Ngày đăng : 19/05/2015

Một cuốn sách ‘hoành tráng’ bên ngoài, sơ sài bên trong


Sách "Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX" của tác giả Lê Thành Khôi viết bằng tiếng Pháp, được dịch ra tiếng Việt và Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành. Với hơn 600 trang sách in khổ lớn (17x25cm), tác giả là một học giả gốc Việt có danh tiếng tại Pháp và được một giáo sư sử học có uy tín trong nước viết lời giới thiệu, quả thật đã làm choáng ngợp độc giả.

Tuy nhiên, nguồn tư liệu trong sách không có gì mới, đã được đề cập quá nhiều trong các sách lịch sử xuất bản tại Việt Nam từ trước đến nay. Cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề của tác giả vẫn theo một khuôn sáo cũ. Chưa kể tác giả đã vướng mắc nhiều sai sót về kiến thức cơ bản hoặc đưa ra những nhận định chủ quan thiếu cơ sở khoa học.

Ở trang 69, khi viết về Vương quốc Văn Lang, tác giả đã bộc lộ sự sai lệch: "Con trai cả của Âu Cơ cai trị Văn Lang với danh hiệu Hùng Vương. Kinh đô vương quốc đặt tại Mê Linh (Phong Châu dưới nhà Đường, ngày nay là Hy Cương trong tỉnh Vĩnh Phú)… Vua đặt các em làm lạc hầu và lạc tướng… các quan nhỏ gọi là bồ chính. Quyền bính được truyền từ cha tới con (phụ đạo)".

Một sự nhầm lẫn tai hại giữa truyền thuyết và sự thật lịch sử. Theo sử sách, thủ lĩnh bộ lạc Văn Lang - bộ lạc hùng mạnh nhất trong 15 bộ lạc của tộc người Lạc Việt sinh sống rải rác trên địa bàn Bắc bộ và Bắc Trung bộ ngày nay - đã thành lập nhà nước Văn Lang, lấy hiệu là Hùng Vương. Hai địa danh hoàn toàn khác nhau: Phong Châu thuộc tỉnh Phú Thọ, Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc (hiện nay thuộc Hà Nội). Nhà nước Văn Lang chia đất nước làm 15 đơn vị hành chính gọi là bộ, tương ứng với từng khu vực sinh sống của các bộ lạc ngày trước; thủ lĩnh bộ lạc tại địa phương được vua phong làm Lạc tướng cai quản trực tiếp bộ đó. Bồ chính hay còn gọi là Già làng là người đứng đầu đơn vị hành chính cấp cơ sở (làng xã) do dân bầu lên.

Ở trang 450, tác giả viết về khởi nghĩa nông dân ở Bắc Bộ vào thế kỷ XIX: "Các lãnh tụ nông dân như Phan Bá Vành lôi kéo hàng mấy chục nghìn người nông dân nghèo khổ cùng với các nhà nho và đã chống cự trong vòng sáu năm với các lực lượng cơ binh trong vùng bờ biển từ Quảng Yên đến Sơn Nam (1821-1827)".

Sự thật cuộc khởi nghĩa do Phan Bá Vành - xuất thân tá điền - lãnh đạo, có các thủ lĩnh xuất thân từ tầng lớp nông dân nghèo hoặc tiểu sử không rõ ràng như Nguyễn Hạnh, Hai Đương…, và chỉ có thêm một võ quan cấp thấp trong quân đội nhà Nguyễn là Vũ Đức Cát gia nhập chứ không có bất cứ nhà nho nào trong hàng ngũ chống lại triều đình này cả. Viết như vậy là một sự "vơ vào", không chính xác.

