Tại sao các quốc gia thất bại

 

Nội hàm "thất bại" được hai tác giả Daron Acemoglu và James A. Robinson trình bày bằng cách giải đáp câu hỏi từng gây bối rối cho các chuyên gia qua nhiều thế kỷ: Tại sao một số nước giàu còn nhiều nước khác lại nghèo, bị chia rẽ giữa phồn vinh và nghèo khó, mạnh khỏe và bệnh tật, no đủ và đói kém?

 Tập sách vì thế đã chạm ngay vào những thực tế khốc liệt, vĩ đại, vinh quang và cả đau đớn của nhiều quốc gia, dân tộc. Ở thời đại toàn cầu hóa, kinh nghiệm về nghệ thuật quản trị xã hội và phát triển đất nước đang ngày một cởi mở trong tương tác bằng nhiều kênh. Nhưng mấu chốt vẫn là vấn đề con người. Do đó, những vấn đề như "Các nước nghèo không phải vì yếu tố địa lý hay văn hóa, hay vì các nhà lãnh đạo đất nước không biết chính sách nào sẽ làm giàu cho dân chúng", "Sự thịnh vượng và đói nghèo được quyết định bởi các động cơ khuyến khích hình thành từ các thể chế như thế nào" được đặt ra như khía đúng điểm quan tâm chung của những người đang theo dõi cuộc chuyển biến toàn cầu hiện nay.

 Bằng cái nhìn bao quát và thâm nhập lịch sử của nhiều quốc gia đông tây kim cổ, hai giáo sư Daron Acemoglu và James A. Robinson lập luận rằng những quốc gia thất bại là những đất nước bị cai trị bởi một nhóm quyền thế tập trung, và những nhóm này đã tổ chức xã hội để phục vụ quyền lợi riêng của họ trong khi đại đa số quần chúng nhân dân phải trả giá.

 Daron Acemoglu và James Robinson đã đưa ra câu trả lời và chứng minh dứt khoát rằng chính những thể chế kinh tế và chính trị do con người tạo ra là nguyên nhân của sự thành công hay không thành công về kinh tế.

Tập sách là công trình nghiên cứu trong 15 năm của hai nhà kinh tế học xuất sắc và uyên bác. Ấn bản tại VN do Nguyễn Thị Kim Chi dịch cùng sự hợp tác của Hoàng Thạch Quân và Hoàng Ngọc Lan, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. Tựu trung, điều cuốn sách muốn nhắm đến là những thể chế nào có những điều chỉnh, cải cách để dung hợp được các lợi ích kinh tế - chính trị và tạo điều kiện cho người dân làm ăn sinh sống được tốt nhất sẽ thành công. Như sách đã chỉ ra, ngay như Trung Quốc khi họ giải quyết được phần nào đó sự dung hợp này, họ đã có sự tăng trưởng thần kỳ. Và giờ đây họ vẫn tiếp tục giải quyết bài toán hể chế dung hợp của họ.

Lam Điền