Paris đến năm 1960. Và đây là đỉnh cao sớm sủa mà chói lọi của cây bút vừa chập chững vào nghề hay ít nhất cũng chưa thành danh Günter Grass: bản thảo tiểu thuyết đầu tay Cái trống thiếc (Die Blechtrommel, được Dương Tường chuyển sang Việt ngữ năm 2002) ra đời ở kinh đô ánh sáng.

Năm 1972 gia đình Günter Grass chia tay ở Berlin, có lẽ liên quan đến mối tình vụng trộm của ông với nữ kiến trúc sư Veronika Schröter. Sợi tơ này rồi cũng đứt đoạn khi Nele Krüger ra đời năm 1979, con gái của Günter Grass với biên tập viên Ingrid Krüger. Cùng năm ấy ông cưới Ute Grunert, một nữ nhạc công đại phong cầm. Từ năm 1986-1987 hai ông bà chung sống ở Ấn Độ, chủ yếu tại Calcutta...

 Günter Grass - cây bút phá cách và phá lệ

Ta hãy rời bỏ những thông số ít nhiều vô hồn và bất lực khả dĩ khắc họa lờ mờ một con người tài hoa đã rời bỏ thế giới này, để chỉ còn duy nhất bận bịu với di sản lớn nhất được ông trao lại cho hậu thế, đó là sự nghiệp văn chương của ông, bắt đầu bằng tác phẩm trình làng Cái trống thiếc.

Trước đó cây bút Günter Grass đã thử tay nghề với thơ, kịch phi lý và lời thoại cho ballet, nhưng chỉ với Cái trống thiếc ông mới thật sự đặt chân và đặt dấu ấn mãnh liệt trên văn đàn. Ở tuổi 31. Muốn đo đếm được hết ý nghĩa của tác phẩm này, thiết tưởng nên tìm hiểu sâu hơn tình cảnh nước Đức lúc nó chào đời.  

Là phe đại bại trong Thế chiến II, dân tộc Đức chưa hẳn rũ sạch được tư tưởng đại cường quốc từng mơ làm bá chủ địa cầu. Và bài học đau đớn mà người Đức đến tận hôm nay còn mang đâu đó trong lòng là câu hỏi: liệu họ đã thanh toán triệt để quá khứ đen tối, đã bộc bạch hết mọi cắn rứt lương tâm vì đã đem lại thảm họa cho gần hết châu Âu và gần như thành công khi đưa dân tộc Do Thái đến bờ vực tuyệt chủng?

Nhưng cũng phải thành thực thú nhận với nhau một điều là không có dân tộc nào sẵn lòng vạch áo cho người xem lưng, không ai thích khoe cái mặt nhọ của mình cho bàn dân thiên hạ tọc mạch bình phẩm. Đó chính là khuôn mặt xã hội Đức từ ngày ra đời Cộng hòa liên bang Đức (cũ) 1949, một phần ít ỏi cũng đúng với Cộng hòa dân chủ Đức (cũ).

Sẽ thiếu công bằng khi chỉ nêu danh Günter Grass là người dũng cảm phá bỏ hàng rào húy kỵ đó, nhưng thực tế chưa có tác phẩm hậu chiến nào mổ xẻ được tâm lý người Đức và thực trạng nước Đức ngày đó một cách lạnh tanh mà trìu mến đến đẫm nước mắt như Cái trống thiếc. Tác phẩm này thuộc về Bộ ba tiểu thuyết Danzig, gồm cả Mèo và Chuột (Katz und Maus, 1961) và Những tháng năm chó má (Hundejahre, 1963), tuy chưa bao giờ nhảy được qua cái bóng của thành công đầu tiên. Với bộ tiểu thuyết này, tác giả đã soi sáng thấu đáo đế chế thứ ba của chế độ phát xít từ trong ruột của nó. 

Günter Grass - cha đẻ của quái nhân Oskar Matzerath

Giờ đã đến lúc giở cuốn Cái trống thiếc ra, nếu bạn đọc kính mến chưa có dịp.

Nhân vật tôi tự sự là một quái nhân dị dạng mang tên Oskar Matzerath, chào đời năm 1924, tình cờ cũng ở thành phố Danzig, quê hương cha đẻ tinh thần của nó. Oskar ra đời với trí lực đã hoàn toàn hoàn thiện của một người trưởng thành, và như để bù lại sự ưu ái quá đáng đó của tạo hóa, từ sinh nhật thứ ba trở đi nó cự tuyệt mọi quy luật sinh học và không lớn thêm phân nào. Âu cũng là cơ duyên đầy may mắn để Oskar, ở dạng một đứa bé mãi mãi dừng lại mức 3 tuổi, nhìn thế giới người lớn với ánh mắt của một thằng nhãi ranh từ dưới lên và miêu tả nó với trí óc sắc sảo không bị xung quanh bắt vở.

