Ngày đăng : 28/05/2015

Bí ẩn Người tình của Marguerite Duras


2014, với Marguerite Duras là năm đặc biệt ấn tượng: đúng một thế kỉ trước bà cất tiếng khóc chào đời tại một xứ sở xa lạ, nơi “không có bốn mùa”, chỉ một mùa duy nhất “nóng nực, đơn điệu”, nhưng lại là nơi bà không bao giờ quên: “Mẹ tôi nói rằng, suốt đời sẽ chẳng bao giờ tôi được thấy lại những dòng sông đẹp như vậy, lớn như vậy, hoang dã như vậy, như sông Mê Kông và những nhánh của nó xuôi ra biển”[1]. Đó là Nam Bộ, Việt Nam. Ấn tượng Việt Nam đã để lại rất sâu và lâu trong trái tim Duras, đến mức thật khó nghi ngờ điều Duras bộc bạch nhiều năm sau, khi đã trở thành một nhà văn nổi tiếng, trả lời phỏng vấn một tờ báo Mỹ, bà nói rằng: “Tôi sống cùng với người Việt Nam – hoàn toàn. Về phần tôi, tôi nói tiếng Việt gần như tốt hơn tiếng Pháp. Đấy là sự giàu có trong tuổi thơ của tôi – như tôi đã từng nói”[2]. Việt Nam chính là đất nước góp phần không nhỏ nuôi dưỡng tài năng của Duras. Ba mươi năm trước, 1984, khi tác phẩm Người tình ra đời, nó cũng được coi như một sự kiện lớn trong đời sống văn học Pháp nói chung và Duras nói riêng. Người Pháp coi việc xuất bản Người tình là một trong hai mươi sự kiện văn học lớn nhất thế kỉ 20. Còn ở Việt Nam, phải đến khi Người tình được dựng thành phim và được thực hiện một phần cảnh quay tại nơi nữ văn sĩ ra đời (1990), thì người ta mới bắt đầu “cơn sốt Duras”. Là người nghiên cứu và giảng dạy Duras trong suốt gần 40 năm qua, tôi thừa nhận rằng, đây là một trong số không nhiều nhà văn nước ngoài để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng người đọc. “Si mê” Duras, nhưng cũng có lúc, tôi nghi ngờ rằng, xung quanh cuộc đời bà và tác phẩm Người tình, dường như vẫn còn có những câu hỏi, những điều bí ẩn chưa bao giờ được giải đáp.

Chẳng hạn, tại sao một người từng sinh ra và lớn lên ở Việt Nam suốt gần 20 năm (từ 1914 đến 1932), từng có những ấn tượng rất đẹp về Việt Nam mà sau khi rời nơi đây, cho đến tận khi công bố Người tình (1984), nghĩa là suốt hơn nửa thế kỉ, Duras lại gần như không “nhắc” gì tới đất nước, nơi mình đã sinh ra? Thứ nữa, Người tình liệu có phải là một câu chuyện có thật của Duras ở xứ Đông Dương gần một thế kỉ qua? Người đàn ông Trung Hoa giàu có 31 tuổi ở Vĩnh Long có tên Huỳnh Thủy Lê yêu “cô bé da trắng 15 tuổi rưỡi” liệu có thật? Bao nhiêu năm trôi qua, sách vở, báo chí Việt Nam nhắc quá nhiều về mối tình này, thậm chí có người còn “thêu dệt” trên báo chí rằng, nhiều năm sau cuộc tình bị tan vỡ, người đàn ông Trung Hoa có dịp sang Paris đã gọi điện cho “người tình”, dẫn đến lí do có tới hai lần Duras viết tác phẩm Người tìnhNgười tình Hoa Bắc. “Huyền thoại Duras” còn hiện diện trong một căn nhà  tại thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp, nơi người ta tin rằng là của gia đình Huỳnh Thủy Lê, người tình Trung Hoa gần một thế kỉ trước, của bà (?)

Là người theo dõi Duras nhiều năm nay, thật lòng tôi không tin vào những “huyền thoại” hào phóng kể trên. Tôi ngờ rằng, đây chỉ là một “huyền thoại đẹp” mà người đọc Việt Nam (và ngay cả người Pháp) muốn lưu giữ về một nhà văn mà họ từng yêu mến. Chứ thực ra, xung quanh sự ra đời của tác phẩm Người tình, cũng như câu chuyện Người tình có thật sự liên quan đến cuộc đời Duras hay không vẫn luôn là một câu hỏi bí ẩn không dễ gì giải đáp. Duras thì đã mất cách đây 18 năm rồi (1996), trong suốt 18 năm qua, từng có nhiều lần tham dự các hội thảo, diễn đàn về Duras, thậm chí cách đây 5 năm (2008) còn có dịp gặp gỡ và nói chuyện với Jean Mascolo, người con trai duy nhất còn lại của Duras tại trung tâm L’Éspace Hà Nội, tôi chưa hề nghe bất cứ ai thân thiết, gần gũi với nữ văn sĩ nhắc tới câu chuyện tình lãng mạn gần một thế kỉ trước như thế của bà.

