Hội đồng trao giải

Hội đồng trao Giải Sách Hay

 1. Hội đồng trao giải (HĐTG) của GSH được thành lập hàng năm với sự chỉ định của Ban tổ chức. HĐTG gồm các Ông Bà có tên sau đây:

- Nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc
- Giáo sư Chu Hảo
- Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt
- Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn
- Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung

 2. Quyền và trách nhiệm của HĐTG:

- Quyết định công nhận (hoặc hủy bỏ) kết quả GSH trong từng hạng mục Giải thưởng 

- Giữ quyền phủ quyết một kết quả xét tuyển nào đó (nếu như kết quả đó chưa phù hợp với mục đích, tinh thần, tiêu chí, nguyên tắc của Giải và/hoặc các giá trị cốt lõi mà Giải mong muốn xác lập).

- Quyết định phủ quyết chỉ có hiệu lực khi được tối thiểu 4/5 thành viên HĐTG tán thành. Khi đưa ra quyết định phủ quyết, HĐTG sẽ có thư chính thức gửi đến Hội đồng xét giải có giải thưởng bị phủ quyết.

Hội đồng xét Giải Sách Hay

Hội đồng xét giải (sau đây gọi tắt là HĐXG) là các chuyên gia có uy tín chuyên môn trong từng hạng mục Giải thưởng và có uy tín đối với xã hội. Quy định về HĐXG như sau:

- HĐXG do BTC thành lập. Thành viên của các HĐXG sẽ do BTC lựa chọn và mời tham gia. Riêng HĐXG của hạng mục sách Phát hiện mới cũng chính là HĐTG.

- HĐXG của mỗi hạng mục có số lượng không quá 10 (mười) người và không ít hơn 05 (năm) người.

- HĐXG giao dịch chủ yếu qua E-mail hay thư giấy hay điện thoại. Phiên họp của HĐXG (nếu có) chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 số Thành viên HĐXG của hạng mục đó tham dự

- “Tinh thần giải thưởng” và “Tiêu chí xét giải” được nêu trong Điều lệ này là cơ sở để các thành viên HĐXG đánh giá, xếp hạng và đề nghị trao Giải thưởng phù hợp.

- Giấy chứng nhận Giải Sách Hay sẽ được ký bởi 01 (một) Thành viên đại diện cho HĐXG và/hoặc HĐTG và/hoặc BTC.

- Trong quá trình xét giải, nếu cần thiết phải có sự thay đổi về danh sách hay cơ cấu Thành viên HĐXG thì BTC chịu trách nhiệm điều chỉnh và có quyết định cuối cùng, đồng thông báo chính thức cho các HĐXG.

Ban Thư ký Giải Sách Hay

Ban Thư ký GSH (gọi tắt là “BTK”) được thành lập bởi Đơn vị tổ chức GSH, có quyền và trách nhiệm như sau:

- Xây dựng và đề xuất kế hoạch tổ chức Giải thưởng hằng năm, trình BTC (gồm Ban Điều hành Viện IRED và Ban thường trực Dự án Khuyến đọc Sách Hay) phê duyệt, và tổ chức thực hiện kế hoạch đó.

- Tổ chức đề cử giải Sách hay từ đông đảo độc giả (nhân sỹ, trí thức, chuyên gia, nhà báo, nhà giáo và đông đảo độc giả mê sách)

- Lấy danh mục sách đề cử từ các Thành viên HĐXG giải thưởng của từng hạng mục GSH

- Tổ chức các buổi thẩm định, lấy ý kiến nhận xét về danh mục sách đề cử và tổ chức các phiên họp của các HĐXG (nếu cần thiết).

- Tổng hợp danh mục sách đề cử để đưa vào vòng Sơ khảo cho HĐXG đánh giá, xếp hạng

- Cùng với HĐXG tổng hợp kết quả xét tuyển Giải thưởng trong từng vòng xét tuyển, trình để BTC và HĐTG ra quyết định công nhận và công bố các cuốn sách được nhận Giải thưởng.

- Triển khai các công việc để tổ chức giải thưởng và công bố giải thưởng theo kế hoạch đã được duyệt và theo chỉ đạo của Trưởng BTC.

- Là đầu mối liên hệ / giao dịch của Độc giả, HĐXG giải thưởng, HĐTG, BTC giải thưởng, nhà tài trợ và các cá nhân, tổ chức có liên quan đến giải thưởng. 

