Ngày đăng : 26/03/2008

Sách có thể làm thay đổi thế giới


Hội thảo khoa học “Đọc sách & Dân trí” với chủ đề: “Người Việt có mê đọc sách?” do Sách Hay tổ chức đã được diễn ra tại Hội sách TP.HCM lần thứ V - nơi hội tụ của hơn 15 triệu bản sách, nơi hội tụ linh thiêng của tri thức. Hơn 50 nhân sĩ, trí thức, học giả hàng đầu của đất nước – cũng là thành viên Nhóm sáng lập Sách Hay; Đại diện lãnh đạo chính quyền; Đại diện ngành giáo dục, giới truyền thông, xuất bản, doanh nhân, sinh viên; Và đông đảo độc giả là những người mê đọc sách đã cùng hội tụ về đây, chia sẻ và đưa ra những giải pháp góp phần phát triển văn hóa đọc đến với toàn xã hội.

Kéo dài đến hơn 12h trưa ngày 14/03/2008, không khí hội thảo đã liên tục được đốt nóng bởi hàng loạt những ý kiến, những chia sẻ, những giải pháp. Diễn giả trên sân khấu cũng như khán giả dưới hội trường đều rất sôi nổi, hào hứng và tâm huyết cùng nhau bàn luận về thói quen đọc sách của người Việt, cùng đưa ra những giải pháp từ vĩ mô đến vĩ mô, dành cho cộng đồng đến cá thể...

Thế mới thật thấm thía những chia sẻ của nhà văn Nguyên Ngọc trong phần mở đầu hội thảo: “Có lẽ có thể nói mà không sợ quá đáng: sách và hành vi đọc là một trong những khám phá đẹp đẽ nhất và quan trọng nhất trong suốt hành trình lịch sử lâu dài của con người. Làm sao có thể hình dung lịch sử loài người, lịch sử văn minh của con người mà không có sách, không có hành vi tuyệt diệu đọc sách của con người... Sách có thể làm thay đổi suy nghĩ của con người, và từ đó làm thay đổi thế giới…”. Nhà văn Nguyên Ngọc cũng thay mặt BTC đặt ra những vấn đề của hội thảo: “Chúng ta sẽ cùng nhau nghĩ và bàn xem trong thế giới ngày nay, khi các phương tiện truyền thông hiện đại phát triển như chưa từng có, có quả thật sách vẫn còn vai trò không thể thay thế của nó như nó đã từng có từ ngàn xưa hay không? Tình hình đọc của chúng ta hiện đang như thế nào? Có phải người Việt đã từng có truyền thống trọng sách, mê sách? Và trong những điều kiện nào đó đã đánh mất truyền thống ấy đi? Vì sao? Hiện nay những đối tượng nào trong xã hội đang đọc nhiều, những ai đang đọc ít, rất ít, những ai không còn đọc, không hề đọc? Có cần và có thể khôi phục lại niềm say mê đọc không? Và điều quan trọng hơn cả, nếu cần thì làm thế nào để khôi phục được thói quen văn hóa thú vị và cao quý đó? Làm thế nào để gây men và kích thích trở lại tình yêu sách, niềm mê sách?...”

Những câu hỏi của nhà văn đặt ra đã bắt men cho hàng loạt những ý kiến, những giải pháp đến từ những trí thức, những học giả lớn, những đại diện của các giới, các ngành đến những bạn trẻ là sinh viên, học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường và đến cả những cô, những chị làm nội trợ trong gia đình.