Thực ra, Duras bắt tay viết Người tình khoảng cuối 1983 và đầu 1984, năm đó bà đã gần 70 tuổi. Một nữ văn sĩ lãng mạn như Duras suốt hơn 40 năm cầm bút, từng có nhiều trang viết “nổi loạn”, đến những năm đã “về già” bỗng nhiên viết lại cuộc tình của chính mình, liệu có bao nhiêu phần trăm là sự thật? Không ít nhà nghiên cứu, nhà văn, cả những người thân và không thân với Duras đón nhận Người tình với rất nhiều tâm trạng khác nhau. Có người cho rằng câu chuyện người tình Trung Hoa trong tác phẩm của Duras là chuyện tình của chính mẹ bà, người phụ nữ thường xuyên thiếu người đàn ông trong suốt những năm trẻ tuổi (cha bà ốm đau bệnh tật thường xuyên phải quay về Pháp chữa bệnh), vì thế mà Duras sinh ra với làn da “màu nước mưa”, giống một “búp bê Trung Hoa” thứ thiệt. Cũng có người cho rằng Duras những năm cuối đời, ngoài “rượu chè be bét”, còn mắc chứng bệnh “tự yêu mình”, bà không thiếu  “mánh khóe” để vẽ lại chân dung thời trẻ tuổi của mình khiến mọi người phải “chú ý”. Nghĩa là có rất nhiều giả thiết xung quanh Người tình của Marguerite Duras.

Sự thực Duras đã viết Người tình như thế nào? Chính xác nó được khởi thảo khi bà đã bước sang tuổi gần thất thập. Thậm chí, ở thời điểm này, tác giả của nó đã “cận kề với cái chết”. Quả là vào thời điểm những năm 83,84, sau những năm tháng sống hết mình, lại mắc chứng nghiện rượu, thứ “ma túy” tàn phá con người kinh khủng, M.Duras  đã nhiều lần phải “ra vào” bệnh viện, có lần tưởng bà không thể qua khỏi. Nhưng trước đó chỉ chừng 3 năm thôi, vào khoảng tháng giêng năm 1980, Duras đã bước vào cuộc tình “sét đánh” với một chàng trai (đồng tính) kém mình tới 38 tuổi. Đó là Yann Andréa. Andréa là cái tên do Duras đặt cho “cậu người yêu” của mình khi hai người đã sống chung với nhau. Anh vốn là một sinh viên “sùng bái” Duras đến mê muội. Trong cuốn tiểu sử đồ sộ về M.Duras do Nhà Gallimard xuất bản năm 1998, Laure Adler đã viết: “Marguerite, chắc chị chẳng thể biết được đâu, mối tình cuối của chị, người đàn ông cuối cùng của đời chị, ôm chị trong vòng tay âu yếm. Anh ấy là Yann, nhưng không phải là Yann Andréa. Andréa là tên M.Duras đặt cho anh, tên Thánh của thiên đường Duras”[3]. Về “cuộc tình trời cho này”, ban đầu Duras “giả vờ” lạnh lùng, dè dặt, cũng giống như “cô bé da trắng 15 tuỗi rưỡi” trong tác phẩm Người tình. Nhưng sau đó, bà đã lao vào tình yêu một cách cuồng nhiệt, thậm chí đã có lúc đau khổ vô cùng khi không có Andréa bên cạnh. Có “thiên thần tình yêu” bên cạnh, Duras như khỏe ra, trẻ lại. Và bà lại muốn viết. Bởi viết là lẽ sống trong cuộc đời người phụ nữ đặc biệt này. Ban đầu, Người tình chỉ bắt đầu từ những tấm ảnh. Duras gọi đó là “tấm ảnh nguyên bản”. Trong đó có hình ngôi nhà bốn mẹ con người đàn bà Pháp nghèo khó sống, bức ảnh ngôi trường Duras từng học thời nhỏ, bức ảnh con phà qua sông Mékon, bức ảnh người anh trai với bộ mặt của bóng tối, bức ảnh người anh nhỏ với bộ mặt của thiên thần, bức ảnh chị Đỗ một người giúp việc gia đình, người Việt, bức ảnh Betty Fernandez, một phụ nữ người Mỹ…Trong khi đó lại không có bất cứ dấu vết mối tình nào với người đàn ông giàu có người Hoa. Nhưng Người tình được viết rất nhanh, chỉ trong đúng ba tháng. Sau này khi cuốn sách đã ra đời, rất nổi tiếng, đoạt giải Goncourt, được bán ra tới hơn 20 triệu bản, được dịch ra hơn 40 thứ tiếng…người ta mới giật mình tự hỏi lí do nào đã thúc đẩy M.Duras ở thời điểm tuổi 70 lại có thể nhớ được một câu chuyện tình ở xứ sở xa xôi chi tiết đến như thế. Người tình liệu có phải là một tác phẩm tự thuật? Rất nhiều tờ báo đã phỏng vấn nhà văn về vấn đề này sau khi cuốn sách ra đời. Duras khi thì “lấp lửng”, khi thì thẳng thắn trả lời rằng “Không có câu chuyện về cuộc đời tôi. Cái đó không tồn tại. Nó không bao giờ là trung tâm, không có đường, không có hướng”[4]. Chủ soái trường phái Tiểu thuyết Mới Alan Robbe-Grillet thì khẳng định rằng: “Người tình là một cuốn sách quan trọng đã in tới hai triệu bản (đến thời điểm đó-TH), ta cũng không nên hẹp hòi. Marguerite bậy bạ nhưng đó là một nhà văn lớn. Vâng, đúng như vậy. Bà có một năng khiếu sáng tạo vô cùng thông minh mà bà không hay biết”[5].