Ở nhiều chỗ do không chịu tra cứu kỹ nên tác giả chỉ phỏng đoán, như trang 460 khi viết về Nguyễn Trường Tộ: "Từ năm 1863 tới khi qua đời năm 1871, ông gửi không dưới 15 bản điều trần lên triều đình để yêu cầu cải tổ đất nước tận gốc rễ". Sự thật, từ năm 1863 đến trước khi Nguyễn Trường Tộ qua đời ông đã gửi tất cả 68 bản điều trần lên triều đình đề nghị canh tân. Một con số lớn như vậy mà tác giả chỉ nhớ mang máng là "trên 15 bản"(?)

Khi viết về khởi nghĩa Trương Định, tác giả đã có nhận định nhầm lẫn: "Mặc dù bị triều đình Huế giáng chức, người anh hùng vẫn không chịu buông khí giới. Ông tiếp tục cuộc chiến tranh du kích không khoan nhượng chống lại người Pháp dọc theo "mười tám thôn vườn trầu" của Gia Định…" (tr. 468).

Trên thực tế, Trương Định không hề bị triều đình giáng chức mà ngược lại ông được phong chức lãnh binh tỉnh An Giang, nhưng ông không nhận chức vụ mà tiếp tục cùng nhân dân chống Pháp. Ông xây dựng căn cứ kháng chiến tại Gò Công (Tiền Giang), cách khá xa "mười tám thôn vườn trầu" ở Gia Định như tác giả đã viết.

Ở thời điểm vua Tự Đức qua đời (1883) cho đến phong trào Cần Vương (1885 - 1889), tác giả lại tiếp tục sai sót: "Vua Tự Đức qua đời ngày 17/7, tuyệt vọng trước việc di sản quốc gia bị cắt xén. Các quan phụ chính Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đưa hoàng tử Hiệp Hòa lên ngôi" (tr. 476).

Năm 1883, vua Tự Đức qua đời, vì không con nối dõi nên ông để lại di chúc cho người con nuôi là Dục Đức nối ngôi, nhưng ông này chỉ ngồi trên ngai vàng 3 ngày thì bị hai vị phụ chính đại thần là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết phế truất, đưa một vị hoàng thân là Lãng Quốc công Hồng Dật lên ngôi lấy hiệu là Hiệp Hòa. Tác giả muốn "đốt cháy giai đoạn" nên tự tiện cắt xén bớt lịch sử, bỏ qua Dục Đức và đưa thẳng Hiệp Hòa lên ngôi (!).

"Hàm Nghi bị đưa đi đày ở Angiêri, nhưng ngọn lửa kháng chiến còn kéo dài được hơn 20 năm nữa" (tr.484). Thực tế, sau khi vua Hàm Nghi bị Pháp bắt (1888) và đày sang châu Phi, phong trào kháng Pháp kéo dài đến năm 1895 thì chấm dứt với sự thất bại của khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo - cuộc khởi nghĩa cuối cùng trong phong trào Cần Vương. Như vậy phong trào chỉ kéo dài thêm 7 năm nữa mà thôi.

Ở trang 485: "Hoàng Hoa Thám quen gọi Đề Thám lãnh đạo cuộc kháng chiến. Từ căn cứ của ông ở Yên Thế, vị thủ lĩnh dũng cảm, với một nghị lực bất khuất này, mở các cuộc tấn công định kỳ vào các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên và Hưng Hóa…". Tỉnh Hưng Hóa thời phong kiến nhà Nguyễn bao trùm cả khu vực Tây Bắc, thời Pháp thì Hưng Hóa phần lớn thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ ngày nay, cách xa Bắc Giang cả trăm km. Phạm vi hoạt động của Hoàng Hoa Thám chỉ loanh quanh dăm tổng ở huyện Yên Thế (Bắc Giang). Ông làm gì có đủ lực lượng lớn để có khả năng mở rộng địa bàn hoạt động đến một nơi quá xa đại bản doanh như vậy?

