Giải thưởng Sách Hay 2011: Thông điệp có tính khuynh hướng

Mười một tác phẩm thuộc bảy lĩnh vực: lẽ sống, giáo dục, nghiên cứu, kinh tế, quản trị, văn học thiếu nhi, văn học - tiểu thuyết vừa được tôn vinh tại Giải thưởng Sách hay 2011 vào sáng qua (8.9.2011) tại khách sạn Kim Đô, TP. HCM.

 
Dịch giả Đoàn Tử Huyến nhận giải Sách dịch từ ban tổ chức
 

Lần đầu tiên tại Việt Nam, một giải thưởng về sách đã mời gọi người đọc và những chuyên gia ngồi “chung bàn”, gặp gỡ, đề cử, trao đổi và đi đến đồng thuận chọn ra những đầu sách xứng đáng. Ban tổ chức giải thưởng quy tụ các chuyên gia uy tín trên các lĩnh vực (Nguyên Ngọc, Bùi Văn Nam Sơn, Quách Thu Nguyệt, Giản Tư Trung, Nguyễn Văn Trọng...), với một tinh thần, tiêu chí riêng, không lệ thuộc vào sự “bao cấp” lẫn áp đặt tôn chỉ nào khác. Sự độc lập tìm kiếm và khẳng định các giá trị văn hóa đọc là giá trị đầu tiên của giải thưởng này, nhất là trong bối cảnh những “giải thưởng quốc doanh” đang tự đẩy mình vào tình trạng bị rẻ rúng do nhiều bất cập.

Có rất nhiều tác phẩm lần này đã đoạt quá nhiều những giải thưởng khác trong nước và quốc tế như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh từng đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1991, giải thưởng châu Á 2011, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần từng đoạt giải A một cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi của NXB Trẻ 2002 và 2009 đoạt giải Peter Pan của Thụy Điển, bản dịch Nghệ nhân và Margarita (Mikhail Bulgacov) của Đoàn Tử Huyến từng nhận giải thưởng Hội Nhà văn 1991, Hoàng tử bé của Antoine de Sain-Exupéry quá nổi tiếng tại miền Nam trước 1975...

Tuy nhiên, nếu không đề cao quá về khả năng phát hiện thì với việc khẳng định lại những giá trị thật bằng một nhãn quan độc lập, vẫn có thể xem đây là nỗ lực quan trọng của ban tổ chức khi mà chuyển động của đời sống văn hóa đọc tại Việt Nam trên thực tế rất chậm chạp, cái mới thật sự giá trị còn quá hiếm hoi.

“Qua việc chọn và trao giải, ban tổ chức muốn gửi đi một thông điệp có tính khuynh hướng về văn hóa đọc”, nhà văn Nguyên Ngọc, thành viên ban tổ chức nói. Và, có thể hiểu rằng, ở những lĩnh vực không tìm thấy sách hay để trao (như sách viết về Lẽ sống, sách Nghiên cứu) cũng là một thông điệp với giới viết, làm xuất bản.

Một trong những điều cảm động nhất mà giải thưởng này làm được, đó là trong lễ trao giải, Ban tổ chức đã dành nhiều thời gian đọc các diễn từ của người vắng mặt. Như theo dịch giả Phạm Toàn, đây là một “thông điệp cho người Việt Nam trong công cuộc dân chủ hóa”. Trong khi đó, nhà văn Bảo Ninh đang điều trị bệnh gout cũng gửi đến ban tổ chức những lời tri ân (xem trích dẫn) và đặc biệt đến những người thầy, những đầu óc đổi mới đã truyền cho ông sinh khí viết nên tác phẩm gây tiếng vang. Với người đã khuất như thi sĩ, dịch giả Bùi Giáng, GS Dương Thiệu Tống, GS Đặng Phong thì Ban tổ chức tôn vinh họ bằng những phút mặc niệm hiếm thấy ở những cuộc trao giải khác.