Điều nhận xét trên của Robbe-Grillet khiến tôi nhớ lại một câu nói hóm hỉnh của nhà văn Nguyễn Công Hoan: “Tiểu thuyết là một câu chuyện bịa y như thật”. Vậy tại sao chúng ta lại cứ bắt một tác giả tiểu thuyết như Duras phải viết sự thật trong cuốn tiểu thuyết của bà? Người tình, theo tôi hiểu là một kiểu “tự truyện – giả”. Quả là nó đáp ứng được một vài tiêu chí của tự truyện như trong “Quy ước tự truyện” của P. Le Jeune. Trong dó, các nhân vật người mẹ, người anh lớn, người anh nhỏ, và tác giả là có thật. Nhưng, nhân vật chính quan trọng nhất, người tình Trung Hoa, được lấy làm nhan đề cuốn sách thì lại có rất nhiều điểm đáng ngờ (?). Ở thời điểm trước khi Người tình được viết ra (1984), rất ít khi Duras có nhắc đến nhân vật này. Chỉ đến khi tác phẩm được công bố, rất nhiều cuộc phỏng vấn xung quanh nhân vật “đặc biệt” này đặt ra với Duaras, bà mới “tiết lộ” một vài chi tiết “có vẻ như có thật”. Nhưng khi bị dồn phải “bộc lộ sự thật”, thì như chúng ta biết, Duras đã buộc phải nói như chúng tôi đã dẫn ở trên (“Không có câu chuyện về cuộc đời tôi…”).

Động lực nào đã khiến Duras sáng tạo ra nhân vật người tình Trung Hoa trong tác phẩm, trong khi nó lại rất mờ nhạt trong cuộc đời Duras? Chúng tôi cho rằng có lẽ, đó là cuộc tình với Yann Andréa. Mối tình “sét đánh” với chàng trai trẻ kém mình tới 38 tuổi đã “hâm nóng kí ức tình yêu” của Duras. Và chúng ta có thể suy đoán rằng, đã có một sự chuyển hóa ngược giữa mối tình Đông Dương cách đó hơn nửa thế kỉ với mối tình của người đàn bà tuổi 70 và chàng trai trẻ Andréa hiện thời. Duras viết tác phẩm gần cuối cùng của cuộc đời mình như trong một cơn mê sảng. Cuốn sách gần như cũng “tàn phá” sức lực còn lại cuối cùng của bà. Nhưng Duras có lẽ cũng không ngờ rằng đó là cuốn sách thành công nhất và cũng mang lại hạnh phúc lớn nhất cho cuộc đời bà: nhờ có Người tình mà Duras được hàng triệu người đọc trên thế giới biết đến. Với một nhà văn, sẽ chẳng còn có một hạnh phúc nào lớn lao hơn thế.

Cuối thu 2014

Trần Hinh
Nguồn: VHNA


[1]. L’Amant, France Loisirs, Paris, 1985, P.

[2].  Dẫn theo Catherine Bouthors-Paillart, Duras người đàn bà lai, NXB Văn học, H.2006, tr.39

[3]. Dẫn theo Laure Adler, M.Duras, NXB Phụ Nữ, 2007, tr.527

[4]. Dẫn theo L’Amant, France Loisirs, Paris, 1985, Page 120

[5]. Dẫn theo Laure Adler, M.Duras, Sđd, tr.562