'Nỗi buồn chiến tranh' đoạt giải Sách Hay 2011

Tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Bảo Ninh, do NXB Hội nhà văn ấn hành năm 1991, một lần nữa được vinh danh tại buổi trao giải Sách Hay, diễn ra ở TP HCM vào sáng 8/9.

> NXB Trẻ độc quyền xuất bản 'Nỗi buồn chiến tranh'/ Nhà văn Bảo Ninh đoạt giải Nikkei châu Á

Vì lý do riêng, nhà văn Bảo Ninh không vào TP HCM để nhận giải thưởng. Ông gửi đến Ban tổ chức diễn từ, trong đó có đoạn: "Tôi hàm ơn các thầy của tôi ở trường Viết văn Nguyễn Du là giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Nguyễn Minh Châu, giáo sư Phạm Vĩnh Cư. Đối với riêng bản thân tôi, các thầy chính là hiện thân của sự khai sáng và thức tỉnh trong đổi mới, nhờ các thầy mà tôi có được cho riêng mình tinh thần nhân văn tự do trong sáng tạo văn học, một cách cụ thể là nhờ các thầy mà tôi đã có thể viết cuốn Nỗi buồn chiến tranh".


Giáo sư Huỳnh Như Phương công bố kết quả ở mảng tiểu thuyết

Hội đồng xét tuyển hạng mục sách Văn học của giải Sách Hay cho biết, việc chọn tiểu thuyết trong nước để trao giải là khó khăn lớn. Trong hơn 35 năm qua, có rất nhiều cuốn tiểu thuyết Việt đáng được vinh danh. Nhưng sau hơn 5 tháng làm việc nghiêm túc, cẩn thận, hội đồng gồm dịch giả Dương Tường, Giáo sư Huỳnh Như Phương, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà báo Ngô Thị Kim Cúc, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đồng thuận chọn Nỗi buồn chiến tranh là cuốn tiểu thuyết đoạt giải Sách Hay 2011. Khi kết quả này được đọc ra, khán phòng hơn 100 người tham dự tại lễ trao giải đã dành một tràng pháo tay vang dội, thể hiện sự tán thưởng.

Cách đây 20 năm, cuốn tiểu thuyết này được Hội nhà văn Việt Nam trao giải thưởng cùng lúc với Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng của Dương Hướng. Trong khoảng thời gian dài đó, Nỗi buồn chiến tranh (hay Thân phận của tình yêu do NXB Hội nhà văn ấn hành năm 1991) chịu một số phận thăng trầm. Tuy vậy, giá trị của cuốn sách luôn được khẳng định mạnh mẽ bằng sự công nhận của bạn đọc và các giải thưởng lớn, nhỏ trong và ngoài nước, mà gần đây nhất là giải thưởng Nikkei của Nhật.


Từ trái qua: Giáo sư Huỳnh Như Phương, dịch giả Đoàn Tử Huyến, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và dịch giả Dương Tường

Ở mục sách văn học dịch, hội đồng chọn trao cho cuốn Nghệ nhân và Margarita, của nhà văn Nga Mikhail Bulgakov, do dịch giả Đoàn Tử Huyến chuyển ngữ, Trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây và NXB Lao Động ấn hành 2006. Ban tuyển chọn đánh giá, dịch giả cuốn tiểu thuyết này chứng tỏ sự am hiểu sâu sắc về ngôn ngữ, văn học Nga, về ngữ cảnh tác phẩm và ý nghĩa nhân văn mà tiểu thuyết này chuyển tải.

"Đây không phải là một cuốn sách dễ đọc. Chắc chắn sẽ có người nói tại sao hội đồng lại chọn một cuốn sách khó như thế! Nhưng chúng tôi vui mừng và mạnh dạn giới thiệu Nghệ nhân và Margarita đến bạn đọc vì đây là cuốn sách hay, đan xen giữa chủ nghĩa hiện thực, chất trữ tình và văn chương trào phúng, châm biếm sâu sắc và chua cay", giáo sư Huỳnh Như Phương nói.


