Ngày đăng : 30/03/2015

Giá không có cuộc đời


Azit Nexin từng kể một câu chuyện nổi tiếng tên là “Giá không có ruồi”, về một tay nhà văn loay hoay cả đời không viết được tác phẩm của mình, nại hết lý do này tới lý do khác. Thật ra, ai trong chúng ta cũng có thể trở thành một tay nhà văn như thế, với cuốn tiểu thuyết riêng của cuộc đời mình.


Tranh: Lê Thiết Cương

Nhân vật của Azit Nexin từ năm lên 10 bắt đầu mơ ước, những ước mơ thuần khiết và không vụ lợi. Đầu tiên, hắn ta ước mình học giỏi. Sau đó, đến tuổi thanh niên thì mơ ước viết được một quyển tiểu thuyết để đời. Nhưng cứ mỗi lần nói về ước mơ, gã lại viện ra một lý do gì đó: lúc thì không có cặp xách đẹp, khi thì thiếu tiền, thiếu nhà, thiếu người yêu, lúc đầy đủ cả thì lại con cái... Cuối cùng, khi không còn biết viện ra lý do gì nữa, gã bèn nhủ: tất cả là tại lũ ruồi cứ vo ve bên tai. Giá không có ruồi thì gã đã viết xong cuốn tiểu thuyết để đời.

Cuối cùng thì tất cả chúng ta đều có thể trở thành “hắn” của Azit Nexin, bởi vì ai trong chúng ta cũng có những mơ ước, và ai trong chúng ta rồi cũng sẽ bị cuộc đời quàng vào cổ những gánh nặng cơm áo, những nghĩa vụ với vợ chồng con cái, và ai trong chúng ta cũng có thể tặc lưỡi “giá không có ruồi” thì tôi đã thực hiện ước mơ. Ruồi ở đây chính là khế ước xã hội.

Tuần trước, lá thư từ chức của giám đốc tài chính Google Patrick Pichette gây xôn xao dư luận, xuất hiện trên khắp các mặt báo. Ông này, ở độ tuổi 52, không cần nói cũng biết lương cao ngất, chịu trách nhiệm với hàng vạn nhân sự, quyết định từ bỏ tất cả để đi vòng quanh thế giới cùng vợ. Chỉ vì vợ ông hỏi: Vậy bao giờ mới đến lúc cho chúng ta?

Khi chuyện này lan ra, một số xúc động ngợi ca ông là người dám xé bỏ khế ước xã hội để sống cho bản thân. Một số ngay lập tức biện luận: vì ông ấy có quá nhiều tiền rồi, nên có thể làm điều mình muốn. Lại vẫn là luận điệu “có ruồi hay không có ruồi”.

Không ai có thể hoàn thành khế ước xã hội, đặc biệt là ở nước ta, nơi mà sự gắn kết gia đình mạnh hơn trong văn hóa phương Tây: Đến năm 70 tuổi, nếu may mắn lắm thì nhiều người lo xong cho hai đứa con mỗi đứa một cái sổ đỏ, còn chưa kịp thở hắt ra thì chúng đã có kế hoạch mua xe hơi và ông bà đành dốc nốt tiền tiết kiệm ra hỗ trợ, cho thằng đích tôn đi học đỡ mưa đỡ nắng.

Nhưng trong khi chúng ta chỉ trích mấy vị lãnh đạo vì giải quyết theo sự vụ, hễ có xảy ra bất cập ở đâu thì xuất hiện hô hào chỉ đạo chứ không giải quyết bằng chính sách, thì chính bản thân chúng ta cũng giải quyết đời mình theo sự vụ. Hết công ăn việc làm lại đến nhà chung cư, hết nhà lại đến xe rồi nhà cho con, cứ thế mà sống. Rồi tất nhiên là nếu có điều kiện khai man tuổi để chậm nghỉ hưu thì cũng phải làm thôi, vì lo thế thì đến bao giờ lo cho hết được.

Vào website của Bộ Lao động Hoa Kỳ, thấy người ta liệt kê đến 10 cách để lên kế hoạch nghỉ hưu cho người lao động. Trong website của Sở Thuế vụ Hoa Kỳ còn thấy cung cấp biểu mẫu cho cả chục loại kế hoạch nghỉ hưu khác nhau. Năm nay tôi tiết kiệm được bao nhiêu tiền thì ghi vào đây. Nếu đầu tư cổ phần ở đâu thì ghi vào đây. Hãy đặt ra một mục tiêu rồi sau đó thực hiện theo các bước này. Họ hướng dẫn người lao động như thế, thậm chí yêu cầu doanh nghiệp nếu người lao động chưa có kế hoạch thì phải khuyên họ đi.

“Nghỉ hưu” ở nước ta vốn được hiểu là hết tuổi lao động của Nhà nước, về nhà chơi, họp tổ hưu, nhận lương hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội (lương này khéo co kéo thì đủ tiền đong gạo), chứ chưa bao giờ là một kế hoạch. Một kế hoạch mà trong đó, khi họ đã hòm hòm cái “khế ước xã hội” sau bao nhiêu năm lao động, thì còn đôi chục năm để nghĩ đến những ước mơ thuần khiết mà mình còn chưa làm được trong đời. Một kế hoạch bao gồm cả tài chính, chuẩn bị tinh thần cho mình và những người xung quanh, một cái kế hoạch có mục tiêu và đường hướng thực hiện, có cả file máy tính thống kê lộ trình đàng hoàng.

Không có một thứ như thế, đến cuối ngày, đàn ông và phụ nữ nước ta vẫn liên tục tranh luận rằng ai khổ hơn, lo những cái nhà cửa, con cái, cháu chắt ai góp nhiều phần hơn. Vì một lý do nào đó, cái sự khổ nhọc vì những thứ “khế ước” này lại trở thành huy chương duy nhất mà người ta có vào cuối đời.

Thật ra, không phải là bởi vì người Việt không biết tiết kiệm. Người Việt không cần đến một biểu mẫu của sở thuế cho để lên kế hoạch tiết kiệm. Toàn những bậc thầy trữ vàng, trữ đôla cả. Chỉ có điều, chúng ta thường tiết kiệm để mua những thứ mang tính phương tiện: cái nhà, cái xe chỉ là phương tiện để ta sống cho riêng mình, thì lại trở thành mục đích cuối cùng của đời người. Còn cái mục đích thật sự, đôi khi chỉ là đi học đàn, một chuyến du lịch dài ngày hay viết một quyển sách, thì bị xếp xó vì lối biện minh “vẫn còn nhiều ruồi quá”.

Cứ nghĩ như thế, để thực hiện ước mơ có lẽ ta phải ước rằng “giá không có cuộc đời”, bởi cái gì trong đời cũng có thể trở thành “ruồi” để ngăn anh lại.

Đức Hoàng
Nguồn: Tuổi Trẻ