Ngày đăng : 27/03/2015

Hai tác phẩm kinh điển của Nga, Ấn Độ được in lại


"Trên mảnh đất người đời" và "Mùa tôm" là hai tác phẩm nổi tiếng, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, vừa xuất hiện trở lại trên kệ sách trong nước.

Tủ sách Tinh hoa Văn học của Phương Nam Books vừa giới thiệu đến độc giả  hai đầu sách nổi tiếng của nhà văn Ấn Độ Pillai (Thakazhi Sivasankara Pillai: 1912 - 1999) và nhà văn Nga Anatôli Xtêpanôvits Ivannôp (sinh năm 1928). Hai tác phẩm này được in vào những năm 1980 và mau chóng được bạn đọc Việt Nam yêu thích trong suốt thời gian dài. Việc xuất bản lại các tác phẩm kinh điển cũng là cách góp phần làm lan tỏa thêm những giá trị văn học được chứng minh qua thời gian.

Tác giả Pillai là trưởng lão của văn chương xứ Kerala, Ấn Độ với các tác phẩm viết bằng ngôn ngữ Malayalam. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Mùa tôm (Chemmeen) đoạt giải thưởng của Viện Hàn lâm Ấn Độ (Sahitya Akademi) vào năm 1957, được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới và được chuyển thể thành phim.

Câu chuyện trong Mùa tôm diễn ra ở một làng chài phương Nam, rất gần làng Thakazhi của tác giả, "được Pillai thể hiện tài tình từ thiên nhiên đến con người qua một tình yêu bi kịch, một bi kịch đạt đến tầm u huyền bi thiết nhất... Ngòi bút Pillai lướt nhanh, dường như nhẹ nhàng nữa nhưng tràn đầy khí lực, ngôn ngữ như dậy vang tiếng bi thương của đời, của đêm tối, biển khơi và giông tố...", nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nhận xét.

Đó là tình yêu của Karuthamma, cô con gái của một ngư phủ Hindu đầy tham vọng và Parikutti, con trai của một thương gia buôn tôm cá Hồi giáo. Tôn giáo, tập quán, niềm tin truyền thống tiền bạc và cả Nữ Thần Biển Kadalamma khó tính dễ cuồng nộ bắt đầu thổi qua tình yêu đầu đời của họ. Có thể nhìn thấy bi kịch ngay từ ban sơ và biết rõ thảm họa sẽ không buông tha họ cho dù nó trì hoãn đến đâu. Cuối cùng họ gặp nhau trên bờ biển, trong giông tố nộ cuồng để hoàn tất bi kịch của mình.

Còn Anatôli Ivannôp là một tác giả tài năng của nền văn học Nga. Truyện Trên mảnh đất người đời được đánh giá là một trong những truyện hay nhất và có ý nghĩa xã hội nhất trong nền văn học Xô Viết cũ. Câu chuyện xoay quanh số phận của một con người, tuy phải trải qua những cảnh ngộ hết sức éo le, vẫn giữ được bản chất nhân hậu và độ lượng, giữ được lòng tin vào tình yêu, vào cuộc sống, tin vào một xã hội công bằng.

Cuốn sách như được gói trong một không khí phũ phàng của cái ác và bất hạnh lồng trong một điều gì đó giống như là "tình yêu tam giác". Hai người đàn ông rất khác nhau về tính cách cùng quan hệ với một phụ nữ, một nàng Maria bình thường trong vô số nàng Maria trên đời. Và một người đàn ông bị kẻ kia hãm hại tàn độc phải vào tù, mất Maria và mọi thứ trên đời, gần như mất cả niềm tin đối với con người. Anh ta phải làm gì trong quãng đời hiu quạnh và ngang trái còn lại từ đây khi mà đã tắt hết mọi niềm hi vọng?

Trong lời giới thiệu dành cho cuốn sách này, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho rằng: "... cái không khí phũ phàng đó được A. Ivanov tạo dựng bằng một ngôn ngữ giàu biểu tượng với hình ảnh của sương mù và băng giá. Thiên nhiên có thể nguy hiểm nhưng chưa chắc nguy hiểm bằng con người. Thiên nhiên có thể lừa mị, có thể 'bịp' như nhân vật chính nói ngay từ đầu truyện nhưng chưa là gì so với con người.. Vậy mà con người, trong tác phẩm của những nghi vấn muôn đời này của Ivanov vẫn hiện ra với nhiều chiều kích lạ lùng, một nhân dạng luôn cần được khám phá qua sử thi và bi kịch, qua tội ác và tinh thần nhân văn mà một tác giả xứng đáng phải biết soi chiếu nó".

Bạch Tiên
Nguồn: VnExpress