Ngày đăng : 27/03/2015

Đại diện hai nền văn hóa


Nhà văn mang hai dòng máu Đức và Iraq Sherko Fatah giành chiến thắng giải thưởng văn học uy tín Adelbert-von-Chamisso năm nay. Tác phẩm của ông gắn kết hai nền văn hóa, miêu tả về sự tàn bạo của chiến tranh, thể hiện khát vọng hòa bình và lòng nhân đạo.


Tiểu thuyết tiếng Đức Chốn tận cùng gây tiếng vang

Giải thưởng Adelbert-von-Chamisso hàng năm tôn vinh tác phẩm của một tác giả “viết bằng tiếng Đức, văn chương chịu ảnh hưởng bởi biến động văn hóa”, thuộc quỹ Robert Bosch, bắt đầu từ năm 1985. Fatah được tôn vinh trong lễ trao giải thưởng uy tín này vào tối hôm thứ năm ngày 5.3.2015 ở Munich.

Sherko Fatah sinh năm 1964 ở Đông Berlin, cha thuộc tộc người Kurd ở Iraq và mẹ người Đức. Năm 1975, gia đình chuyển đến Tây Berlin, Fatah theo học triết học và lịch sử nghệ thuật. Sherko Fatah đã được tôn vinh nhiều lần như giải thưởng Chuyên đề văn học Berlin năm 1999, giải Aspekte năm 2001, giải của hội đồng phê bình chuyên biệt Berlin cho tác phẩm đầu tay xuất sắc năm 2002, giải Alfred Doblin năm 2003, giải Hilde Domin cho văn chương lưu vong năm 2007…

Mặc dù giải thưởng Adelbert-von-Chamisso dựa trên toàn bộ sự nghiệp sáng tác tới nay, Fatah được đánh giá cao đặc biệt ở tiểu thuyết mới nhất Der letzte Ort (Chốn tận cùng), kể câu chuyện về người đàn ông Đức tham gia tổ chức phi chính phủ tên Albert và thông dịch viên địa phương tên Osama bất ngờ bị tấn công và bắt cóc ở Iraq. Thoạt nhìn như một cuộc tấn công tự phát, tiến triển thành cuộc phiêu lưu ác mộng qua Trung Đông. Cuộc phiêu lưu càng kéo dài thì hai người càng nghi kỵ và mâu thuẫn. Bọn bắt cóc quay video, Albert lo sợ ông sắp bị hành hình. Nhưng hai người đàn ông bất ngờ thoát khỏi hang hùm, bước ngoặt này mới chỉ là khởi đầu cuộc trốn chạy ngoạn mục của họ. Albert và Osama tách hướng, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Có thể an toàn vì tiếp cận được dân địa phương, nhưng Osama dằn vặt nội tâm. Albert trốn vào một cái hang và hầu như trơ trọi, cố gắng tìm cách tồn tại. Ban đầu, Albert có vẻ là tù nhân “có giá trị”, có khả năng sống sót nhiều hơn, nhưng giờ thì ngược lại, Osama có triển vọng hơn hẳn. Trốn thoát, Albert và Osama gặp lại.

Cuốn tiểu thuyết căng cứng tình tiết ngàn cân treo sợi tóc hồi hộp rợn người. Albert và Osama như đại diện của hai nền văn hóa, ngôn ngữ khác biệt, thể hiện thật nhạy cảm và sắc nét qua đối thoại lẫn suy tưởng nội tâm, khiến độc giả say sưa dõi theo số phận của họ. Đặt họ giữa lòng chảo nóng bỏng chiến tranh và khủng bố Trung Đông, nhưng dụng ý nghệ thuật của nhà văn Sherko Fatah thúc đẩy cuộc đấu tranh khác. Cuộc đấu tranh không chỉ với kẻ thù là bọn khủng bố cực đoan, mà là cuộc đấu tranh với chính bản thân, với sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo và bản năng sống còn. Albert và Osama là hai cá thể, nhưng là hai cá thể cộng đồng. Trên hết, họ là con người.

Hội đồng giám khảo tuyên bố rằng tác phẩm của Sherko Fatah “làm giàu tác phẩm văn học liên văn hóa qua sự mô tả trung thực về chiến tranh và khủng bố tàn nhẫn”, đặc biệt ấn tượng bởi “suy nghĩ sâu sắc và hy vọng của các nạn nhân tội ác vô nhân đạo về một thế giới hòa bình và nhân đạo không bao giờ có thể dập tắt”. Bên cạnh diễn biến câu chuyện và tâm lý li kỳ, nhà văn gánh trên vai hai nền văn hóa Tây Âu và Trung Đông Sherko Fatah đã nhiệt thành cống hiến cho độc giả một thế giới quan, nhân sinh quan đa diện, phản ánh thực tại và ít nhiều mang tính dự đoán diễn biến văn hóa, chính trị tương lai. Tờ báo Jüdische Zeitung của người Đức Do Thái không tiếc lời ngợi ca: “Sherko Fatah là may mắn cho nền văn chương Đức”.

Ngoài giải chính với khoản tiền thưởng 15.000 euro, còn có hai giải khuyến khích trị giá 7.000 euro được trao cho nhà văn nữ Olga Grjasnowa với tiểu thuyết thứ hai Die juristische Unscharfe einer Ehe (Pháp lý mờ nhạt của một cuộc hôn nhân), và nhà văn nam Martin Kordic với tiểu thuyết đầu tay Wie ich mir das Glück vorstelle (Hạnh phúc tưởng tượng thế nào).

Tri Sơ tổng hợp
Nguồn: NĐB