 

CHIA SẺ CỦA CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG TRAO GIẢI

Nhà văn - Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc
Thành viên Hội đồng Trao Giải Sách Hay

Tình hình sách trên thị trường ở ta hiện nay đã phong phú hơn nhiều, nhưng cũng như mọi sự ở đời, phong phú bao giờ cũng đi đôi với phức tạp. Giải Sách Hay có mục đích thứ nhất là hỗ trợ, gợi ý cho người đọc tìm được sách đáng đọc trong rừng sách bây giờ; và qua đó góp phần nâng cao thị hiếu đọc, một phần quan trọng của văn hóa đọc. Giải Sách hay còn đặc biệt nhằm đến những người và những cơ quan làm sách tốt, hay. Chính những người này lặng lẽ mà lại tác động rất nhiều đến người đọc, qua việc đưa sách nào ra thị trường. Cho nên cũng có thể nói cuộc thi là một kiểu “phê bình văn học (cả văn hóa nữa - tất nhiên nếu nó được tổ chức tốt), một sự lên tiếng về việc viết sách, làm sách và đọc sách. Có thêm giải Sách hay này đời sống văn hóa sẽ vui hơn, sôi nổi hơn, chắc sẽ góp phần thu hút được nhiều hơn sự quan tâm của mọi người đến sách và đọc sách.”

 

Giáo sư Chu Hảo
Thành viên Hội đồng Trao Giải Sách Hay

“Gần đây các loại giải thưởng của Nhà nước và của các Tổ chức xã hội khá phong phú. Bên cạnh những giải có uy tín và tác dụng xã hội tốt, vẫn có những giải còn nhiều hạn chế về quy mô và chất lượng. Giải thưởng về sách rất ít. Trong hoàn cảnh đó, sự ra đời của Giải Sách Hay, với khuynh hướng đề cao tác động xã hội của ấn phẩm và phát huy tinh thần dân chủ trong quy trình tuyển chọn, là một sự bổ sung cần thiết và khả thi vào công cuộc chấn hưng nền văn hóa đọc của nước ta (đang hết sức đáng lo ngại!), và tôn vinh các tác giả - tác phẩm có giá trị văn hóa - xã hội - thẩm mỹ cao.”

 

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt
Thành viên Hội đồng Trao Giải Sách Hay

Dự án Sách Hay ra đời vào năm 2007 và Giải Sách Hay do Hội đồng Sáng lập Dự án Sách Hay đề xướng bắt đầu từ năm 2011, với những quy định, điều lệ, tiêu chuẩn tuyển chọn và tiêu chí chấm giải mở rộng, các tác giả, dịch giả, nhà làm sách nhất là giới làm sách tư nhân vốn sở hữu một tỉ trọng khá lớn các sản phẩm sách trên thị trường xuất bản hiện nay sẽ có nhiều cơ hội chạm tay vào các giải thưởng. Qua đó những tác phẩm hay sẽ được đánh thức và có điều kiện tái xuất hiện với bạn đọc bằng một diện mạo mới và giá trị sang trọng như nó vốn có.”

 

Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn
Thành viên Hội đồng Trao Giải Sách Hay

Sách hay thì sống dai - (Friedrich Nietzsche). Do đó, bên cạnh những tiêu chí thông thường, Giải Sách Hay hàng năm còn có nét đặc sắc riêng do tính rộng mở của nó: phạm vi tuyển chọn không phân biệt tác giả/dịch giả còn sống hoặc đã mất, đối tượng tuyển chọn là những tác phẩm đã xuất bản trong gần 40 năm qua. Thêm một cơ hội để tôn vinh và giới thiệu đến người yêu sách những tác giả và công trình đã được thời gian thử thách và có chân giá trị. Mong rằng Giả Sách Hay sẽ được người đọc tán thưởng và tin cậy.”

 

Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung
Thành viên Hội đồng Trao Giải Sách Hay

“Trong những quốc gia, đặc biệt là những quốc gia mà có nền giáo dục lạc hậu, ‘lạc đường’ và ‘ngược đường’, thì sách hay, sách quý sẽ có vai trò tiên phong trong công cuộc chấn hưng giáo dục và khai minh xã hội. Bởi khi đó, sách sẽ có vai trò chính yếu trong việc tiếp sức cho hành trình ‘tự lực khai phóng’ của mỗi người để trở thành con người tự do. Mong rằng giải Sách Hay thường niên này sẽ là một kênh để góp phần làm nổi bật hơn vai trò của sách, góp phần “khuyến đọc sách hay” và kéo mọi người đến với sách nhiều hơn. Đồng thời giải Sách Hay này cũng thể hiện phần nào sự tri ân của cộng đồng, của bạn đọc đối với những đóng góp lặng thầm nhưng hết sức ý nghĩa của những tác giả, dịch giả và các đơn vị làm sách, nhà xuất bản vì họ đã mang đến cho chúng ta những cuốn sách quý này.”