Ngày đăng : 12/08/2015

Người trẻ đang đọc gì?


Trong bối cảnh gần 40% dân số Việt Nam thuộc độ tuổi trẻ từ 10-29 tuổi (báo cáo của Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc năm 2013), và một thị trường sách trong nước khá nhộn nhịp và phong phú, thử tìm hiểu xem người trẻ đang đọc gì...


Một số bạn trẻ tranh thủ đọc sách trong lúc ngồi nghỉ tại công viên - Ảnh: Đỗ Duy

Với những câu hỏi về tựa sách, lý do chọn và đọc, những điều rút tỉa được..., một cuộc thăm dò bỏ túi của TTCT đã nhận được câu trả lời đa dạng từ nhiều bạn trẻ thuộc các nhóm tuổi (học sinh THCS, THPT, đại học và người trẻ đã đi làm) ở nhiều tỉnh, thành phố.

Một cuộc tọa đàm “Người trẻ viết gì - Giới trẻ đọc gì” diễn ra ngay sau những ồn ào về danh mục sách bán chạy hàng đầu ở Hội sách TP.HCM lần thứ 8 mang lại nhiều câu trả lời tích cực, ít nhất cho thấy giới trẻ không bàng quan với sách như nhiều người tưởng.

Nhiều ý kiến đã trình bày mạch lạc về lịch sử của sách và việc sách giúp người đọc phát huy trí tưởng tượng, khiến họ trưởng thành hơn thông qua quá trình bồi đắp và soi xét tâm hồn hay về cách sách giúp người đọc tiếp cận nghệ thuật và thay đổi quan niệm sống của họ theo hướng tích cực... Những câu trả lời phản ánh một cái nhìn khá thực tế, nhân văn và tích cực của người trẻ về việc đọc.

Nguyễn Kiều Trinh (học sinh Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) cho biết em đang đọc những cuốn sách nói về các nhân vật đồng trang lứa như Trò chơi sinh tử (The hunger’s game), Đặc quyền kẻ bên lề (The Perks of being a wallflower) nói về tâm tư tình cảm một cậu bé 15 tuổi, hay The lovely bones (nói về một linh hồn của một bé gái 14 tuổi bị sát hại)...

Nguyễn Thị Trà Giang (17 tuổi, THPT Nguyễn Huệ, Hà Nội) thì thích đọc các tiểu thuyết thiếu niên như Harry Potter, Bí mật của Nicholas Flamel, Chúa nhẫn... vốn mang nội dung không có quá nhiều khác biệt với những lựa chọn Hoàng tử lạnh lùng và cô nhóc lanh chanh, Tìm lại yêu thương ngày xưa, Nắng về phía ấy... của Gia Bảo (học sinh Trường Nam Sài Gòn).

Đối với Trần Thị Diễm Trinh (học sinh Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm, TP.HCM), loạt sách Hạt giống tâm hồn lại là lựa chọn chính.

Khía cạnh tâm lý

Lý do chọn sách cũng đa dạng như tựa sách, hầu hết cho biết đã xem qua những bộ phim dựa trên các tác phẩm này, muốn hiểu thêm về cách suy nghĩ và cuộc sống của con người phương Tây, để giải trí và nâng cao vốn từ vựng.

Khía cạnh tâm lý cũng rất đáng lưu ý: nhiều em cho biết mình ưa thích loại truyện khoa học viễn tưởng, phiêu lưu và trinh thám, nhưng có em do luôn gặp khó khăn trong việc tạo dựng mối quan hệ vững chắc với người khác nên tìm đọc những cuốn sách để biết cách “tự rút kinh nghiệm” và cân nhắc các mối quan hệ tình cảm tuổi học trò. Có em vì muốn được trang bị thêm “kiến thức thực tế” từ những cuốn sách.

Với nhóm học sinh THCS (từ 12-13 tuổi) tại Trường THCS Đồng Mỏ, Mai Sao (Lạng Sơn), có đến hơn 80% lựa chọn truyện tranh vì “có nhiều hình vẽ hài hước và ngộ nghĩnh”, và vì “lần nào đọc cũng thấy nhiều điều đáng học hỏi trong từng mẩu truyện, chẳng hạn tinh thần đoàn kết, tình bạn gắn bó giữa các nhân vật”.

Đối với sinh viên, Ngô Phi Yến (Đại học Ngoại thương TP.HCM) quan tâm đến các tác phẩm viết về gia đình, tình yêu và cuộc sống. L.N.M.Nhựt (sinh viên mỹ thuật) đang đọc ba cuốn sách Đại gia Gatsby, Nếu gặp người ấy cho tôi gửi lời chào (Ichikawa Takuji) vì các tác giả đều “có chỗ đứng riêng ở thể loại họ theo đuổi”, riêng tác phẩm của F. Scott Fitzgerald, theo Nhựt, đã thuộc hàng kinh điển - một tiêu chí quan trọng để bạn chọn sách.

Sự hấp dẫn của hình thức

Nhóm người trẻ đã đi làm có danh mục sách đa dạng và ít trùng lặp hơn cả, từ sách mang nội dung công nghệ và kinh tế với lý do rất thực tế: gắn liền với công việc, đến sách chủ đề văn hóa, du lịch vì thích đi du lịch và tìm hiểu các nền văn hóa.

Những chọn lựa đối với sách văn học và tiểu thuyết thường để “cảm nhận cuộc sống của người khác, cách vượt qua bế tắc, khó khăn của họ” và để rút ra những “chiêm nghiệm nhân sinh” như Lư Khải Hoàng (26 tuổi, Arrive Technologies Vietnam), để thỏa khao khát tìm hiểu các nền văn hóa, con người và vùng đất lạ...

Với mảng văn học trong nước, các tác phẩm Có một phố vừa đi qua phố (Đinh Vũ Hoàng Nguyên), Trăm năm là hữu hạn (Phạm Lữ Ân), Lạc giữa nhân gian - Trên đường rong ruổi (Đặng Nguyễn Đông Vy - Phạm Công Luận), Đường hai ngả người thương thành lạ (Anh Khang), Cánh đồng bất tận, Chấm, Sông dài (Nguyễn Ngọc Tư)... cũng thu hút nhiều độc giả trẻ đã đi làm vì họ tìm thấy trong đó những giá trị “sống đẹp đẽ”, để nhìn cuộc sống nhẹ nhàng hơn.

Dù vậy, hầu hết người được hỏi chỉ “quan tâm đến tác giả từ 30 tuổi trở lên” vì cho đây là độ tuổi đủ tin cậy để viết ra những cuốn sách mang cảm xúc thật.

Nếu các học sinh thường chọn sách theo thể loại (phiêu lưu, trinh thám, sách dựng thành phim) với hình thức bắt mắt, được đánh giá cao trên các kênh truyền thông, thì các sinh viên có xu hướng chọn sách dựa vào tác giả quen thuộc và ưa thích, nội dung mang tính nhân văn sâu sắc.

Xu hướng này cũng không khác biệt nhiều với nhóm người trẻ đã đi làm, khi tiêu chí chọn sách hàng đầu luôn là “đã có bài bình luận tốt trước đó”, “tác giả quen thuộc”, “chủ đề ưa thích” và không thể thiếu yếu tố “bìa đẹp, giấy tốt”.

Trí Vương
Nguồn: Tuổi Trẻ