Sang phần viết về phong trào đấu tranh đầu thế kỷ XX, nhầm lẫn lại tiếp tục. Ở trang 487 có đoạn viết về Phan Bội Châu: "Đỗ đầu trong khoa thi hội ở Vinh, ông từ chối vị trí dành cho mình… Sau khi đi từ Nam ra Bắc và gặp Đề Thám tại đây, đồng thời nhận ra sự hẹp hòi trong cái nhìn của Đề Thám, ông xuất bản một bài văn đả kích mang tựa đề Lưu cầu huyết lệ tân thư, trong đó miêu tả nỗi nhục của dân tộc". Thi Hội là Đại khoa được tổ chức tại kinh đô Huế để chọn tiến sĩ, phó bảng. Ở Nghệ An chỉ có thi Hương để chọn cử nhân, tú tài. Phan Bội Châu đỗ Giải nguyên (Cử nhân thủ khoa) tại trường thi Nghệ An năm Canh Tý (1900). Ông viết "Lưu Cầu huyết lệ tân thư" nhằm kích thích lòng yêu nước, kêu gọi nhân dân đấu tranh chứ không phải mục đích đả kích Đề Thám.

Ở trang 490, tác giả có đến mấy sai sót: "…một vụ âm mưu nổi dậy ở Nam Kỳ với Gilbert Chiếu được ghi nhận năm 1913", "…tháng 3-1915, Nguyễn Hải Thần từ Quảng Tây tìm cách hạ đồn Tà Lùng (Lạng Sơn) nhưng đã bị đẩy lui", "Mặc dầu bị tra tấn, Lương Ngọc Quyến vẫn cố tìm cách lên tinh thần các bạn hữu và lôi kéo đội dân quân tự vệ", "…Trịnh Văn Cấn vào bưng ở Yên Thế, lãnh thổ của Đề Thám xưa, cầm cự trong nhiều tháng trước khi ngã gục", "Chính vào năm 1917 này, Quảng Châu nổi dậy chống lại chính quyền Bắc Kinh và sự trở lại của Tôn Dật Tiên khiến Phan Bội Châu được thả tự do. Nhưng chẳng có mấy hy vọng ở châu Âu. Ông tiếp tục cuộc sống nay đây mai đó tại Trung Quốc, Nhật Bản và Xiêm, viết báo để kiếm sống" v.v…

Sự thật, Trần Chánh Chiếu là một nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động dân chủ ôn hòa chứ không theo xu hướng bạo động nên không có âm mưu nổi loạn. Tác giả nhầm với vụ nổi loạn năm 1913 ở Nam Kỳ do Phan Xích Long chủ trương. Đồn Tà Lùng thuộc Cao Bằng chứ không phải Lạng Sơn. Lương Ngọc Quyến lôi kéo đội lính khố xanh (lính địa phương người Việt thời Pháp thuộc bảo vệ trị an trong một tỉnh) chứ không phải là dân quân tự vệ.

Trịnh Văn Cấn chống trả không nổi với binh lực Pháp đã rút quân khỏi thị xã Thái Nguyên về vùng Tam Đảo, giáp tỉnh Vĩnh Yên thời bấy giờ; sau đó quay sang Đại Từ (Thái Nguyên) rồi thế cùng lực kiệt phải tự sát để khỏi rơi vào tay giặc, chứ ông không vào bưng Yên Thế là lãnh thổ của Đề Thám ngày trước. Kể từ năm 1917 cho đến khi bị bắt vào năm 1925, Phan Bội Châu hoạt động cách mạng ở Trung Quốc chứ không sang Xiêm hoặc Nhật Bản...v.v…

Nguồn tư liệu quá lạc hậu, cách viết vắn tắt sơ lược, lại vướng mắc rất nhiều sai sót về kiến thức cơ bản mà ở trên chúng tôi chỉ nêu ra một số ít. Vì vậy, nhãn, mác bề ngoài trông rất hấp dẫn, cuốn sách vẫn không giúp ích gì được cho thực chất sơ sài ở bên trong.

Phú Trường
Nguồn: CAND