Một tuần trước khi giải được công bố, đã có một không khí chờ đợi hồi hộp trong giới làm xuất bản. Thoát khỏi mối lo toan quẩn quanh về một thị trường sách đang rơi vào khó khăn, nhiều người kinh doanh sách được đánh thức “lý tưởng và trách nhiệm” để tự nhìn lại và đánh giá không chỉ trên thước đo doanh thu mà còn trên giá trị chất lượng, đóng góp cho sự phát triển của tri thức cộng đồng. Nhìn ở góc độ này, những giải thưởng nghiêm túc có thể là những kích hoạt cần thiết cho các tác giả, dịch giả, nhà sản xuất trong việc tạo ra những sản phẩm sách giá trị trong tương lai và lôi kéo sự quan tâm của giới viết, dịch, làm xuất bản trong cả nước. Điều quan trọng nữa mà giải thưởng này làm được, đó là góp phần định hướng phát triển văn hóa đọc.

Bài và ảnh: N.Vinh
Nguồn: SGTT

(...) Từ khi xuất bản cho đến nay, Nỗi buồn chiến tranh quả thật đã trải nhiều nỗi thăng trầm, tuy nhiên, đây vẫn thực sự là một tác phẩm văn học Việt Nam có số phận vô cùng may mắn, bởi đã được sinh ra trong thời Đổi mới của văn học nước nhà. Ấy là một thời kỳ tuy quá đỗi ngắn ngủi, một đi không trở lại, nhưng tính khai sáng ngời rạng và huy hoàng của nó thì còn lại mãi mãi, bất diệt. Tôi vô hạn hàm ơn đất nước, con người và văn học thời đại ấy. Hàm ơn và luyến tiếc. Tuy nhiên tôi cũng hy vọng. Hy vọng rằng những nhân tố của Đổi mới vẫn còn trong văn học. Hy vọng một mai sẽ có những đổi thay còn kỳ diệu hơn cả trong Đổi mới...

(Trích diễn từ nhận giải của nhà văn Bảo Ninh)

Kết quả giải thưởng Sách Hay 2011

- Sách lẽ sống: sách viết: không có; sách dịch: Khuyến học (Fukuzawa Yukichi, Phạm Hữu Lợi dịch, NXB Trẻ, 2004, Nhã Nam & NXB Tri Thức, 2008).

- Sách giáo dục: sách viết: Phương pháp nghiên cứu giáo dục và tâm lý (Dương Thiệu Tống, NXB ĐH QG TP.HCM, 2002, Phương Nam Book & NXB KHXH, 2005); sách dịch: Dân chủ và giáo dục (John Dewey, Phạm Anh Tuấn, NXB Tri Thức, 2008).

- Sách nghiên cứu: sách viết: không có; sách dịch: Nền dân trị Mỹ (Alesiz de Tocqueville, Phạm Toàn dịch, NXB Tri Thức, 2007).

- Sách kinh tế: sách viết: Tư duy kinh tế Việt Nam 1975 - 1989 (Đặng Phong, NXB Tri Thức, 2008); sách dịch: không có.

- Sách quản trị: sách viết: Công ty: vốn, quản lý & tranh chấp (Nguyễn Ngọc Bích & Nguyễn Đình Cung, Phương Nam Book & NXB Tri Thức, 2009); sách dịch: bộ ba cuốn Chiến lược cạnh tranh; Lợi thế cạnh tranhLợi thế cạnh tranh quốc gia (Michael Porter, nhóm dịch giả, DTBooks & NXB Trẻ, 2009).

- Sách thiếu nhi - văn học: sách viết: Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần, NXB Trẻ, 2008); sách dịch: Hoàng tử bé (Antoine de Saint-Exupéry, Bùi Giáng dịch, NXB Văn Nghệ, 2005).

- Sách văn học (tiểu thuyết): sách viết: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh, NXB Hội Nhà Văn, 1991); sách dịch: Nghệ nhân và Margarita (Mikhail Bulgacov, Đoàn Tử Huyến dịch, TT Ngôn ngữ Đông Tây & NXB Lao Động, 2006).