Nguyễn Ngọc Thuần (giữa) cười tươi tắn khi nhận giải Sách Hay

Về mảng sách văn học thiếu nhi trong nước, từ 135 tác phẩm được đề cử, hội đồng gồm: nhà văn Lê Phương Liên, Đoàn Thạch Biền, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Thái Dương và tiến sĩ Quách Thu Nguyệt quyết định chọn Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần để trao giải. Nguyễn Ngọc Thuần khá xúc động khi nhận giải thưởng này. "Tôi có cảm giác rất kỳ lạ khi hôm nay đứng đây để nhận giải thưởng cho một cuốn sách đã được ra đời cách đây 10 năm...", anh bày tỏ trong lời nói cảm ơn.  

Về sách dịch, thi sĩ Bùi Giáng, một lần nữa được tôn vinh với lối văn dịch ngây thơ, trong trẻo, nhiều tầng nghĩa của ông qua cuốn tiểu thuyết Hoàng tử bé.  


Nhà văn Phan Triều Hải (áo sọc đen) đứng bên cạnh Nguyễn Ngọc Thuần (trái) và khách tham dự đứng dậy dành phúc mặc niệm cho các tác giả đã mất, được vinh danh tại lễ trao giải

Ngoài các tác phẩm văn học vốn đã quá quen thuộc, giải Sách Hay còn trao danh hiệu cho các đầu sách các lĩnh vực: Lẽ sống, Giáo dục, Nghiên cứu, Kinh tế và Quản trị. Các tác phẩm này đều là những đầu sách kinh điển, giàu tính học thuật, là chắt lọc của tinh hoa tri thức nhân loại trong từng lĩnh vực. Như: cuốn Khuyến học của tác giả Nhật Fukuzawa Yukichi (Phạm Hữu Lợi dịch) là cuốn sách tiêu biểu cho tinh thần ham học hỏi, lao động cần cù và đoàn kết, quật cường của dân tộc Nhật Bản, cuốn Nền dân trị Mỹ của Alexis Tocqueville là một cách nhìn thấu đáo, khoa học về cách người Mỹ xây dựng tinh thần dân tộc...

Dịch giả Đoàn Tử Huyến nhận xét: hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng văn hóa đọc đang suy tàn, từ lễ trao giải Sách Hay cũng như các hoạt động dành cho sách khác nhau đã và đang diễn ra, ông không đồng ý với nhận định này. "Có chăng là sự suy tàn của một số tổ chức cá nhân có trách nhiệm trong việc xây dựng và quản lý văn hóa đọc", ông Huyến nói.  

Theo dòng thời sự ồn ào của các hoạt động xét tặng, trao giải các cá nhân gần đây, dịch giả Phạm Anh Tuấn bày tỏ, không ai đủ can đảm để viết một lá đơn xin nhận một giải thưởng dù là giải thưởng ở cấp nào, dù có thể chỉ là một thủ tục hành chính, mang tính hình thức. "Tôi nghĩ rằng, hầu hết chúng ta đều từ chối làm công việc đó vì như vậy thì một giải thưởng sẽ thất bại ngay từ đầu và hạ thấp giá trị ở cả hai phía. Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh, dự án Sách Hay... đã tránh được điều này khi những con người độc lập cùng ngồi lại với nhau, làm việc trên tinh thần tự nguyện, chọn ra những tác phẩm, tác giả, dịch giả xứng đáng để tôn vinh", ông Anh Tuấn nói.


Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt xuất hiện trên sân khấu để công bố giải Sách Hay ở hạng mục thiếu nhi. Chị dắt theo hai cô bé xinh xắn để các em bày tỏ tình yêu dành cho sách cũng như đọc thơ cho khách tham dự thưởng thức.

Ban đầu, giải Sách Hay đề ra 8 hạng mục trao giải cho năm nay, trong đó có giải "Sách phát triển thiếu nhi". Tuy nhiên, sau khi thẩm định hơn 40 tác phẩm được đề cử, hội đồng tuyển chọn đã không chọn được sách trao giải. Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt nói, bản thân việc không trao giải cho hạng mục này cũng là một thông điệp mà hội đồng xét tuyển muốn gửi gắm đến xã hội, đến những người viết sách, dịch sách và làm sách của trẻ em Việt Nam.


Thoại Hà
Nguồn: eVan