Nó có một vật bất ly thân là cái trống thiếc, và sức mạnh thần bí từ cái trống ấy giúp nó hình dung ra các sự kiện mà nó không hề tham dự, ví dụ như bà ngoại nó được thụ thai ra sao trên một luống khoai tây, sau này sinh ra mẹ nó. Oskar thuật lại những chứng kiến ảo ấy, dĩ nhiên, bằng thứ giọng chói tai như cọ dùi lên trống thiếc, với ngôn ngữ quái đản của một sinh vật trưởng thành trong bộ dạng oắt con, thường bắt chuyện với chính mình và gọi mình là Oskar. Và Oskar tự biết Oskar là ai? “Một thằng bú tí mẹ có cặp tai thính (...) với sự phát triển tinh thần đã hoàn tất từ khi lọt lòng mẹ và từ đó trở đi chỉ còn tự xác nhận mình (...)”. Và do đã phát triển chỉn chu từ trong ra ngoài, Oskar biết mình vượt trội mọi người trưởng thành trong thế giới của họ.

Câu chuyện tiếp diễn với những chi tiết và giai thoại phi lý hoặc đôi khi ngập tràn nhục cảm hay máu me tàn bạo đến mức ai không tự đọc sẽ khó tưởng tượng được lời giải nào lọt tai, trong đó có khả năng hét chói tai của Oskar khiến các tấm kính ở gần vỡ nát. Tất cả chấm dứt với chiến tranh, với trại điên giam giữ Oskar, với một ngón tay người chết ngâm thuốc để Oskar ngắm nhìn khi cầu nguyện...

Rùng mình gấp sách lại. Và biết chắc ngay từ đầu, ngoài Günter Grass ra, không ai kể lại được câu chuyện nửa điên nửa tỉnh với một nghệ thuật câu chữ khiến người nghe dựng tóc gáy, song lại qua đó dựng được cho mình một bức tranh xã hội Đức hậu chiến với mọi ngang trái và bi hài kịch, đến hôm nay vẫn làm người Đức nhức đầu. Và người đọc trót mở sách để rồi không thể gấp lại trước khi đọc dòng cuối cùng.  

Günter Grass - trọng tài đạo đức (?)

Sự nghiệp văn chương của Günter Grass không chỉ để lại dấu vết trong lòng người đọc ở các vùng sử dụng Đức ngữ. Sách của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng, và những quái kiệt chữ nghĩa như Salman Rushdie hay John Irving thú nhận vầng sóng âm thanh tỏa ra từ Cái trống thiếc đã tạo ra năng lượng sáng tạo trong họ. Giải Nobel văn chương 1999 là một trong những xác nhận tài năng của ông.  

Nhưng sẽ là một thiếu sót trầm trọng nếu không nhắc đến vị thế chính trị của con người Günter Grass trong xã hội Đức đương đại. Bởi trong đời sống Đức, sự can thiệp của ông vào các động thái chính trị hầu như nặng ký hơn cả tài năng văn chương. Vì những nhận xét sắc sảo và xác đáng mà ông được coi như một trọng tài đạo đức. Khi cả nước Đức ngại “há miệng mắc quai” đến nỗi không dám đả động đến dân Do Thái thì ông là người thẳng thắn phê phán chính sách bạo lực của quốc gia Israel đồng minh. Khi thủ tướng Đức Helmut Kohl cùng tổng thống Mỹ Ronald Reagan đến thăm nghĩa địa lính phát xít cũ ở Bitburg (Đức), Günter Grass là người của công chúng duy nhất nói ra những lời phản đối mãnh liệt nhất.

Nhưng rồi cũng đến ngày bóng đen quá khứ đuổi kịp ông. Khi một số chi tiết đe dọa bị lôi ra ánh sáng, Günter Grass đã thú nhận trong một cuộc phỏng vấn trên nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung 2006 rằng ông từng đứng trong đội ngũ lính SS và lính tăng của phát xít Đức.

Chủ đề này được mổ xẻ kỹ trong cuốn tự sự xuất bản ít lâu sau, mang đầu đề Khi lột vỏ hành (Beim Häuten der Zwiebel). Ông tâm sự: “Một áp lực khủng khiếp. Sự im lặng của tôi trong chừng ấy năm là một trong những lý do khiến tôi viết cuốn này. Phải nói ra thôi, đã đến lúc rồi”.

Günter Grass đã im lặng quá lâu để giữ vị thế giảng đạo đức của mình? Đã giấu giếm dĩ vãng để tránh nguy cơ bị trượt hoặc thậm chí bị rút lại giải Nobel? Quá nhiều câu hỏi sẽ không được trả lời thấu đáo nữa.

Chúng ta có được phép tự an ủi rằng mặt trời cũng có vết, rằng thái độ dũng cảm thú tội của ông, dù muộn, vẫn là một thái độ dũng cảm? Và dù tấm gương đạo đức có vết ố, nhưng điều đó không làm giảm ánh hào quang của một sự nghiệp văn chương?

Vĩnh biệt ông. 

Lê Quang
Nguồn: Tuổi Trẻ